Trái tim biết sẻ chia
 

Y sĩ Vừ Thị Chứ: “Bác có thấy thoải mái hơn không ạ?”.

Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của y sỹ Vừ Thị Chứ tại bản Bó, phường Chiềng An, TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) vào buổi chiều cuối năm hanh hao nắng vàng. Ngôi nhà lợp ngói 2 gian đơn sơ giản dị nép mình sau rặng cây xanh mát thật yên bình. Chứ vừa trò chuyện vừa khám bệnh cho bà con trong bản. Miệng nói tay làm, cô liên tục hỏi han và động viên người bệnh. Ngôi nhà xinh xắn không có vật dụng đắt tiền, chỉ bộ bàn ghế thô mộc giản đơn đã trở thành địa chỉ tin cậy và quen thuộc của bà con trong vùng và các huyện lân cận. Ngoài giờ làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền, Chứ đến tận nhà điều trị, hoặc bà con tìm đến. Người được châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, người được tiêm thuốc. Cô làm với tất cả nhiệt tâm, với lòng yêu nghề và tình thương yêu bà con nghèo nơi đây. Vì cô hiểu, họ đều không đủ tiền để điều trị ở những bệnh viện lớn… Y sỹ Vừ Thị Chứ đã trở thành cái tên quen thuộc và yêu thương với nhiều người dân trong vùng…

Chứ sinh ra trong một gia đình người Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Pá Chả, xã Co Mạ (Thuận Châu - Sơn La). Đôi chân Chứ di chuyển rất khó khăn do di chứng của căn bệnh bại liệt từ nhỏ. Nhìn bạn bè đồng trang lứa tung tăng đến trường, cô bé Chứ ngày đó thèm lắm. Nên dù phải vượt qua cả con đường dài vắt ngang sườn núi trước bản để đến trường, cô cũng không nản. Càng đi học, Chứ càng ham thích, càng thấy muốn có được nhiều cái chữ vào người, để biết được sau rặng núi cao ngút ngát, vút tầm mắt kia, Tổ quốc Việt Nam to đẹp dường nào. Và cô bé cũng muốn biết, muốn hiểu tại sao đôi chân của mình không di chuyển nhanh nhẹn được như các bạn... Ngày ấy, ở xã vùng cao như Co Mạ, chuyện các bé gái được đi học vốn không nhiều. Ham học, Chứ một mực xin bố mẹ cho xuống trường PTDT Nội trú huyện Thuận Châu để học. Thấy con gái quyết tâm, thương con vô hạn, bố mẹ Chứ cho Chứ đến trường. Quên sao được những khó khăn trong suốt những năm tháng xa nhà đằng đẵng... Kể lại những tháng ngày đó, mắt Chứ vẫn còn ngân ngấn nước: “Ngày ấy em còn bé quá, chân lại có tật, đi lại khó khăn. Cả tháng hoặc hơn bố hay người nhà mới mang gạo xuống 1 lần, mà toàn đi bộ thôi. Đường từ nhà em đến huyện xa hơn 30 cây số. Em thì không thể về nhà được, người lành lặn đi còn khó, huống chi em… Cuối tuần, có bạn được bố mẹ đón về nhà hoặc xuống thăm. Còn em cùng một số bạn ở lại trường phân công nhau chăm sóc mảnh vườn nhỏ gần ký túc xá để có rau ăn hằng ngày”.

Càng nhớ nhà, Chứ càng thêm quyết tâm học tập. Chứ kể: “Ngày trước, mỗi lần qua nhà bà nội, thấy bà hay đau người, em lại xoa bóp chân, tay và lưng cho bà. Bà bảo tay em mềm mại, xoa bóp dễ chịu lắm, chắc tay này làm y tá chăm sóc người ốm thì thích lắm!” Rồi bà bảo Chứ nên làm nghề y để chữa bệnh cho bà con dân bản mình. Vậy là em mơ ước theo nghề y. Tốt nghiệp THPT, Chứ quyết tâm và thi đỗ vào Học viện Y học, dược học cổ truyền như một kết quả bù đắp chuỗi ngày vất vả học tập ấy.

Năm 2006, tốt nghiệp Học viện, Chứ được nhận công tác tại Khoa châm cứu Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Với nghị lực vươn lên, Chứ không ngừng học hỏi đồng nghiệp. Mỗi khi tiếp xúc với bệnh nhân, Chứ luôn tâm niệm: Đến với người bệnh như đến với người nhà của mình. Bởi chính bản thân Chứ đã và đang phải vượt khó trên đôi chân không lành lặn. Chứ chia sẻ với những nỗi đau người bệnh bằng một cảm thông chân thành. Tình yêu nghề nghiệp và trái tim biết sẻ chia đã được truyền qua đôi tay, giúp xoa dịu những đau đớn, mệt mỏi của bệnh nhân. Chứ hào hứng nói: “Đôi chân không lành lặn, nhưng mình còn đôi tay. Còn đôi tay có thể làm nhiều thứ. Nhìn bệnh nhân đau đớn, em cảm nhận được rõ ràng như chính nỗi đau của mình. Vì thế, em đã cố gắng quan sát, rèn luyện đôi tay thật nhiều để khi châm cứu, mũi kim không làm bệnh nhân đau, khi bấm huyệt và xoa bóp mang lại sự ấp áp và dễ chịu”. Nhìn Chứ điều trị cho bệnh nhân, thấy rõ Chứ đã làm được điều đó. Chứ dồn tất cả tình yêu thương cho người bệnh và dồn kiến thức y học vào đôi bàn tay của mình.

Cùng Chứ đi trên con đường gần 3km từ nhà đến bệnh viện nơi Chứ làm việc, chúng tôi lại được nghe câu chuyện khác về nghị lực trên đôi chân tật nguyền của chị. 3km đường đối với người bình thường có thể là chuyện nhỏ. Song với Chứ lại là chuyện lớn. Sống tự lập từ nhỏ, nhà quá nghèo, Chứ phải ở nhờ nhà người quen, vì vậy, mua xe đạp cũng trở nên xa vời. Để kịp giờ làm, Chứ chỉ có cách đi bộ. Cứ 5 giờ sáng Chứ đã dậy và bắt đầu hành trình. Ngày nắng đã không dễ dàng, ngày mưa gió rét thực sự là thử thách. Có lần, dù đã cố gắng đến kiệt sức, nhưng do thời tiết xấu, đường trơn ngoài sự tưởng tượng, Chứ xoay sở đủ cách vẫn không đến kịp giờ giao ban. Cô như muốn bật khóc trước sự bất lực của mình, dù đồng nghiệp cũng hiểu, thông cảm. Dù được lãnh đạo bệnh viện tạo điều kiện nhưng Chứ vẫn không muốn bị coi là khác biệt, đối xử với một chế độ khác. Vì thế, Chứ vẫn chủ động xin được trực ca đêm như mọi y tá, y sĩ khác. Bệnh nhân điều trị tại khoa châm cứu - bệnh viện Y học Cổ truyền phần lớn là những người tuổi đã cao, sức đã yếu và đều cần được chăm sóc đặc biệt. Họ vào đây với rất nhiều bệnh tật như tim mạch, huyết áp, đau dây thần kinh v.v., nhiều cụ không còn minh mẫn, vận động khó khăn, không đi lại được, các y, bác sỹ trong khoa phải tận tình chăm sóc, nâng giấc chu đáo. Với y sỹ Chứ, dù đi lại khó khăn, cô vẫn chăm sóc chu đáo, tận tình. Đôi bàn tay mềm mại của cô cùng những mũi kim châm cứu chuẩn xác đã xoa dịu, bớt đi những nỗi đau của người bệnh. Từng động tác nhẹ nhàng, những lời động viên, dặn dò ân cần, chu đáo chính là liều thuốc hiệu quả mà Chứ luôn dành cho các bệnh nhân điều trị tại khoa. Trò chuyện với ông Quàng Văn Chung đến từ bản Nà Hốc, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, ông cho biết: “Tôi bị tai biến mạch máu não, nhà lại xa nên con cháu cũng chẳng chăm nom được. Nhưng điều trị ở đây yên tâm lắm. Các bác sỹ rất chu đáo, nhất là chị Chứ rất quan tâm, động viên, chữa trị nhiệt tình. Bệnh giờ cũng đã đỡ nhiều phần rồi”…

Các y, bác sỹ trong Khoa Châm cứu rất tin tưởng, quý mến khi nói về Chứ. Bác sỹ Phạm Thị Xuân, Trưởng Khoa Châm cứu - Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La cho chúng tôi biết: “Y sỹ Vừ Thị Chứ kém may mắn hơn mọi người nhưng đã vượt lên tật nguyền. Trong công tác Chứ luôn học hỏi mọi người và cầu thị. Chứ luôn trau dồi y đức phục vụ bệnh nhân tận tình chu đáo; không quản ngại khó khăn. Dù bị liệt một bên chân nhưng Chứ vẫn trực đêm bình thường như những người khác và luôn được đồng nghiệp trong Khoa tin tưởng và yêu mến. Các bệnh nhân rất tin tưởng khi được Chứ chăm sóc và điều trị”.

Đôi bàn chân Chứ đã nhiều lần bỏng rát, rộp lên vì đi bộ đường xa, giờ đã chai sần. Nhưng đầu năm 2011, vợ chồng Chứ đã dành dụm mua được chiếc xe đạp điện. Hơn 1 tháng kiên trì tập luyện, từ đơn giản là dắt xe cho thành thục, rồi đến việc ngồi lên và chinh phục nó là cả một quá trình. Với sự giúp đỡ của chồng, dần dần Chứ đã điều khiển được chiếc xe. Hành trình đi làm đỡ vất vả hơn trước.

Những nỗ lực vượt bậc của Chứ đã được tổ chức ghi nhận. Tháng 3-2011, Vừ Thị Chứ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, là một trong những đảng viên trẻ nhất của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Kể về chuyện này Chứ xúc động lắm. “Trước hôm làm lễ tuyên thệ để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, em đã thao thức, mất ngủ. Vì đây là một vinh dự lớn. Em thấy, các cô các chú, các anh chị trong viện đã tin tưởng mình, tạo điều kiện để mình được học tập, rèn luyện, và nay lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng, em thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Bác Hồ đã dạy: Lương y như từ mẫu - tức là những y, bác sỹ như chúng em phải chăm sóc người bệnh với tấm lòng của người mẹ. Em sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa để làm như lời Bác Hồ dạy, xứng đáng là người đảng viên trẻ được đồng nghiệp và bệnh nhân tin tưởng”.

“Cô y sỹ mát tay châm cứu” đã trở thành tên gọi thân thuộc của y sỹ Vừ Thị Chứ mà các đồng nghiệp tại Khoa Châm cứu và bệnh nhân dành cho cô. Tận tuỵ với công việc, tận tâm với bệnh nhân, ít nói về mình nhưng chúng tôi biết, Chứ đã và đang lặng lẽ viết nên một câu chuyện cảm động về nghị lực vượt khó tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sơn La. Cùng với các đồng nghiệp của mình, Chứ đã và đang làm sáng thêm những chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng các y bác sỹ: “Lương y như từ mẫu”.

Phản hồi (1)

Nguyễn Hải Hạnh 24/02/2012

Một tấm gương rất đảng khâm phục. Bài viết tốt.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất