Người bí thư gương mẫu nơi biên cương
Bí thư Pờ Dần Sinh với mô hình kinh tế trang trại phát triển kinh tế gia đình

Đồng chí Trần Trí Toàn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé, người đã gắn bó gần 30 năm với Mường Tè trước đây và Mường Nhé hiện nay bảo với tôi: Từ huyện lỵ đi tiếp gần 60 km, lên Sín Thầu, xã biên giới Trung - Việt - Lào, anh sẽ được nhân dân kể cho nghe về Pờ Dần Sinh, một đảng viên tiêu biểu nơi biên cương Tổ quốc. Chúng tôi hăm hở lên đường…

Tiên
phong trong “cuộc chiến” chống ma túy

Sính Thầu ngày xưa, đi bộ từ thôn, bản về xã mất từ một đến hai ngày đường, từ xã về huyện mất hằng tuần liền, mùa mưa khi nước lũ lên cao phải dùng bè mảng để qua suối. Những năm 90 trở về trước, diện tích trồng cây anh túc đến vài chục héc ta, số người nghiện trong xã lên tới hơn 120 người. Đói nghèo ở Sín Thầu có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân số một là do ma túy.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Sín Thầu, thấu hiểu được sự vất vả, lam lũ, nghèo khó, cộng với nạn ma túy cùng các hủ tục lạc hậu bao đời nay đã thôi thúc Pờ Dần Sinh vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Việc đầu tiên anh xác định là phải tập trung vào “cuộc chiến” chống ma túy. Đây là một cuộc chiến vô cùng khó khăn, phức tạp, có khi phải trả bằng máu. Tuyên truyền, giáo dục quyết liệt, bền bỉ, lâu dài trong nhiều năm, Pờ Dần Sinh cùng cấp ủy, chính quyền và bà con dân bản đã chiến thắng được ma túy. Hiện nay, Sín Thầu không còn người nghiện, hút, không còn nạn mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Là người có "thâm niên" nghiện hàng chục năm nhưng đã cai nghiện thành công, nay trở thành Phó chủ tịch HĐND xã, đồng chí Mạ Pó Tư tâm sự: Cuộc chiến chống ma túy ở Sín Thầu thắng lợi có vai trò tiên phong của Pờ Dần Sinh, khi đó là Phó chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã.

Trên mặt trận chống đói nghèo    

Cuộc chiến chống ma túy thành công, trăn trở trước thực trạng đói nghèo của đồng bào các dân tộc trong xã, Chủ tịch UBND xã Pờ Dần Sinh bắt tay đi tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo. Làm thế nào để phát triển kinh tế vùng biên? Câu hỏi làm cho Pờ Dân Sinh nhiều ngày trăn trở.

Cùng cấp ủy, chính quyền, Pờ Dần Sinh xác định phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp là chìa khoá để đồng bào các dân tộc Hà Nhì từng bước ra khỏi đói nghèo, lạc hậu. Anh đã cùng lãnh đạo xã vận động đồng bào sử dụng giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi; khai hoang gần 30 ha ruộng ven suối để tăng diện tích cấy lúa nước; phục hóa 40 ha đất trống, đồi trọc để trồng lúa nương, ngô và đậu tương. Bên cạnh đó, phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông - khuyến ngư của huyện tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh cây lương thực và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản cho các hộ gia đình; gieo cấy hơn 160 ha giống lúa chất lượng cao IR64, TH1 và Bắc thơm, thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và giống lúa địa phương. Nhờ vậy năng suất lúa vụ mùa đạt hơn 45 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực đạt gần 600 tấn, lương thực bình quân đạt 436 kg/người/năm. Đảng ủy, chính quyền xã Sín Thầu còn đề nghị ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho nhân dân vay vốn và hướng dẫn để nhân dân có vốn phát triển sản xuất. Nhờ vậy, đời sống nhân nay đã được cải thiện.

Đến thăm gia đình anh, tôi tận mắt chứng kiến một vạt rừng gần 10 ha chuối tiêu hồng, 47 ha keo tai tượng và thông đang lên xanh tốt; khu chăn nuôi với 20 con trâu, bò và 4 ao cá có diện tích gần 4.000m2. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hằng trăm triệu đồng. Kinh tế trở thành "điểm tựa" vững chãi để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao, dân giao. Anh nhắc lại câu tục ngữ "Miệng nói không bằng tay làm" của người dân nơi đây cho tôi nghe ngầm ý nói rằng để thuyết phục đồng bào thì lãnh đạo không chỉ miệng "nói" mà quan trọng hơn cả là tay phải "làm". Đó là cách tuyên truyền, vận động cụ thể, thiết thực, hiệu quả với đồng bào trong xã.   

Xung kích bảo vệ an ninh biên giới

Sín Thầu có diện tích tự nhiên hơn 16 ngàn ha với một màu xanh trùng điệp ngút ngàn, trong đó hơn 10 ngàn ha là rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên - tài sản quý của quốc gia được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Hỏi về bí quyết bảo vệ rừng, Pờ Dần Sinh cho biết: Khu bảo tồn quý giá này được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sính Thầu coi là cơ thể sống, gắn bó máu thịt với mỗi người nên việc bảo vệ rừng đã trở thành ý thức tự giác của mọi người dân. Sính Thầu là xã có 18km đường biên giáp với Lào và 38,5km giáp với Trung Quốc.

Nhiều năm, cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong xã, nay trên cương vị Bí thư, Pờ Dần Sinh tích cực tuyên truyền, vận động 240 hộ dân thuộc 6 bản trong xã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải, Trạm kiểm soát biên phòng ngày đêm giữ gìn, tham gia tự quản cột mốc biên giới. Anh đã nhiều lần cùng bộ đội biên phòng phát hiện, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc vi phạm như vượt biên trái phép, buôn lậu... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, biến Sín Thầu trở thành xã "4 không" của huyện Mường Nhé: không nghiện hút, không mua bán, tàng trữ ma túy; không đốt phá rừng; không di, dịch cư tự do; không theo Vàng Chứ.   

Trưởng thành từ Bí thư Đoàn xã, Trưởng ban Văn hóa, Xã đội trưởng, Phó chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã, hiện nay trên cương vị Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, gần 30 năm công tác, bám trụ, gắn bó nơi biên cương, Pờ Dần Sinh đã được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên tặng nhiều Bằng khen và Huy chương Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới.   

Về Sín Thầu hôm nay, dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng đã có đường ô tô lên biên giới; dù chưa phải đã hết nghèo nhưng cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã bước đầu khởi sắc; chủ quyền an ninh biên giới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Trong thành quả chung ấy có sự đóng góp của Pờ Dần Sinh, người đảng viên dân tộc Hà Nhì gương mẫu, đi đầu, năng động, trách nhiệm. Anh được bà con nơi đây gọi bằng cái tên trừu mến: Người bí thư gương mẫu nơi biên cương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất