Bác sĩ Miêu Tiểu Chông với củ nghệ vàng
Miêu Tiểu Chông là bác sĩ người dân tộc Chăm (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, nhưng với những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống,  đến nay bác sĩ Chông đã trở thành một Tiến sĩ Y học, Bác sĩ cao cấp và hiện đang là Phó giám đốc bệnh viện đa khoa khu vực bắc Bình Thuận.    
Là một bác sĩ giỏi về Tây y, chuyên khoa ngoại nhưng bác sĩ Chông rất say mê nghiên cứu và đã ứng dụng hiệu quả nhiều bài thuốc dân tộc. Một trong những ứng dụng đó là công trình nghiên cứu cùng với Giáo sư Lê Văn Điển - giảng viên Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh về tác dụng của củ nghệ vàng với việc dưỡng da cho phụ nữ. Trong cuộc hội thảo của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận về tác dụng của củ nghệ vàng, bản báo cáo khoa học của bác sĩ Miêu Tiểu Chông đã được các đại biểu đánh giá cao. Nghiên cứu về củ nghệ vàng, mục đích của bác sĩ Chông là muốn tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh cổ truyền của người Chăm, từ đó kế thừa và phát triển.
Củ nghệ vàng là một loài cây rất quen thuộc ở Việt Nam, dễ trồng, dễ kiếm, nhiều tác dụng và sử dụng lại rất an toàn. Người phụ nữ Chăm từ xa xưa đã biết sử dụng củ nghệ vàng để giữ cho làn da mịn màng, ít nám, không ngứa và được lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào nghiên cứu, kiểm nghiệm thật sự khoa học, đầy đủ và thuyết phục về tác dụng này. Với thực tế đó, cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, bác sĩ Miêu Tiểu Chông đã cùng Giáo sư Lê Văn Điển bắt tay nghiên cứu. Công trình được thực hiện công phu trong nhiều năm, trên vùng lãnh thổ rộng, trải dài từ Trung Trung bộ đến Nam bộ với 1.290 phụ nữ người Chăm đã lập gia đình, sinh con tự nguyện tham gia.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, dùng nghệ tươi giã nhỏ, hòa với một ít muối và nước (hoặc rượu), thoa lên da sẽ có tác dụng dưỡng da rất hiệu quả. Sau khi thoa nghệ 1 tháng, đã có 91,4% chị em bớt nám da mặt, không ngứa và không để lại sẹo; 6,07% còn nám da kéo dài một thời gian sau và 2,53% không dùng thường xuyên thì vẫn còn ngứa và để lại nám trên mặt. Bài thuốc này có tác dụng thiết thực bởi người phụ nữ khi mang thai và sau khi sinh thường bị sạm da ở mặt, da rạn gây ngứa và khó chịu. Có người da sẽ trở lại bình thường, nhưng cũng có nhiều người phải 1 năm sau hoặc lâu hơn mới phai bớt. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định cách dùng nghệ vàng của bà con người Chăm để bảo vệ da sau khi sinh là bài thuốc cổ truyền có tác dụng tốt, cần được phát huy và phổ biến rộng rãi.
Kết quả của công trình nghiên cứu này có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của y học nước ta. Với bác sĩ Chông, đó là kết quả của niềm say mê, tài năng trí tuệ, là sự kết hợp nhuần nhuyễn những hiểu biết về y học hiện đại và y học cổ truyền. Tôi từng hỏi bác sĩ Miêu Tiểu Chông: “Giữa nghiên cứu khoa học và áp dụng vào thực tiễn bao giờ cũng có khoảng cách khá xa. Vậy làm thế nào để củ nghệ vàng của anh trở thành một mỹ phẩm thân thiết của chị em phụ nữ?”. Anh mỉm cười trả lời: “Ở nông thôn thì trồng dễ lắm, nhưng ở đô thị thì chỉ cần một chậu cảnh là ta đã có ngay một mỹ phẩm không mất tiền và rất an toàn. Vấn đề là phải tuyên truyền cho thật tốt”. Và theo anh, dù khoa học có phát triển đến đâu chăng nữa thì ngành Y tế Việt Nam, người Việt Nam vẫn luôn luôn quý trọng, kế thừa và phát huy những giá trị y học cổ truyền của dân tộc.
Lần gặp bác sĩ Chông ở Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số của tỉnh (tháng 12 năm 2009), tôi hỏi: “Vừa làm lãnh đạo, vừa làm công tác chuyên môn, anh lấy đâu ra thời gian để  nghiên cứu các đề tài khoa học?”. Anh vui vẻ trả lời: “Khi đã quyết tâm theo đuổi đề tài, thì dù bận mấy cũng sắp xếp được. Tất nhiên là mình phải chịu cực một chút”. Cũng đại hội lần ấy, khi anh lên báo cáo thành tích, cả hội trường đã dành cho anh những tràng pháo tay thật dài. Sau Đại hôi, anh vinh dự được bầu làm đại biểu ra dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc ở Thủ đô Hà Nội.
Vừa là Phó giám đốc vừa là Phó bí thư Đảng uỷ của bệnh viện, vừa làm công tác chuyên môn lại vừa nghiên cứu khoa học, đảm nhiệm nhiều vai trò nhưng bác sĩ Miêu Tiểu Chông luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, xứng đáng là một đảng viên tiên phong gương mẫu. Với những thành tích và cống hiến, năm 2010, bác sĩ Miêu Tiểu Chông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huy chương Đại đoàn kết dân tộc. Bác sĩ Miêu Tiểu Chông đang là ứng cử viên Hội đồng nhân dân tỉnh của kỳ bầu cử sắp tới.

Phản hồi (1)

Dương Hồng Quảng 04/05/2011

Một người đảng viên như bác sỹ Miêu Tiểu Chông rất nên bỏ phiếu bầu làm đại biểu HĐND tỉnh để bảo vệ lợi ích người dân vì qua cách làm là thấy rõ bác sỹ là người rất tốt. T ạp chí Xây dựng Đảng rất kịp thời đăng tấm gương này.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất