Miệng nói tay làm
Bác Cảm nuôi ong để có thêm thu nhập.

Cõng chữ lên non

Là người con của đất Kinh Bắc, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, mang theo hoài bão tuổi trẻ, năm 1967 thầy giáo Phạm Huy Cảm cùng 11 người bạn của mình đã lên đường mang con chữ đến với những thôn, bản vùng cao xa xôi của tỉnh Lào Cai. Mấy chục năm dạy học, trải qua biết bao khó khăn, nhọc nhằn, thầy cùng với đồng nghiệp đem niềm vui, tri thức cho con em đồng bào các dân tộc thiểu sổ nơi đây. Với cương vị là Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học xã Tả Phời, thầy Cảm ngày đêm cùng với các đồng nghiệp tìm mọi biện pháp, cách làm để mở thêm phân hiệu, điểm trường tại các thôn bản vùng cao khó khăn, trích một phần tiền lương của mình để mua sách, vở đồ dùng thực hành giúp bài học thêm sinh động. Vận động, động viên nhiều các thầy cô giáo trẻ lên các điểm trường, các phân hiệu ở các thôn bản vùng cao để mở lớp, dựng trường, xoá mù...

Khi mới lên, thầy không nghĩ gắn bó nơi đây nhiều năm. Nhưng rồi  mảnh đất non cao này lại là nơi gắn bó với sự nghiệp trồng người cả cuộc đời thầy. Hình ảnh người thầy, người bí thư chi bộ luôn gắn bó với học sinh với bà con người Mông thôn Phìn Hồ, người Dao thôn Láo Lý, người Sa Phó thôn Xéo Tả… là bức tranh sinh động của nguời thầy giáo, người bí thư chi bộ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nông Văn Lẻng, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phời nói: Thầy giáo Phạm Huy Cảm là tấm gương đẹp của những lớp thế hệ nhà giáo vùng cao…giờ đây con em xã Tả Phời  được đi học, có mặt trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dậy nghề…tỷ lệ học sinh huy động đến trường, chuyên cần ngày càng cao là những kết quả của những người thầy, cô giáo đang hàng ngày lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người…”. Người thầy giáo đã dành cả cuộc đời gắn gó với sự nghiệp giáo dục vùng cao này tâm niệm:  Đâu đó vẫn còn trẻ em thất học, người dân vùng cao còn đói nghèo, thì “người con của bản”, người “cõng chữ lên non” năm ấy lại tiếp tục phấn đấu để thực hiện di huấn của Bác Hồ “… Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đảng viên đi trước…

Dù đã nghỉ hưu nhưng hằng ngày thầy vẫn đang đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là trong việc chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội cho dân. Với phương châm “đảng viên đi trước làng nước theo sau” ông Cảm cùng gia đình đã đi đầu khai phá, cải tạo mảnh đất trước kia từng chỉ là bãi thải quạng  sỏi đá, bạc màu của mỏ A Pa Tít thành vườn cây trái quanh năm xanh tốt. Những sản vật từ vườn nhà như vải, na, soài, mật ong, gia súc, gia cầm đã mang lại cho  gia đình ông Cảm thu nhập từ 30 triệu đến trên 50 triệu đồng/ năm, điều mà từ trước người dân trong thôn không ai dám nghĩ đến... Là Chủ nhiệm CLB nuôi ong của địa phương, ông cũng là một trong những người tham gia xây dựng dự án trồng cây lê VH6 Tai Nung - Đài Loan ở vùng đất này. Đây là giống lê chất lượng cao, cho trái thơm, ngọt, giòn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, đất trồng nơi đây. Sau hơn 5 năm thực hiện dự án, đến nay với diện tích hơn 70 ha và đang tiếp tục có hướng mở rộng, giống lê này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Ngoài cây lê, là vùng chè San tuyết được đầu tư trồng trên đỉnh Ú Sì Sung đang lên xanh tốt. Ông Cảm nói:“ Làm cái gì ban đầu cũng khó, phải kiên trì qua vận động, thuyết phục, cầm tay chỉ việc, chính mình là người cán bộ, đảng viên phải làm trước thấy được hiệu quả thì  bà con mới làm theo”. Giờ đây các vườn chè xanh mướt đã nối nhau mọc lên  ở vùng cao Tả Phời này. Với ông Cảm, làm những việc có lợi cho dân làng, cho xã hội vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm của người đảng viên, ông luôn gần gũi, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của bà con nhân dân và ghi nhớ lời Bác Hồ đã căn dặn: “Lấy dân làm gốc”. 

Theo gương ông Cảm, nhiều hộ trong thôn đã làm nhà định cư lâu dài. Điển hình như hộ gia đình chị Sầm Thị Phượng trước kia là những hộ nghèo trong thôn nhờ được sự chỉ bảo cách xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với trồng cây ăn quả giờ đã vươn lên thoát nghèo. Không ít gia đình trong thôn trước kia còn bất hoà, mâu thuẫn và duy trì những hủ tục lạc hậu hay gia đình không hòa thuận nay đã tiến bộ. Như hộ anh Sầm Mạnh Quân giờ đã thoát nghèo trở thành hộ văn hóa, hộ anh Nguyễn Xuân Trường nay gia đình đã có cuộc sống hòa thuận, con cái chăm ngoan, nhân dân trong thôn quý mến, tín nhiệm bầu anh làm trưởng thôn. Trên các tuyến đường vùng cao xã Tả Phời cùng tổ công tác của UBND thành phố, người thầy giáo năm nào vẫn hăm hở lên đường đến với từng hộ gia đình khó khăn nhất vận động bà con rào vườn trồng rau xanh, làm chuồng nuôi nhốt trâu bò, đào hố ủ phân, trồng cây ăn quả, cây rau màu vụ đông, phương pháp ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh  vận động nhân dân trong thôn giúp hộ nghèo làm nhà mới xóa nhà tạm, cùng các hộ vùng thấp quyên góp quần áo, đồ dùng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo…Là bí thư chi bộ khu dân cư, ông thường xuyên phối hợp với Ban công tác Mặt trận tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang, đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, tham gia hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới…là người “miệng nói tay làm”, ông đã quy tụ đoàn kết trong chi bộ, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, là người có nhiều kinh nghiệm ở vùng cao, quen thuộc địa hình, phong tục tập quán của nhân dân, ông tích cực tham gia tổ công tác của thành phố, luôn gần gũi với bà con nhân dân, chủ động giải quyết khó khăn, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng cây, con giống mới.

Tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông tuyên truyền, vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm, xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu như tảo hôn,  thả rông gia súc… Ông vận động được nhân dân đóng góp 80 triệu đồng làm 500m đường trục thôn góp phần mang lại diện mạo mới, khang trang, giàu đẹp cho thôn bản. Dần dần ông có uy tín trong làng xã, trong cộng đồng. Chi bộ thôn Phân Lân được Đảng bộ xã Tả Phời đánh giá là chi bộ trong sạch vững mạnh. Với những việc làm cho dân, cho Đảng, ông Cảm được Tỉnh uỷ Lào Cai khen tặng bí thư chi bộ tiêu biểu trong nhiều năm. Tháng 8 năm 2014, ông vinh dự được là đại biểu của tỉnh Lào Cai đi dự Hội nghị Bí thư Chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc. Là một trong những điển hình của tỉnh Lào Cai đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…nhưng phần thưởng cao nhất mà người thầy giáo già nhận được chính là sự yêu thương, kính trọng của đảng viên, nhân dân trong thôn, xã Tả Phời. Ông chính là một tấm gương sáng  luôn sống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất