Nhạc sĩ của chiến sĩ nhà giàn
Mỗi ca khúc là một câu chuyện  

Khúc ca về Nhà giàn DK1 đầu tiên được Nguyễn Hồng Sơn sáng tác cuối năm 2001, khi đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách đội văn nghệ Lữ đoàn 171 luyện tập đi thi nghệ thuật quần chúng quân chủng Hải quân. Khi trung tá Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chủ nhiệm chính trị đưa anh bài thơ “Những lá thư màu tím” của đại tá - nhà thơ Nhữ Mai Sinh, Nguyễn Hồng Sơn đã đọc đi đọc lại. “Hình ảnh nhà giàn DK1 giữa ngàn khơi vững vàng tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc luôn trong đầu. Mình nghĩ ngay đến việc phải chuyển những vần thơ ấy thành ca khúc, thành bản tình ca về chiến sĩ nhà giàn. Thế là mình bắt tay vào công việc”- Sơn chia sẻ.  

Hai câu đầu của bài thơ “Những lá thư màu tím”: "Nhà giàn trong mây canh một hướng tây nam/Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng" được Nguyễn Hồng Sơn nương theo đó mở đầu câu chuyện về cuộc sống của những chàng “Robinson” trên biển: "Nhà giàn trong mây canh một hướng tây nam/Khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng/Ngồi chờ trăng lên chung lá thư tình/Biển sóng hát ca mơ về quê nhà". (Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn). Đấy là những tứ thơ chân thật, nhẹ nhàng mà gần gũi trong ca khúc của anh.

Mỗi nhà giàn DK1 được ví như những pháo đài thép trên biển. Chỉ hơn 100 mét vuông chật hẹp, những chiến sĩ “đầu đội trời, chân không đạp đất” này, ngày ngày huấn luyện trên trần nhà, chiều thể thao, đêm câu cá đã gây ấn tượng mạnh trong lòng nhạc sĩ. Để rồi sau thời gian thai nghén, anh lại cho ra những ca từ đậm chất lính, ấm tình đồng đội, vang dội niềm tự hào giữa đại dương bao la: “Ở đây lính rất hay cười/Quây quần chia sẻ chuyện đời nhau nghe/Cuộc đời trong một khoảng sân/Nặng nề trách nhiệm trước dân tộc mình/Giữa xa xôi, thấy ấm tình/Anh em, đồng chí lung linh trắng ngần” (Ca khúc Khoảng sân, Ý thơ: Đỗ Hoài Trung)  

Trong các bài hát của anh, ca từ thủ thỉ như khúc đồng dao, những câu thơ ngân lên như lời ru của mẹ, những ca từ tha thiết vỗ về những đứa con xa quê trên biển, có những lời hát khi cất lên xúc động chan chứa niềm yêu thương, lột tả đến “trần trụi” đời sống của người chiến sĩ: "Gia tài các anh duy nhất là thư/ Hẹn với xa xôi yêu qua đài báo/ Nói sao hết tấm lòng người lính đảo/ Bình dị sáng trong chung thủy đợi chờ". Có những ca từ khi cất lên khiến rơi nước mắt: "Nhà giàn đâu rồi chỉ một trời gió biển/ Đâu hải âu liệng xuống chỗ anh nằm/ Các anh về đâu, các anh ở đâu?". Có lúc lại da diết, yêu thương, cái da diết đến nghẹt trái tim người chiến sĩ khi vật lộn với sóng gió giữa đằng đẵng sự xa cách quê nhà. Đoàn khách từ đất liền ra thăm nhà giàn, gặp sóng gió, chỉ vài bước chân thôi nhưng không sao lên được, đành hát qua bộ đàm. Tiếng hát tắc nghẹn của người em gái văn công trên tàu với lên nhà giàn trong ngàn trùng sóng gió: “Nhìn tàu cứ chao lắc, như võng đưa/Đành nhìn nhau thầm tiếc, hẹn lần đến sau/Chỉ cách vài chục bước chân thôi/Mà như xa cách ngàn trùng/Chẳng thể nào lên, chẳng thể nào trao tận tay những là thư nhà, Chẳng thể nào “xem” em hát, trong dáng điệu đà…” (Ca khúc: Hát qua bộ đàm).


Ca khúc “Màu xanh nhà giàn” của Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn.

Sự phong phú trong sáng tác của anh diễn tả nhiều mặt cuộc sống trên những nhà giàn từ không gian, thời gian, từ nét sinh hoạt thường ngày đến tâm tư thầm kín của người lính biển mà chỉ có những người trong cuộc mới thốt lên được như vậy. Xu hướng chủ đạo trong các ca khúc của anh là chất trữ tình chảy suốt qua các tác phẩm nhưng không vì thế mà thiếu đi phẩm chất rõ nét nhất của người lính: “Người chiến sĩ nhà giàn Rất kiên cường trong bão dông Dù gian khó không sờn lòng Hiến dâng tuổi xuân, xá chi” (Ca khúc: Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn)  

Trong mỗi ca khúc sáng tác về nhà giàn, 2/3 trong số đó nói đến đời sống sinh hoạt của những chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Những ca khúc ấy xúc động nhưng không bi quan, tự hào nhưng không tự mãn. 1/3 số ca khúc còn lại chủ yếu mang âm hưởng niềm vui sướng, kiêu hãnh, hòa nhịp cùng hơi thở của cuộc sống hiện đại:“…Hãy hát bài ca về cuộc sống của những người lính trên những ngôi nhà hiên ngang chắn sóng, những tấm lưng trần, nhuộm màu gió sương, tuổi xuân xa nhà…” (Bài ca người lính canh giữ biển dầu).  

Giải C “Cuộc vận động sáng tác về biển đảo” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2010 cho ca khúc “Màu xanh nhà giàn”; giải khuyến khích trong Tổng kết 5 năm sáng tác văn học nghệ thuật về “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” tuy chưa phải là cao, song những ca khúc Nguyễn Hồng Sơn sáng tác dành riêng cho chiến sĩ nhà giàn đã nói lên tất cả tình yêu nghệ thuật, tình yêu với người chiến sỹ nơi đảo xa của người nhạc sĩ chuyên cầm súng không chuyên nốt nhạc này.    

Tình người nhạc sĩ    

Sau 4 năm được đào tạo khoa “Sáng tác văn hóa cơ sở” ở Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội (khóa 1995-1999), Nguyễn Hồng Sơn về Lữ đoàn 171 công tác. Ca khúc đầu tay anh sáng tác dành riêng tặng các chiến sĩ nhà giàn có tựa đề “Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn” năm 2001, được các chiến sĩ DK1 nhiệt liệt hưởng ứng, lan tỏa đến khắp Lữ đoàn 171. Giờ đây, ca khúc ấy trở thành truyền thống của nhà giàn. Mỗi lần có khách từ đất liền ra thăm, “Tâm tình người chiến sĩ nhà giàn” lại được các chiến sĩ cùng văn công hát vang dậy cả một vùng biển nước. Sau ca khúc đầu tay, anh tiếp tục cho “ra lò” một loạt ca khúc đậm chất về nhà giàn như: “Màu xanh nhà giàn”, “Thư đêm DK”, “Thư gửi em”, “Người chiến sĩ canh giữ biển dầu”…  

Đến nay, “nhạc sĩ nhà giàn” Nguyễn Hồng Sơn đã có 15 ca khúc viết riêng về DK1. Những ca khúc của anh đã thực sự trở thành món ăn tinh thần, động viên, cổ vũ cán bộ chiến sĩ nhà giàn vơi bớt mồ hôi và nỗi nhớ đất liền sau giờ huấn luyện, góp phần tô đẹp, quảng bá hình ảnh người chiến sĩ hải quân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Có một điều anh trăn trở là làm sao để những ca khúc ấy in ra đĩa CD, phát hành đến các nhà giàn, các đảo Trường Sa phục vụ bộ đội.      

Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ: “Với tôi, nhà giàn DK1 như một miền đất và sự trải nghiệm để ươm mầm cho những ca khúc mới. Hình ảnh người chiến sĩ nhà giàn kiên cường trong bão giông khiến tôi nhiều đêm trằn trọc. Chính sự gian khổ và ý chí kiên cường của các chiến sĩ nhà giàn đã thôi thúc tôi sáng tác”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất