Đảng viên không có tuổi hưu
Bác sĩ Lê Thanh Thước khám bệnh cho người khuyết tật ở phường Giáp Bát.

Đến phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội), hỏi thăm phòng khám từ thiện của bác sĩ Lê Thanh Thước, rất nhiều người biết. Từ lâu, nơi đây đã trở thành địa chỉ tin cậy của những bệnh nhân nghèo. 8g sáng, căn phòng nhỏ 20m2 đã có gần 10 người xếp hàng chờ khám. Đều đặn sáng thứ 2 và thứ 5 hằng tuần, người lương y với mái tóc bạc trắng, gương mặt hồng hào, phúc hậu, tận tình khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Từ hơn 6 năm nay, dù trời hè oi bức hay mùa đông giá rét, chưa một lần ông vắng mặt. “Được bệnh nhân tin tưởng là hạnh phúc lớn của người bác sỹ. Tôi đến vì biết có nhiều bệnh nhân đang chờ”. Đó là chia sẻ của đảng viên Lê Thanh Thước, nguyên bác sĩ Bệnh viện K Trung ương.

Sinh năm 1932, 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc chàng thanh niên Lê Thanh Thước lên đường nhập ngũ. Xuất ngũ, anh vào Đại học Y Hà Nội. Ra trường, trở thành một trong 8 bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam được đào tạo chuyên ngành ung thư, bác sĩ Lê Thanh Thước về công tác ở Khoa Ung thư Bệnh viện Việt Đức. Khi Bệnh viện K được thành lập, anh chuyển về bộ phận chuyên điều trị ung thư. Nhớ lại những năm tháng đầu tiên, ông nói: Khi đó ở Việt Nam phương tiện và nghiên cứu về bệnh ung thư còn hạn chế nên việc điều trị khó trăm đường. Nhiều người không biết bệnh ung thư, chỉ nghĩ đó là căn bệnh “chết người”. Hiểu hơn ai hết tâm trạng của bệnh nhân khi cầm trên tay bệnh án căn bệnh hiểm nghèo, tôi luôn tâm niệm không chỉ chịu khó nghiên cứu để cứu chữa được nhiều bệnh nhân, mà còn phải có sự đồng cảm, chia sẻ, ân cần giải đáp mọi thắc mắc, hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc sức khoẻ, đó là liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân vững tin chữa bệnh. Chúng tôi luôn làm việc khẩn trương bởi “chậm một giây có thể mất đi một người”.

Sau gần 40 năm làm việc, nghỉ hưu nhưng ông xác định còn sức còn cống hiến cho xã hội, giúp đỡ cộng đồng. Ông làm bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở phường. Thời gian 12 năm làm bí thư, chi bộ do ông lãnh đạo nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh xuất sắc. Không chỉ là đảng viên xuất sắc nhiều năm, ông còn đoạt giải trong hội thi bí thư chi bộ giỏi. Theo ông, lãnh đạo bằng nêu gương là cách lãnh đạo hiệu quả nhất. Ông bảo: Nhiệm vụ của chi bộ tổ dân phố là lãnh đạo thực hiện những việc sát sườn đến cuộc sống hằng ngày của người dân từ giữ gìn trật tự, trị an đến công ăn việc làm; từ giữ gìn nếp sống văn hoá đến vệ sinh môi trường. Người bí thư chi bộ phải sâu sát, đến từng nhà tuyên truyền, vận động mới thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ông Lê Thanh Thước nhận định, việc tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ ở tổ dân phố là việc khó nhất, phải thành lập được chi đoàn thanh niên ở tổ dân phố để tạo “sân chơi” bổ ích cho thanh, thiếu niên. Qua đó trau dồi kỹ năng sống, vừa tạo được sự hiểu biết, quan hệ thân thiện, vừa là nguồn phát triển đảng viên. Ông đi từng gia đình vận động thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn, giải thích về trách nhiệm của đoàn viên trong việc hướng dẫn thiếu nhi, đồng thời vận động gia đình tạo điều kiện để các em hoạt động. Sau những nỗ lực của ông, chi đoàn thanh niên khu dân cư được thành lập, phát huy vai trò xung kích trong mọi hoạt động, được Đảng uỷ phường đánh giá cao.

Cơ duyên với nghề y một lần nữa lại đến với bác sĩ Thước. Phòng khám từ thiện của bác sĩ Trương Thị Hội Tố, bác sĩ Chu Mạnh Tiến và y tá Lê Thị Sóc hoạt động từ năm 1992. Đến năm 2007, bác sĩ Tiến mất. Bác sĩ Tố và y tá Sóc đã mời ông tham gia phòng khám. Lúc đầu ngần ngại, nhưng “trách nhiệm người đảng viên, tinh thần của anh bộ đội Cụ Hồ và trên hết là lương tâm của người bác sĩ đã khiến tôi không thể từ chối” - bác sĩ Thước chia sẻ. Và ông đã gắn bó với phòng khám có các bác sỹ, y tá đều đã trên dưới 80 tuổi từ đó đến nay. Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, khi làm ở phòng khám từ thiện, tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhiều loại bệnh khác nhau, ông cần mẫn nghiên cứu các tài liệu y học để cập nhật kiến thức, những loại thuốc mới.

Không chỉ khám và cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, phòng khám còn đón tiếp nhiều bệnh nhân là cán bộ hưu trí, người cao tuổi. Ban đầu chỉ những người trong phường, quận, dần dần người ở xa nghe tin tìm đến khám ngày càng đông. Hỏi một số bệnh nhân chờ khám, tôi được biết việc khám, chữa bệnh trong nhiều năm của họ đều nhờ vào phòng khám này. Đều đặn mỗi sáng thứ 2 và thứ 5, họ có mặt để đo huyết áp, thử đường máu và xin thuốc định kỳ. Có người dù có bảo hiểm y tế nhưng chưa một lần dùng ở bệnh viện mà đến khám vì “chỉ tin tưởng các bác sĩ ở đây”. Có gia đình nhiều thế hệ từ ông bà, con cái cho tới cháu chắt đều khám bệnh ở đây. Mỗi người một hoàn cảnh, một loại bệnh nhưng đều tìm đến vì “ở đây, chúng tôi được bác sĩ nhiệt tình, tận tâm giải thích tỉ mỉ nguồn gốc của bệnh, uống thuốc gì, điều trị ra sao. Nếu có thời gian, bác sĩ và bệnh nhân còn chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống của người già - điều khó có được nếu đến các bệnh viện”. Khi được hỏi, phòng khám lấy thuốc ở đâu để phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo, bác sĩ Thước cho biết: Lúc đầu chúng tôi bỏ tiền ra mua, sau dần nhiều người biết đến khám, điều trị rồi đóng góp thuốc men. Có người ủng hộ tiền để mua thuốc, có người mang thuốc đến. Giống nhau ở tấm lòng từ thiện, mỗi người góp một chút ít vì cộng đồng. Phòng khám chúng tôi vừa ủng hộ cho phòng khám từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân nhiều loại thuốc ở đây không dùng đến. Mới đây, một người trong TP. Hồ Chí Minh đã gửi tặng phòng khám 2 thùng thuốc có giá trị với thời hạn sử dụng lâu. Chúng tôi đang phân loại, để lại phòng khám loại hay dùng, còn lại đem ủng hộ các phòng khám khác. Phòng khám tuy nhỏ nhưng chưa bao giờ thiếu thuốc cho bệnh nhân.

Niềm vui giúp đời hiện trong ánh mắt, cử chỉ của ông khi ân cần đo huyết áp, phát thuốc, tư vấn, trò chuyện cùng bệnh nhân. Y tá Lê Thị Sóc chia sẻ: Chúng tôi làm việc ở đây tất cả vì người bệnh, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “lương y như từ mẫu”. Đối với người cao tuổi “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, giúp nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh, nhiều người nghèo bớt khó khăn là niềm vui lớn nhất của chúng tôi. Bác sĩ Thước cho biết: Có bác sỹ đề nghị chúng tôi giới thiệu bệnh nhân đến phòng khám của họ nhưng chúng tôi từ chối. Chúng tôi làm việc không vì tiền, chỉ muốn làm việc thiện giúp người, phục vụ cộng đồng. Được biết, mỗi ngày trung bình có khoảng 20 người đến khám, tư vấn và xin thuốc, năm 2013, phòng khám đã đón tiếp 1.085 lượt người bệnh. Ông khẳng định: Còn sức chúng tôi còn tiếp tục làm việc thiện, đó là tâm nguyện. Tôi vừa nhận Huy hiệu 50 năm tuổi đảng. Đảng viên không có tuổi hưu nên tôi chưa thể “hưu” được. Làm việc tự nguyện và được gia đình ủng hộ, ông là tấm gương về y đức cho hai con cũng làm nghề y. Ở độ tuổi như ông Thước người ta thường vui hưởng tuổi già trong sự phụng dưỡng của con cháu thì các ông lại dành thời gian, công sức phục vụ cộng đồng. Chia tay bác sĩ Thước, y tá Sóc cùng phòng khám đơn sơ mà ấm áp, tôi hiểu hơn giá trị tình người, của sự “cho - nhận”, hiểu vì sao người bệnh luôn tin tưởng, yêu quý gọi bác sĩ, y tá ở đây là “những vị bồ tát”, “ông Bụt”, hiểu vì sao đã vào tuổi “xưa nay hiếm” mà các ông, các bà vẫn minh mẫn, tinh tường, nhanh nhẹn. Cuộc đời luôn công bằng với những người biết cống hiến, biết mình vì mọi người. ý nghĩa cuộc sống suy cho cùng chỉ một chữ tình.

Xuân đã về trong mỗi gia đình, chúc bác sĩ Thước, bác sĩ Tố và y tá Sóc thêm tuổi mới, thêm sức xuân, mãi là những bông hoa luôn tỏa hương sắc cho đời.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất