Hạnh phúc là sẻ chia
Ngô Mạnh Quân (thứ nhất, bên trái) trong Lễ Tuyên dương tuyên truyền viên tiêu biểu - Lễ hội Xuân hồng 2012 (Ảnh: TL)
Tôi gặp Ngô Mạnh Quân một ngày đầu tháng 4, khi cả nước đang rộn ràng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4). Những ngày này, không khí sôi nổi tràn ngập ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhất là khoa Vận động - Tổ chức hiến máu và Văn phòng Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Công việc chuyên môn và những hoạt động của “hội máu” cuốn Quân vào guồng quay, không đủ thời gian cho riêng mình. Với anh, đó không chỉ là trách nhiệm, đó là niềm vui, sự đam mê…

Duyên nghề - duyên Hội

Đến với nghề bác sĩ, đến với Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo, với Quân như là “duyên số”. Quân kể, bố mẹ anh đều là bác sĩ trong một bệnh viện ở vùng than Cẩm Phả - Quảng Ninh. Từ nhỏ, anh đã được theo bố đến các ca trực ở bệnh viện. Ở đó, không ít lần chứng kiến cảnh bệnh nhân phải đưa vào viện cấp cứu, lần đầu tiên nhìn thấy máu trên cơ thể một bệnh nhân, anh sợ. Riết rồi quen, thay vì nỗi sợ, anh chú ý nhiều hơn đến những gì diễn ra ở bệnh viện. Anh quen với hình ảnh bác sĩ cứu chữa tận tình, những người bệnh chịu đau đớn, nỗi lo lắng của người thân, niềm vui, hạnh phúc của gia đình khi người bệnh qua khỏi… Tuổi thơ gắn với những ca trực của bố đã dần dần nhen nhóm trong anh ước mơ trở thành bác sĩ, cứu chữa, mang lại cuộc sống cho người bệnh.

Học hết phổ thông trung học, Quân nộp đơn dự thi và trúng tuyển vào trường Đại học Y Hà Nội. Mùa hè năm 1993, Ngô Mạnh Quân rời Cẩm Phả lên Hà Nội, trở thành chàng sinh viên Y khoa, thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Chính ở đây, Quân bén duyên với phong trào hiến máu tình nguyện. Anh kể: Những năm ấy, hiểu biết xã hội về việc hiến máu còn rất hạn chế. Trong khi phong trào hiến máu tình nguyện đã có từ lâu trên thế giới và được tổ chức rất chuyên nghiệp thì ở Việt Nam, “hiến máu nhân đạo” vẫn còn rất xa lạ với nhiều người, ngay cả với thanh niên, học sinh, sinh viên. Thậm chí, việc hiến máu nhân đạo khi đó còn bị hiểu nhầm là việc “bán máu” lấy tiền và đa số còn lảng tránh.

Trong một buổi nói chuyện của GS, TSKH  Đỗ Trung Phấn, lúc đó là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương với sinh viên trường Y năm 1994, lần đầu tiên Quân hiểu được ý nghĩa sâu sắc của việc hiến máu và tham gia vận động hiến máu. Nhiệt huyết từ người thầy Đỗ Trung Phấn đã truyền sang lớp sinh viên trẻ, gợi mở một hướng đi cho nhóm sinh viên Y khoa trong việc khơi dậy phong trào vận động sinh viên hiến máu nhân đạo ở Hà Nội. Từ đó, những sinh viên Y khoa đã trở thành nòng cốt thành lập ra những đội, nhóm đầu tiên, hoạt động tình nguyện tuyên truyền ý nghĩa việc hiến máu cứu người và vận động mọi người tham gia hiến máu. Lúc đầu họ chưa dám lấy tên là “vận động hiến máu”, vì vấn đề này còn mới với xã hội, cần có thời gian để mọi người thay đổi cách nhìn, cách nghĩ. Rồi, bắt đầu từ những sinh viên Y khoa, nhóm mở rộng ra cả trăm người, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và là tiền thân của Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội sau này.

Tham gia phong trào, Ngô Mạnh Quân luôn là thành viên tích cực, năng nổ và đầy tâm huyết. Gắn bó với phong trào gần như suốt những năm đại học đã khiến anh đam mê lĩnh vực này. Vì thế, khi ra trường, Quân xin về làm việc tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai để có điều kiện nghiên cứu sâu hơn và tiếp tục cống hiến cho hoạt động mới mẻ này. Quân được biên chế vào bộ phận vận động và tổ chức hiến máu của Viện. Khi Viện Huyết học tách khỏi Bệnh viện Bạch Mai (năm 2004), khoa Vận động và Tổ chức hiến máu cũng được thành lập. Thời điểm đó, việc định hình và phát triển lĩnh vực vận động và tuyển chọn người chuyên nghiệp trong lĩnh vực hiến máu còn là việc rất mới mẻ và khó khăn. Đó là lĩnh vực chuyên môn quan trọng của các ngân hàng máu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chưa được đào tạo và có rất ít người đảm nhiệm. Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ và dám nghĩ dám làm, Ngô Mạnh Quân đã đảm nhận thực hiện nhiệm vụ ấy. Với một quyết tâm mạnh mẽ, anh cùng đồng nghiệp đã từng bước gây dựng, tổ chức hiệu quả Khoa Vận động và Tổ chức hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, góp phần phát triển nguồn, thu hút ngày càng nhiều người hiến máu ở Hà Nội cũng như trên cả nước.

Sức trẻ và nhiệt huyết

Với thành tích trong công tác và những thành công bước đầu được ghi nhận, năm 2007, Ngô Mạnh Quân được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với Quân, đó là một phần thưởng, một sự ghi nhận và khích lệ cho những nỗ lực, cố gắng của anh. Trở thành đảng viên, trách nhiệm lớn hơn, Quân càng quyết tâm hơn nữa trong mỗi việc làm, đi tiên phong trong các phong trào, hoạt động. Năm 2009, Ngô Mạnh Quân được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu, được bầu làm Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội.

Trên cương vị và vai trò mới, nhiệm vụ của bác sĩ Quân càng nặng hơn. Anh luôn trăn trở: “Phải làm sao để Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trở thành một ngân hàng máu quốc gia; để hiến máu tình nguyện trở thành một sinh hoạt cộng đồng được người dân hưởng ứng”. Là bác sĩ, anh hiểu rất rõ vai trò của máu với người bệnh, nguồn máu có chất lượng là vô cùng quan trọng. Phong trào hiến máu nếu được cộng đồng hưởng ứng sẽ đảm bảo cho ngân hàng máu có đủ số lượng máu cần thiết cho người bệnh, chất lượng máu tốt hơn. Đó là động lực để anh “bám trụ” với phong trào vận động hiến máu và gắn bó với “hội máu” suốt từ những ngày đầu thành lập đến nay. 19 năm hình thành và phát triển của Hội Thanh niên vận động hiến máu nhân đạo cũng là 19 năm anh gắn bó, phát triển tổ chức Hội, góp phần đưa hình ảnh của Hội gần gũi với người dân không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.

Nhiệt huyết và giàu ý tưởng, dấu ấn của Ngô Mạnh Quân đọng lại trong những ngày hội lớn như Lễ hội Xuân hồng, Festival Trái tim nhân ái, Hành trình trái tim Việt Nam, đến những chương trình như Trái tim tình nguyện, Giọt hồng tri ân… Các chương trình, hoạt động đều được tổ chức vào những thời điểm khan hiếm máu như dịp tết, dịp nghỉ hè hằng năm. Hàng nghìn, hàng vạn người đã tới tham dự để hiến máu. Hoạt động ý nghĩa ấy đã góp phần tạo dựng một nét đẹp trong nếp sống của người dân, đặc biệt là thanh niên. Anh cũng tham gia xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều mô hình tiếp nhận máu tại các điểm hiến máu cố định, các điểm hiến máu xe chuyên dụng tại Hà Nội, cùng nhiều mô hình khác tại các tỉnh, các huyện đảo, vùng sâu, vùng xa trên cả nước.

Hiện nay, với 9 chi hội, 75 câu lạc bộ, đội tuyên truyền và hơn 20.000 lượt hội viên, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội là lực lượng đi đầu và nòng cốt của phong trào hiến máu nhân đạo trong thanh niên và nhân dân Thủ đô. Lượng máu thu được do Hội tuyên truyền vận động trong 19 năm qua chiếm trên 25% so với tổng lượng máu thu được trên toàn địa bàn thành phố. Không thể kể hết được nguồn máu đó đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh, mang đến niềm vui cho bao nhiêu bệnh nhân và gia đình của họ.

Bên cạnh những kết quả rất ý nghĩa và thiết thực ấy, có một điều mà với vai trò là người sáng lập, phát triển hội anh thấy rất vui, đó là sự trưởng thành của các thế hệ hội viên, tuyên truyền viên của Hội qua mỗi phong trào. Từ năm 1994 đến nay, anh cùng những người sáng lập hội đã đào tạo hàng vạn tình nguyện viên tham gia hội. Không chỉ đào tạo những kiến thức về máu, các bạn trẻ còn được đào tạo, hướng dẫn nhiều kỹ năng có ích cho học tập, làm việc và cuộc sống.

Cuộc sống cần nhiều sẻ chia

Tôi hỏi Quân: “Anh nghĩ gì sau mỗi chương trình, sự kiện hiến máu được tổ chức thành công?”. Anh chia sẻ: “Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả anh em cán bộ, hội viên Hội máu đều tự hào và sung sướng vì mình đã góp phần mang lại cơ hội được cứu sống cho những người bệnh cần máu. “Sống trong đời cần có một tấm lòng”, chúng tôi cống hiến mà không đòi hỏi, bởi chúng tôi biết sau mỗi hoạt động, mỗi thành công, là chúng tôi có thêm những trải nghiệm tốt đẹp, kể cả những bài học từ thất bại. Đó là những trải nghiệm thiết yếu để mỗi chúng tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân về tri thức, tư duy và kỹ năng trong cuộc sống”.

Với anh, hạnh phúc đơn giản là sự sẻ chia. Sẻ chia với những mất mát, đau đớn của người bệnh đang cần máu, sẻ chia những khó khăn của mỗi gia đình, sẻ chia và nhân lên hy vọng, niềm vui, tin tưởng cuộc sống ngày một tươi đẹp, ấm áp nghĩa tình. Mỗi bệnh nhân được “chia máu”, họ không chỉ được được cứu sống, mà còn nhận vào mình tình thương, niềm tin sống và trách nhiệm với cộng đồng. Bản thân anh rất nhiều lần trực tiếp hiến máu và trực tiếp vận động bao người cùng hiến máu. Anh luôn truyền cho những tình nguyện viên ngọn lửa nhiệt tình, đam mê, hướng các bạn trẻ đến cuộc sống nhân văn cao đẹp, mình vì mọi người. Cũng như anh, các bạn hội viên mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng tâm nguyện mang đến niềm tin và hy vọng sống cho người bệnh. “Học tập hết mình vì ngày mai lập nghiệp, hoạt động hết mình vì sự sống người bệnh” là phương châm hoạt động mà bất cứ ai tham gia Hội đều ghi nhớ.

Điều anh mong mỏi là những người đã hiến máu sẽ không chỉ tiếp tục hiến máu nhiều lần mà còn là những tuyên truyền viên vận động nhiều người khác cùng hiến máu. Như vậy, phong trào hiến máu nhân đạo sẽ phát triển theo chiều sâu và bền vững, tạo được nét đẹp trong cuộc sống cộng đồng.

“Mỗi cánh én quả là nhỏ nhoi giữa thế giới, nhưng mỗi đơn vị máu mà cánh én nhỏ mang đến cho người bệnh là đã cho họ cả thế giới - thế giới của hạnh phúc và niềm tin”. Kết thúc cuộc trò chuyện với anh, tôi  nhớ mãi điều anh nói. Đó là suy nghĩ, là mong mỏi của anh tự đáy lòng. Tôi tin, có những tấm lòng thiện nguyện như anh, như các bạn hội viên “Hội máu”, thì sẽ còn nhiều cánh én nhỏ mang mùa xuân đến cho mỗi người bệnh, mỗi gia đình và cho cả xã hội.

Ngô Mạnh Quân đã được trao Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ năm 2008; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2010 và nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội… Tháng 10-2011, anh là một trong 55 gương mặt tiêu biểu được nhận “Giải thưởng 15-10” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên trao tặng.

Phản hồi (4)

Minh Anh 30/04/2012

Tôi đã từng là hội viên "Hội Máu" và cũng đã được gặp gỡ, làm việc với anh Ngô Mạnh Quân. Những hội viên chúng tôi thực sự quý mến anh - người anh cả của Hội - người luôn nhiệt tình với hoạt động Hội, thân thiện, cởi mở với Hội viên, luôn tâm nguyện hoạt động hết mình vì sự sống của người bệnh. Chúng tôi tâm niệm sống đẹp như anh và hạnh phúc là sẻ chia!

Trần Thanh Nghị 25/04/2012

Đọc xong, tôi cũng muốn đi hiến máu cứu người !

Lê Long Vĩnh 24/04/2012

Những tấm gương như thế này cần đươc có nhiều hơn trên Tạp chí.

1 2

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất