Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng

Lê Hiệp - Đình Phú Báo Thanh Niên


Bài 1: Tìm và bảo vệ những tiếng nói thẳng

Tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng hồi tháng 7-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc phát hiện những sai phạm, tiêu cực từ nội bộ tới nay vẫn là “thách thức lớn”; song “đã có những tấm gương về đấu tranh, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng”, như câu chuyện ở Saigon Co.op hay ở Bình Thuận…

Cuộc đấu tranh chống lại “phi vụ thâu tóm”

Cuối tháng 1-2020, Giám đốc phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa thấy băn khoăn khi nghe Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ CHí Minh (HCM) - Saigon Co.op Diệp Dũng công bố kết quả huy động vốn góp nhằm tăng vốn điều lệ của Saigon Co.op. Chỉ 3 tháng kể từ khi HĐQT Saigon Co.op thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ lần thứ 9, 20/26 HTX thành viên đã góp 3.597 tỉ đồng để nâng vốn điều lệ của Saigon Co.op từ 3.200 tỉ lên 6.797 tỉ đồng, chiếm tới 53%.

Đây không phải lần đầu tiên Saigon Co.op tăng vốn. 5 năm trước đó (2015), bà Hồ Mỹ Hòa cũng như cả tập thể Saigon Co.op từng “sục sôi” trong cuộc huy động góp vốn “lớn nhất lịch sử” với mục tiêu mua lại hệ thống bán lẻ BigC Việt Nam. Nhưng lần huy động vốn thứ 9 này lại hoàn toàn khác. Không còn mục tiêu cụ thể được coi là “sứ mệnh chính trị” của 5 năm trước khiến bà Mỹ Hòa có sự suy xét thấu đáo hơn trong chiến dịch huy động vốn góp do Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng khởi xướng lần này.

Hầu hết các thành viên tham gia góp vốn lần này có vốn điều lệ rất nhỏ (chỉ vài tỉ đồng), lợi nhuận ít, có đơn vị còn làm ăn thua lỗ. Vậy số tiền “khủng” này (3.597 tỉ đồng) từ đâu ra để góp vào vốn điều lệ của Saigon Co.op? Bà Hồ Mỹ Hòa đã đem băn khoăn này trao đổi với nhiều lãnh đạo Saigon Co.op; trong đó có Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Phạm Trung Kiên và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Saigon Co.op Quách Cường.

Tại Saigon Co.op, những người “nói ngược” vì cái đúng, vì sự phát triển của tập thể được tổ chức Đảng bảo vệ

Tại Saigon Co.op, những người “nói ngược” vì cái đúng, vì sự phát triển của tập thể được tổ chức Đảng bảo vệ.


Ông Quách Cường là một trong các thành viên HĐQT Saigon Co.op biểu quyết công nhận số vốn 3.597 tỉ đồng huy động được. Truyền thống hơn 30 năm qua của Saigon Co.op là tin tưởng, ủng hộ gần như tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy - người vốn là Thành ủy viên và cũng do chính Thành ủy TP. HCM quản lý nhân sự, lựa chọn, điều động. Thế nhưng sự phân tích của bà Hòa, ông Đức và ông Kiên khiến ông Cường bắt đầu lo lắng.

Băn khoăn của các Ủy viên BCH Đảng bộ Saigon Co.op về nguồn gốc các khoản vốn góp được các ông Quách Cường, Nguyễn Anh Đức nêu ra tại cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy gồm 7 người, song không được ông Diệp Dũng giải đáp thấu đáo.

Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, việc huy động tăng vốn cho Saigon Co.op để phục vụ mục tiêu kinh doanh, tăng trưởng là đúng chủ trương, không có gì sai. “Nếu như mục tiêu là vì sự phát triển của Saigon Co.op, trước băn khoăn chính đáng của cán bộ, nhân viên, đáng lẽ anh ấy (ông Diệp Dũng - PV) phải cùng bàn với tập thể lãnh đạo Saigon Co.op để xác minh nguồn gốc các khoản vốn góp. Đằng này ngược lại”, ông Cường nhận định.

Thái độ của ông Diệp Dũng càng khiến ông Cường lo lắng hơn: “Có cái gì ở đằng sau?”. Không còn cách nào khác, các thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op yêu cầu phải báo cáo rõ ràng, minh bạch vấn đề này tại hội nghị BCH Đảng bộ Saigon Co.op.

Cuộc họp BCH Đảng bộ bắt đầu từ 8 giờ sáng 4-2-2020 kéo dài tới 7 giờ tối chỉ xoay quanh một vấn đề: Làm rõ những ai đã góp vốn vào Saigon Co.op. Không làm rõ được điều này, nguy cơ Saigon Co.op bị tư nhân thâu tóm là rất lớn, khi tỷ lệ khoản vốn góp vào lên tới 53% tổng số vốn điều lệ. Bí thư Đảng ủy Diệp Dũng tiếp tục khước từ mọi yêu cầu giải trình. “Có cái gì tôi chịu trách nhiệm”, ông Dũng khẳng định như đinh đóng cột trong cuộc họp kéo dài gần 12 tiếng đồng hồ.

Sự thiếu minh bạch của ông Diệp Dũng đã khiến 20 thành viên còn lại của BCH Đảng bộ Saigon Co.op đứng về một phía. Tại cuộc họp, BCH đã thống nhất chưa nhập số vốn góp hơn 3.597 tỉ đồng vào vốn điều lệ của Saigon Co.op, đồng thời báo cáo vấn đề này lên UBND TP. HCM. Tuy nhiên, cuộc làm việc với UBND TP. HCM cũng không nhận được sự hợp tác của ông Diệp Dũng. Tới lúc này, UBND TP. HCM buộc phải chỉ đạo thanh tra vào cuộc để làm rõ.

Nhưng đó mới là lúc cuộc đấu tranh của các cán bộ, đảng viên của Saigon Co.op như ông Quách Cường, bà Mỹ Hòa với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Diệp Dũng mới bắt đầu. “Đỉnh điểm” của cuộc đấu tranh là vào tháng 7-2020, khi Thanh tra TP. HCM đã có dự thảo kết luận thanh tra về việc huy động tăng vốn điều lệ Saigon Co.op. Ngày 24-7-2020, ông Diệp Dũng quyết định triệu tập và tổ chức Đại hội thành viên bất thường, bất chấp Thanh tra Thành phố và các sở, ban ngành TP. HCM đến nơi tổ chức hội nghị công bố quyết định đề nghị tạm dừng đại hội. Đại hội đã thông qua nghị quyết bãi nhiệm chức vụ Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Anh Đức và Phạm Trung Kiên - những người được ông Diệp Dũng nhận định là “đối kháng trực diện” với mình. Giám đốc phòng Tài chính, thành viên HĐQT Hồ Mỹ Hòa cũng vào “tầm ngắm”.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quách Cường do đề nghị tạm dừng đại hội theo yêu cầu của cơ quan chức năng không thành, đã rời khỏi đại hội và quyết định viết đơn nêu rõ các vi phạm của ông Diệp Dũng gửi cơ quan chức năng. Ngay sau đó, Thành ủy, UBND TP. HCM đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt nhằm ngăn chặn việc ông Diệp Dũng và các cá nhân, công ty thực hiện âm mưu thâu tóm Saigon Co.op.

Sau khi Thanh tra TP. HCM khẳng định việc tăng vốn điều lệ lần thứ 9 tại Saigon Co.op “có dấu hiệu bị thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung”, cấp có thẩm quyền của TP. HCM chỉ đạo Thanh tra Thành phố chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ các sai phạm tại Saigon Co.op…

Phó bí thư tỉnh ủy “nói ngược”

Tháng 11-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận họp để cho ý kiến việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6 m2 (hơn 36,3ha) chuyển đổi từ đất sân golf sang đất đô thị, thuộc dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Tại cuộc họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An thấy việc tính toán giá đất theo phương pháp thặng dư mà đơn vị tư vấn đưa ra có nhiều điểm chưa phù hợp, thậm chí là sai. Vốn là Bí thư Trung ương Đoàn mới được luân chuyển về địa phương hơn 1 năm và mới được bầu lại làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh 2 tuần trước đó, song ông An đã mạnh dạn nêu quan điểm của mình.

Khu cây ngập nước còn sót lại giữa lòng TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Người dân Bình Thuận ủng hộ dự án công viên sinh thái ngập nước theo đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An.

Khu cây ngập nước còn sót lại giữa lòng TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Người dân Bình Thuận ủng hộ dự án công viên sinh thái ngập nước theo đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An.


Lo rằng những điểm sai, chưa phù hợp trong cách tính toán giá đất nếu được thông qua sẽ khiến Nhà nước thất thoát ngân sách, ông An đã viết ý kiến của mình thành văn bản, trình bày rõ những điểm sai, chưa phù hợp trong phương pháp tính toán giá đất đối với dự án nói trên của đơn vị tư vấn; đề nghị cần nghiên cứu, tính toán lại. Dù vậy, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sau đó vẫn thống nhất về phương pháp, cách thức xác định giá đất. Các kiến nghị bằng văn bản của Phó Bí thư Dương Văn An chỉ được nêu trong phần “lưu ý khi thực hiện”.

Ngày 25-11-2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND phê duyệt giá đất cụ thể với hơn 36,3ha đất của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết là 936,8 tỉ đồng. Tính ra, giá mỗi m2 đất của dự án được giao cho chủ đầu tư chỉ gần 2,6 triệu đồng/m2 (sau khi đã được khấu trừ chi phí đầu tư hạ tầng và chi phí khác). Việc UBND tỉnh xác định giá đất như vậy đã gặp phải sự phản ứng của các cán bộ hưu trí Bình Thuận, có đơn thư kiến nghị, tố cáo nên Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và kết luận có nguy cơ gây thất thu lớn ngân sách nhà nước.

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ (theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an) đã xác định: Giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6m2 đất dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thời điểm ngày 10-4-2015 và ngày 25-11-2015 là hơn 2.863 tỉ đồng, chênh lệch 1.926,2 tỉ đồng so với giá mà UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.

“Nhiều người dân bày tỏ vui mừng”

Đó không phải là lần “nói ngược” duy nhất của ông Dương Văn An.

Đầu năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận có chủ trương “xén” 32ha khu cây ngập nước còn sót lại giữa lòng TP. Phan Thiết vốn có quy hoạch là đất công viên, cây xanh, thể thao; để lấy khoảng 10ha đấu giá xây dựng dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ nhằm lấy tiền xây dựng công viên trên phần diện tích còn lại. Cảm thấy phương án này “lợi bất cập hại”, nhất là TP. Phan Thiết sẽ mất đi khu sinh thái ngập nước, là tài nguyên thiên nhiên quý giá không thể tái tạo được, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nơi, ông Dương Văn An lại soạn báo cáo đề xuất gửi Thường trực Tỉnh ủy.

Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận), nơi xảy ra nhiều sai phạm.

Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận), nơi xảy ra nhiều sai phạm.



Báo cáo phân tích cụ thể những cái được, mất nếu thực hiện phương án san lấp để xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ và công viên trong đô thị. Trong báo cáo, ông An cũng đề nghị xem xét lại chủ trương đầu tư theo hướng điều chỉnh quy hoạch, bỏ quy hoạch khu dân cư, thương mại dịch vụ và giữ lại quy hoạch công viên theo hướng công viên sinh thái cảnh quan rừng ngập nước.

“Hồ sơ” báo cáo đề xuất còn gồm nhiều bản in các bài viết về kinh nghiệm biến rừng ngập mặn thành điểm tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học ở các nơi. “Tỉnh ta còn khó khăn, cần tiền để phát triển. Đổi đất đai lấy hạ tầng là một trong những việc phải làm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn những khu đất khác để đầu tư, không nhất thiết phải lấy khu rừng ngập mặn quý giá này”, ông An viết trong báo cáo.

Dù vậy, chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng “cắt” khu đất này thành 2 khu, lấy khoảng 10ha để đấu giá xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ, phần còn lại san lấp làm công viên vẫn tiếp tục được thực hiện. Đến năm 2020 UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án theo phương án trên với tổng mức đầu tư công viên trên 297 tỉ đồng.

Nhưng đó là chuyện đã qua. Giờ đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đang nỗ lực để hiện thực hóa ý tưởng biến khu rừng ngập mặn giữa TP. Phan Thiết thành công viên sinh thái mà ông ấp ủ trước đó. Dự án đã được cơ quan có chuyên môn nghiên cứu, đề xuất phương án, chuẩn bị trình HĐND tỉnh Bình Thuận điều chỉnh lại quy hoạch. Rất nhiều người dân của Bình Thuận bày tỏ vui mừng, ủng hộ dự án công viên sinh thái ngập nước theo đề xuất của ông Bí thư Tỉnh ủy. Ý tưởng thiết kế dự án công viên sinh thái rừng ngập nước này do các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP. HCM) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Thuận thực hiện trở thành 1 trong 11 công trình Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng kiến trúc Architecture MasterPrize (AMP) 2021, giải thưởng Global Future Design Awards 2021 - toàn cầu nội dung quy hoạch cảnh quan.

NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU RẤT QUAN TRỌNG

Câu chuyện của bà Hồ Mỹ Hoà, ông Quách Cường hay Phó Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn An (hiện là Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận – PV) là những tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc, “ngược dòng” khá hiếm hiện nay.

“Tổ chức đảng vẫn còn niềm tin với mình”

Trong hầu hết các báo cáo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì vấn đề tự phê bình và phê bình luôn được đánh giá là khâu còn hạn chế. Hàng loạt sai phạm, có khi kéo dài nhiều nhiệm kỳ song chủ yếu do người dân, báo chí phản ánh hoặc “bật” ra khi các cơ quan Trung ương vào cuộc. Không phải không có lý do khi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai gọi những câu chuyện ở Saigon Co.op hay Bình Thuận là những “tấm gương” về đấu tranh, tự phê bình và phê bình, nói tiếng nói thẳng thắn, nghiêm túc để bảo vệ sự trong sạch, đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng.

Cuối tháng 4-2022, khi xem xét kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định không kỷ luật bà Hồ Mỹ Hòa và ông Quách Cường do đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai phạm của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Diệp Dũng (đã bị khởi tố trong 2 vụ án do liên đới sai phạm khi còn lãnh đạo Saigon Co.op); chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng; trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Quách Cường nói điều ông thấy mừng không phải vì ông và bà Hòa không bị kỷ luật. Là người từng giơ tay biểu quyết ủng hộ chủ trương huy động vốn của ông Diệp Dũng, ông Cường nói ông thấy rất rõ cái sai của mình “sờ sờ ra đó”. “Cái mừng của tụi tui là qua việc đó, tổ chức đảng vẫn còn niềm tin với mình”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, cuộc đấu tranh ở Saigon Co.op là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn vì người mà họ phải đấu tranh là người đứng đầu - Bí thư Đảng ủy. “Lịch sử hơn 30 năm qua của Saigon Co.op cũng chưa bao giờ có chuyện đấu tranh này. May mắn là Saigon Co.op có một tập thể đảng viên rất mạnh, dám đấu tranh vì cái đúng, vì sự phát triển của cả tập thể”, ông Cường chia sẻ.

 Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý. – Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.

 

Còn Giám đốc Phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa thì tâm trạng ngổn ngang hơn. Vài tháng trước, bà Hòa vừa nhận quyết định khởi tố để điều tra trong vụ án liên quan tới cựu Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng. Dù âm mưu thâu tóm Saigon Co.op trong lần tăng vốn “siêu tốc” đầu năm 2020 đã bị ngăn chặn nhờ sự đấu tranh của những cán bộ, đảng viên như bà Hòa; song cơ quan chức năng phát hiện ông Diệp Dũng đã có những sai phạm trong lần huy động vốn để mua lại BigC Việt Nam từ năm 2015. Khi đó, theo chỉ đạo của ông Diệp Dũng, với vai trò là Giám đốc Phòng Tài chính, bà Hòa là người đã tham mưu (ký nháy) vào “hợp đồng đầu tư” trái quy định với 2 công ty bên ngoài bằng số tiền 1.000 tỉ đồng huy động được. Các hợp đồng này là “tiền đề” cho những sai phạm gây thiệt hại 115 tỉ đồng của ông Diệp Dũng và các đồng phạm sau đó.

Trong cuộc trò chuyện tại Văn phòng Đảng ủy Saigon Co.op, bà Hòa nói, khác với năm 2020, vào thời điểm đó (2015), cả Saigon Co.op đang say sưa với sứ mệnh mua lại bằng được BigC Việt Nam, còn bản thân bà thì chưa đủ thông tin cũng như nhận thức để nhận ra những sai phạm trong các chỉ đạo của ông Diệp Dũng. “Nếu không phải tôi thì sẽ là một anh chị nào đó ở Saigon Co.op”, bà Hòa nói và cho biết, bà đã làm hết trách nhiệm của một đảng viên, người lao động như 21 năm qua, chứ không phải vì động cơ cá nhân hay đồng lõa với những sai trái của ông Diệp Dũng.

Lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến

Ở Bình Thuận, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. Nhiều lãnh đạo chủ chốt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận cũng bị kỷ luật do liên đới đến sai phạm đất đai, dự án trên địa bàn...

Bây giờ, với trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, “bài học kinh nghiệm” mà ông Dương Văn An rút ra là sự cầu thị, biết lắng nghe những ý kiến khác nhau của người đứng đầu có vai trò quyết định.

“Mỗi cán bộ lãnh đạo phải biết lắng nghe các luồng ý kiến, nếu phát hiện những sai sót thì phải xử lý, khắc phục; nếu thấy đúng thì quyết tâm thực hiện; không để xảy ra tình trạng quan liêu, độc đoán, chuyên quyền trong cán bộ lãnh đạo, quản lý”, ông An nói và cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã rút ra kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh sau những vi phạm vừa qua.


Bài 2: Đấu tranh, tránh đâu?

 

Vì sao các tổ chức đảng hiện nay thiếu những tiếng nói thẳng, thiếu tinh thần tự phê bình, phê bình; tình trạng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, thậm chí sợ, hùa theo lãnh đạo trở nên phổ biến?

Khi “thẳng lưng” lại thành “khuyết tật”

Ngày 24-7-2020, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) Diệp Dũng triệu tập Đại hội thành viên bất thường lần thứ 1 năm 2020. Bất chấp việc Thanh tra TP. HCM và cấp có thẩm quyền có mặt yêu cầu dừng đại hội, ông Diệp Dũng vẫn chỉ đạo để Đại hội thành viên thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT và cách chức Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Anh Đức; đồng thời cách chức vụ Phó Tổng giám đốc của ông Phạm Trung Kiên.

Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Phạm Trung Kiên là những người đầu tiên chia sẻ với những băn khoăn của Giám đốc phòng Tài chính Saigon Co.op Hồ Mỹ Hòa về khoản tiền góp vốn “khủng” 3.597 tỉ đồng, chiếm tới 53% tổng số vốn điều lệ của Saigon Co.op sau khi tăng vốn lần thứ 9. Cũng chính ông Đức, ông Kiên cùng với Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quách Cường đã đấu tranh từ trong Thường vụ Đảng ủy cho tới Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op để yêu cầu ông Diệp Dũng giải trình rõ về nguồn gốc số vốn góp này. Chính vì vậy, ông Đức và ông Kiên trở thành những người “đấu tranh trực diện” và bị Bí thư Đảng ủy Diệp Dũng tìm cách “loại trừ” đầu tiên. Tại đại hội này, Giám đốc Phòng Tài chính Hồ Mỹ Hòa cũng được ông Diệp Dũng “đặt vấn đề” đưa vào danh sách loại khỏi HĐQT song không thành công.

May mắn, sự lạm quyền của Bí thư Đảng ủy Diệp Dũng đã bị ngăn chặn. UBND TP. HCM và cấp có thẩm quyền không công nhận quyết định của Đại hội thành viên bất thường. Ngày 18-9-2020, ông Nguyễn Anh Đức được HĐQT Saigon Co.op giao điều hành HĐQT sau khi ông Diệp Dũng bị đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op, sau đó từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT vì liên đới sai phạm trong phi vụ góp vốn thâu tóm Saigon Co.op.

Thế nhưng, trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ cho cái đúng, cho lợi ích chung, những tiếng nói thẳng thắn, dám đấu tranh không phải lúc nào cũng may mắn như câu chuyện ở Saigon Co.op. Rất nhiều người đã phải nhận những “đòn thù”, mất cả sự nghiệp, thậm chí vướng vòng lao lý khi lên tiếng đấu tranh với các sai phạm, nhất là của những người đứng đầu.

Năm 2018, nhiều người biết đến câu chuyện của kỹ sư Đỗ Văn Hải với hành trình gần 30 năm đấu tranh chống tiêu cực trong ngành dầu khí. Trước đó từ những năm 2010, ông Đỗ Văn Hải đã lên tiếng tố cáo nhiều sai phạm của ông Đinh La Thăng, khi đó là Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), và Trịnh Xuân Thanh cùng nhiều lãnh đạo tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - nơi ông làm việc. Những cảnh báo của ông Đỗ Văn Hải, nhất là trong công tác cán bộ tại các đơn vị của PVN đã không được quan tâm đúng mức. Ngược lại, năm 2011, chính vì việc tố cáo trực tiếp nhắm vào người đứng đầu là ông Đinh La Thăng, ông Đỗ Văn Hải đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi “đưa thông tin lên mạng internet nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, không đúng sự thật làm mất uy tín với người khác”.

Vụ án của ông Đỗ Văn Hải đã được Viện KSND tối cao đình chỉ vào cuối năm 2011 với lý do ông Hải trong quá trình điều tra đã ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng… Nhiều năm sau đó, ông Hải đã đi tìm tiếng nói công bằng cho mình trong vô vọng. Câu chuyện của ông Hải chỉ được biết đến vào năm 2018, sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt và trở thành bị cáo trong nhiều phiên tòa liên quan tới những sai phạm của ông Thăng khi còn là Chủ tịch PVN, trong đó có nhiều vi phạm đã được ông Hải phản ánh từ gần 10 năm trước.

Những câu chuyện như ông Đỗ Văn Hải không phải hiếm. Nhiều năm trước, người dân và báo chí từng nhắc tới trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người từng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng Bằng khen cho thành tích chống tiêu cực, đã phải xin nghỉ dạy vì cho rằng bị Hiệu trưởng và cả Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hà Nội trù dập do việc chống tiêu cực.

Hay gần đây hơn, tháng 12-2020, Thanh tra Chính phủ đã phải có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị chấm dứt các hành vi trù dập đối với ông Lương Xuân Bình, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), do ông Bình đã tố cáo các sai phạm liên quan tới dự án đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - ga Hà Nội do MRB làm chủ đầu tư lên Thanh tra Chính phủ. Nhiều nội dung tố cáo của ông Bình được Thanh tra Chính phủ kết luận là có cơ sở. Trong khi đó, trong quá trình tố cáo, người tố cáo sai phạm dự án tỉ USD này bị phân công làm viên chức văn phòng…

Ông Lương Xuân Bình từng có nhiều năm tố cáo sai phạm liên quan tới dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội và bị trù dập.

Ông Lương Xuân Bình từng có nhiều năm tố cáo sai phạm liên quan tới dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội và bị trù dập.



Có rất nhiều vụ việc tương tự có thể đã không được dư luận biết tới. Nỗi lo “đấu tranh thì tránh đâu”, đấu tranh, “nói thẳng” chỉ chuốc vạ vào thân chứ chẳng lợi lộc gì, đã triệt tiêu những tiếng nói đấu tranh với cái sai, bảo vệ lẽ phải, lợi ích chung; thậm chí dẫn đến tâm lý xu nịnh, đồng lõa với cái sai ở nhiều nơi. Tư tưởng “ai cũng gù lưng, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”, đáng tiếc lại đang trở thành “châm ngôn” được nhiều người thừa nhận.

“Nói ngược” không phải lúc nào cũng dễ

Không chỉ là tiếng nói đấu tranh hay tố cáo sai phạm, những tiếng nói góp ý, phê bình trong sinh hoạt đảng, vốn được coi là vũ khí sắc bén trong xây dựng Đảng, theo cách tương tự, không phải bao giờ cũng được tiếp thu một cách dễ dàng.

Trong nhiều vụ án nổi cộm thời gian qua, nhiều trường hợp bị rơi vào vòng lao lý vì dù biết sai, đã báo cáo, song vẫn thực hiện theo chỉ đạo của người đứng đầu vì nghĩ rằng đó là “nhiệm vụ chính trị” mà cấp trên và tập thể giao cho.

Tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong các sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ hồi năm 2021, bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học - PVB) khai rằng, khi được tổ chuyên gia báo cáo về việc liên danh nhà thầu không đáp ứng tiêu chí chỉ định thầu, ông Thanh đã ký công văn báo cáo PVN. Tuy nhiên, sau khi nhận được bút phê của ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch HĐTV PVN) chỉ đạo việc này, ông Thanh đã “nghĩ đó là nhiệm vụ chính trị” nên đã thực hiện việc chỉ định thầu cho PVC dẫn đến sai phạm tại dự án, gây thiệt hại hơn 500 tỉ đồng. Theo hồ sơ vụ án, ngày 14-6-2010, do không đồng ý với một số đề xuất thay đổi thiết kế, vốn đầu tư tại dự án trên, ông Hà bị điều chuyển công tác.

Hay như sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương và hàng loạt lãnh đạo tỉnh này liên quan việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty CP Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định, đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, thông tin mà PV Thanh Niên có được cũng cho thấy, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương đã có ý kiến tham mưu khác. Tuy nhiên, một phó chủ tịch UBND tỉnh không tiếp thu ý kiến tham mưu, và sai phạm đã xảy ra. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 14-10 vừa qua, thông tin: Sai phạm tại Hải Dương “không chỉ một người mà có sự móc ngoặc với nhau, từ Bí thư cho đến Chủ tịch tỉnh, cán bộ các cấp, thậm chí còn móc với cán bộ trên Trung ương”…

Trong nhiều kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều nhấn mạnh một hạn chế tồn tại trong nhiều năm: không thực hiện nghiêm quy tắc tập trung dân chủ; công tác tự phê bình, phê bình còn là khâu yếu. Đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều sai phạm của các tổ chức đảng ở nhiều nơi tồn tại trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, trở thành hạn chế trong công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhiều năm qua. Rất nhiều vụ án, vụ việc chỉ được phát hiện khi người dân, báo chí phản ánh hoặc các cơ quan chức năng vào cuộc.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chia sẻ ở thế hệ ông, họp chi bộ đảng mỗi tháng 1 lần là cả một buổi chiều hoặc một buổi tối “quần nhau đến nơi đến chốn”, “đồng chí nào có khuyết điểm mà chưa nhận thì đấu tranh đến cùng mới thôi”. Ông Túc nói chính nhờ tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình từ cơ sở đảng rất mạnh, rất tốt nên thời bấy giờ mới không có chuyện cán bộ bị xử lý kỷ luật nhiều như hiện nay. Thế nhưng, việc đấu tranh, tự phê bình, phê bình vốn rất hiệu quả trong xây dựng chỉnh đốn Đảng tới nay không còn được như trước.

Theo ông Túc, tình trạng rất phổ biến hiện nay là nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, “tôi không phê bình anh thì anh cũng chẳng phê bình tôi”, phê bình và tự phê bình rất yếu. “Đặc biệt đối với cấp trên thì hiện nay thường xu nịnh nhiều hơn là chân thành góp ý”, ông Túc nói.

Cũng theo ông Túc, hầu hết các vụ việc do Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vừa qua đều có chung một khuyết điểm là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Ở nhiều nơi xảy ra sai phạm, người đứng đầu cấp ủy biến mình thành “ông vua con”, chuyên quyền, độc đoán, không thực hiện nghiêm quy tắc tập trung dân chủ, có thái độ thiếu cầu thị, thậm chí trù dập, trả thù những người góp ý.

“Chính những người đứng đầu như vậy là nguyên nhân dẫn đến tinh thần đấu tranh nội bộ, phê bình và tự phê bình yếu hẳn đi. Và đấy là điều đáng lo”, ông Túc nhấn mạnh.

 

Bài 3: Lãnh đạo phải biết nghe 'nói ngược'

Nhiều ý kiến cho rằng để có những tiếng nói thẳng thắn, nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình, thì sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu nhằm tạo không khí dân chủ, cởi mở là rất quan trọng…

 

Một đợt sinh hoạt chính trị ở cấp cao nhất

Trong câu chuyện về cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, điều khiến ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa IX, nhớ nhất là đợt sinh hoạt chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị liên quan tới chính người lãnh đạo cao nhất của Đảng vào cuối nhiệm kỳ khóa VIII - mà ông Diễn gọi là “một bài học rất hay và tiêu biểu về tính nghiêm túc trong công tác xây dựng Đảng, phê bình và tự phê bình ở cấp cao nhất của Đảng”.

Ông Phan Diễn kể: Khoảng cuối năm 2000, trong cuộc họp Bộ Chính trị do chính cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chủ trì, có ý kiến trong Bộ Chính trị cho rằng thời gian qua trong xử lý một số công việc của Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có một số khuyết điểm nhất định. Đó là thời điểm đang chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng nên vấn đề liên quan tới Tổng Bí thư được Bộ Chính trị rất quan tâm và nghiêm túc. Sau đó, Bộ Chính trị thành lập hẳn một nhóm chuyên trách với sự tham gia của các cơ quan như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương để làm rõ những vấn đề được nêu ra liên quan tới Tổng Bí thư. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị thảo luận, báo cáo ra Trung ương. Trung ương cũng thảo luận, góp ý thêm rồi cuối cùng đi đến kết luận của cả Trung ương và Bộ Chính trị về từng vấn đề được nêu ra.

Theo ông Phan Diễn, cách làm của Bộ Chính trị khi đó rất nghiêm túc, xây dựng, đoàn kết. “Trước một việc hệ trọng như vậy, tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, kể cả những đồng chí đã ở Bộ Chính trị lâu năm, hay như chúng tôi mới vào Bộ Chính trị, mỗi người đều thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nói lên suy nghĩ của mình”, ông Diễn nói.

Nhưng quan trọng hơn, sự dân chủ, thẳng thắn, cởi mở ấy được chính người đứng đầu, cũng là “người trong cuộc” là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp thu với thái độ cầu thị, đúng mực. “Phải nói là đồng chí Lê Khả Phiêu đã ứng xử rất nghiêm túc và đúng mực”, ông Diễn nhớ lại.

Từ cuộc họp Bộ Chính trị đầu tiên cho tới cuộc thảo luận ở Trung ương, dù là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, song Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tiếp thu một cách nghiêm túc và bình tĩnh đối với những góp ý với mình. Theo ông Phan Diễn, chính nhờ thái độ ứng xử đúng mực, bản lĩnh, lắng nghe và cầu thị của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó, nên sau khi ông nghỉ, tất cả mọi người đều rất kính trọng ông.

“Sự lắng nghe, cầu thị của người đứng đầu là rất quan trọng”, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rút ra nhận định. Theo ông Túc, nếu sự chuyên quyền, áp đặt ý chí chủ quan của người đứng đầu làm triệt tiêu tiếng nói phê bình, tự phê bình, tinh thần đấu tranh trong nội bộ thì ngược lại, sự cầu thị, lắng nghe của người đứng đầu sẽ khuyến khích những góp ý chân thành, xây dựng, tiếng nói thẳng thắn trong mọi vấn đề của tổ chức. Đó chính là cơ sở để thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng của công tác phê bình, tự phê bình trong các tổ chức đảng.

Tuy nhiên, để người đứng đầu lắng nghe và thực sự cầu thị là điều không dễ. Những vụ việc như ở Saigon Co.op, Bình Thuận hay các đại án tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Hà Nội… đều cho thấy, sự áp đặt ý chí chủ quan của người đứng đầu chính là nguyên nhân chính dẫn tới hàng loạt sai phạm của cả tập thể.

Ông Nguyễn Túc cho rằng, sự nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác phê bình, tự phê bình chủ yếu là do việc kiểm soát quyền lực với người đứng đầu thời gian vừa qua dường như đang bị coi nhẹ. “Chúng ta vẫn nói phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, chúng ta vẫn chưa làm được bao nhiêu cả”, ông Túc phân tích và cho rằng, quyền lực luôn có nguy cơ tha hóa, do vậy một khi đã giao quyền lực, cần phải có cơ chế kiểm soát, các tổ chức đảng cấp trên trực tiếp phải thường xuyên giám sát, kiểm tra các tổ chức đảng cấp dưới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, vào cuối tháng 7 vừa qua, cũng nhấn mạnh: Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử trong hoạt động Đảng nhưng chỗ này, chỗ kia vẫn chưa thực hiện nghiêm. “Vừa rồi chúng ta kỷ luật một số tổ chức đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu dùng ý chí chủ quan áp đặt, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại, có một số nơi thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm”, bà Mai nói và nhấn mạnh: “Cả hai việc này đều không tốt cho Đảng”.

Sinh hoạt chi bộ không thể “ầu ơ”

Từ góc độ tổ chức cơ sở đảng, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), cho rằng trong hàng loạt vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có những sai phạm diễn ra từ cách đây nhiều năm, như vụ cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam hay trường hợp sai phạm ở Bình Thuận, 2 nhiệm kỳ Bí thư Tỉnh ủy đều bị kỷ luật. “Rõ ràng là tính chiến đấu, công tác tự phê bình và phê bình ở các tổ chức đảng nơi đây có vấn đề”, ông Hà nói và cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình thì phải nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở.

Chỉnh đốn sinh hoạt đảng tại chi bộ cơ sở cũng được ông Nguyễn Túc nhìn nhận như một giải pháp “sâu gốc bền rễ” để đẩy mạnh tự phê bình, phê bình, khuyến khích những tiếng nói thẳng. “Nếu chỉnh đốn Đảng phải từ trên xuống thì đổi mới, xây dựng Đảng phải từ dưới mà lên. Bác Hồ từng nói gốc có vững thì cây mới bền. Đảng không thể mạnh nếu từng chi bộ cơ sở không mạnh”, ông Túc nói. Theo ông Túc, việc xây dựng, chỉnh đốn các chi bộ cơ sở thời gian qua cũng chưa được coi trọng đúng mức.

Điều ông Hà, ông Túc nói là thực tế. Nghị quyết 21 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII cũng nhấn mạnh: “Chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở”.

Thậm chí, “một số cấp ủy cơ sở chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu; chưa chủ động, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng”.

Những câu chuyện như tại Saigon Co.op cho thấy, nếu có một tổ chức cơ sở đảng mạnh, công tác tự phê bình, phê bình hiệu quả, chất lượng, sức chiến đấu, các nguyên tắc về sự lãnh đạo của Đảng sẽ được đảm bảo.

Bà Trương Thị Mai tại Hội nghị nói trên đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo bà Mai, một trong những giải pháp là nâng cao hiệu quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Bà Mai cho rằng, đánh giá đảng viên, tổ chức đảng từ lâu vẫn là khâu yếu, và khâu yếu đó chính là nơi thể hiện rõ nhất sự “dĩ hòa vi quý”, thành tích và kém thực chất trong sinh hoạt đảng ở nhiều cơ sở.

“Có phải yếu là do mình không”, bà Trương Thị Mai nêu vấn đề. “Tại sao có tổ chức đảng rất thẳng thắn với nhau, có tổ chức đảng lại dĩ hòa vi quý? Có phải là do chính bản thân từng tổ chức, từng đảng viên không? Bây giờ quy định không thiếu gì nhưng cuối cùng vẫn đánh giá không thực chất”, bà Mai nêu và đề nghị các cấp ủy, từng tổ chức cơ sở đảng phải làm sao để đánh giá cho thật thực chất, “chống hình thức, chống thành tích, chống dĩ hòa vi quý”.

Cùng đó, theo bà Trương Thị Mai, cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy. “Đây là nơi thể hiện tính chính trị của một tổ chức đảng. Sinh hoạt chi bộ ầu ơ làm sao nâng cao tính chính trị. Từ đây nó mới ra được tinh thần trách nhiệm, nêu gương, rất nhiều vấn đề. Phải biến sinh hoạt chi bộ thành sinh hoạt chính trị thực chất”, bà Mai nhấn mạnh.

Bài 4:  Tự phê bình, phê bình là cơ chế kiểm soát quyền lực

Các chuyên gia cho rằng ngoài nhận thức đúng để tự phê bình, phê bình thật, việc có cơ chế tạo áp lực để buộc phải nghe những tiếng nói phản biện thẳng thắn là giải pháp để nhân rộng những tấm gương nói thẳng, nói thật.

“Đảng còn hay mất là ở chỗ này”

Tại Tọa đàm “Khuyến khích những tiếng nói thẳng” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17-10, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương), nhận định để nâng cao chất lượng tự phê bình, phê bình, khuyến khích những tiếng nói thẳng phải bắt đầu từ nhận thức. Theo ông Hà, sở dĩ tình trạng tự phê bình, phê bình yếu, thiếu những tiếng nói thẳng thắn như vừa qua là do không phải cán bộ, đảng viên nào cũng nhận thức sâu sắc rằng: nếu không làm tốt tự phê bình và phê bình là mất Đảng.

Các chuyên gia tại Tọa đàm “Khuyến khích những tiếng nói thẳng” do Báo Thanh Niên tổ chức.

Các chuyên gia tại Tọa đàm “Khuyến khích những tiếng nói thẳng” do Báo Thanh Niên tổ chức.



“Điều lệ Đảng đã xác định tự phê bình, phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng còn hay mất là ở chỗ này”, ông Hà phân tích và cho rằng thiếu nhận thức đúng đắn về vấn đề này còn dẫn đến tình trạng tự phê bình và phê bình “ầu ơ, dễ dàng cho qua khuyết điểm, thậm chí là vuốt ve nhau” mà thiếu đi những tiếng nói thẳng thắn.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhìn nhận không phải tất cả cán bộ, đảng viên đã nhận thức một cách đúng đắn về vai trò của tự phê bình, phê bình trong mô hình thể chế của Việt Nam. “Mô hình thể chế của chúng ta là một đảng lãnh đạo, không có đối lập, cũng không có cơ chế “gián quan” thì tự phê bình, phê bình là bắt buộc, thậm chí là sự sống còn. Chúng ta không vận hành cơ chế đó thì không có cửa nào khác. Nếu nhận thức được điều đó thì phải tổ chức để làm cho nó thật hơn chứ còn không khéo thì làm chỉ mất thì giờ, ngồi mà chỉ để khen nhau thì chả giải quyết được cái gì cả”, ông Dũng phân tích.

Theo ông Dũng, tự phê bình, phê bình không chỉ là cơ chế để vận hành thể chế để có những tiếng nói phản biện, thẳng thắn vì mục tiêu phát triển, trong mô hình thể chế Việt Nam, tự phê bình, phê bình còn là cơ chế để kiểm soát quyền lực. Ông Dũng cho rằng theo nguyên tắc là tự phê bình thì chức vụ cao mấy chăng nữa hằng năm vẫn phải tự kiểm điểm và từ kiểm điểm đó thì các đảng viên khác đều có thể góp ý. Mạnh hơn nữa là việc bỏ phiếu tín nhiệm trong Ban Chấp hành Trung ương. Đó là các công cụ giám sát quyền lực đang có và đang vận hành. “Theo cách đó tự phê bình, phê bình không chỉ là để nâng cao chất lượng quản trị mà còn để giám sát quyền lực”, ông Dũng nói.

Tạo động lực cho những tiếng nói thẳng

Nhưng nhận thức chỉ là điều kiện cần. Theo các chuyên gia, điều kiện đủ là phải tạo được cơ chế để khuyến khích những tiếng nói phản biện, thẳng thắn vì lợi ích chung.

PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương, cho rằng cần có quy định cơ chế cụ thể để phát huy dân chủ trong Đảng tốt nhất; để dân chủ trong Đảng phải làm gương cho dân chủ trong xã hội. Theo ông Phúc, cơ chế kiểm soát quyền lực với chế tài cụ thể để buộc người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị tạo ra không khí cởi mở, dân chủ, từ đó khuyến khích cán bộ, đảng viên cấp dưới dám nói lên chính kiến của mình, kể cả những ý kiến “ngược” với cấp trên. “Làm thế nào để những người dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai phải được cấp ủy cấp trên bảo vệ và tập thể đó phải bảo vệ. Hiện nay, nhiều khi ý kiến đúng, nói thẳng, đấu tranh lại trở nên lạc lõng”, ông Phúc phân tích.

 Làm thế nào để những người dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai phải được cấp ủy cấp trên bảo vệ và tập thể đó phải bảo vệ. Hiện nay, nhiều khi ý kiến đúng, nói thẳng, đấu tranh lại trở nên lạc lõng. – PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan đảng Trung ương.

 

Vai trò của người đứng đầu cũng là điều mà ông Nguyễn Đức Hà cho rằng rất quan trọng khi phân tích các bài học thực tiễn. Ông cho rằng ở bất cứ tổ chức nào, người đứng đầu thực hiện nghiêm túc tự phê bình, phê bình, nghiêm khắc với bản thân nhưng chân thành với cấp dưới, đồng nghiệp sẽ phát huy dân chủ, khơi dậy được những ý kiến thẳng thắn, xây dựng. “Nếu mà người lãnh đạo cấp trên, đặc biệt là người đứng đầu mà cứ nghe ý kiến nào ngược ý mình lại “gạch đầu dòng” vào sổ thì ai dám nói”, ông Hà nêu.

Còn theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, sở dĩ những tiếng nói phản biện, thẳng thắn khá hiếm trong thời gian qua là vì động lực để nói thẳng không lớn, ngược lại những ý kiến phản biện, thẳng thắn lại rủi ro cao. Do đó, giải pháp mà ông Dũng khuyến nghị là một cơ chế khuyến khích, tạo động lực cho việc nói thẳng, phản biện. “Cần phải có cơ chế để ưu tiên hay thưởng khi xem xét, đánh giá, bổ nhiệm với những người có ý kiến phản biện. Chẳng hạn, nếu anh là ứng viên mà anh đưa ra phản biện, các phản biện của anh là đúng, được chấp nhận thì anh là ứng viên số 1. Anh phản biện 10 lần mà các ý kiến của anh được công nhận thì anh phải được ưu tiên hơn người chỉ có 5 lần. Đấy là sự khuyến khích”, ông Dũng nêu.

Cạnh đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng đề nghị, để hạn chế sự “rủi ro” thì rất cần có sự minh bạch trong tự phê bình và phê bình. Theo ông Dũng, các ý kiến phản biện hay ý kiến khác cần phải được ghi lại hoặc có biên bản. Khi đó, người ta sẽ thấy được ý kiến phản biện, góp ý thẳng thắn của một người là đúng hay sai. “Còn nếu cứ nội bộ, nói miệng với nhau không minh bạch gì cả thì sẽ rất rủi ro cho những người dám có ý kiến phản biện. Minh bạch dù trong nội bộ thôi cũng tạo áp lực giúp bảo vệ những tiếng nói thẳng thắn”, ông Dũng phân tích.

Công tác cán bộ dựa trên thành tích thực tế

Cùng với cơ chế khuyến khích những ý kiến phản biện, góp ý thẳng thắn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng cho rằng cần cơ chế tạo áp lực để buộc những người đứng đầu phải nghe tiếng nói phản biện. “Áp lực đó là công tác cán bộ phải dựa trên thành tích thực tế”, ông Dũng nói.

Dẫn thực tế trước đây, đã có những bộ trưởng, phó thủ tướng được cất nhắc, bổ nhiệm vì dù còn trẻ nhưng đã dám “nói ngược” lãnh đạo, có những ý kiến thẳng thắn, ông Dũng cho rằng, một thời chúng ta đã lựa chọn người “rất ổn” vì lãnh đạo đã nhìn vào bản chất con người, vào kết quả công việc thực tế thay vì những tiêu chuẩn định tính và những lá phiếu tín nhiệm chủ quan.

Ông Dũng phân tích, quy trình cán bộ hiện nay chủ yếu dựa vào lá phiếu tín nhiệm thành ra khuyến khích “quan hệ” nhiều hơn là năng lực chuyên môn. “Nếu quan trọng nhất để được bổ nhiệm, thăng tiến là lá phiếu thì người ta chỉ cốt làm sao để vừa lòng nhau”, ông Dũng phân tích và cho rằng, khi lấy thành tích thực tế làm cơ sở để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ còn khuyến khích những người đứng đầu phải chọn được những người tài, dám nói thẳng, dám phản biện vì chỉ những người này mới đem lại hiệu quả công việc thực tế. “Không chọn được người tài, kết quả công việc của anh sẽ không tới đâu, anh cũng không thăng tiến được. Đơn giản vậy thôi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS. Vũ Văn Phúc cũng cho rằng cần phải sớm khắc phục cho được tình trạng “quy trình đúng nhưng chọn sai cán bộ”. Theo ông Phúc, hiện nay quy trình cán bộ 5 bước rất chặt chẽ, song đều thông qua việc bỏ phiếu. Điều này có thể dẫn đến việc những cán bộ có năng lực, có phẩm chất nhưng vì quan hệ không tốt hay có những tiếng nói phản biện, thẳng thắn lại không được phiếu cao.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất