Giải pháp nào phá bỏ rào cản vô hình gây trở ngại cho thực thi chính sách tốt?
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV.

Câu chuyện về phát triển kinh tế vĩ mô và thực thi các chính sách tốt của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành lâu nay luôn trở thành đề tài nóng và rất nóng trong xã hội. Nhiều quyết sách nhanh, trúng, chuẩn để đáp ứng kịp thời với những diễn biến khó lường trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển và kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài đều bị rào cản vô hình ngăn lại, vô hiệu hoá các quyết định, nghị quyết cần phải làm ngay.

Tiêu điểm về vấn đề này, chúng ta chỉ cần nhìn lại 3 năm qua với tinh thần nhìn thẳng vào thực tế đã và đang xảy ra để tìm nút thắt, rào cản vô hình để có giải pháp đủ mạnh, đủ cương quyết để triển khai các kế hoạch đã được ban hành một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Trong lúc đại dịch Covid-19 bao phủ khắp 63 tỉnh thành, kinh tế đình trệ, an ninh xã hội bất ổn, để kịp thời giải toả những khó khăn, bình ổn cuộc sống của người dân, giữ vững an ninh trật tự xã hội… chúng ta đã làm rất tốt các biện pháp duy trì sản xuất - kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.

Nhưng các chính sách hỗ trợ để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, kích cầu sản xuất - kinh doanh, khôi phục dòng vốn đầu tư thì chưa tốt. Những con số đưa ra với những gói tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chỉ là con số đẹp trên giấy, bởi thực tế đồng vốn theo kế hoạch tung ra thì nhiều, nhưng đến tay doanh nghiệp không đáng kể, nhỏ giọt và nhiều nơi đồng vốn hỗ trợ không đến tay người có nhu cầu cần thiết sử dụng.

Trong những ngày này, Quốc hội đang họp tại Thủ đô Hà Nội, vấn đề lớn đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra bởi đầu năm 2022 Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành đã nhận thấy tình hình kinh tế diễn biến vô cùng phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đứt gãy do chính sách của một số quốc gia có tầm ảnh hưởng đến cục diện thế giới thực thi chính sách không đồng bộ như Trung Quốc duy trì chính sách (zero Covid) nên các thành phố lớn, các hãng xưởng lớn của Trung Quốc tiếp tục bị phong toả, ngừng sản xuất, ngừng kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là chiến sự đã và đang còn tiếp diễn khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại U-crai-na, cuộc chiến này không dừng lại ở chiến sự cục bộ, nó đã trở thành cuộc chiến toàn cầu vì các nước không tham chiến về quân sự nhưng tham chiến về kinh tế, ngoại giao… dẫn đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực trở thành vấn đề cực nóng khi xăng dầu, khí đốt và lương thực, thực phẩm tăng phi mã. Việt Nam chúng ta chịu tác động trực tiếp và hệ luỵ vô cùng lớn bởi Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, đang phát triển với tổng sản phẩm quốc nội trong khu vực và thế giới còn rất khiêm tốn, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt 3.000USD/năm nên khó khăn lại càng khó khăn.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng chương trình phục hồi gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022-2023 tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu được Trung ương, Quốc hội thống nhất cao, nhân dân ủng hộ. Nhưng sáng hôm qua (25-5-2022) khi Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, khi tham gia thảo luận Chủ tịch Quốc hội nói chúng ta chưa giải ngân được đồng nào trong gói hỗ trợ này.

Nghị quyết cực kỳ quan trọng nhưng sau hơn 6 tháng vẫn chưa được thực thi, vẫn chưa đi vào cuộc sống khi kinh tế suy kiệt, lạm pháp tăng cao và vật giá trên mọi mặt hàng đều leo thang với mức độ khó kiểm soát.

Vậy, giải pháp nào để phá bỏ rào cản vô hình đang gây trở ngại cho thực thi chính sách tốt của Chính phủ và Quốc hội đã ban hành là câu hỏi lớn cần được các vị đại biểu Quốc hội đang ngồi họp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội trả lời, bởi các vị cũng chính là những người đang nắm trọng trách của Chính phủ, của Quốc hội và các ban, bộ, ngành thực thi chính sách và Nghị quyết do các vị bỏ phiếu đồng thuận với gói hỗ trợ phát triển kinh tế 350 nghìn tỷ đầu năm 2022.

Theo cách nghĩ của tôi, chúng ta cần phải làm ngay những vấn đề như sau:

Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát lại Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ cho 5 nhiệm vụ, phải chăng có thể chưa được thông thoáng, còn nhiều câu từ khó thực hiện. Nếu cần chúng ta điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế để thuận lợi cho việc thực hiện.

Thứ hai, khi mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội đã nhất quán, xuyên suốt với tiêu chí lấy người dân làm trọng tâm, lấy doanh nghiệp làm nền tảng thì cần phải có các đối tượng này tham vấn cho Quốc hội và Chính phủ, bởi họ là người trực tiếp thụ hưởng nguồn vốn và có trách nhiệm hoàn trả vốn vay, nên mọi ý kiến và phản biện của họ sẽ chính xác nhất, hợp lý nhất. Tổ tư vấn cho Chính phủ và Quốc hội chỉ là công chức, người hưởng lương chứ không phải người sản xuất - kinh doanh và cũng không làm ra sản phẩm cho xã hội nên sự tham vấn của Tổ tư vấn đôi khi thiếu thực tế, chưa sát đúng với cuộc sống của nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ ba, sau thời gian dài chống dịch, nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan đã và đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật để làm lợi cho bản thân nên bị truy tố hàng loại dẫn tới công chức, các vị có trách nhiệm mắc bệnh “sợ trách nhiệm”, thành ra án binh bất động mong được yên thân hoặc không có cơ hội kiếm chác nên không làm… Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cần thiết phải loại bỏ, thay vào đó là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu và chỉ đạo theo tinh thần tư tưởng của V.I.Lê-nin “thà ít mà tốt”.

Thứ tư, chúng ta cần phải làm ngay, không để tình trạng này kéo dài, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ sẽ không đi vào cuộc sống, hệ luỵ khôn lường cho nền kinh tế của Việt Nam, bởi mọi lĩnh vực đều lao dốc như thị trường chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu và sản xuất - kinh doanh đình trệ… nguy hiểm hơn là niềm tin vào chính sách sẽ bị mai một.

Thứ năm, công việc của Quốc hội, Chính phủ thì nhiều vô kể và phải cân nhắc nặng nhẹ, cân nhắc việc cần phải làm ngay lập tức, bởi cơm - áo - gạo - tiền - nguồn lao động mới là điều tiên quyết trong lúc này.

Muốn đất nước phát triển, muốn thực hiện những điều mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã xác định là lấy Nhân dân là trung tâm, hạnh phúc của Nhân dân và quyền lợi của quốc gia là tối thượng thì chúng ta cần ban hành chính sách đúng, trúng, chuẩn; đặc biệt là việc triển khai thực hiện phải nhanh, gọn nhẹ và bảo đảm trong khung thời gian "vàng".

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất