Giải pháp nào để Dự án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia thực thi hiệu quả?
Nhiều vấn đề được đặt ra trong Quyết định 412/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31-3-2022 bao trùm lên chính sách vĩ mô và liên quan đến kinh tế tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán trong bối cảnh Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn để duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng của các nghị quyết do Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
 
Nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan, ban, bộ, ngành và toàn thể xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài vô cùng lớn. Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng, tăng trưởng kinh tế là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp lớn là then chốt và chủ đạo. Các doanh nghiệp nhà nước lâu nay vẫn trì trệ, vẫn đầu tư không hiệu quả và tiếp tục tăng trưởng âm, nếu cho rằng doanh nghiệp nhà nước là cột trụ dẫn dắt nền kinh tế là không khả thi.
 
Hiện tại và tương lai của nền kinh tế Việt Nam, nhìn bình diện tương đối ổn định về các chỉ số phát triển nhưng thực tế đang phát lộ nhiều vấn đề bất cập về cách quản lý, chính sách và thể chế ngày càng chạy theo, hụt hẫng với sự biến đổi nhanh chóng của thế giới và thị trường toàn cầu hoá. Muốn đạt được mục tiêu của Quyết định 412/QĐ-TTg ngày 31-3-2022, Chính phủ cùng các ban, bộ, ngành cần phải làm ngay, phải có những hướng dẫn cụ thể trong cách điều hành vĩ mô tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Nếu vẫn sử dụng các quy định cũ, các chính sách không phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN thì chúng ta có ban hành nhiều các văn bản hơn cũng không làm cho các mục tiêu đặt ra về đích như kỳ vọng.
 
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục lây lan, mặc dù chúng ta đã chế ngự được bằng biện pháp tiêm vắc-xin, miễn dịch cộng đồng nhưng guồng máy lao động, sản xuất chưa thực sự ổn định và chưa đạt hiệu quả như thời gian trước đại dịch; lòng dân và xã hội vẫn còn lo lắng, ám ảnh bởi thời gian dịch kéo dài gây tổn thất lớn về người và của. Khi Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ra đời, chúng ta chuyển sang thời kỳ “bình thường mới” đã giải quyết được phần lớn về tâm lý của cộng đồng xã hội. Thời điểm này, chúng ta cần ban hành ngay một Nghị quyết trả lại cuộc sống “bình thường cũ”, để nhân dân, người lao động, cộng đồng xã hội yên tâm và buông bỏ nỗi sợ hãi còn ám ảnh. Khi đó sức lao động sẽ được phục hồi nhanh theo quy luật vốn có của tự nhiên, của nhu cầu tất yếu trong đời sống thường nhật của con người.
 
Thứ hai, duy trì mức tăng trưởng hằng năm GDP 7% là khả thi nhưng điều kiện tiên quyết là phải mở thị trường. Nhà nước, Chính phủ không can thiệp trực tiếp vào thị trường sản xuất - kinh doanh, không can thiệp vào các kế sách kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Nhà nước, Chính phủ chỉ can thiệp và giám sát những ngành hàng kinh doanh nhạy cảm, có rủi ro cao và tác động trực tiếp đến an sinh xã hội và an ninh - quốc phòng. Nếu chúng ta làm được như vậy thì mặc nhiên doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn tự biết cách làm để tồn tại và phát triển. Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận và nhìn nhận rằng các quốc gia phát triển trên thế giới G7, G20 và G50 họ không có Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng họ vẫn đi đúng hướng, vẫn dẫn đầu về mọi mặt và vượt trội chúng ta về kinh tế, về thu nhập bình quân đầu người. Nếu chúng ta buông bỏ được các thủ tục không cần thiết, buông bỏ được sự áp chế vô hình và hữu hình thì mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 7.500 USD/năm không phải là không thực hiện được.
 
Thứ ba, bội chi ngân sách cũng là vấn đề mà xã hội vô cùng quan tâm, khi Quốc hội phê duyệt dự toán tài chính quốc gia cho 5 năm tới với con số bội chi không quá 3% GDP ngân sách; nợ công không quá 60% và nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Câu hỏi đặt ra là nếu vượt dự toán thì có sao không? Theo cách nghĩ của tôi về kinh tế vĩ mô thì kế hoạch đặt ra chưa có gì đột phá. Lâu nay chúng ta luôn lo lắng về nợ công, về bội chi ngân sách bởi chúng ta nhận thấy và nhìn thấy những khoản tiền đầu tư này bị thất thoát, bị lãng phí và tham nhũng quá lớn dẫn đến không hiệu quả cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội. Nếu Chính phủ quản lý tốt, chống được lợi ích nhóm, chống được “sân sau, sân trước” để dòng vốn đi đúng, chảy đúng vào chỗ đầu tư thì hiệu quả đầu tư cao, chất lượng tốt, phục vụ lâu dài cho phát triển kinh tế các vùng, miền, làm hài lòng người dân và doanh nghiệp chấp nhận được thì có vượt với dự toán của Quốc hội và Chính phủ mới là điều tốt.
 
Thứ tư, ngân hàng và chứng khoán mới là điểm đặc biệt quan tâm hiện nay theo góc nhìn của tôi bởi ngân hàng và chứng khoán là dòng tiền luân chuyển trong xã hội, ví như dòng máu nuôi sống cơ thể con người, chỉ cần bị tắc, nghẽn bất cứ chỗ nào thì nơi đó sớm bị tê liệt, hoại tử nên rất cần một chính sách quản lý điều tiết minh bạch, rõ ràng, công khai. Nguồn huy động vốn trong xã hội là các tổ chức tín dụng và chứng khoán nhưng tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại và biến tướng khó lường việc ngân hàng là sân sau của các tập đoàn, các ông lớn chi phối để thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình. Việc này là trái với Luật Ngân hàng Việt Nam và quốc tế. Chứng khoán thì càng bi đát hơn. Chúng ta nhìn vào chỉ số tăng điểm, chúng ta nhìn vào dòng vốn đầu tư ngoại và nội để bắt bệnh thị trường khoẻ hay yếu là phản khoa học bởi chứng khoán của chúng ta cũng chính là các doanh nghiệp niêm yết và chúng ta đếm được bao nhiêu doanh nghiệp có thực lực, có thực sự sản xuất - kinh doanh hay chỉ trên thị trường bất động sản, thị trường mua đi, bán lại. Và hậu quả đã, đang xảy ra khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư đón lõng, lướt sóng đều rơi tự do vào cảnh mất vốn, khốn cùng và những đối tượng này cũng chỉ là người Việt Nam còn nhà đầu tư ngoại họ đủ hiểu và đủ khôn khi mua vào, khi bán ra.
 
Để làm tốt thị trường vấn đề đặt ra là các nhà lãnh đạo lĩnh vực này đã thực sự am hiểu về tài chính, ngân hàng, về chứng khoán và quan trọng là có tố chất, bản lĩnh để không bị chi phối bởi các thế lực có tiền, có rất nhiều tiền và có quan hệ thân cận với người có vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành, họ sử dụng mọi cách để làm sai lệch thị trường, sai lệch định hướng đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội.
 
Thứ năm, thị trường sẽ quyết định cho chính sách tốt hay chưa tốt, xếp hạng tín dụng của các tổ chức có uy tín trên thế giới phụ thuộc vào chính cách điều hành và thể chế quy định của các tổ chức tín dụng và quản lý chứng khoán. Chúng ta phải tuân thủ các quy định của quốc tế bởi chúng ta đang theo học họ. Kinh nghiệm và thực tế không nhiều bởi chúng ta mới có vài chục năm bước vào hệ thống ngân hàng thế giới, thanh toán quốc tế và chứng khoán cũng vậy. Vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam trên cả hai sàn còn rất nhỏ, nhỏ vào loại Top cuối của thế giới. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện chính mình và vươn ra biển lớn.
 
Thứ sáu, chiến sự xảy ra tại U-crai-na do Tổng thống Pu-tin của nước Nga phát động có tác động vô cũng ghê gớm tới sự phát triển của chúng ta. Với nền kinh tế đang phát triển, chúng ta nhận thức rằng Việt Nam về kinh tế vẫn nằm ở Top giữa của khu vực Đông Nam Á, là Top trung bình kém trên bản đồ các nước phát triển và đang phát triển. Cho nên cuộc xung đột chiến sự giữa Nga và U-crai-na nhìn bình diện về địa lý cách xa Việt Nam, kinh tế xuất nhập khẩu chỉ gần bằng 1% GDP của Việt Nam những năm gần đây (4,2 tỷ USD/năm) nhưng thực tế có tác động vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ đến các kế hoạch phát triển kinh tế năm 2022 và 5 năm tiếp theo. Các dự án đang triển khai sẽ bị đội vốn và cán cân ngân sách bị phá hỏng, phải làm lại, phải điều chỉnh khi nguồn ngân sách có hạn.
 
Nhiệm vụ đặt ra cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các ban, bộ, ngành là cực kỳ cấp thiết về chính sách đối ngoại, cũng như chính sách đối nội, bình ổn kinh tế trong thời kỳ mới sau đại dịch và trong thời kỳ chiến sự giữa hai nước là Nga - U-crai-na chưa báo hiệu thời gian chấm dứt. Chính sách phải linh hoạt, phù hợp và mục tiêu cuối cùng là phải tạo đà, tạo cú hích cho doanh nghiệp phát triển.

Phản hồi (1)

Trần Thị Bích Hà 01/04/2022

Bài viết của DN Nguyễn Hoài Bắc đề xuất 6 vấn đề rất chính xác rất mong Chính phủ lắng nghe, thực hiện.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất