Sự cần thiết phải thay đổi kế hoạch vĩ mô

Nhận thấy, trong thời gian qua thế giới có nhiều biến số lớn đã xảy ra, hiện tại và tương lai gần khó có nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng, an ninh - quốc phòng của các quốc gia và vùng lãnh thổ theo kịp, trong đó có Việt Nam. Bởi cuộc chiến sự xảy ra giữa Nga và U-crai-na dẫn đến mọi đoán định, hoạch định của các nhà chính sách, nhà chiến lược đều bị đổ gẫy.

Trước tình hình đó, Việt Nam cần phải có cách nhìn nhận mới, cần phải thay đổi kế hoạch đã đặt ra vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Chúng ta hoạch định chiến lược vĩ mô và vi mô trên nền tảng có sẵn, trên chiều hướng thuận lợi, nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và đại dịch Covid-19 đi vào trạng thái bình thường mới hoặc bình thường cũ không gây tác hại lớn đến tính mạng con người và không gây bất ổn về an sinh xã hội.

Với các dự báo về kinh tế, về đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam theo kịch bản thuận lợi mọi mặt, chỉ số tiêu dùng và chỉ số lạm phát ở mức độ chấp nhận được như: Chỉ số lạm phát dưới 5%, Chỉ số tiêu dùng dưới 2,5%. Các gói hỗ trợ cho 5 ngành, nghề mũi nhọn với tổng số tiền lên tới 350 nghìn tỷ đồng… để đạt được con số như kỳ vọng về tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội từ 6,5% đến 7% cho năm 2022.

Người viết đã có bài phản biện về vấn đề này đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử vào tháng 11-2021. Theo góc nhìn của tôi, các kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua sẽ không đạt như kỳ vọng bởi chúng ta đánh giá chưa xét trên góc độ rủi ro có thể xảy ra trên thế giới, trong khu vực và nội tại.

Thời điểm Việt Nam hoạch địch các chính sách vĩ mô và vi mô cho năm 2022 và 3 năm kế tiếp, lúc đó dầu thô trên sàn giao dịch thế giới không vượt quá 63 USD/thùng, lúc đó các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển và tái đầu tư lớn vào Việt Nam. Biến số xảy ra không ai có thể lường trước, ngày 24-2-2022 chiến sự bùng nổ giữa Nga và U-crai-na tại vùng lõi của châu Âu; nơi cung cấp 10% sản lượng dầu khí cho thế giới, nơi cung cấp 60% lương thực cho châu Âu. Hậu quả ngay tức thì cho an ninh năng lượng toàn cầu và tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Giá dầu thô nhảy vọt theo chiều thằng đứng lên tới 120 USD/thùng và chưa có dấu hiệu dừng lại bởi Hoa Kỳ, châu Âu và NATO tiếp tục ban hành lệnh trừng phạt Nga ngày càng mạnh mẽ, khốc liệt hơn. Lệnh trừng phạt này chưa có tiền lệ, chưa áp đặt cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Chuyện gì đã xảy ra và sẽ xảy ra, khi mặt hàng tiêu dùng là xăng, dầu, khí đốt của Việt Nam cũng tăng vọt với giá gần 30 nghìn đồng cho 1 lít xăng RON 95 và các loại xăng dầu khác đều tăng giá. An ninh năng lượng bị đe doạ và thử thách khi giá thành vận chuyển (logistics) nội địa của Việt Nam đã vào loại cao nhất thế giới và bây giờ giá cả xăng dầu tăng phi mã dẫn đến các mặt hàng, ngành hàng đều tăng.

Chỉ số tiêu dùng quý I -2022 tăng đột biến, tỷ giá đô-la Mỹ trên thị trường tăng hơn nhiều so với tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch trên sàn vàng đã tăng từ 53 triệu/lượng lên tới 73 triệu đồng/lượng. Hầu như hàng hoá thiết yếu và tiêu dùng hằng ngày đều tăng giá. Các nhà máy, công xưởng vẫn chưa đi vào ổn định sản xuất như những năm trước khi có đại dịch. Đặc biệt giá cả của hàng hoá liên quan đến vật liêu xây dựng như sắt, thép, nhôm, xi-măng tăng gần 50% dẫn tới đội vốn đầu tư các công trình, các dự án đã được phê duyệt. Ngân sách tư nhân và ngân sách nhà nước cho các công trình trọng điểm đã và đang đầu tư đều gặp khó khăn vì thị trường biến động tiêu cực. Hệ luỵ của nó gây ra vô cùng lớn bởi ngân sách, tài khoá đã phân bổ không đáp ứng được thực tế của thị trường.

Từ những vấn đề cốt lõi có liên quan đến đầu tư xây dựng, đến quốc kế dân sinh không như chúng ta đã hoạch định nên Đảng, Chính phủ, Quốc hội cần thiết phải thay đổi kế hoạch vĩ mô và vi mô để thích ứng và phù hợp với biến động của khu vực và thế giới đang nóng lên từng ngày. Tác động của chiến sự Nga và U-crai-na chưa có hồi kết, còn kéo dài nếu hai bên không ngừng súng và đàm phán tìm lại hoà bình cho khu vực châu Âu và thế giới.

Việt Nam phải chủ động về những lĩnh vực mà chúng ta có ưu thế, có quyền chủ động như năng lượng tái tạo phải phát huy tốt, hết công suất và đầu tư mới bù đắp và giảm bớt gánh nặng cho năng lượng hoá thạch là xăng, dầu, than và nhiệt điện. Chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến an ninh lương thực bởi chúng ta hoàn toàn nắm thế chủ động về vấn đề này khi thế giới đang bước vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm nghiêm trọng, vựa lúa mỳ của U-crai-na và Nga không thể khôi phục và có sản phẩm trong vòng 6 tháng đến 12 tháng sau khi chấm dứt chiến sự. Sản xuất và dự trữ lương thực là tối cần thiết và cực kỳ quan trọng cho bất cứ quốc gia nào trong thời bình cũng như thời chiến. Chúng ta cần phải điều chỉnh lại các dự án công, các dự án cơ sở hạ tầng chưa phải là cấp thiết cho giao thông vận tải và tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia bởi dòng vốn đã và đang bị thu hẹp, khả năng thu hồi vốn sẽ kéo dài và nợ công sẽ tăng cao.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, chính sách tiền tệ và lãi suất ngân hàng sẽ là điểm nhấn cực kỳ quan trọng và có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội. Theo dự báo của các chuyên gia độc lập và các tổ chức tài chính có uy tín, Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất ngân hàng lên thêm 0,25% và ngày sớm nhất, các ngân hàng khác trên thế giới sẽ tăng theo, đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao chưa từng có sau 30 năm. Nghiêm trọng hơn nữa là cán cân thương mại trên thế giới bất ổn khi Nga bị rút ra khỏi hệ thống thanh toán điện tử SWIFT, đồng tiền Rúp của Nga đã giảm giá trị gần 40%. Mặc dù Việt Nam và Nga có quan hệ giao thương buôn bán hai chiều nhưng cũng không quá 1% GDP của cả nước, không ảnh hưởng quá lớn về kinh tế vĩ mô khi Nga bị lệnh phong toả trừng phạt nhưng cũng ảnh hưởng chung đến kinh tế của Việt Nam như du lịch của người Nga và các nước Đông Âu sang Việt Nam. 

Từ những sơ lược trên, bức tranh toàn cảnh chưa hoàn thiện nhưng cũng là những mảnh ghép vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an ninh lương thực, an ninh năng lượng cũng như an ninh - quốc phòng của chúng ta đang phải trực diện. Rất cần các cơ quan tham mưu cho Đảng, Chính phủ và Quốc hội có đối sách nhanh, phù hợp và chuẩn xác để duy trì, ổn định được an ninh chính trị và phát triển kinh tế. Chúng ta chỉ cần đạt tăng trưởng 3,5% GDP cho năm 2022 là chúng ta đã thành công, như nhận định của bài biết của tôi đã đăng tháng 11-2021.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất