Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng (tiếp theo và hết)

Một cán bộ tốt trước hết phải là một người tốt

Ngày 25-10-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt BCH Trung ương Đảng ký ban hành 2 văn bản quan trọng: Kết luận số 21-KL/TW “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” và Quy định 37-QĐ/TW “Về những điều đảng viên không được làm”. Việc cùng lúc ký ban hành hai văn bản quan trọng này khẳng định quyết tâm cao của BCH Trung ương Đảng khóa XIII và người đứng đầu Đảng ta tiếp tục đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN ở nước ta. Trước hết phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó đạo đức người cán bộ được đặt lên hàng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Xây dựng Đảng về đạo đức đã được Đảng ta quan tâm từ nhiều kỳ đại hội và chính thức được bổ sung vào nội hàm xây dựng Đảng tại Đại hội XII của Đảng. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực tổ chức thực hiện, tạo được những chuyển biến về đạo đức của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Tuy nhiên, số lượng tổ chức đảng và đảng viên vi phạm còn nhiều, hành vi suy thoái đạo đức ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp; phạm vi và mức độ suy thoái ngày càng nghiêm trọng. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đảng ta xem xây dựng Đảng về đạo đức là sức mạnh nội sinh bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện.

Xây dựng Đảng về đạo đức luôn là việc làm thường xuyên, quan trọng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của Nhân dân, thực sự tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Xây dựng Đảng về đạo đức khiến mỗi đảng viên ngày càng trưởng thành, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thực sự là tấm gương sáng trước quần chúng, tập thể cơ quan, đơn vị mình; góp phần xây dựng Đảng ta trở thành một đảng chân chính, thực sự đạo đức, văn minh. Cán bộ từ Nhân dân mà ra. Trước khi làm cán bộ thì người đó phải làm một công dân sống trong xã hội, tuân thủ hiến pháp và pháp luật. Một người tốt chưa hẳn là một cán bộ tốt nhưng một cán bộ tốt phải là một người tốt. Một người tốt phải là người có đạo đức, biết “lấy chữ Nhân làm đầu” để tu thân, rèn luyện đức tính tốt đẹp của con người như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, liêm, sỉ, dũng, trung, hiếu… Khi đã tròn vai “người tốt” thì họ có thể sẽ là một cán bộ, đảng viên tốt.


Bản tính con người lúc đầu như nhau “nhân tri sơ, tính bản thiện”. Do sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mà dần trưởng thành. Con người có thể “sở đắc” được “Nhân”, có đạo đức chính là nhờ chịu khó học tập, tu dưỡng, rèn luyện mà nên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Do đó, người cán bộ phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời.


Tự rèn luyện, tu dưỡng có vai trò rất quan trọng, đã là con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu; ai cũng có những lúc mắc sai lầm, khuyết điểm. Điều quan trọng là phải dám nhìn thẳng vào chính những sai lầm, khuyết điểm của bản thân, không tự lừa dối, huyễn hoặc; thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 3 nguyên tắc cơ bản trong việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Một là, nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt, trong đó có sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, cha mẹ làm gương cho con cái, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho nhân viên, đảng viên phải làm gương trước quần chúng, trong công tác, trong sinh hoạt, ở nơi làm việc, ở nơi cư trú... Đây là phương thức giáo dục đạo đức phổ biến và hiệu quả nhất. Hai là, xây đi đôi với chống. Xây dựng đạo đức phải được tiến hành bằng giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, trong tập thể và toàn xã hội. Trong đấu tranh, phải chống lại tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân; không chống được cái tiêu cực của bản thân thì không thể chống cái lạc hậu, trì trệ của người khác. Xây và chống có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung và hỗ trợ nhau. Ba là, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Bởi trên thực tế, mỗi người ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong mình; vì vậy, nhìn thẳng vào bản thân, thấy rõ cái hay, cái tốt để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu để khắc phục, sửa chữa.


Biết tự trọng và xấu hổ

Biết tự trọng và xấu hổ là hai phẩm chất cần có của một cán bộ, là “hành lang an toàn” giúp cán bộ “tròn vai, thuộc bài”. “Tự trọng” và “xấu hổ” là hai khái niệm gần đồng nghĩa, là sự đánh giá chủ quan của một cá nhân về giá trị của bản thân. Nó đều là loại tự ý thức về nhân cách, danh dự, phẩm giá của mình, là đức tính tiềm ẩn trong mỗi người. Tự trọng làm cho người ta tự biết những giá trị tốt đẹp đích thực của mình để giữ gìn, trân trọng và phát huy. Tự trọng luôn đi liền với sự khiêm nhường, biết đánh giá đúng mình, đúng người, biết nhận ra những cái lố bịch, xấu xa, hèn kém của bản thân. Người tự trọng là người biết tự hào đúng mực về cái mình có, cũng tự thấy hổ thẹn về sự thấp hèn, yếu kém của bản thân. Chính vì thế, từ trong sâu thẳm mỗi người đều toát ra một sức mạnh, một ý chí vươn lên để khẳng định mình khi người đó biết tự trọng và xấu hổ.

Ngày nay, nhiều người cho rằng 3 đức tính là lòng tự trọng, tính nhân ái và biết xấu hổ đang dần mai một đáng lo ngại trong xã hội ta. Nền kinh tế thị trường đã và đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung, giá trị đạo đức nói riêng vốn được coi là truyền thống đạo đức của mỗi quốc gia, dân tộc. Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, bên cạnh những cái hay được du nhập vào đời sống xã hội Việt Nam thì đồng thời, những tiêu cực, thói xấu đáng lên án cũng đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực, ngõ ngách của đời sống. Hiện tượng suy đồi đạo đức trong “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên mà Đảng ta chẩn bệnh, “chỉ mặt đặt tên” là suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang trở thành mối quan tâm lớn của xã hội.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, mỗi tổ chức đảng phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Đồng thời. mỗi cán bộ, đảng viên phải biết tự giáo dục, rèn luyện, điều chỉnh bản thân. Người có lòng tự trọng biết tiếp thu sự giáo dục đúng đắn, tốt đẹp trước hết từ ngay trong gia đình theo truyền thống đạo lý dân tộc và lối sống có văn hóa. Biết tự trọng và xấu hổ chính là một biểu hiện đáng quý của đạo đức cách mạng!

Để biết tự trọng và xấu hổ, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên phải được đặt lên hàng đầu. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Phải chống lại tiêu cực, lạc hậu của bản thân, của những người xung quanh, của xã hội, mà trước hết phải chống chủ nghĩa cá nhân. Không tự chống được hạn chế, tiêu cực của chính bản thân thì không thể chống hạn chế, tiêu cực của người khác.

Nhà triết học A-ri-xtốt (Hy Lạp) chỉ rõ: “Phần đông con người theo bản năng sẽ kiềm chế trước cái ác vì sợ sự trừng phạt hơn là sợ sự dơ bẩn của tội ác”. Tính răn đe của pháp luật là yếu tố rất cần có để giải quyết bài toán xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhìn lại mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị hôm nay, khi con người luôn đóng vai trò trung tâm, chúng ta đang kiềm chế, kiểm soát được phần “con người bản năng” mà chưa kiềm chế, kiểm soát được phần con người “tiến hóa”. Vì thế, những sai phạm của cán bộ, đảng viên ngày càng tinh vi, ngụy trang dưới nhiều “vỏ bọc” khác nhau. Các giải pháp được thực hiện phải khiến tự thân cán bộ thấy cần tự giác ngộ, tự tu dưỡng, tự rèn đức, tự luyện tài (4 tự) thì mới có thể hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm. Với “4 tự”, “4 không” (không dám, không muốn, không thể, không cần), cán bộ, đảng viên sẽ hạn chế đến mức thấp nhất phần “con người bản năng” để không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23-4-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn câu thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” khi nói về công tác cán bộ. Tại sao phải đặt chữ “tâm” lên trên hết? Chữ “tâm” chính là đạo đức, là phẩm chất, là những giá trị tốt đẹp cần có ở người cán bộ, đảng viên. Đề cao những giá trị đạo đức, phẩm giá của con người để chúng ta xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp của một con người (viết hoa). CON NGƯỜI ấy luôn lấy đức, lấy “Nhân” làm đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người ấy luôn biết tự trọng và xấu hổ dù trong giải quyết việc công hay xử lý việc tư. Con người mang trong mình chữ “tâm” theo lời Tổng Bí thư nói phải là con người không bị cám dỗ bởi những ham muốn đời thường, không bị phân tâm, chi phối bởi những mối quan hệ gia đình, xã hội, không cố tình mắc sai phạm. Con người đó phải biết đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên trên lợi ích cá nhân, gia đình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi còn làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có lần nói, muốn làm một người cán bộ tốt thì phải thành tâm lắng nghe dân, thật lòng tiếp thu khi được dân góp ý. Như thế lòng dân mới yên, tin tưởng vào cán bộ. Cán bộ phải coi trọng văn hóa nêu gương, văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân; chống biểu hiện vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Xây dựng, suy tôn những cán bộ thật sự trọng dân, gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Có như thế, mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đạo đức, mới là “nền tảng”, là “cái gốc” làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.



Như vậy "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

Với tầm nhìn xa, nhạy cảm của một chính trị gia, Bác Hồ đã viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người đã tiên lượng được sự nguy hiểm và tác hại của chủ nghĩa cá nhân sẽ làm tổn hại đến lợi ích của cách mạng, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.

“Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”.
--------------------------------
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa cá nhân về bản chất là lối sống tuyệt đối hóa lợi ích, sự tự do cá nhân, hướng tới thỏa mãn những nhu cầu, mục đích, hành vi vụ lợi, hưởng lạc theo chủ nghĩa vị kỷ, nuôi dưỡng tính hám lợi, hiếu danh, ích kỷ. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn tôn trọng và thừa nhận lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân là mục đích thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.

Cán bộ, đảng viên phải thấy được danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đừng bo bo giữ mình, lo cho bản thân “mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân” và “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của Nhân dân với Đảng. Đạo đức của đảng cách mạng, của người cách mạng, nói khái quát lại cũng chính là những phẩm chất, những đức tính, những hành động của những chiến sĩ trên mặt trận chống lại sự bất công, tàn bạo, chống lại những gì hạ thấp phẩm giá của con người, mà trước tiên là chống lại “cái mất nhân tính” từ trong chính bản thân.


Kẻ thù lớn nhất của cán bộ, đảng viên không ở đâu xa mà ở bên trong chính mỗi chúng ta, là chủ nghĩa cá nhân. Khi “vi-rút sợ trách nhiệm”, chỉ nghĩ đến bản thân vẫn đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tư tưởng trì trệ “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” đã trở thành nguy cơ làm giảm sự phát triển của đất nước. Người cán bộ, đảng viên phải lấy chữ “Nhân” làm đầu, “6 dám” (dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách), thực hiện “4 không” (không dám, không muốn, không thể, không cần tham nhũng), lúc đó Đảng ta mới thực sự là đạo đức, là văn minh. Như thế, vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.


Mới đây, khi nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải nỗ lực hơn nữa trong việc tu dưỡng, rèn luyện bản thân, bởi chặng đường phấn đấu luôn có cạm bẫy và cám dỗ. Đồng chí khẳng định: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Cuộc sống vốn dĩ đã có bao mối quan hệ tế nhị và phức tạp đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện đạo đức, đủ bản lĩnh để thắng bệnh cá nhân chủ nghĩa với biểu hiện mới ngày càng tinh vi hơn.

“Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. Không quê hương, sương gió tơi bời. Đảng ta sinh ở trên đời. Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”
----------------
Tố Hữu

Với truyền thống vẻ vang 91 năm của Đảng, được Nhân dân yêu mến, tín nhiệm, đó là điều hạnh phúc nhất của Đảng. Tuy Đảng còn có những khuyết điểm, yếu kém, có những hiện tượng ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân, nhưng với trọng trách được Nhân dân giao phó, quan điểm “3 sự thật” đã giúp Đảng làm rõ điểm mạnh, điểm yếu. Điều quan trọng là toàn Đảng quyết tâm phát huy mặt tốt, khắc phục một cách nghiêm túc những yếu kém, tồn tại lâu nay. Đó chính là để Đảng ta báo đáp công sinh thành của Nhân dân. “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. Không quê hương, sương gió tơi bời. Đảng ta sinh ở trên đời. Một hòn máu đỏ nên người hôm nay” (Tố Hữu). Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói: “Đảng ta luôn khắc ghi rằng Nhân dân là người sinh thành ra mình. Đảng phải phục vụ Nhân dân vô điều kiện và phải biết ơn Nhân dân”.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất