Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của chúng ta

Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, đã thể hiện sự quan tâm của mình với những quan điểm rất thực tế về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Xoay quanh nội dung Đảng với dân, Hòa thượng nêu sự hòa hợp giữa các tôn giáo trong ngôi nhà chung Việt Nam: “Hiếm có quốc gia nào trên thế giới như Việt Nam – đất nước với đa tôn giáo, nhưng lại có sự hòa hợp, ổn định về xã hội và cùng bên nhau phát triển…”.

Dẫn chứng về sự hòa hợp giữa các tôn giáo, hòa thượng kể ra câu chuyện, cứ vào dịp lễ Phật đản hàng năm, Hồng y Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TPHCM, lại đến trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cùng ông đàm đạo, trao đổi kinh nghiệm về đức tin của các tôn giáo. Dịp khác, vào lễ Giáng sinh, dù bận việc gì, Hòa thượng cũng gạt hết để đến thăm Hồng y và nói chuyện rất thân tình về các vấn đề xã hội, thiền, tu tập…

“Tôi có một câu chuyện riêng để nói thêm về điều này: Sau năm 1975 đất nước được thống nhất, tôi mới gặp lại người em họ của mình là linh mục Huỳnh Công Minh trong một hội nghị Ủy ban MTTQ. Sau đó, chúng tôi còn có dịp được gặp nhau nhiều lần trong các hoạt động của MTTQ. Qua đó, trong tôi mối quan hệ giữa Phật giáo và Công giáo đã không còn khoảng cách như trước nữa” – Hòa thượng tâm sự.

Đảng có chủ trương, chính sách rất đúng đắn khi đặt vai trò của hệ thống MTTQ là nơi để tập hợp các tôn giáo. Thông qua MTTQ, các tôn giáo thường xuyên gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm tu hành, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết dân tộc và cùng nhau phát huy những mặt tích cực, góp phần xây dựng đất nước. Đây được coi là nét đặc trưng thể hiện sự hòa hợp giữa các tôn giáo, làm cho các tôn giáo càng hiểu nhau hơn.

Về điểm này, tôi muốn nói ở thời kỳ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Phật giáo Việt Nam cũng có truyền thống gắn bó dân tộc thông qua những phong trào đấu tranh, nhưng đều đi đến thất bại.

Nhờ có Bác Hồ tìm ra được con đường kết hợp chủ nghĩa cộng sản quốc tế và truyền thống yêu nước của dân tộc thông qua Mặt trận Việt Minh, nhân dân Việt Nam đi theo ngọn cờ của Việt Minh và đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chính vì vậy, Đảng có một vị trí rất lớn đối với dân tộc nói chung và với các tôn giáo nói riêng – mà không ai có thể phủ nhận được.

Từ thực tế lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ, tôi có thể nói rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vị trí trung tâm của khối đoàn kết toàn xã hội. Có được điều này, chính là mục đích của Đảng luôn đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc lên trên. Đảng có mục đích mưu cầu hạnh phúc của nhân dân. Phật giáo cũng vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta gặp nhau ở chỗ đó.

Nhân đây, tôi muốn nhắc lại câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một lần đến thăm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Tôi xin nói với các hòa thượng, Phật giáo là của chúng ta. Các hòa thượng cũng nên coi Đảng cũng là của chúng ta”. Câu nói đầy ý nghĩa đó thể hiện sự đoàn kết, gắn bó và tạo sức mạnh to lớn giữa Đảng và tôn giáo.

Trong các cuộc tiếp xúc với các vị chức sắc đại diện Phật giáo quốc tế, tôi thường đưa ra dẫn chứng về sự khác biệt giữa chủ nghĩa tư bản với những việc làm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là hầu như mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng được đề ra đều nhằm đến chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trong đó, có thể nói đến chủ trương xóa đói giảm nghèo, vì người nghèo, nâng cao đời sống văn hóa… được thực hiện những năm qua đã thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và tạo sự công bằng trong xã hội. Người dân nhìn thấy được điều này và luôn đặt niềm tin vào Đảng, coi Đảng là của dân tộc, của đại bộ phận nhân dân.

Nền kinh tế thị trường luôn bộc lộ những mặt trái của nó. Cái chính là những mặt trái đó có phải là bản chất của xã hội hay không mới quan trọng. Trong bộ máy chính quyền hiện nay có một bộ phận cán bộ thoái hóa, tiêu cực… đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây chỉ là nhất thời và kỳ vọng rất nhiều vào kỳ đại hội đảng bộ các cấp tới đây, Đảng sẽ chọn ra được những người có đủ đức tài để lãnh đạo đất nước.

Đó là ổn định về mặt xã hội. Tôi nghĩ, không ổn định được xã hội, Đảng không thể có uy tín và chỗ đứng trong nhân dân. Đây là thành công rất lớn của Đảng đã lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển vừa qua.

 

Linh mục PHAN KHẮC TỪ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UB Đoàn kết Công giáo Việt Nam: Dân còn tin Đảng, Đảng còn ở trong dân

Nhìn lại lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta 80 năm qua, chúng ta thấy ở giai đoạn nào Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có vai trò nhất định trong việc tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đánh thắng kẻ thù và vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Sức mạnh của nhân dân ở đây được thể hiện qua ý chí của cả dân tộc quyết chiến thắng thù trong giặc ngoài, xây dựng một xã hội mới - XHCN.

Nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc, trước tiên đó là sự thể hiện về vai trò và khả năng lãnh đạo, tổ chức phong trào cách mạng của quần chúng. Nhờ biết vận dụng đúng đắn quy luật khách quan và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng nhân dân, mà cho dù ở thời kỳ cách mạng còn non trẻ, hay khi đã giành được chính quyền, Đảng luôn chiếm được một tình cảm to lớn trong nhân dân.

Minh chứng rõ nét nhất của điều này là ở giai đoạn Nhà nước non trẻ của chúng ta vừa ra đời, Đảng đã đưa chủ trương cứu đói, thực hiện chính sách ruộng đất, rồi xóa nạn mù chữ, xóa bỏ các luật lệ áp bức bất công của chế độ cũ…, làm cho nhân dân hiểu rõ được ngay chế độ mới là chế độ của mình, chính quyền cách mạng là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Chính vì vậy mà nhân dân đã đem hết tài năng, sức lực, của cải, tính mạng để bảo vệ chế độ mới, bảo vệ đất nước do mình làm chủ.

Hay như trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng cũng đã vận dụng một cách tài tình mối quan hệ với nhân dân qua việc huy động được sức mạnh to lớn từ nhân dân. Nếu không có dân đùm bọc, che chở, không có tai mắt của nhân dân thì cách mạng sẽ không thể đi đến thắng lợi.

Chúng ta còn nhớ rất rõ hình ảnh của phong trào đấu tranh cách mạng giữa đô thị Sài Gòn những năm của thập niên 60, 70 thế kỷ trước, nếu như không có nhân dân che chở, nuôi giấu thì làm sao Đảng có thể phát triển được lực lượng ngay trong lòng địch. Có thể nói, trong mọi gian khó, thử thách của cách mạng, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân luôn không ngừng được khẳng định và trở thành nhân tố quyết định đến mọi thắng lợi của dân tộc ta.

Trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang hội nhập và phát triển, mọi đường lối, chủ trương của Đảng cũng luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên hàng đầu. Sự an dân có được trong xã hội trong nhiều năm qua đều xuất phát từ những chủ trương, đường lối đúng đắn này. Thực tế từ trước kia và ngay cả hiện nay, Đảng ta đã bảo vệ được sự ổn định chính trị trong xã hội, bảo đảm sự tự do, dân chủ cho người dân và bảo vệ, giữ vững được chủ quyền của đất nước. Dù nơi này, hay nơi kia còn có khó khăn, song nhìn chung đời sống của đại bộ phận người dân đã không ngừng được cải thiện.

Trong nhiều năm qua, đất nước ta đã không còn chiến tranh, người dân được sống trong hòa bình, phát triển. Nhiều nhà ngoại giao, du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, đều cho rằng: “Không đâu cảm thấy được tự do, an toàn như ở Việt Nam. Đất nước của các bạn có một sự ổn định xã hội vững chắc mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được…”. Nhận xét này là minh chứng cho sự đánh giá của người dân khi nói về vai trò của Đảng trong xã hội hiện nay: “Dân còn tin Đảng, Đảng còn ở trong dân”.

Nhân đây tôi cũng xin được bày tỏ tình cảm của mình với một mong muốn mọi anh em, không phân biệt tôn giáo, tầng lớp xã hội, hãy cùng chung tay góp sức với Đảng, với dân tộc để đưa đất nước ta tiến lên phía trước. Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói nổi tiếng của Đức Giáo hoàng Benedict XVI phát biểu với các giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009, tại Tòa thánh Vatican (Ý): “Anh em cũng như tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, giáo hội mời gọi mọi thành phần của mình hãy dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng…”.

(Nguồn: báo SGGP)

 

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất