Chuyện kể của một cán bộ̣ lão thành cách mạng

... Sang năm học 1944 - 1945, từ Trường tiểu học An Phước (thuộc xã Hòa Phong), tôi được chuyển về dạy ở trường huyện (Hòa Vang). Vừa dạy học, tôi vừa tham gia Ban Vận động Cứu quốc, tích cực xây dựng cơ sở cách mạng ở khu vực Hòa An-Hòa Minh. Ngoài thời gian đến trường, tôi cũng đi cấy, đi gặt, cuốc đất, làm cỏ... để tuyên truyền vận động bà con nhân dân. Tôi còn nhớ bà Phạm Thị Nương ở xóm Trung Nghĩa (Hòa Minh) là một cơ sở hết sức nhiệt tình, gan dạ, giao nhiệm vụ gì cũng hoàn thành rất tốt. Bà thường tâm sự với tôi “chính quyền này đổ đi, đời bà mới sướng được!”.

 

Cuối tháng 3-1945, anh Nguyễn Xuân Nhĩ (một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam đã bị địch bắt trước đó) đột ngột tìm đến nhà tôi (hồi ấy, nhà tôi ở xã Hòa Minh và là một gia đình cơ sở cách mạng). Đang đêm, nghe tiếng chó sủa, mẹ tôi thức dậy và khôn xiết vui mừng khi nhận ra anh Nhĩ. Mẹ hỏi ngay: “Thằng Hạnh, thằng Đãi ở đâu rồi?” (Hạnh, Đãi là hai người anh ruột của tôi, tham gia cách mạng trước tôi và đã bị địch bắt). Anh Nhĩ đáp là các anh ấy bị tù chung thân chưa về được. Rồi anh nói với mẹ tôi: “Tình hình lúc này tốt lắm! Nhật đang thua to và sớm muộn gì cũng đầu hàng quân đồng minh. Khi Nhật đầu hàng sẽ là cơ hội cho ta giành chính quyền”. Anh Nhĩ nhờ mẹ tôi đi gọi gấp anh Trà Chu và anh Phạm Đình Long - là hai đồng chí cốt cán ở khu Thái Hòa đến bàn công tác chuẩn bị đón thời cơ cướp chính quyền. Anh bảo tôi: “Cô lo hậu cần và phụ vận nghe!”. Tôi nôn nao hỏi lại: “Cụ thể là làm những việc gì?”. Anh tươi cười bảo: “Cô cứ nhờ mẹ hướng dẫn cho!”. Sau đó, tôi mới biết rằng, công việc hậu cần là chuẩn bị gạo, tiền, cờ và khẩu hiệu phục vụ tổng khởi nghĩa.

 

Từ đó, tôi, các anh Trà Chu, Phạm Đình Long, Đỗ Xuân Mai và người em út của tôi là Nguyễn Duy Xuyên cùng trong một tổ hoạt động, khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị. Tôi vắt óc lo chuẩn bị gạo, tiền và tập hợp phụ nữ. Nghe tôi tính đi xin gạo, mẹ tôi liền ngăn lại, đừng nói xin sẽ lộ bí mật. Mẹ bảo tôi hãy lên nói với ông bác họ tên là Khiết đang làm trong tiệm rượu của Pháp rằng năm nay mất mùa, cho mẹ mượn 20 ang gạo, đến tháng 10, gặt lúa xong mẹ sẽ trả. Làm theo lời mẹ, tôi đã mượn được 20 ang gạo của ông Khiết và 10 ang lúa của ông Xã Vân. Còn tiền bạc thì được người anh ruột của tôi là Nguyễn Như Đệ và ông Phạm Đình Trọng - cả hai đều hoạt động hợp pháp và đang làm trong công sở của Pháp tự nguyện ủng hộ bằng tiền lương của mình. Có tiền, tôi bí mật mua vải may cờ, may khẩu hiệu và cất giấu cẩn thận.

 

Đối với công tác tuyên truyền, tôi phân công chị Mao ở Xuân Thiều vận động phụ nữ phía tây bắc khu Thái Hòa, chị Tám Sau vận động phụ nữ phía nam Thái Hòa. Chị Mao còn phối hợp với tôi vận động bà con ở khu Tổng Giáo. Khi được tuyên truyền vận động, các tầng lớp phụ nữ đều hồ hởi hưởng ứng chủ trương của Đảng. Trong những ngày ấy, mẹ tôi - người đã nhiều năm hoạt động trong lòng địch thường dặn dò, hướng dẫn cho tôi rất nhiều điều mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ. Chẳng hạn, khi tiếp xúc với nhân dân mình phải nhã nhặn, ôn tồn, khi tuyên truyền chủ trương phải diễn đạt cho thiết thực, cụ thể. Tôi còn nhớ nhiều người dân khi đã giác ngộ, thì tham gia công tác rất hăng say. Ví như bà Nương ngày ngày cắm cúi nấu nước, đổ vào trong những trái bầu, buộc chặt, gánh vào rừng cho dân quân uống suốt cả thời gian luyện tập quân sự...

 

Ngày 18-8-1945, lực lượng phụ nữ khu Thái Hòa tham gia cướp chính quyền rất đông. Chị em nô nức cầm cờ, biểu ngữ, đi rầm rập trên các ngả đường và hô vang các khẩu hiệu : “Đả đảo phát xít Nhật!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”... Khí thế cách mạng bừng bừng ở khắp nơi. Bọn Nhật và lũ tay sai nhanh chóng tan rã. Chính quyền địch ở các tổng lần lượt sụp đổ. Nhân dân rầm rộ kéo xuống Huyện lỵ Hòa Vang (đóng tại chợ Mới - Hòa Thuận) và cả bộ máy quan lại, binh lính địch ở đây cũng răm rắp đầu hàng.

 

Sáng ngày 25-8-1945, toàn huyện tổ chức mít tinh tại Sân vận động An Phước (thôn Cẩm Toại, xã Hòa Phong). Tại cuộc mít tinh này, UBND lâm thời huyện Hòa Vang do đồng chí Lâm Quang Thự làm Chủ tịch đã ra mắt trong sự reo hò ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.


Sau Cách mạng tháng Tám, cụ Đợi đã được giao làm bí thư Phụ nữ cứu quốc khu Thái Hòa, bí thư Phụ nữ cứu quốc huyện Hòa Vang và một số cương vị khác. Đến đầu năm 1955, cụ tập kết ra Bắc, liên tục công tác trong ngành giáo dục và ngoại giao, cho đến năm 1981 thì về hưu. Nay dù mắt đã lòa, tóc đã bạc trắng, nhưng nhắc đến những ngày tháng Tám lịch sử, cụ thấy mình như đang trẻ lại và sục sôi nhiệt huyết của người dân mất nước quyết đứng lên giành lại độc lập dân tộc.

                                                                    

                                                                         

                                                                             

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất