Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng
Hội nghị chuyên đề công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (2-2023). Ảnh: TL

Hội nghị chuyên đề công tác xây dựng Đảng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (2-2023). Ảnh: TL.

Xây dựng, kiện toàn, sắp xếp các loại hình TCCSĐ

Tính đến tháng 3-2021, toàn Đảng bộ tỉnh có 94.445 đảng viên, sinh hoạt tại 606 TCCSĐ (367 đảng bộ cơ sở, 239 chi bộ cơ sở), 19 đảng bộ bộ phận và 4.704 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở4. Những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương như: Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022 của BCH Trung ương (khóa XIII) về “Tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”…, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án công tác nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ. Nhờ vậy, công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ có chuyển biến tích cực.

Số lượng TCCSĐ được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc kết thúc hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn, chuyển đảng viên về sinh hoạt với các chi bộ khu dân cư đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ. Tình trạng xóm, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng dần được khắc phục. Nhiều cấp ủy cơ sở đã đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; tập trung lãnh đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở. Đa số các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND được thực hiện ở hầu hết các xã, phường, thị trấn; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá phù hợp với từng loại hình TCCSĐ. Nhờ vậy công tác đánh giá, xếp loại chất lượng TCCSĐ ngày càng thực chất hơn, sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác khen thưởng tổ chức đảng thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng. Chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ có nhiều chuyển biến. Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ (thường kỳ, chuyên đề) cơ bản đi vào nền nếp, nội dung sinh hoạt từng bước được đổi mới, trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ trong việc duy trì, chuẩn bị nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Hầu hết các cấp ủy xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho chi ủy viên và đảng viên; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.

Việc sắp xếp mô hình TCCSĐ của Đảng bộ tỉnh đã cơ bản phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đa số các TCCSĐ đã giữ vững, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, dân chủ trong Đảng được mở rộng, từ đó phát huy được sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ của Đảng bộ tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Mô hình tổ chức đảng ở cơ sở chậm được kiện toàn, sắp xếp. Toàn tỉnh hiện có 109 xóm, tổ dân phố chưa có chi bộ phải sinh hoạt ghép, nhiều chi bộ phải lãnh đạo ghép 3-4 xóm, tổ dân phố, dẫn đến những bất cập trong phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở5. Tỷ lệ trưởng thôn, xóm, tổ dân phố chưa phải là đảng viên còn cao (29%). Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số ít chi ủy, chi bộ duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ chưa bảo đảm quy định. Có nơi cấp ủy, chi bộ chưa chú trọng nắm tình hình tư tưởng đảng viên và nhân dân; chưa chủ động phát hiện, uốn nắn, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hạn chế, sai phạm của đảng viên. Phương pháp tự đánh giá, xếp loại chất lượng buổi sinh hoạt ở một số chi bộ chưa sát, có nơi còn biểu hiện hình thức. Một số chi bộ chưa quan tâm đến sinh hoạt chuyên đề, nhất là chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố; lựa chọn chuyên đề còn chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ. Nội dung sinh hoạt còn cứng nhắc, thiếu sinh động; đảng viên tham gia sinh hoạt còn thụ động, ít tham gia phát biểu, việc phân công phân nhiệm của cấp ủy thiếu cụ thể…

Để Đảng bộ tỉnh vững mạnh từ cơ sở

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”6. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, các cấp uỷ, tổ chức đảng đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh từ cơ sở.

Đó là những giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về nâng cao chất lượng TCCSĐ, đảng viên, từ đó phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là giải pháp thiết thực để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, thực sự tiên phong, gương mẫu. Học và làm theo Bác gắn với thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Để xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh từ cơ sở, cần tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Tiếp tục củng cố, kiện toàn mô hình TCCSĐ gắn với sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Thực hiện hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; mô hình tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sự nghiệp theo ngành, địa phương một cách hợp lý. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế ngoài khu vực nhà nước. Có chương trình, kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; tập trung củng cố TCCSĐ yếu kém.

Căn cứ quy định, hướng dẫn của Trung ương thực hiện rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các loại hình TCCSĐ; sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy. Thực hiện kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm nghiêm túc, thực chất. Tăng cường chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng trong các doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên. Cùng với đó là những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch công tác hằng năm của cấp ủy.

Bên cạnh đó, các cấp uỷ cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên của cấp ủy, chi bộ nơi công tác và nơi cư trú để kịp thời phát hiện xem xét, xử lý và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cơ sở. Chú trọng kiểm tra đột xuất, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực. Gắn trách nhiệm của cán bộ cấp trên với kết quả hoạt động của địa phương, đơn vị cấp dưới được phân công phụ trách.

-----------------

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H. 2011, tập 15, tr.113.

[2] Sách đã dẫn, tập 8, tr.288.

[3] Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB CTQG, H. 2016, tr.35.

[4], [5] Tỉnh ủy Thái Nguyên (2021), Đề án Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2015.

[6] Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (2020), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất