Nhiều cách làm hay giới thiệu công nhân lao động vào Đảng
Đồng chí Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động
            tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội nghị.

Nhiều cách làm hay, hiệu quả

Thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả trong công tác phát triển Đảng tại các DN khu vực ngoài nhà nước. Qua 9 tháng đầu năm, các cấp công đoàn trong tỉnh đã giới thiệu 2.339 đoàn viên ưu tú cho cấp ủy đảng bồi dưỡng; có 1.220 đoàn viên ưu tú đã tham gia học lớp cảm tình đảng, trong đó có 659 đoàn viên ưu tú là công nhân lao động trong các DN khu vực ngoài nhà nước; đã có 555 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng, trong đó có 251 đoàn viên ưu tú là công nhân lao động được kết nạp vào Đảng.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các DN, đặc biệt là DN khu vực ngoài nhà nước.Trong những năm qua, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương tích cực tham gia vào công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; luôn xác định việc tham gia xây dựng Đảng, trong đó coi công tác giáo dục, bồi dưỡng những công nhân ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp là nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm thường xuyên của tổ chức Công đoàn; vì vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu giới thiệu nguồn công đoàn viên ưu tú cho Đảng đến các cấp công đoàn, trong đó chú trọng giới thiệu nguồn là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Chấp hành, tổ trưởng, tổ phó công đoàn tại Công đoàn cơ sở (CĐCS) và xem đây là tiêu chí để phân loại đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn cuối năm. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy các địa phương, đơn vị thành lập được nhiều tổ chức cơ sở đảng trong DN, nhiều công nhân lao động khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng càng có điều kiện để nỗ lực, phấn đấu, cống hiến nhiều hơn, trở thành những nhân tố điển hình, xuất sắc.

Khó khăn, trở ngại

Công tác phát triển đảng viên trong công nhân nói chung vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để từng bước nâng cao trình độ giác ngộ và bản lĩnh chính trị cho công nhân. Những khó khăn, trở ngại đó là:

Tỷ lệ đoàn viên Công đoàn được giới thiệu và bồi dưỡng kết nạp vào Đảng ở khu vực DN ngoài nhà nước so với tổng số còn thấp; có rất ít các DN ngoài khu vực nhà nước thành lập được chi bộ đảng, trong khi số lượng CN và các DN khu vực này ngày càng tăng nhanh.

Đa số người lao động trong doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà chưa coi trọng việc phấn đấu trở thành đảng viên, lao động thường xuyên biến động, thay đổi chỗ làm, chỗ ở, di chuyển giữa các địa phương cũng gây trở ngại lớn cho công tác bồi dưỡng, giới thiệu, tạo nguồn cho Đảng. Người lao động ưu tú, có nguyện vọng và sau khi được tổ chức công đoàn giới thiệu đi học lớp nhận thức về Đảng cũng gặp trở ngại rất lớn do lịch công việc dày đặc, cũng không bố trí được thời gian đi học hoặc ngại đề xuất với lãnh đạo…

Nhiều chủ DN trong KCN là người nước ngoài, chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức đảng, đoàn thể trong DN; Chưa tạo điều kiện về thời gian để CNLĐ tham gia học lớp bồi dưỡng, nhận thức về Đảng, lớp đảng viên mới và các hoạt động khác của tổ chức công đoàn; Chưa quan tâm tạo điều kiện cũng như khuyến khích người lao động phấn đấu vào Đảng; Việc gặp gỡ, tiếp xúc và vận động chủ DN thành lập tổ chức đảng tại DN thường bị né tránh, do tâm lý lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận của đơn vị. Đơn cử như khi sinh hoạt chi bộ, khi đảng viên đi học nghị quyết, học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng…, CNLĐ sẽ phải xin nghỉ phép, ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền sản xuất, việc hoàn thành đơn hàng. Ngoài ra, nhiều CNLĐ nhận thức về Đảng chưa đúng nên chưa xác định được mục đích, động cơ phấn đấu vào Đảng.

Một số nơi, công đoàn chưa có phân công, giao nhiệm vụ cho đơn vị, cá nhân tập trung xuyên suốt cho công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao ý thức phấn đấu vào Đảng của công đoàn viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đoàn viên chưa có nhiều đổi mới về phương pháp.

Công tác hướng dẫn, kê khai, xác minh lý lịch, lấy ý kiến cấp ủy nơi cư trú còn nhiều khó khăn do người lao động thay đổi nơi ở, nơi làm việc, không nhớ rõ lý lịch của gia đình, người thân,… Thời gian thẩm tra, xác minh kéo dài nên ảnh hưởng đến tâm lý của người được xem xét, kết nạp.

Số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong doanh nghiệp còn rất ít; chưa thể hiện được vai trò, vị trí mình trong doanh nghiệp, hoạt động mờ nhạt. Việc bố trí thời gian sinh hoạt chi bộ còn khó khăn, khó đảm bảo theo quy định. Cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết để phục vụ sinh hoạt còn thiếu. Một số CNLĐ trong doanh nghiệp đã là đảng viên, nhưng trong doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, phải về sinh hoạt tại địa phương nơi cư trú nên không thể phát huy triệt để vai trò của đảng viên trong việc tạo nguồn, tạo tính lan tỏa của tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các đoàn viên Công đoàn là CNLĐ ưu tú.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Giấy chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các đoàn viên Công đoàn là CNLĐ ưu tú.

Giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn

Để thực hiện tốt vai trò của Công đoàn trong việc giới thiệu, tạo nguồn, đóng góp ý kiến cho Đảng xem xét và kết nạp công đoàn viên ưu tú vào Đảng; thực hiện tốt vai trò là “sợi dây truyền” giữa Đảng với công nhân, viên chức, lao động; trong thời gian tới, các cấp công đoàn Bình Dương xác định cần phải xây dựng được môi trường tốt để tạo động lực cho đoàn viên, NLĐ rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên; trong đó, đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện như:

Một là, tiếp tục đổi mới tư duy để nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò, trách nhiệm to lớn của mình đối với việc tham gia xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên trong các DN ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần, các hoạt động phong trào; kiên quyết đoạn tuyệt với phương pháp hoạt động xơ cứng, giáo điều, không phù hợp với điều kiện thực tế và không thiết thực, để tổ chức Công đoàn thật sự hấp dẫn đối với người lao động.

Hai là, quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, có năng lực tổ chức, vận động quần chúng, có kỹ năng tuyên truyền, vận động, thương lượng, bản lĩnh đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích người lao động, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Công đoàn. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ công đoàn là đảng viên trong mọi hoạt động và nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên, người lao động của công ty. Trong lao động sản xuất, luôn chủ động tìm tòi, học hỏi, đưa ra nhiều sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật có giá trị làm lợi lớn cho công ty.

Ba là, tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp cho đoàn viên, người lao động; tổ chức quán triệt, phổ biến kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người lao động.

Bốn là, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua trong người lao động, trọng tâm là Phong trào thi đua "Lao động giỏi, Lao động sáng tạo"; phong trào “Học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”; Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời thông qua các phong trào thi đua sẽ tạo điều kiện, môi trường cho đoàn viên, người lao động thể hiện năng lực và phẩm chất, cũng như động cơ phấn đấu đúng đắn để trở thành đảng viên….

Năm là, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nêu cao nhận thức cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể và vai trò của người đảng viên trong doanh nghiệp để họ hiểu và ủng hộ công tác phát triển đảng viên.

Cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình trong việc mở các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng, bố trí thời gian, địa điểm thích hợp, sắp xếp thời gian ngoài giờ, tổ chức riêng cho đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp.

Các cấp công đoàn Bình Dương sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, sẽ tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác tham gia xây dựng Đảng, cố gắng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng hàng năm và cả nhiệm kỳ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất