Nâng cao chất lượng công chức văn phòng - thống kê cấp xã ở các huyện miền núi Nghệ An
Cán bộ, công chức xã Châu Khê (huyện Con Cuông) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Lê, Báo Nghệ An.
Vấn đề đặt ra
Tỉnh Nghệ An có 10 huyện miền núi với 188 đơn vị hành chính cấp xã. Tổng số lượng công chức văn phòng - thống kê cấp xã tại các huyện miền núi trong tỉnh hiện có 370 công chức, chủ yếu nằm trong độ tuổi 30-50 tuổi, chiếm tỷ lệ 78,0%, trong đó phần lớn là công chức nữ. Tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức văn phòng - thống kê cấp xã, thông qua việc tuyển dụng ngay từ ban đầu những ứng viên có trình độ đại học. Hiện số công chức này có trình độ đại học chiếm 83,5%. Hầu hết đều là người địa phương nên có sự am hiểu, gắn bó mật thiết với người dân. Thái độ giao tiếp của đa số công chức với các tổ chức, công dân có chuyển biến rõ rệt, có ý thức trách nhiệm, tận tình và chu đáo, ứng xử đúng mực, được nhân dân đánh giá cao. 

Trước yêu cầu đổi mới cải cách hành chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hoạt động của đội ngũ công chức văn phòng - thống kê cấp xã ở các huyện miền núi Nghệ An còn những hạn chế, khó khăn: Việc đi cơ sở, nắm tình hình chưa thường xuyên do địa bàn miền núi tương đối rộng, địa hình khó di chuyển. Đặc điểm dân cư không thuần nhất, có nhiều đồng bào dân tộc với tâm lý, tập quán, nhận thức khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giao tiếp. Hầu hết các xã miền núi Nghệ An được biên chế 2 công chức văn phòng - thống kê, tuy nhiên một số xã chỉ có 1 công chức do nghỉ việc hoặc thuyên chuyển chưa bổ sung kịp, làm giảm hiệu quả thực thi công vụ.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và lý luận chính trị của công chức tại các huyện miền núi tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình so với công chức cấp xã trong toàn tỉnh. Trình độ chuyên môn đại học chiếm tỷ lệ lớn nhưng đa phần thông qua hình thức đào tạo từ xa hoặc vừa học vừa làm nên kiến thức chưa bảo đảm, chất lượng đào tạo cũng không cao; tỷ lệ công chức qua đào tạo chính quy thấp, chủ yếu tập trung ở công chức trẻ. Việc chuẩn hóa công chức trong thời gian qua phần lớn chỉ tập trung vào chuẩn hóa bằng cấp. Việc áp dụng kỹ năng, nghiệp vụ vào thực thi công vụ còn hạn chế, chủ yếu làm theo thói quen và kinh nghiệm.

Một bộ phận công chức có tác phong làm việc thiếu chỉn chu, chấp hành chưa nghiêm nội quy, quy chế tại cơ quan, vẫn còn xảy ra hiện tượng “đi muộn về sớm”. Một số công chức có thái độ giao tiếp chưa đúng mực với người dân; thiếu bản lĩnh chính trị, dễ bị tiêu cực bên ngoài tác động. Một số công chức có biểu hiện suy thoái về đạo đức, vướng vào thói hư, tật xấu, gây bức xúc trong nhân dân… Do vậy, vấn đề đặt ra là cần sớm có giải pháp nâng cao chất lượng công chức văn phòng - thống kê cấp xã ở các huyện miền núi Nghệ An.

Một số giải pháp

Một là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng công chức theo từng giai đoạn cụ thể với phương châm “thiết thực, hiệu quả”. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần được đổi mới, cập nhật để có nội dung phù hợp với điều kiên thực tế công tác của công chức tại địa phương, bảo đảm kiến thức có thể áp dụng trong công việc hằng ngày. Khuyến khích công chức tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị “về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xây dựng và thực hiện thống nhất quy định về đạo đức cán bộ, nhất là đạo đức công vụ.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng, bố trí, sử dụng công chức. Trong công tác tuyển dụng cần căn cứ vào chỉ tiêu biên chế và nhu cầu về vị trí việc làm của từng địa phương để bảo đảm tuyển dụng được đúng đối tượng mà chức danh công chức văn phòng - thống kê hướng đến. Có thể thêm cả phần thi phỏng vấn để đánh giá về khả năng giao tiếp, ứng xử của người dự tuyển bởi công chức văn phòng - thống kê hằng ngày phải tiếp xúc rất nhiều với mọi tầng lớp nhân dân đến giao dịch, đặc biệt là bộ phận một cửa. Nghiên cứu, quy định chế độ, chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng, đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng là con em đồng bào các dân tộc tình nguyện về công tác tại các xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa… Trong quá trình sử dụng công chức cần chủ động bố trí, sắp xếp công chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, năng lực đảm nhiệm chức danh công chức văn phòng - thống kê để phát huy hết khả năng của công chức. Kiên quyết thay thế những công chức không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực và sự trì trệ trong công tác văn phòng - thống kê.

Ba là, bảo đảm điều kiện thuận lợi và môi trường làm việc cho công chức. Cần điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ cho phù hợp đối với đội ngũ công chức văn phòng - thống kê cấp xã, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện cải cách về tiền lương để tiền lương là nguồn thu nhập chính đáng và chủ yếu của công chức đảm bảo cuộc sống cho công chức và gia đình. Quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức cấp xã bởi hầu hết công chức trên địa bàn các huyện miền núi đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Từng bước hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, soạn thảo văn bản, lưu trữ tài liệu, tổ chức hội họp đúng quy định, giảm giấy tờ, thủ tục hành chính.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất