Vĩnh Phúc: Tặng thưởng 21 tác phẩm xuất sắc gửi tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022

Tin, ảnh: Hải Yến Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc

Đồng chí Ngô Duy Đông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng chấm chọn kết luận tại Hội nghị thống nhất kết quả chấm chung khảo các tác phẩm tham gia dự Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hải Yến

Đồng chí Ngô Duy Đông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng chấm chọn kết luận tại Hội nghị thống nhất kết quả chấm chung khảo các tác phẩm tham gia dự Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Giải Búa liềm vàng

Thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022; để việc hưởng ứng tham gia Giải báo chí đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả cao, ngày 8-4-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 77-KH/TU về hưởng ứng tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng.

Bám sát Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh và Thể lệ Giải Búa liềm vàng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (cơ quan được Thường trực Tỉnh ủy giao chủ trì phối hợp triển khai Giải cấp tỉnh) đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức phát động hưởng ứng Giải báo chí đến các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí, hệ thống thông tin cơ sở (hệ thống truyền thanh cấp huyện và cơ sở, hệ thống bản tin, trang/cổng thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương), thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; tuyên truyền trực quan, lưu động, trên mạng xã hội...) nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Ban hành Quyết định thành lập Hội đồng chấm chọn; xây dựng quy chế, tiêu chí chấm chọn chặt chẽ; phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia Hội đồng chấm; tổ chức chấm chọn tại tỉnh khoa học, nghiêm túc, bài bản, công tâm, khách quan, đúng quy chế, thể lệ Giải và Kế hoạch số 77-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Để tạo sức lan tỏa, đạt hiệu quả thiết thực trong triển khai Giải Búa liềm vàng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã làm việc trực tiếp, giao nhiệm vụ cụ thể về việc tuyên truyền, hưởng ứng, tham gia Giải đối với các cơ quan báo chí của tỉnh (trong đó, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu số lượng bài cụ thể cho từng đầu mối các đơn vị; giao Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc có tác phẩm đoạt Giải Búa liềm vàng lần thứ VII – năm 2022).

Trong các kỳ giao ban báo chí hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thường xuyên quán triệt mục đích, ý nghĩa của Giải Búa liềm vàng; chỉ đạo, định hướng nội dung; đôn đốc, động viên, khích lệ đến tất cả các cơ quan báo chí trong tỉnh và văn phòng đại diện các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh, giúp các cơ quan triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng định hướng, thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa.

Căn cứ Kế hoạch, Thể lệ Giải Búa liềm vàng, chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ủy, các cơ quan báo chí của tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, hưởng ứng, tham gia Giải của đơn vị mình (trong đó có nội dung giao chỉ tiêu thực hiện các tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VII - năm 2022 đến các phòng chuyên môn. Thực hiện đăng tải công khai Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hưởng ứng tham gia Giải, Thể lệ Giải trên các ấn phẩm báo chí của đơn vị. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, các quy định tham dự Giải và tích cực hưởng ứng tham gia.

Định hướng chính trị đối với các tác phẩm tham dự

Để có các tác phẩm báo chí thực sự xuất sắc, nội dung tác phẩm có trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, chủ đề sát tình hình thực tiễn, mang tính thời sự, hơi thở cuộc sống và phù hợp với yêu cầu của Giải; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thường xuyên phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí của tỉnh thường xuyên trao đổi, định hướng chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Yêu cầu mỗi phóng viên cần tập trung nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; hiểu đúng, đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; dành thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm báo chí thực sự có chất lượng để tham dự Giải.

Các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp thông tin, tư liệu về những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả liên quan đến công tác xây dựng Đảng tại địa phương, đơn vị, giúp các phóng viên, biên tập viên có đủ chất liệu để xây dựng tác phẩm báo chí.

Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ về “Kỹ năng viết tin bài cho báo điện tử” và “Kỹ năng lựa chọn đề tài, khai thác, xử lý thông tin, kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí về công tác xây dựng Đảng” cho hội viên là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh, phóng viên thường trú các báo Trung ương trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc về xây dựng nội dung và nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí tham dự Giải.

Tặng thưởng 21 tác phẩm báo chí xuất sắc, 2 tập thể tiêu biểu trong triển khai, tham gia Giải Búa liềm vàng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (Cơ quan Thường trực Giải cấp tỉnh) đã nhận được gần 240 tác phẩm báo chí (đã được chấm sơ khảo ở các đơn vị) gửi tham gia Giải Búa liềm vàng lần thứ VII. Hội đồng chấm chọn Giải Búa liềm vàng lần thứ VII - năm 2022 tỉnh Vĩnh Phúc đã chấm chọn vòng sơ khảo, lựa chọn được 60 tác phẩm xuất sắc để chấm chung khảo.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, công tâm, khách quan, trung thực, Hội đồng Giải đã chấm chọn vòng chung khảo, lựa chọn được 21 tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí để tặng thưởng tại tỉnh; đồng thời gửi Trung ương tham dự. Bên cạnh đó, 2 tập tập thể tiêu biểu trong triển khai, tham gia Giải cũng được tặng thưởng tại tỉnh.

Các tác phẩm tham dự đã bám sát Thể lệ; đề tài, chủ đề, nội dung, hình thức, bút pháp thể hiện phong phú: chính luận, ghi chép, phản ánh, phóng sự, bút ký, ký chân dung, người tốt, việc tốt... phản ánh trung thực, khách quan và toàn diện, sinh động thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát triển đảng viên trong doanh nghiệp và khu vực nông thôn; đổi mới sinh hoạt chi bộ; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và kết quả phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch; phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp; công tác chuyển đổi số; phòng, chống dịch Covid-19; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; vấn đề nước sạch nông thôn; quản lý các cụm công nghiệp; bất cập trong quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn theo chương trình nông thôn mới tại một số địa phương; công tác quan tâm, chăm sóc người tâm thần; tín ngưỡng, tôn giáo; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phòng, chống tham nhũng; công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ; công tác đánh giá cán bộ bằng sản phẩm của Đảng bộ tỉnh; việc học tập và làm theo Bác, một số mô hình mới, gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... Các tác phẩm không chỉ phản ánh những kết quả đạt được mà còn đề cập tới hạn chế, bất cập ở một số lĩnh vực, kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Một số tác phẩm tạo được sự chú ý của dư luận, được bạn đọc đánh giá cao và có sức lan tỏa, nội dung sâu sắc, được quan tâm, đầu tư, chú trọng trong hình thức thể hiện. Năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục có nhiều tác phẩm báo chí tham dự Giải nhiều kỳ, nội dung sâu, có tính định hướng tốt, tiêu biểu là các tác phẩm: Vâng lời Bác, Vĩnh Phúc đang giàu có, phồn vinh (5 kỳ); Bộ máy gọn, cán bộ tinh (3 kỳ); Đồng thuận với lợi ích chung của cộng đồng (3 kỳ); Nâng cao thu nhập - Hướng tới khát vọng phồn vinh (3 kỳ); Xây “bức tường” vững chắc ngăn chặn tham nhũng (3 kỳ); Chật vật giải bài toán khai thác từ “mỏ vàng xanh” (3 kỳ); Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm - Tầm nhìn chiến lược của Vĩnh Phúc (3 kỳ); Một đề án nhân văn (3 kỳ)... Đặc biệt, có tác phẩm được khai thác, đề cập đến mảng đề tài phòng, chống tham nhũng, là một trong những mảng đề tài khó như “Xây “bức tường” vững chắc ngăn chặn tham nhũng”…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất