Huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Phát huy vai trò người đứng đầu trong chuyển đổi số
Cán bộ, công chức Trung tâm Văn hóa huyện Yên Lạc đẩy mạnh ứng dụng công công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn.

Cán bộ, công chức Trung tâm Văn hóa huyện Yên Lạc đẩy mạnh ứng dụng công công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn.

Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền huyện Yên Lạc đã ban hành chương trình hành động, xây dựng kế hoạch về chuyển đổi số của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đề ra 14 chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Mục tiêu là đưa công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để triển khai chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ phục vụ công tác chuyển đổi số. Trong đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả chuyển đổi số. UBND huyện đã giao nhiệm vụ về chuyển đổi số cho thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị và chủ tịch UBND các xã, thị trấn, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị, căn cứ đánh giá thi đua hằng năm.

Nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo các đơn vị, địa phương, UBND huyện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người đứng đầu các đơn vị, địa phương.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Yên Lạc đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số đã được nâng lên đáng kể.

Phần lớn các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai chữ ký số; 100% văn bản đi, đến được thực hiện trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hơn 95% cán bộ, công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; gần 35% các cuộc họp giữa UBND huyện và các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị được triển khai theo hình thức trực tuyến, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và thuận tiện.

100% các đơn vị, xã, thị trấn đã triển khai hiệu quả phần mềm dịch vụ công trực tuyến phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, trong đó, có gần 30% thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.

Là địa phương được huyện lựa chọn thí điểm chuyển đổi số năm 2022, xã Liên Châu đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã và các tổ công nghệ chuyển đổi số cộng đồng tại 100% thôn. Xã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa.

Cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và sự vào cuộc của nhân dân trong chuyển đổi số. Đến nay, 100% cán bộ, công chức sử dụng email công vụ, tài khoản sử dụng trên các phần mềm dùng chung của tỉnh. 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định, không còn tình trạng tồn đọng văn bản chưa được xử lý. 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm hơn 25%.

Một trong những chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển đổi số là nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số. Việc thực hiện giao dịch điện tử được áp dụng trong thanh toán tiền điện nước, thanh toán lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính; thành lập các nhóm Zalo, Facebook tại các tổ liên gia, thôn dân cư…

Để có được những kết quả đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vào cuộc, tiên phong đi đầu trong ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc.

Bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, Công an huyện Yên Lạc đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số tại đơn vị. Đến nay, Công an huyện đã triển khai kết nối đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ Bộ Công an tới 100% công an các xã, thị trấn.

Việc ứng dụng công nghệ vào cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử và tài khoản định danh điện tử cho công dân là một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số của Công an huyện Yên Lạc. Qua đó, góp phần đảm bảo đúng tiến độ, chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của huyện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đó là: cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn; nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số chưa được đào tạo về chuyên môn, chủ yếu kiêm nhiệm… Đây là một trong những khó khăn, trở ngại của hầu hết các đơn vị, địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất