"Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Vĩnh Phúc"
Flamingo Đại Lải resort - một điểm du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc.

Thời gian qua, Vĩnh Phúc đẩy mạnh phát triển du lịch, vì vậy, hình ảnh, sản phẩm du lịch đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Năm 2019, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 6,1 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2018; trong đó khách quốc tế 43,5 nghìn lượt. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế như: Du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; gắn vui chơi giải trí và du lịch dịch vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm; du lịch thể thao golf.

Tuy nhiên, du lịch Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn như: Sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn du khách; chưa khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch từ làng nghề, ẩm thực; nguồn nhân lực dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao; lượng khách du lịch quốc tế còn khiêm tốn; chưa tạo được thương hiệu, bản sắc riêng để hấp dẫn đông đảo khách du lịch...

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Vĩnh Phúc cần quan tâm đến sản phẩm mua sắm, vui chơi giải trí; quy hoạch chợ đêm, phố đi bộ; phát triển du lịch kết hợp với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển thị trường du lịch nội địa; chất lượng khách du lịch; quan tâm đến môi trường, cảnh quan.

Về sản phẩm du lịch, tỉnh cũng cần chú ý phát triển du lịch học đường, dịch vụ, hội thảo, kết hợp tham quan. Để gia tăng doanh thu dịch vụ, Vĩnh Phúc cần đầu tư khai thác tốt thị trường du lịch nội địa và khách nghỉ dưỡng cuối tuần; quy hoạch điểm đến, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ; phát triển du lịch tâm linh; khôi phục lại một số di tích, lễ hội truyền thống…

Tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Vĩnh Phúc” nhằm đánh giá, khai thác hợp lý tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc, xác định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn trong vùng và khu vực.

Sau buổi tọa đàm, Ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch của tỉnh sẽ nghiên cứu giải pháp phù hợp để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất