Bốn nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 của tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Phúc hôm nay

Tỉnh cũng xác định 28 chỉ tiêu chủ yếu (4 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; 9 chỉ tiêu về phát triển kinh tế; 10 chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội; 5 chỉ tiêu về bảo vệ phát triển môi trường). Trong đó một số chỉ tiêu lớn là: Tỷ lệ TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt trên 90%; tỷ lệ chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt 80%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng (giá hiện hành); thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6-8%/năm; tạo việc làm tăng thêm hằng năm từ 16.000-17.000 việc làm mới; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1%; đến năm 2022, toàn bộ các huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có ít nhất 1 huyện đạt nông thôn mới nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá

Bốn nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo sức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phát huy tính tiên phong, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.  Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên tất cả các mặt, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. (2) Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; khai thông các điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Huy động, thu hút, quản lý và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đầu tư trọng điểm cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế hiện đại, phát triển đô thị theo hướng hiện đại và bản sắc gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.(3) Xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng con người Vĩnh Phúc hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, hun đúc ý chí, bồi đắp khát vọng và nuôi dưỡng các giá trị nhân văn (yêu quê hương, hiếu học, khát vọng làm giàu, tình thương nhân ái); phát triển và quản lý xã hội kỷ cương, bền vững; thực hiện hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. (4) Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển một cách thống nhất và hài hòa.

Ba khâu đột phá: (1) Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút, giải phóng nguồn lực (thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, vốn, đất đai, nhân lực,…) đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững. Tăng cường thực hiện phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực và giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm giải trình để kiểm soát. Hoàn thiện các cơ chế chính sách, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Tập trung thu hút, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường. (2) Đẩy mạnh đô thị hóa cùng với xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn của tỉnh trong năm năm tới. Trọng tâm là xây dựng đô thị của Vĩnh Phúc: Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh, phát triển  bền vững, hiện đại, có bản sắc và đồng bộ. Xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; xử lý tốt ô nhiễm môi trường; cải tạo nâng cấp cảnh quan; bảo đảm các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi sinh hoạt tập trung; phát huy vai trò tự quản của nhân dân; khôi phục, nâng cấp các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng địa phương. (3) Đột phá trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy, trước hết là đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ bằng “sản phẩm”, coi kết quả đánh giá cán bộ là tiêu chí quan trọng nhất để thực hiện quy hoạch, điều động, bổ nhiệm. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Đề bạt, sử dụng người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; không bổ nhiệm, sắp xếp, điều chuyển, thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém, năng lực hạn chế, uy tín thấp. Tập trung bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ cả về bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách qua môi trường thực tiễn. Phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm, đam mê khát vọng của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất