Mộc bản Triều Nguyễn - Khẳng định chủ quyền, thực thi chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng sa và Trường sa
Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV

Mộc bản Triều Nguyễn là di sản văn hóa, lịch sử và khoa học vô giá của Việt Nam. Là nguồn tư liệu đồ sộ về nhiều công trình lịch sử, địa lý, văn học, pháp luật Việt Nam. Về địa lý có hai bộ sách gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường sa. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 104 năm Minh Mạng thứ 14 (1833) ghi lại: “Vua bảo Bộ Công rằng, trong hải phận Quảng Ngãi có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn (mắc cạn). Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6, có đoạn viết: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) huyện Bình Sơn. Từ bờ biển Sa Kỳ đi thuyền ra, thuận gió thì độ ba bốn ngày đêm có thể đến nơi. Có đến hơn 130 đảo nhỏ cách nhau hoặc một ngày đường hoặc mấy trống canh. Trong đảo có bãi cát vàng, liên tiếp kéo dài không biết hàng mấy ngàn dặm, bằng phẳng, rộng rãi tục gọi là “Vạn lý trường sa”, nước rất trong, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập không biết cơ man nào. Sản vật nhiều ốc hoa, hải sâm, đồi mồi, vích... Hồi đầu bản triều có đặt đội Hoàng Sa, có 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào hằng năm, cứ tháng 3 là ra biển tìm kiếm hải vật, đến tháng 8 mang về cửa biển Tư Hiền để nộp, lại đặt đội Bắc Hải, do đội Hoàng Sa kiêm quản, để đi lấy hải vật của các đảo. Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa. Đầu đời Minh Mệnh, thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển. Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả, hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân”. Ðảo Hoàng Sa được ghi trong Ðại Nam nhất thống chí, quyển 8, khẳng định những tư liệu đề cập trong Phủ Biên tạp lục, Lịch Triều hiến chương loại chí Ðại Nam thực lục là loại tài liệu khoa học bậc I, xác thực, chính xác về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, là luận cứ khoa học về chủ quyền và thực thi chủ quyền phù hợp với luật biển và thềm lục địa của luật quốc tế về biển đảo của một quốc gia.

Trong Ðại Nam thực lục chính biên, đã xác định: “tháng giêng mùa xuân Vua ra chiếu mệnh thủy quân cùng đội Hoàng Sa dùng thuyền đến Hoàng Sa thăm đo thủy trình…”. Ghi chép của khách buôn thông thương với đất Quảng Nam, Quảng Ngãi có một số sách của người Trung Quốc như “An Nam Cung Dịch Ký Sự” của Chu Thuần Thuỷ, “An Nam Kỷ Du” của Phan Đình Khuê, “An Nam Tạp Ký” của Lý Tiên Căn và “Hải Ngoại Kỷ Sự” của Thích Đại Sán. Các sách này do chính người Trung Hoa viết và ghi chép về Trường Sa và Hoàng Sa. Đáng chú ý nhất trong số sách đó là cuốn “Hải Ngoại Kỷ Sự” do nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán viết năm 1696 sau chuyến thăm Phú Xuân năm 1695. Đây là tác phẩm của người Trung Quốc viết về Quốc Vương (tức là chúa Nguyễn An Nam) và hoạt động của triều đình An Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa (tức là Vạn Lý Trường Sa theo cách gọi của người Việt Nam và người nước ngoài thời bấy giờ). Đây là tư liệu cổ chứng tỏ hoạt động thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được người nước ngoài biết đến, trong đó có người Trung Quốc.  

Hoạt động trên Biển Đông thông thương qua lại, trong Quyển 3 của cuốn “Hải Ngoại Kỷ Sự”, Sư Thích Đại Sán có đoạn chép về Biển Đông: “Khách có người bảo: mùa gió xuôi trở về Quảng Đông chừng vào độ nửa tháng trước và sau mùa lập thu. Chừng ấy gió Tây Nam thổi mạnh, chạy một lèo gió xuôi chừng 4, 5 ngày đêm có thể đến Hổ Môn. Nếu chờ đến sau mùa nắng, gió bấc dần dần nổi lên, nước chảy về hướng Đông, sức gió Nam yếu, không chống nổi dòng nước chảy mạnh về phía Đông, lúc đó sẽ khó giữ được sự yên ổn. Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng dọc biển, chạy từ Đông Bắc qua Tây Nam; đống cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển, mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền đụng phải hẳn tan tành; bãi cát rộng hàng trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể gọi là Vạn lý Trường Sa, mù tít chẳng có cây, nhà cửa. Nếu thuyền bị trái gió, trái nước mà lạc vào, dẫu không tan nát cũng không gạo không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt 7 ngày đường, chừng 700 dặm. Quốc Vương trước, hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc từng bãi cát, lượm vàng bạc, khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào. Mùa thu nước ròng cạn rút về phía Đông, bị một ngọn sóng đưa đi, thuyền có thể trôi xa hàng trăm dặm; sức gió chẳng mạnh sợ gặp hiểm hoạ Trường Sa”.

Trong Đại Nam thực lục, quyển 122, có chỉ dụ của Vua Minh Mệnh như sau: “năm Giáp Ngọ (1834) Minh Mệnh thứ 15, tháng 3 mùa xuân sai Giám thành Ðội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng 20 thủy quân đáp thuyền đến xứ Hoàng Sa, Quảng Nghĩa vẽ bản đồ rồi về. Nhà vua hỏi về sản vật tại nơi này, Sĩ tâu xứ này bãi cát rộng lớn không có bến bờ; nhân đem những đồ bắt được như chim chóc, cá, ba ba, ốc, sò dâng lên; phần lớn là những vật lạ người ta ít khi được thấy. Vua triệu các Thị thần cho xem, cùng thưởng cho những người đi tiền bạc nén có sai biệt”.

Như vậy, trước đó, từ thời các Chúa thì câu chuyện Biển Đông đã được nhắc đến và đã được nghị sự quốc triều, Mộc bản sách Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 10 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, có chép: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là “Vạn lý Trường Sa”. Chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1711, ra chiếu dụ, sai các quan văn võ, thiên văn, địa lý hội họp quốc sự và sai đo vẽ quần đảo Vạn lý Trường Sa, chính thức xác lập vùng biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa vào địa lý Việt Nam. Các chúa đã cho lập hải đội Hoàng Sa có chỉ dụ hành chính của triều đình với nhiệm vụ bảo vệ, khai thác tài nguyên và xác định vị trí địa lý trên các đảo là vùng biển đảo của Việt Nam.

Sang thời các vua triều Nguyễn, Hoàng Sa và Trường Sa được triều đình quan tâm hơn. Ngoài hải đội Hoàng Sa là hải đội chính quy, nhà Nguyễn đã cho xây dựng ở hai quần đảo trên một số công trình như: chùa chiền, miếu thờ, bia xác lập chủ quyền “vào năm [Minh Mệnh] thứ 16 (1835) tâu chuẩn xây một gian miếu tại Hoàng Sa, Quảng Ngãi (theo thể chế mái gạch). Vị trí tại phía tây nam gò Bạch Sa, phía trái xây bia gạch cao 1 xích 5 thốn = 0,705 mét; bề mặt 1 xích 2 thốn = 0.564 mét, trước xây bình phong; phía trái, phải, đằng sau đều trồng các loại cây” nhằm xác định chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Từ những tấm Mộc bản này, vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thêm một lần nữa được khẳng định, mang tính khoa học và có sự xác định của quốc tế về Di sản tư liệu quốc tế tại Việt Nam.

Việc khẳng định chủ quyền cương vực và các quần đảo, vùng biển thông qua Di sản Mộc bản Triều Nguyễn đã luôn ý thức và chú ý một cách đặc biệt mạnh mẽ về chủ quyền Biển Đông là chiến lược phát triển, ổn định cho đất nước muôn đời sau. Những việc về Hoàng Sa và Trường Sa được triều đình nhà Nguyễn đem ra luận bàn trong những lần thiết triều, nghị sự. Đó không phải là việc riêng của một bộ nào mà là việc chung của toàn triều đình, toàn dân.

Phản hồi (3)

Ngo Duc Huy 27/07/2012

Truong Sa va Hoang Sa dung nhu khao sat cua Tac gia Tran Duc Liem da viet,Hoang Sa, Truong Sa la cua VN mai mai

Le Cong Tien 27/07/2012

ỦNG HỘ ANH LIÊM…TRƯỜNG SA – HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM TA TỪ XƯA CHO ĐẾN BẦY GIỜ!

Nguyễn Việt Tiến 27/07/2012

Bài viết của Anh Trần Đức Liêm là bài hay, ủng hộ Anh! Yêu Việt Nam – Yêu Trường Sa, Hoàng Sa là mãi mãi của Việt Nam như Anh đã viết, Chúc Anh Liêm sức khỏe.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất