Bác bỏ lập luận yêu sách của Trung Quốc với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Chủ trì họp báo có các đồng chí Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; đồng chí Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; đồng chí  Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, đồng chí  Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và đồng chí Nguyễn Quốc Thập, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông đã thu hút sự chú ý của đông đảo các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước cũng như đại diện của nhiều cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã cung cấp những nội dung:

I. Đồng chí Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao phát biểu phản bác các luận điểm thiếu căn cứ của Trung Quốc:


1. Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế


Như các bạn đã biết, ngày 2 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Ngày 27 tháng 5 năm 2014, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Hành động của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại khu vực hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm, tiến hành khảo sát thăm dò địa chấn 2D, 3D từ năm 2005. Những lần như vậy Việt Nam đều đã cử tàu thực thi pháp luật ra tuyên truyền, xua đuổi, đồng thời đã nhiều lần giao thiệp ngoại giao, trao công hàm kiên quyết phản đối hoạt động sai trái của Trung Quốc. Trong thời gian đó, đã có ít nhất ba cuộc giao thiệp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và ngày 5 tháng 8 năm 2010, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã buộc phải công khai phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Phát biểu với báo chí những ngày qua, phía Trung Quốc lớn tiếng vu cáo Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu hộ vệ của Trung Quốc, thậm chí nói tàu cá Việt Nam bị đâm chìm là do đâm vào tàu Trung Quốc. Sự thực thế nào, mọi người đã rõ và trong số các nhà báo có mặt tại đây, có rất nhiều người đã tận mắt chứng kiến các hành vi hung hăng của các tàu Trung Quốc. Các hành vi đó của Trung Quốc không những vi phạm luật pháp quốc tế về việc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực mà còn là hành vi vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam.

2. Quan điểm của Việt Nam về yêu sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa


Việt Nam bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là “Tây Sa” vì các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và lịch sử.

Các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền đối với Hoàng Sa


Trung Quốc đưa ra một số tư liệu lịch sử, nhưng các “tư liệu lịch sử” của Trung Quốc không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được diễn giải một cách tùy tiện. Các tư liệu này đều là của cá nhân, không phải là tài liệu chính thức của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Trong các tư liệu đó, quần đảo Hoàng Sa được nêu tên và mô tả một cách thiếu nhất quán. Theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, một quốc gia chỉ có thể thiết lập chủ quyền thông qua các hành động thực thi chủ quyền mang danh nghĩa nhà nước. Các tài liệu mà Trung Quốc đã công khai không chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ.

Năm 1898, sau sự kiện hai tàu Bellona và Huneji Maru bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, Phó vương Quảng Đông đã lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa là đảo bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc. Về hành chính, các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam và không có cơ quan nào có trách nhiệm quản lý quần đảo này. Do đó, phía Trung Quốc đã tuyên bố không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản.

Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai bằng chứng xác thực cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo này từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các quần đảo, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình phong kiến Việt Nam ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.

Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ năm 1874 và 1884 với triều đình phong kiến Việt Nam, Pháp đã thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền với Hoàng Sa và tuyên bố phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc. Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa như xây dựng và vận hành đèn biển, trạm khí tượng, thiết lập đơn vị hành chính và sáp nhập vào Trung Kỳ, cấp phép giấy khai sinh cho công dân Việt Nam sinh ra tại Hoàng Sa. Năm 1909, Đô đốc Quảng Đông Lý Chuẩn tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được các triều đình phong kiến Việt Nam thiết lập vững chắc và được Pháp thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi hữu hiệu. Pháp đã thay mặt Việt Nam phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc và nêu rõ chủ quyền của Hoàng Sa đã được nhà nước An Nam xác lập từ năm 1816.

Năm 1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch lợi dụng bối cảnh chiến tranh thế giới thứ II kết thúc đã xâm nhập trái phép đảo Phú Lâm. Năm 1947, Pháp đã ra tuyên bố phản đối sự xâm nhập này, yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán và giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã từ chối. Chính quyền Tưởng Giới Thạch sau đó đã rút khỏi Phú Lâm.

Các Hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc


Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản phải từ bỏ tất cả các lãnh thổ đã chiếm đóng bằng vũ lực trong Chiến tranh thế giới thứ 2, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Các Tuyên bố Cairo năm 1943, Potsdam năm 1945 và Hiệp định San Francisco năm 1951 đã liệt kê tất cả các vùng lãnh thổ Nhật Bản phải hoàn trả cho Trung Quốc nhưng không bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Đáng chú ý, chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tham gia quá trình thảo luận ra Tuyên bố Cairo và Potsdam mà không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco, đề nghị về việc điều chỉnh dự thảo Hiệp định để ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc đã bị bác bỏ bởi đa số 46 phiếu chống (trên tổng số 51). Trong khi đó, phát biểu của ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam tham dự Hội nghị, đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp phải bất cứ sự phản đối nào tại Hội nghị.

Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực cho nên không thể thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa


Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây của một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Tám mươi hai (82) “ngư dân” Trung Quốc đã bị bắt. Cả hai hành động xâm chiếm này diễn ra sau khi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa tại Hội nghị San Francisco năm 1951 mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc nắm quyền kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Hành động sử dụng vũ lực thôn tính lãnh thổ của một quốc gia khác là vi phạm các nguyên tắc cơ bản luật pháp quốc tế, không thể tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc


Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 như là bằng chứng về việc Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này.

Thứ nhất, Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tài liệu thông báo về việc các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc và bức thư không đề cập gì đến vấn đề chủ quyền.

Trong bối cảnh lịch sử năm 1958, hành động của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ là nhằm ủng hộ việc Trung Quốc mở rộng vành đai an ninh trên biển từ 3 lên 12 hải lý. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã cố tình diễn giải sai ý nghĩa và bối cảnh lịch sử của bức thư để phục vụ cho yêu sách lãnh thổ sai trái của mình.

Thứ hai, là một bên ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được rằng theo quy định của Hiệp định, Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Nam vỹ tuyến 17, thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam Cộng hòa, không thuộc phạm vi quản lý thực tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước Việt Nam thống nhất từ năm 1976, đã ngay lập tức kế thừa và nhất quán khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa do các đại diện khác nhau của Việt Nam thiết lập vững chắc trong lịch sử.

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã có tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của Trung Quốc. Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp về hành vi sử dụng vũ lực của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ không thể tạo ra chủ quyền.

Năm 1958, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lúc đó là Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Trung Quốc hiểu rất rõ bối cảnh lịch sử liên quan đến các tài liệu mà Trung Quốc đã trích dẫn. Do vậy, đến tháng 9 năm 1975, với cương vị là phó Chủ tịch Đảng, Phó Thủ tướng, trong trao đổi với Lãnh đạo Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có ý kiến khác nhau về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết. Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-5-1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

3. Việt Nam đã nỗ lực và thiện chí giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay trên biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam gây ra thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình nhưng Trung Quốc phản ứng thiếu tính xây dựng


Trong hơn một tháng qua, phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông và các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, Việt Nam đã nỗ lực liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và nhiều cấp để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tạo điều kiện để hai bên đàm phán tìm biện pháp ổn định tình hình và quản lý các vấn đề trên biển giữa hai nước. Việt Nam đã tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn từ chối đàm phán thực chất.

Trung Quốc không những không đáp lại thiện chí của Việt Nam mà còn đưa ra các lời cáo buộc vô căn cứ, bóp méo sự thật, vu cáo Việt Nam đâm các tàu của Chính phủ Trung Quốc hơn 1.500 lần. Trung Quốc hoàn toàn không đưa ra bằng chứng thực sự nào về các cáo buộc thiếu căn cứ này. Trong khi đó, Việt Nam đã công bố nhiều bằng chứng dưới dạng băng hình, hình ảnh về hành động hung hăng và bạo lực của Trung Quốc như đâm va, bắn vòi rồng vào các tàu của Việt Nam, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam và làm hàng chục người Việt Nam bị thương. Việt Nam đã mời các nhà báo quốc tế ra hiện trường và các nhà báo đã đưa tin khách quan về diễn biến của vụ việc.

Nguyên nhân trực tiếp của tình hình căng thẳng hiện nay là do Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhưng Trung Quốc lại tuyên bố rằng đó là vùng biển của Trung Quốc. Việt Nam đã thể hiện thiện chí, nhiều lần đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn khăng khăng không rút giàn khoan và không đàm phán, như vậy, việc Trung Quốc nói là cánh cửa đàm phán vẫn rộng mở là không đúng với thực tế.

Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, ngay lập tức chấm dứt các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rút giàn khoan và các phương tiện khác khỏi vùng biển của Việt Nam và không tái diễn các hành động tương tự trong tương lai. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc giải quyết tất cả các tranh chấp, kể cả tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán trên biển, thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982.

II. Đồng chí Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trình bày một số nội dung sai trái do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra gần đây:


1. Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông


Trong hơn 40 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã  triển khai bình thường các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và các vùng phụ cận.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đã, đang và sẽ hợp tác với nhiều công ty dầu khí quốc tế để thăm dò khai thác dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Đến nay, Tập đoàn đã ký 100 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí, trong đó 61 hợp đồng hiện đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000 km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan.

Tất cả các hoạt động dầu khí đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, cụ thể  như sau:

Giai đoạn trước năm 1975:


Ngay từ những năm 1969-1970, Việt Nam đã tiến hành khảo sát hơn 12.000 km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa Miền Nam Việt Nam (Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).

Trong hai năm 1973-1974, Việt Nam đã hợp tác với các công ty Western Geophysical và Geophysical Services Inc. (Mỹ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74-HS (3.373 km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Dự án WA74-PKB (5.328 km) khảo sát ven biển Phú Khánh.

Giai đoạn năm 1975-1996:


Thời gian 1985 - 1993, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thực hiện đề án khảo sát địa chấn khu vực Miền Trung sử dụng tàu Malugin (Liên Xô cũ), cùng Công ty NOPEC (Na Uy) thu nổ các tuyến địa chấn, từ và trọng lực từ vĩ tuyến 100 đến 150, bao gồm cả khu vực Hoàng Sa và phụ cận. Năm 1993, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris VI (Pháp) sử dụng tàu Atalant để thực hiện chương trình khảo sát “Ponaga” đo trọng lực, từ và thu nổ địa chấn nông kết hợp lấy mẫu tầng mặt ở vùng biển Hoàng Sa, miền Trung và Đông Nam Việt Nam.

Từ năm 1996 đến nay: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng các công ty dầu khí quốc tế hoạt động trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.  

Liên tục, từ năm 2007 đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam  thực hiện nhiều dự án thu nổ địa chấn 2D: Khảo sát toàn Thềm lục địa Việt Nam (Công ty TGS-Nopec của Na Uy thực hiện); Đông Phú Khánh (Công ty PGS của Singapore thực hiện); Các khảo sát CSL-07, PV-08, PK-10, PVN12 ở khu vực Hoàng Sa và lân cận. Gần đây nhất, vào tháng 4-2014, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng công ty Murphy Oil (Mỹ) đã hoàn thành toàn bộ khảo sát hơn 5.000 km tuyến địa chấn 2D ở khu vực Nam Hoàng Sa.

Song song với công tác khảo sát, thăm dò dầu khí ngoài thực địa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nhiều nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dầu khí toàn thềm và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính – Vũng Mây. Đã có nhiều công trình, báo cáo của các tác giả trong và ngoài nước về đánh giá cấu trúc địa chất và tiềm năng dầu khí tại khu vực Hoàng Sa và lân cận. Các công trình nghiên cứu dầu khí về khu vực này đã được nhiều tác giả Việt Nam và nước ngoài trình bày công khai tại rất nhiều hội thảo quốc tế, đã được thừa nhận và đánh giá cao.

Như vậy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã và đang triển khai bình thường hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong đó có khu vực Hoàng Sa và các vùng lân cận. Trong thời gian tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng các công ty dầu khí quốc tế tiếp tục hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam từ hơn 40 năm trước và liên tục thực hiện cho đến nay.

2. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phản đối các hoạt động dầu khí sai trái của phía Trung Quốc


Trước việc ngày 02-5-2014 Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép  và việc Trung Quốc cho là “57 lô dầu khí tại các vùng biển tranh chấp” trong buổi họp báo quốc tế ngày 16-5-2014 tại Bắc Kinh, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã cực lực phản đối tại các buổi họp báo ở Hà Nội vừa qua.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẳng định  Trung Quốc đã dựa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, mà cả thế giới đều không công nhận,  để nói rằng  57 lô của Việt Nam ở trong vùng biển tranh chấp, điều này là toàn không có cơ sở và không có giá trị. Trung Quốc đang cố tình, có chủ ý biến những vùng biển không có tranh chấp thành tranh chấp với các đòi hỏi phi lý. Thực tế khu vực này nằm hoàn toàn trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp, vi phạm vùng biển của Việt Nam. Trong các lần vi phạm trước đây của Trung Quốc, Việt Nam đã phản đối qua đường ngoại giao, đấu tranh và tuyên truyền trên thực địa để Trung Quốc thấy rõ lẽ phải, không vi phạm vùng biển Việt Nam. Điển hình, một số vụ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam do Trung Quốc gây ra và đã bị Việt Nam phản đối, ngăn chặn như sau:

1) Năm 2003 giàn khoan Katan III dự định khoan ở khu vực phía đông lô 113 đã bị Việt Nam phản đối quyết liệt.

2) Năm 2006 phía Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn 2D khu vực gần đảo Tri Tôn của Việt Nam bằng tàu Phấn đấu 4, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã tiến hành xua đuổi.

3) Năm 2007 Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn 3D bằng tàu của nhà thầu Western Geco, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam  đã phản đối nhà thầu Western Geco, triệu tập đại diện Western Geco yêu cầu chấm dứt hoạt động này vì vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời cảnh cáo tàu khảo sát không cho tham gia dự thầu cho các dự án ở Việt Nam.

4) Năm 2007-2008, Trung Quốc đã thuê giàn khoan của Công ty Khoan TransOcean tham gia hoạt động khoan của Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phản đối quyết liệt và Nhà thầu TransOcean đã từ chối khoan cho Trung Quốc.

5) Tháng 6 đến tháng 8-2010, Trung Quốc thuê tàu Western Spirit thăm dò địa chấn 3D khu vực thuộc các lô 141-143 (gần đảo Tri Tôn) của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, có lúc áp sát tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ở khoảng cách gần, phun nước, hú còi, pháo trên tàu hải quân Trung Quốc mở bạt hướng về phía tàu Việt Nam để uy hiếp, đe dọa.

6) Tháng 9-2010, tàu Phấn Đấu 4 của Trung Quốc hoạt động ở khu vực phía Đông đảo Lý Sơn khoảng 80-90 hải lý, tàu chấp pháp của Việt Nam ra ngăn cản, mở loa tuyên truyền, xua đuổi, vây ép buộc tàu Phấn Đấu 4 thu cáp và rời khỏi khu vực. 

7) Tháng 6 và 7-2011, tàu khảo sát Tanbaohao của Trung Quốc hoạt động ở khu vực phía Tây đảo Tri Tôn khoảng 28 hải lý (lô 141-143), lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã tiến hành ngăn chặn và xua đuổi.

8) Năm 2012 CNOOC đã mời thầu trái phép 9 lô của Việt Nam ở khu vực miền Trung và không được các công ty dầu khí quốc tế tham gia.

9) Ở khu vực Tư Chính, Trung Quốc đã ký Hợp đồng lô WAB-21 trái phép với công ty Crestone Energy, sau chuyển nhượng cho Harvest. Cho đến nay nhà thầu không triển khai hoạt động.

III. Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam, trình bày về diễn biến tình hình trên thực địa Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam từ ngày 1-6-2014 đến nay, nội dung chính như sau:


1. Tình hình Trung Quốc


1.1. Lực lượng bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981


Ngày 27-5, giàn khoan Hải Dương-981 đã dịch chuyển từ vị trí cách phía Tây Nam Tri Tôn 17 hải lý đến vị trí mới cách phía Đông Nam Tri Tôn 23 hải lý. Thời gian đầu tháng 6, vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 có điều chỉnh nhẹ và đến nay cơ bản không thay đổi.

- Từ đầu tháng 6 đến nay, lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc vẫn thường xuyên duy trì từ 101 đến 115 tàu các loại, trong đó thường xuyên duy trì 04 - 06 tàu chiến (02 tàu Hộ vệ tên lửa 534, 572; 02 tàu Tên lửa tấn công nhanh 751, 756; 02 tàu quét mìn 839, 840)  và các lực lượng tàu chấp pháp, tàu kéo dịch vụ, tàu vận tải, tàu dầu, tàu cá.

- Trung Quốc sử dụng nhiều lượt máy bay tuần thám (số hiệu B3566, B3843); đáng chú ý còn có máy bay tiêm kích dạng SU-27, máy bay trinh sát dạng TU-154 (số hiệu 81223) và máy bay dạng cảnh báo sớm dạng KJ-200 (số hiệu 9421) bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 500-1000m để trinh sát, răn đe, gây tâm lý căng thẳng cho lực lượng tàu Việt Nam.

* Trên thực địa ngày 15-6:


- Vị trí giàn khoan Hải Dương-981 không thay đổi.

- Trung Quốc sử dụng: 110 tàu để bảo vệ giàn khoan, cụ thể: 06 tàu chiến (02 tàu Hộ vệ tên lửa số hiệu: 534, 535; 02 tàu tên lửa tấn công nhanh: 751, 756; 02 tàu quyét mìn: 839, 840); 34 tàu Hải Cảnh, 02 tàu Hải Giám, 02 tàu Hải tuần, 01 tàu Ngư Chính, 18 tàu kéo, 14 tàu vận tải, 33 tàu cá.

- Trong ngày phát hiện máy bay KJ-200 số hiệu 9421 bay 03 vòng và máy bay cánh bằng Y12 bay 02 vòng trên các tàu của Việt Nam ở độ cao 300 – 500m.

- Lúc 07 giờ 30 phút đến 08 giờ 05 phút ngày 15-6: Trung Quốc sử dụng 16 tàu (Hải cảnh 3411, 2506, 23, 2371, 44105, 1112, 2337, 13101, 33101, 3383, 263, 2166, 21, 33102 và 02 tàu kéo) ngăn cản tàu Cảnh sát biển Việt Nam số 8003, 2016, 2015, 2013 4032, 4033 và tàu Kiểm Ngư  952 ở khu vực cách giàn khoan từ 8,2 hải lý đến 10 hải lý.

1.2. Phương thức hoạt động


- Lực lượng bảo vệ Trung Quốc tổ chức thành 3 vòng để bảo vệ: Vòng trong cách giàn khoan từ 1-1,5 hải lý có 10-15 tàu; vòng giữa cách giàn khoan từ 4,5-5 hải lý có 40-45 tàu; vòng ngoài  cách giàn khoan từ 10-12 hải lý có 25-35 tàu. Các tàu ở vòng trong thường xuyên cơ động thay đổi vị trí cho nhau. Trên các hướng, Trung Quốc luôn sử dụng từ 9-12 tàu có tốc độ cao xen kẽ với các tàu kéo, cơ động, bám sát các tàu Việt Nam, khoảng cách 200m, mở loa, hú còi, áp sát, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu của Việt Nam.

- Hành động của các tàu bảo vệ Trung Quốc chặn đầu, khóa đuôi, ép mạn chủ động đâm vào các tàu Việt Nam; dùng súng bắn nước công suất lớn nhằm làm hư hỏng trang bị, tàu thuyền của Việt Nam; dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của lực lượng tàu Việt Nam khi các tàu của Việt Nam vào gần tuyên truyền, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan Hải Dương-981 (Lúc 13 giờ 55 phút ngày 07/6 tàu Kiểm ngư 635 bị tàu kéo Trung Quốc số hiệu 281 đâm vào mạn trái làm móp phòng ngủ dài 5m, rộng 3m, biến dạng khu vực boong trung).


- Lực lượng tàu cá Trung Quốc có khoảng 40-45 chiếc chia thành 2 tốp, được sự hỗ trợ của các tàu Hải cảnh luôn ngăn cản các nhóm tàu đánh cá của Việt Nam đánh bắt hải sản ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương-981 từ 30-40 hải lý về phía Tây Nam và Tây Tây Nam.

2. Lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép


- Trong điều kiện thời tiết phức tạp, các lực lượng tàu Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ tại hiện trường, kiên trì tiến hành thực thi pháp luật, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của Giàn khoan và lực lượng tàu bảo vệ của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam.

3. Đánh giá tình hình trên thực địa


Ngày 13-6-2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức họp báo về giàn khoan Hải Dương-981 trong đó có đưa ra một số thông tin và hình ảnh sai lệch với tình hình thực tế trên hiện trường chúng tôi xin được làm rõ trước công luận những vấn đề sau đây:

- Việc Trung Quốc công bố tính đến 12 giờ ngày 13-6-2014 các tàu Việt Nam đã tiến hành đâm húc 1547 lần vào các tàu của Trung Quốc và làm cho mũi tàu Trung Quốc hư hỏng. Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch và phi lý trên. Thực tế vừa qua chỉ có các tàu Trung Quốc mới chủ động đâm va và phun nước vào các tàu Việt Nam làm cho 36 lần/chiếc tàu Việt Nam bị hư hỏng (tàu Kiểm Ngư là 23 tàu, tàu Cảnh sát biển là 05 tàu, tàu cá là 07 tàu trong đó tàu cá Việt Nam số hiệu ĐNa 90152 TS bị tàu cá Trung Quốc số hiệu 11209 đâm chìm vào lúc 16 giờ ngày 26-5-2014 tại khu vực cách giàn khoan 16,5 hải lý về phía Tây Nam). Từ ngày 03-5 đến nay tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và 02 ngư dân Việt Nam bị thương. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và hình ảnh về những tàu Trung Quốc tiến hành đâm và tàu Việt Nam bị đâm. Các tàu Việt Nam không thể sử dụng mạn và boong tàu để đâm vào mũi tàu Trung Quốc được.

- Về việc Trung Quốc vu khống Việt Nam cử nhiều người nhái, thả nhiều lưới đánh cá và chướng ngại vật tại khu vực hiện trường gây ảnh hưởng tới người và tàu của Trung Quốc:

 Xin khẳng định cho đến thời điểm hiện nay Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại khu vực hiện trường. Về một số lưới đánh cá và một số vật trôi nổi Trung Quốc vớt được, nguyên nhân đây là vùng đánh cá truyền thống của Việt Nam khi ngư dân của Việt Nam tiến hành đánh bắt cá các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm va và phun nước nên tàu cá Việt Nam buộc phải bỏ lưới, cơ động tàu để tránh sự truy cản của tàu Trung Quốc; tàu Trung Quốc đã tiến hành thu mất lưới của ngư dân Việt Nam. Những vật trôi nổi trên biển như thùng phi, mảnh gỗ Trung Quốc vớt được trên biển là do tàu Trung Quốc đâm va vào các tàu của Việt Nam và sử dụng vòi rồng công suất lớn phun sang các tàu Việt Nam làm cho các thùng phi chứa dầu, thùng sơn, các khúc gỗ là dụng cụ huấn luyện để trên mặt boong tàu, các mảnh ván và thiết bị của tàu Việt Nam bị đâm vỡ… bị văng xuống biển. Phía Trung Quốc vớt lên coi là vật chứng là hoàn toàn sai với sự thật.

- Trung Quốc nói không đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến hiện trường, trên thực tế chúng tôi và cả phóng viên các hãng thông tấn báo chí trong và ngoài nước đã ghi lại được đầy đủ các số liệu, số hiệu tàu và máy bay tại thực địa là bằng chứng không thể chối cãi. Trong hơn 40 ngày qua không thể ngày nào cũng có từ 04 - 06 tàu chiến đi qua khu vực này bình thường như Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

- Mặc dù các tàu bảo vệ Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động ngăn chặn, cản phá quyết liệt, sẵn sàng đâm va, phun nước; song lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm Ngư Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì, kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc. Các tàu Việt Nam không phun nước và đâm vào các tàu bảo vệ, tàu cá của Trung Quốc, chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.

IV. Đồng chí Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày tình hình hoạt động khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam và thực thi pháp luật của lực lượng kiểm ngư Việt Nam tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam


1. Tình hình chung tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981


Sau khi phát hiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam vi phạm chủ quyền và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thủy sản bình thường và hợp pháp của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đã có mặt tại thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để tuyên truyền, yêu cầu rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tiến hành thực thi pháp luật, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ ngư dân Việt Nam.

Trung Quốc duy trì trung bình khoảng 120 tàu/ngày, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay tuần thám, trực thăng nhằm uy hiếp lực lượng tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Kiểm ngư Việt Nam dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun nước bằng vòi rồng, thậm chí còn có hành động áp mạn và ném các vật cứng sang tàu Kiểm ngư, dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Bên cạnh đó, các tàu Trung Quốc còn sử dụng các phương thức tạo cớ để tàu Việt Nam đâm va như chặn đuôi, vượt lên trước các tàu của Việt Nam cắt mặt để tàu Việt Nam đâm vào hoặc cố tình lùi lại với mục đích đâm vào tàu Việt Nam, từ đó tạo ra các tư liệu giả để vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc… Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng để chứng minh và khẳng định đến nay, chưa có bất kỳ một trường hợp nào tàu của Việt Nam chủ động đâm va vào tàu của Trung Quốc như Trung Quốc đã đưa tin.


Đến thời điểm này đã có 23 tàu Kiểm ngư Việt Nam bị các tàu của Trung Quốc chủ động đâm va, phun nước áp lực cao gây hư hỏng (gãy be chắn sóng, lan can, méo cabin, vỡ kính cabin, hỏng các thiết bị hàng hải như các máy thông tin liên lạc, radar, la bàn, dụng cụ tác nghiệp hải đồ, hệ thống tời neo......); làm 15 Kiểm ngư viên bị thương.

Tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đơn phương áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở biển Đông trong vòng 2 tháng rưỡi bắt đầu từ ngày 16-5-2014 (trong đó có vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam). Tuy nhiên, cũng đúng từ ngày 16-5-2014, Trung Quốc đã huy động khoảng 50 tàu cá vỏ sắt ra khu vực hạ đặt giàn khoan; và thực tế đã chứng minh, các tàu cá này của Trung Quốc không vì mục đích khai thác hải sản mà tham gia cùng các tàu chấp pháp, tàu quân sự của Trung Quốc cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản của tàu cá Việt Nam (sử dụng công cụ chuyên dùng để cắt lưới; phá hỏng các ngư cụ và trang thiết bị thông tin liên lạc, máy móc trên tàu....), đối xử thô bạo với ngư dân, đâm chìm các tàu cá Việt Nam đang hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam.

Chỉ tính từ ngày 01-5-2014 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã có hàng trăm lần tàu cá của Việt Nam bị phía Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp; trong đó 17 tàu cá của Việt Nam đã bị các lực lượng chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc gây thiệt hại làm bị thương hàng chục ngư dân, trong đó có 03 ngư dân bị thương nặng.

2. Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo (tại cuộc họp báo ngày 13/6/2014) là: "Chiều 26-5, một tàu cá Việt Nam nhiều lần đâm vào tàu cá của Trung Quốc và tự bị lật. Tàu Trung Quốc định vào cứu, nhưng 30 tàu Việt Nam đã nhanh chóng vây quanh tàu cá này, phía Trung Quốc không có cách nào vào cứu được. Không hề có chuyện tàu Trung Quốc ngăn cản việc cứu hộ"?


Chúng tôi xin khẳng định lại một lần nữa: Tại khu vực này, các tàu cá của Việt Nam thường xuyên bị phía Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc xảy ra vào ngày 26-5-2014, khi tàu cá của Việt Nam mang số hiệu ĐNa-90152-TS có 10 ngư dân trên tàu đang hoạt động khai thác hải sản cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 17 hải lý thì bị nhiều tàu cá của Trung Quốc bao vây, uy hiếp, trong đó tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã chủ động bám đuổi, đâm, đẩy tàu cá ĐNa-90152-TS của Việt Nam đến khi lật úp. Ngoài ra, các tàu cá của Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá ĐNa-90152-TS.


Chúng tôi phản đối và bác bỏ thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo ngày 13-6-2014. Chúng tôi có đầy đủ tư liệu, bằng chứng chứng minh hành động sai trái này của Trung Quốc.

Trên thực địa, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục kiềm chế chủ động tránh va chạm, nhưng kiên quyết, kiên trì dùng các biện pháp hòa bình để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc phải rút khỏi vùng biển mà họ đang hoạt động trái phép; tiếp tục các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư trường và hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển của Việt Nam.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất