Thái Nguyên còn nhiều dư địa cho đầu tư, phát triển du lịch
Điểm du lịch Hồ Núi Cốc. Ảnh: IT.

Nhiều tiềm năng, lợi thế
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 8-8-2018 về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030, trong đó xác định quan điểm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, ngành Du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững. Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục xác định “Phấn đấu đưa du lịch Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc, sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá Trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả”.

Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những "địa chỉ đỏ" như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái; 277 làng nghề, gần 200 sản phẩm OCOP 3-5 sao…

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.

Trong những năm qua, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, từng bước phát huy được các tiềm năng thế mạnh về du lịch, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đón 2.498.200 lượt khách (trong đó khách quốc tế 20.100 lượt; khách nội địa 2.478.100 lượt); tổng thu từ khách du lịch đến tỉnh Thái Nguyên đạt 2.114, tỷ đồng, tăng 18,75% so với cùng kỳ. Lộ trình đến năm 2025, ngành Du lịch Thái Nguyên đón hơn 3,2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm. 

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động du lịch Thái Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế; du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tính cạnh tranh chưa cao, chưa có sự gắn kết, bổ trợ, hỗ trợ nhau giữa phát triển du lịch và phát triển sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề. Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 đón 5,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 6.600 tỷ đồng/năm. Để mục tiêu trở thành hiện thực, ngành Du lịch của tỉnh cần có một bước đột phá mới.

Cần những đột phá
Do đó, Thái Nguyên đã chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận đầu tư du lịch và các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch; ưu tiên ngân sách đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng, nhất là những tuyến đường kết nối khu, điểm du lịch với các tuyến du lịch hiện có và các khu du lịch, điểm du lịch.

Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch-Thái Nguyên 2023 quảng bá về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, nông thôn Thái Nguyên. Ảnh: IT.

Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023 quảng bá về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, nông thôn Thái Nguyên. Ảnh: IT.

Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường liên kết với các địa phương đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh, liên kết với các địa phương trong khu vực miền núi phía Bắc xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế có tiềm năng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch; hằng năm tổ chức đoàn tham gia Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc…

Tỉnh cũng đã ký kết hợp đồng quảng bá du lịch Thái Nguyên tại sân bay Nội Bài và một số điểm du lịch trọng điểm của Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tỉnh luôn khuyến khích các doanh nghiệp làm du lịch chủ động liên kết, hợp tác, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới và làm mới lại sản phẩm du lịch.

Đặc biệt, mới đây Thái Nguyên đã tổ chức Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023 với quy mô khoảng 120 gian hàng, được chia thành 3 khu vực gồm: Triển lãm, giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm nông sản, OCOP, nông nghiệp gắn kết du lịch đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên; triển lãm, giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm nông sản, OCOP, nông nghiệp gắn kết du lịch đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong cả nước; hệ thống các tiểu cảnh giới thiệu, quảng bá về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự kiện thu hút đông đảo quần chúng tham gia, là cơ hội thúc đẩy cùng lúc hai mũi nhọn tăng trưởng là du lịch và nông nghiệp của tỉnh nhà.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Thái Nguyên có tiềm năng du lịch nhưng phát triển chưa tương xứng. Để thu hút du khách trong thời gian tới, du lịch Thái Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả chất lượng khách sạn, chất lượng hướng dẫn viên, chất lượng doanh nghiệp du lịch để cho du khách có những trải nghiệm tốt nhất, có thể quay lại Thái Nguyên. Cùng với đó, ngành Du lịch tỉnh sẽ phát huy hiệu quả những liên kết giữa các tỉnh, địa phương, các hãng hàng không, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đảm bảo an toàn, an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất