Quan hệ nông thôn - đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở nước ta hiện nay*
Di cư và đô thị hóa tại Việt Nam kéo theo những áp lực về giao thông đô thị. Ảnh: TL.

Sự di cư từ nông thôn ra đô thị và vấn đề nhà ở

Di cư từ nông thôn ra đô thị là vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất trong mối quan hệ thành thị - nông thôn ở Việt Nam nhiều năm qua. Di cư và đô thị hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo điều tra dân số năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người từ 5 tuổi trở lên là người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số, thấp hơn so với năm 2009 (6,7 triệu người di cư, chiếm 8,5% dân số). Nữ giới vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới trong tổng dân số di cư nhưng sự khác biệt này đang dần thay đổi theo hướng cân bằng. Phần lớn người di cư thuộc nhóm tuổi trẻ từ 20 tuổi đến 39 tuổi (chiếm 61,8% tổng số người di cư) (1). Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị.

Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1.000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước (2). Thực tế ở hai thành phố lớn nhất nước ta là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, số lượng người dân di cư từ nông thôn ra thành thị chiếm tỷ lệ khá lớn. Khi Hà Nội chưa nhập Hà Tây vào, dân số toàn thành phố là 3.029.203 người, trong đó dân chính cư có hộ khẩu thường trú là 2.660.330 người, chiếm tỷ lệ 87,82% tổng dân số. Nhóm tạm cư chiếm hơn 12% dân số, trong đó số người đã cư trú ổn định nhưng chưa đủ điều kiện thay đổi thân phận sang chính cư là 106.458 người (chiếm 3,51% dân số), người ngoại tỉnh lao động tự do là 106.196 người, chiếm 3,5% dân số (3). Sau khi sáp nhập Hà Tây, dân số Hà Nội tăng lên là 6.913.161 người, trong đó dân ngoại tỉnh tạm cư chiếm khoảng 14% dân số thành phố.

Điều tra năm 2019, TP. Hồ Chí Minh có số dân là 8.993.082 người, 2.558.914 hộ. Nếu tính cả những người ngụ cư không có hộ khẩu thường trú tại thành phố thì số dân thực tế là hơn 14 triệu người (4). Năm 2011, TP. Hồ Chí Minh có trên 30% số dân di cư đến từ nông thôn, mỗi năm thành phố tăng hơn 200.000 người. Một trong những vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất đối với người di cư từ nông thôn đến đô thị là vấn đề nhà ở, nhất là công nhân và các lao động tự do không có nhà ở hoặc ở tạm bợ, thiếu kiên cố trong các khu trọ xập xệ, không bảo đảm an toàn. Dù học vấn, việc làm và nơi xuất cư khá đa dạng, 70% lao động nhập cư mới học xong bậc tiểu học nhưng ước tính lao động nhập cư tại TP. Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% GDP của thành phố.

Quá trình đô thị hóa càng mạnh mẽ, các thành thị không ngừng mở rộng ra, sức ép lên đất đai càng lớn. Diện tích đất canh tác và quỹ đất cư trú không ngừng bị thu hẹp, trong khi nhu cầu nhà ở lại tăng lên. Có khoảng 50% lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất tại miền Bắc và 65,8% lao động tại các khu vực miền Nam đang có nhu cầu về nhà ở. Đa số các nhà trọ của công nhân tại các khu công nghiệp đều rất chật chội, không an toàn và thiếu vệ sinh. Hầu hết những người di cư đều có thu nhập thấp và trung bình, trong khi giá nhà ở đô thị quá cao, vượt qua mức thu nhập của người di cư đến hàng chục lần. Điều đó làm cho vấn đề nhà ở cho người di cư ở đô thị luôn nóng bỏng. Những người di cư cố gắng dành dụm tiền cho tương lai hoặc gửi về cho gia đình, vì thế họ phải giảm thiểu chi phí cho các nhu cầu khác như việc ăn uống và chăm sóc sức khỏe, dẫn đến điều kiện sống tạm bợ, không an toàn, làm tăng các nguy cơ về các bệnh lây nhiễm và sức khỏe kém. Họ không có nhiều lựa chọn cho đời sống tinh thần trong thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình; đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới những hiện tượng tiêu cực như uống rượu, đánh bạc, cá độ, gây hại cho sức khỏe và tinh thần của người lao động (5). 

Quan hệ nông thôn - đô thị trong vấn đề việc làm và thu nhập 

Việc làm và thu nhập luôn là vấn đề cấp bách đối với người dân di cư từ nông thôn ra đô thị. Hầu hết lao động di cư ra đô thị thường có trình độ tay nghề thấp và phải làm việc trong các lĩnh vực lao động nặng nhọc, thu nhập thấp và thiếu an toàn.

Theo Điều tra dân số và việc làm năm 2019 thì trình độ chuyên môn kỹ thuật của người di cư đã cải thiện so với 10 năm trước, tăng từ 22,9% năm 2009 lên 37,2% năm 2019 và cao hơn so với người không di cư. Năm 2019, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn 17,5% so với người không di cư (6). Nhưng điều đó vẫn chưa bảo đảm cho họ một thu nhập ổn định và nhất là sự an toàn trong lao động và tiếp cận các nguồn lực phát triển. Lao động ở nông thôn vốn chủ yếu xuất phát từ sản xuất nông nghiệp, khi ra đô thị họ tham gia vào nhiều loại hình công việc khác nhau, chủ yếu ở các lĩnh vực ngoài nhà nước. Họ không có nhiều lựa chọn công việc theo yêu cầu của mình mà cố gắng tìm kiếm công việc có thu nhập khá hơn dù có vất vả, khó khăn hơn, thậm chí là nguy hiểm. Có tới 91,4% người di cư làm ở khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn so với người không di cư, đặc biệt tỷ trọng người di cư làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng cao gần gấp đôi tỷ trọng người không di cư làm trong cùng khu vực (44,9% so với 27,7%) (7).

Làm công nhân ở các khu công nghiệp hay làm việc ở một số doanh nghiệp có tính ổn định tương đối thì công việc và thu nhập của người nhập cư có phần ổn định hơn. Còn những người lao động tự do trong các đô thị thì thật khó để nói đến việc làm và càng khó hơn khi tính toán đến các nguồn thu nhập của họ. Bởi công việc và thu nhập của những người này vô cùng phức tạp, không ổn định và không rõ ràng.

Thất nghiệp là vấn đề cấp bách đe dọa đời sống của người dân di cư từ nông thôn ra đô thị. Tỷ lệ thất nghiệp qua các giai đoạn với sự biến động của nền kinh tế luôn có thay đổi. Theo Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của người di cư cao hơn người không di cư (2,53% so với 2,01%). Nữ giới di cư có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới di cư, lần lượt là 2,82% và 2,20%. Trong số những người di cư đang thất nghiệp, 69,7% là những người di cư tới thành thị. Xét theo các cấp độ đô thị thì tỷ lệ thất nghiệp cũng có sự khác nhau. Bên cạnh đó thì giới tính cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp. Như điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, có sự khác biệt về tỷ lệ thất nghiệp giữa các loại hình đô thị: Tỷ lệ thất nghiệp của dân số từ 15 tuổi trở lên ở đô thị đặc biệt cao nhất (3,17%), tiếp đến là đô thị loại I (3,03%), đô thị loại III có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nhóm đô thị (2,11%). Tỷ lệ thất nghiệp của nữ cao hơn nam ở tất cả các loại hình đô thị (8). Di cư tới thành thị mà thất nghiệp đồng nghĩa với việc họ không có thu nhập hoặc thu nhập không ổn định. Điều đó làm cho cuộc sống của họ thêm phần bấp bênh hơn, khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế hay các nguồn lực xã hội để phát triển.

Quan hệ nông thôn - đô thị trong vấn đề an sinh xã hội

An sinh xã hội là một khái niệm mới xuất hiện trong vài thập kỷ gần đây nhưng ngày càng phổ biến và càng có vai trò quan trọng cả về nhân thức, thực tiễn hay chính sách. Hiểu một cách cơ bản, an sinh xã hội là các chương trình hành động của mỗi chính phủ nhằm thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn lực đầy đủ về thực phẩm, nơi ở và chăm sóc sức khỏe, phúc lợi cho người dân nói chung và các đối tượng có khả năng dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người bệnh và người thất nghiệp. Các dịch vụ cung cấp an sinh xã hội thường được gọi là các dịch vụ xã hội. Theo đó, an sinh xã hội gồm nhiều lĩnh vực, như bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, giáo dục, công tác xã hội…

Dù trong xã hội nào, an sinh xã hội cũng luôn có quan hệ chặt chẽ với sự phân tầng xã hội. Ở đô thị, sự phân tầng xã hội càng rõ rệt hơn nên vấn đề an sinh xã hội cũng rất khác nhau. Phân tầng xã hội là một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu cơ cấu xã hội, nhất là trong xã hội đô thị. Trong phân tầng xã hội ở đô thị, những người di cư từ nông thôn ra thường là tầng lớp thấp và khó tiếp cận các vấn đề an sinh xã hội, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế thấp, con em người di cư gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nền giáo dục. Bản thân người di cư cũng khó khăn trong việc thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà đáng ra họ cũng có quyền được hưởng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này trong đó có nguyên nhân đến từ các chính sách của Nhà nước và nguyên nhân chủ quan của người di cư. Mật độ dân số quá cao cũng là một nhân tố làm cho người di cư khó tiếp cận an sinh xã hội. Ví dụ, mật độ dân số bình quân của Hà Nội là 2.069 người/km2, được cho là quá cao, thường xuyên gây áp lực lên các dịch vụ xã hội ở khu vực nội thành vốn đã rất hạn chế. An sinh xã hội cho người di cư từ nông thôn ra đô thị đã được nhiều người quan tâm. Nhiều tổ chức và các nhà khoa học cũng đã tiếp cận các vấn đề này để tìm hiểu nhằm góp phần giải quyết vấn đề cùng với các nhà quản lý. Năm 2015, Tổ chức Oxfam và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cùng các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trong mạng lưới Hành động vì quyền của lao động di cư đã tổ chức hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 99% người lao động di cư khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội do không có hợp đồng lao động, hoặc chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn hay hợp đồng miệng. Có tới 76,5% người lao động di cư khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm y tế; 71% không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công; 13,2% trẻ dưới 6 tuổi là con của người lao động di cư không được tiếp cận với bảo hiểm y tế; 21,2% trẻ di cư được khảo sát trong độ tuổi từ 6 tuổi đến 14 không được đi học (9).

Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay có 38% người di cư lâu dài, 40% người di cư tương đối lâu dài và 46% người di cư tạm thời đang sinh sống và làm việc ở đô thị không có thẻ bảo hiểm y tế. Nhiều trường hợp người lao động nhập cư còn không mua bảo hiểm y tế, nguyên nhân là do những vướng mắc về thủ tục hành chính, khả năng tài chính riêng và những băn khoăn về dịch vụ. Đặc biệt, ở các đô thị lớn, vấn đề tiếp cận bảo hiểm y tế cũng như bệnh viện công của lao động nhập cư càng trở nên khó khăn; 79,2% người lao động nhập cư không chính thức cho biết khó tiếp cận với các bệnh viện công, chỉ có 29,2% thuận lợi khi khám chữa bệnh ở bệnh viện công. Tìm hiểu về tiếp cận an sinh xã hội của người nhập cư từ nông thôn tại 2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy: Số gia đình chỉ có trẻ em hưởng bảo hiểm y tế còn cha mẹ không có chiếm tỷ lệ cao, ở Hải Phòng là 79,7% và TP. Hồ Chí Minh là 73,4%. TP. Hồ Chí Minh có hơn 60% hộ gia đình trong diện điều tra không được biết đến các thông tin bảo hiểm y tế (14). Từ thực tiễn “chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, hỗ trợ giảm nghèo, đầu tư dạy nghề, giúp cho lao động ngoại tỉnh hội nhập vào cuộc sống thành phố vẫn bị làm ngơ, bất chấp một thực tế là nhóm dân cư này chiếm khoảng 20% dân số thành phố, thậm chí hơn, như tỉnh Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm đến hơn 35% dân số và đang là một bộ phận lao động quan trọng” (10).

Những người di cư hiện chưa được đặt đúng vị trí và vị thế của họ trong hoạch định và phát triển đô thị. “Trong quy hoạch phát triển ngắn và dài hạn của các đô thị, vị trí của nhóm này rất mơ hồ vì không thấy kế hoạch như phân bổ ngân sách và nguồn lực của thành phố cho nhóm lao động nhập cư. Dường như người ngoại tỉnh vẫn “vô hình” hoặc chỉ được xem là những người “sống ở bên lề” trong các quyết sách của đô thị?” (11).

Để bảo đảm tốt hơn vấn đề an sinh xã hội cho người lao động di cư đến đô thị, cần:

Thứ nhất, xem di cư từ nông thôn vào đô thị là một hiện tượng tự nhiên và tất yếu trong tiến trình phát triển, không nên phân biệt chính cư và ngụ cư vì nó chỉ kềm chế dòng di cư vào đô thị và đặt người lao động nhập cư ở vào vị thế đã yếu còn yếu hơn. Phải dành ngân sách hằng năm để hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh hội nhập vào cuộc sống mới ở đô thị, trong đó có hỗ trợ về bảo hiểm y tế và giáo dục thay vì đặt họ sang một bên.

Thứ hai, vấn đề cốt lõi và trước hết của chính sách lao động tạm cư là làm thế nào để người lao động tiếp cận được nguồn an sinh xã hội. Phải giúp người lao động nhập cư dễ dàng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, trong đó ưu tiên đảm bảo việc làm ổn định, bảo hiểm xã hội, trợ giúp nhóm lao động nghèo và cung cấp các dịch vụ cơ bản.

Thứ ba, cần quan tâm đặc biệt đến nhóm người thiểu số và phụ nữ. Các nhà tuyển dụng lao động cần có chính sách hỗ trợ và bảo đảm để họ được tiếp cận giáo dục miễn phí và bình đẳng để họ sớm hội nhập và ổn định cuộc sống.

Thứ tư, các thành phố cần thành lập các trung tâm hỗ trợ thông tin việc làm, pháp lý cho người lao động ở các địa phương để có cơ sở cho người lao động quyết định di cư hay ở lại. Người lao động cũng cần phải nắm được các quyền lợi của mình trong tiếp cận an sinh xã hội và tham gia vào quá trình này một cách tích cực thay vì thụ động chờ đợi.

Thứ năm, chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động di cư cần phải được đưa vào kế hoạch dài hạn, căn cơ, được thảo luận kỹ càng và trở thành một phần của chiến lược phát triển quốc gia và đô thị, tránh tình trạng đối phó và giải quyết vấn đề tùy hứng, vụn vặt, chỉ làm khi có vấn đề xảy ra như hiện nay (12). 

-------------------

* Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp bộ: “Quan hệ nông thôn - đô thị trong quá trình Việt Nam dần trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

(1) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Bản online trên https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/thong-cao-bao-chi-ket-qua-nghien-cuu-chuyen-sau-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-nam-2019/

(2) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

(3) Nguyễn Văn Chính: Chính cư, ngụ cư và những công dân hạng hai, Tạp chí Tia sáng điện tử, ngày 11-9-2021.

(4) https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dan-so-thanh-pho-ho-chi-minh-dong-nhat-nuoc-539004.html

(5) Nguyễn Thị Phương Thảo: Di cư từ nông từ nông thôn ra đô thị và các vấn đề nhà ở, an sinh xã hội, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 26-4-2017.

(6) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

(7) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

(8) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

(9) Quang Phương: Người di cư gặp nhiều rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội. Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-di-cu-gap-nhieu-rao-can-trong-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-1026874.htm.

(10) Nguyễn Thị Phương Thảo: Di cư từ nông từ nông thôn ra đô thị và các vấn đề nhà ở, an sinh xã hội, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 26-4-2017.

(11) Nguyễn Văn Chính: Chính cư, ngụ cư và những công dân hạng hai, Tạp chí Tia sáng điện tử, ngày 11-9-2021.

(12) Nguyễn Văn Chính: Chính cư, ngụ cư và những công dân hạng hai, Tạp chí Tia sáng điện tử, ngày 11-9-2021.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất