Mở rộng dịch vụ ngân hàng số để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Khách hàng sử dụng tính năng thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng để thực hiện nhanh giao dịch trên các website thương mại điện tử. Nguồn: vnpayqr.vn.

Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số, 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số, 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thúc đẩy TTKDTM như Nghị định TTKDTM, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code, thẻ chip, tăng cường chuẩn hóa tính liên thông trong ngành Ngân hàng, giữa ngành Ngân hàng với các lĩnh vực khác… Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, NHNN tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.

Theo thống kê của NHNN, TTKDTM tại Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm. 

Trong năm 2022, tổng giá trị giao dịch TTKDTM đạt 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2021. Trong đó, giao dịch qua kênh in-tơ-nét tăng 28,9%, qua kênh điện thoại di động tăng 24,2%, qua phương thức QR code tăng 23,4%, qua POS tăng 22,5%. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có trên 103,9 triệu thẻ ATM, tăng 12,4% so với năm 2021; 79,2 triệu thẻ tín dụng, tăng 15,2%; 33,4 triệu ví điện tử, tăng 25,4%. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng đạt 77,41%.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị giao dịch TTKDTM đạt 8,9 triệu tỷ đồng, tăng 51,14% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giao dịch qua kênh in-tơ-nét tăng 54,4%, qua kênh điện thoại di động tăng 48,9%, qua phương thức QR code tăng 51,7%, qua POS tăng 45,5%.

Trong năm 2022, lĩnh vực thanh toán điện, nước, viễn thông là lĩnh vực có tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị giao dịch TTKDTM, chiếm 22,8%; thanh toán mua sắm hàng hóa, dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, chiếm tỷ trọng 22,6%; thanh toán lương, thưởng có tỷ trọng 19,2%; thanh toán học phí, viện phí có tỷ trọng 16,4%. 

Về địa bàn thanh toán, năm 2022, ở khu vực thành thị tổng giá trị giao dịch TTKDTM chiếm 73,4%; nông thôn chiếm tỷ trọng 26,6% năm 2022.

Có thể thấy, TTKDTM đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Điều này là do sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc thúc đẩy TTKDTM. Phát triển công nghệ ngân hàng số là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Công nghệ số đã mang đến những giải pháp thanh toán tiện lợi, nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Khách hàng trải nghiệm chuyển khoản bằng căn cước công dân gắn chip trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ như ATM, E-Zone. Nguồn: bidv.com.vn

Khách hàng trải nghiệm chuyển khoản bằng căn cước công dân gắn chip trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ như ATM, E-Zone. Nguồn: bidv.com.vn.

Bứt phá từ các đầu tàu phát triển ngân hàng số

Trước xu hướng số hóa mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành ngân hàng số đứng đầu, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank xây dựng Đề án chuyển đổi ngân hàng số, cùng các chương trình hành động chuyển đổi số thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Vietcombank phát triển nhiều dự án về hạ tầng công nghệ, các giải pháp thanh toán mới, tạo nền tảng cho sự phát triển mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, số lượng khách hàng có tài khoản tại Vietcombank đạt trên 21 triệu, trong đó trên 50% khách hàng thường xuyên giao dịch TTKDTM.

Quy mô giao dịch qua các kênh số của Vietcombank đạt gần 9 triệu khách hàng, tăng hơn 5 triệu khách hàng trong 3 năm. Ngân hàng đặt mục tiêu đạt trên 10 triệu khách hàng đến hết năm 2022, với trên 85% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Là ngân hàng thương mại tiên phong trong nhiều mặt hoạt động, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV xác định chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột chính của BIDV trong giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030. Tầm nhìn đến 2030, BIDV trở thành “định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có nền tảng số tốt nhất Việt Nam...”. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, BIDV đã, đang và sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên các mặt hoạt động dựa trên tổng thể các nhóm giải pháp: Khách hàng và thị trường; kênh và sản phẩm; quy trình và vận hành; hệ sinh thái số; mô hình và quản trị; nhân lực và văn hóa số; quy định và tuân thủ.

Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là xu hướng tất yếu để BIDV định hình tương lai phát triển của ngân hàng. Hành trình chuyển đổi số của BIDV không đơn giản mà ở một quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu khách hàng cá nhân và tổ chức. Qua đó góp phần tích cực để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành Ngân hàng và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia...

Với vị thế là ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò chủ đạo dẫn dắt thị trường, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank luôn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, đem lại những sản phẩm, dịch vụ (SPDV) tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). 

Với mục tiêu trở thành ngân hàng số hàng đầu được công nhận rộng rãi, mang đến cho khách hàng sự trải nghiệm vượt trội, VietinBank đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản, toàn diện và đầu tư nguồn lực để triển khai có hiệu quả. VietinBank đã lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và uy tín trong Top 3 thế giới tham gia cùng VietinBank trong xây dựng, hoạch định chiến lược, kế hoạch triển khai cho chương trình chuyển đổi số của VietinBank giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030.

Theo lộ trình này, trong năm 2023, VietinBank sẽ cùng với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng chuyển đổi số của VietinBank trên 4 trụ cột: Số hóa, công nghệ, dữ liệu, tổ chức và văn hóa doanh nghiệp. Trên cơ sở đánh giá năng lực của VietinBank, kết hợp với sự vận động và xu thế phát triển của thế giới, VietinBank sẽ đưa ra chiến lược chuyển đổi số cho giai đoạn 3 - 5 năm tiếp theo tầm nhìn 2030. Chiến lược chương trình chuyển đổi số sẽ bao gồm chiến lược về công nghệ, chiến lược về dữ liệu, chiến lược về tổ chức và văn hóa doanh nghiệp và chiến lược về số hóa. Và ngay trong năm 2023, một số sáng kiến chuyển đổi số cũng sẽ được đưa vào triển khai dưới sự tư vấn của đối tác. 

Đến nay, đã có 65% sản phẩm dịch vụ của VietinBank được thực hiện hoàn toàn trên kênh số, 97% giao dịch khách hàng được thực hiện qua kênh điện tử.

Với khách hàng cá nhân, ứng dụng VietinBank iPay Mobile đã thu hút hơn 6,5 triệu khách hàng sử dụng với gần 60 triệu giao dịch được thực hiện mỗi tháng, tăng trưởng 150% qua mỗi năm, qua đó góp phần làm giảm áp lực giao dịch tại quầy. Theo đó, số lượng giao dịch tại quầy đã giảm hơn 50% trong năm 2022. VietinBank iPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số; mà còn là hệ sinh thái số, kết nối tới hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp mọi nhu cầu đời sống hằng ngày của khách hàng.

Cùng với đó, nền tảng ngân hàng số VietinBank eFAST dành cho khách hàng doanh nghiệp được xem như “trợ lý tài chính số” với hơn 130 tính năng. VietinBank eFAST cung cấp toàn bộ các dịch vụ ngân hàng đang được phục vụ tại quầy giao dịch (chỉ trừ các dịch vụ liên quan đến tiền mặt), từ các dịch vụ ngân hàng thường xuyên và thiết yếu đến các dịch vụ chuyên biệt được “may đo” theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

VietinBank cũng là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng nền tảng ngân hàng mở. Đến nay, số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng mở đã tăng trưởng vượt bậc, bằng 25% tổng số lượng giao dịch qua các kênh phân phối của VietinBank. 

VietinBank đã và đang đầu tư mạnh, triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác chuyển đổi số. Điển hình, VietinBank ứng dụng thành công công nghệ tự động hóa robotics process automation (RPA) vào quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với lượng hồ sơ tự động xử lý khoảng 3.000 hồ sơ mỗi tháng, giúp tiết kiệm 65% thời gian tác nghiệp.

Trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, VietinBank triển khai 8 chatbot nội bộ phục vụ công tác đào tạo, hỗ trợ nghiệp vụ ngân hàng, 1 chatbot với khách hàng. Đặc biệt, VietinBank đã đẩy mạnh khai thác và phân tích dữ liệu lớn với các bài toán như: Vực dậy khách hàng ngủ đông, tối ưu năng suất lao động tại phòng giao dịch, phân tích chuỗi khách hàng, gợi ý, tư vấn cho khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu hành vi của khách hàng

Tiên phong trong lĩnh vực mở rộng ngân hàng số, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank đã tập trung mở rộng dịch vụ ngân hàng số, với mục tiêu cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tài chính thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. Agribank đã tập trung mở rộng dịch vụ ngân hàng số với mục tiêu cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tài chính thuận tiện, nhanh chóng và an toàn.

Một số sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số nổi bật của Agribank bao gồm: Agribank E-Mobile Banking (ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại di động, cung cấp các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại,..); Agribank Internet Banking (dịch vụ ngân hàng trực tuyến, cung cấp các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, quản lý tài khoản,...); Agribank Smart OTP (ứng dụng xác thực giao dịch ngân hàng điện tử, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch an toàn và bảo mật hơn.

Agribank cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số, như miễn phí chuyển tiền, giảm giá thanh toán hóa đơn,...

Với những nỗ lực của Agribank, dịch vụ ngân hàng số của ngân hàng đã được khách hàng đón nhận tích cực. Tính đến cuối năm 2022, Agribank có hơn 14 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số, chiếm hơn 50% tổng số khách hàng của ngân hàng.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, TTKDTM đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, phòng chống rủi ro, bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, NHNN và các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Những thách thức của thanh toán điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2022-2025

Mặc dù được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2022-2025, thanh toán điện tử tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức cần phải giải quyết trong giai đoạn này như sau:

Thứ nhất, môi trường pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Trên thực tế, các chính sách về thanh toán điện tử ra đời chưa có đột phá đáng kể và chưa được luật hóa, nhiều quy định còn bất cập và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ thanh toán điện tử mới ra đời như: tiền ảo, tiền kỹ thuật số,… nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể. Chính vì vậy, hoạt động tạo môi trường phát triển dịch vụ và hình thành cơ chế bảo vệ các chủ thể, khách thể trong hoạt động thanh toán điện tử cũng như xây dựng quy trình giải quyết tranh chấp chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Thứ hai, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việt Nam là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiền mặt, do tỷ lệ bao gồm tài chính thấp, nơi hơn 70% dân số không thuộc hệ sinh thái ngân hàng, khả năng tiếp cận thông tin tài chính hạn chế. Chính vì vậy, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân và điều này trở nên phổ biến hơn ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay cả trong các giao dịch thương mại điện tử thì thanh toán điện tử vẫn còn ở mức thấp, đa phần người dân thực hiện mua sắm bằng hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng - COD, chiếm khoảng 85 - 90% tổng số giao dịch. Nguyên nhân chính là do thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, cũng như lo ngại về an ninh an toàn khi thực hiện mua sắm trực tuyến và chi phí khi sử dụng các phương thức thanh toán điện tử.

Thứ ba, thiếu sự liên kết giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử. Hiện nay, các tổ chức tài chính gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử đều tự xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán mà chưa có sự liên kết, phối hợp và chia sẻ hạ tầng thanh toán với nhau. Điều này, làm cho cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thanh toán điện tử vừa thừa nhưng lại vừa thiếu, vừa lãng phí nhưng lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code, sinh trắc học,... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Trên thực tế, hiện có khá nhiều sản phẩm thanh toán phi tiền mặt, nhưng mới chỉ có hệ thống thẻ ngân hàng là được kết nối liên thông. Trên thị trường có 50 - 60 ví điện tử, song không liên kết với nhau và mỗi ví sử dụng một QR Code khác nhau. Chưa kể sắp tới khi thị trường có thêm sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông vào cung cấp phương tiện thanh toán điện tử sử dụng hệ thống tài khoản viễn thông riêng, không kết nối với tài khoản ngân hàng. Vì vậy, thanh toán điện tử tại Việt Nam mặc dù đa dạng nhưng chưa tạo lập được một hệ thống liên thông giữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử để tạo tiện lợi cho khách hàng.

Thứ tư, thiếu sự liên kết trên phạm vi rộng giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, giữa các trung gian thanh toán với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ chưa thiết lập được mối quan hệ bền chặt, rộng khắp. Tại nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, người dân vẫn chưa thể áp dụng các phương tiện thanh toán điện tử, dù họ có mong muốn thực hiện, có đủ kiến thức, kỹ năng và sở hữu các phương tiện thanh toán điện tử.

Thứ năm, gian lận và nguy cơ lừa đảo từ thanh toán điện tử đang có xu hướng gia tăng. Trong báo cáo Online Payment Fraud: Emerging Threats, Segment Analysis & Market Forecasts 2021-2025, Juniper Research đã cảnh báo tội phạm gian lận và lừa đảo trong thanh toán điện tử đang có xu hướng di chuyển địa bàn hoạt động từ châu Âu sang thị trường châu Á, sau khi các nước châu Âu áp dụng công nghệ cao vào hoạt động thanh toán. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá có thể là đích ngắm của giới tội phạm trong thời gian tới sau khi chúng đã hoạt động mạnh tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Ma-lai-xi-a…

Giải pháp mở rộng dịch vụ ngân hàng số để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Để mở rộng dịch vụ ngân hàng số thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, NHNN cần chủ động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới. Trong đó trước mắt là các quy định liên quan đến lĩnh vực Fintech Sandbox và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Hai là, ngành Ngân hàng có chiến lược cụ thể tiếp tục đầu tư các nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… Ngành Ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Ba là, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành Ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học, qua đó, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Bộ Tài chính và Bộ Công thương phối hợp mở rộng sử dụng hóa đơn diện tử, chữ ký điện tử, giao dịch thương mại điện tử.

Bốn là, các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số, hoặc theo mô hình tương tác gắn kết đa kênh tích hợp xoay quanh triển khai nhanh gọn, linh hoạt công nghệ trí tuệ nhân tạo và năng lực máy học.

Năm là, Chính phủ cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro thanh toán; nghiên cứu ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh toán điện tử; các văn bản quy phạm pháp luật về an ninh, an toàn, bảo mật và các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Đẩy mạnh hoạt động quản lý, giám sát đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới tại Việt Nam. Ban hành và thực hiện chính sách, cơ chế giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với các điều kiện của Việt Nam nhằm đảm bảo sự ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia. Chỉ đạo cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các tổ chức tín dụng, bao gồm các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán và các công ty cung cấp phương tiện và giải pháp thanh toán điện tử để tạo sự liên thông trong thanh toán, tiết kiệm chi phí do sử dụng chung hạ tầng và sự tiện lợi tối ưu cho người sử dụng. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ, hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của cả tổ chức và người dân. Thông qua đó nâng cao khả năng tiếp cận và khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử trong các giao dịch dân sự và thương mại.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất