Một số vấn đề̉ về xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp uỷ đảng

Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế làm việc của cấp uỷ là việc làm quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động của một tổ chức đảng, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo vai trò lãnh đạo tập thể của cấp ủy, phát huy tốt trách nhiệm cá nhân cấp uỷ viên, nhất là người đứng đầu và giải quyết tốt các mối quan hệ công tác. Đây không phải là vấn đề mới đưa ra thảo luận mà đã có nhiều bài viết nghiên cứu trao đổi về cơ sở lý luận và thực tiễn kinh nghiệm trong xây dựng thực hiện Quy chế làm việc của cấp ủy đảng. Đặc biệt là, mặc dù đã xây dựng được Quy chế nhưng quá trình thực hiện ở nhiều nơi vẫn chưa chuẩn, chưa đúng với quy định đề ra, thậm chí còn vi phạm. Nhằm góp phần xây dựng và thực hiện tốt Quy chế làm việc của cấp uỷ, trong bài viết này, tôi xin nêu một số vấn đề đáng quan tâm từ thực tế xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc của các cấp ủy đảng trong thời gian qua.

Quy chế làm việc của mỗi cấp ủy là văn bản cụ thể hoá các nguyên tắc, quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành các nguyên tắc, chế độ quy định, hoạt động của tổ chức đảng cơ sở. Trong đó quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp ủy và từng cấp uỷ viên, cũng như quy định các mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với các tổ chức chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội. Những điều khoản quy định trong Quy chế buộc tất cả mọi thành viên trong cấp uỷ phải chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng trong mọi lĩnh vực công tác.

Các điều khoản, các quy định trong Quy chế của một cấp uỷ cần bảo đảm tính khoa học, phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách và phù hợp với các quy định của cấp trên. Khi xây dựng Quy chế phải cụ thể hoá nội dung các quy định đối với từng cấp ủy ở mỗi loại hình tổ chức đảng, đặc biệt là không được dập khuôn, sao chép nội dung Quy chế của cấp uỷ cấp trên.

Yêu cầu nội dung quy chế phải xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể cấp uỷ (ban chấp hành, ban thường vụ) và trách nhiệm, quyền hạn cá nhân của các ủy viên cấp uỷ, nhất là của bí thư, các phó bí thư, các cán bộ chủ chốt lãnh đạo ngành, lãnh đạo tổ chức chính quyền ở địa phương, đơn vị cơ sở. Đồng thời, nội dung Quy chế làm việc của cấp uỷ phải quy định rõ sự lãnh đạo của Đảng trong các lĩnh vực xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị cơ sở. Mối quan hệ giữa các cấp ủy đảng đối với HĐND, UBND, mặt trận và các đoàn thể cũng phải được xác định cụ thể, phân rõ trách nhiệm lãnh đạo và điều hành giữa cấp uỷ đảng và các tổ chức chính quyền. Những nội dung này rất quan trọng trong Quy chế làm việc của các cấp ủy, vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật cũng như phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân thông qua mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Về đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng ta đã xác định Đảng lãnh đạo, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn, thông qua các chỉ thị, nghị quyết; Đảng làm nhiệm vụ định hướng thông qua các giải pháp lớn; Đảng lãnh đạo thông qua đảng viên, thông qua các tổ chức đảng, các cấp ủy, thông qua kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chỉ thị, nghị quyết. Khi còn công tác, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười từng chỉ rõ: Đảng không can thiệp vào việc điều hành của Nhà nước và các đoàn thể. Đảng kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể.

Làm tốt được các vấn đề trên sẽ khắc phục được tình trạng buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời khắc phục tình trạng cấp uỷ làm thay, lấn sân công việc của chính quyền, tránh được vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và những biểu hiện mất đoàn kết nội bộ. Trong trường hợp không xác định rõ và thực hiện đúng trách nhiệm, các mối quan hệ và chấp hành nghiêm các điều khoản Quy chế quy định có thể sẽ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng chức quyền để làm việc sai trái.

Việc xây dựng nội dung Quy chế cần đảm bảo tính khoa học trong điều hành hoạt động của Đảng; phải quy định rõ chế độ làm việc và phương pháp công tác; quy định rõ chế độ sinh hoạt, trao đổi hội ý, hội họp trong cấp uỷ; chương trình làm việc với tổ chức đảng cấp dưới và với các ban, ngành khác, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy bằng nguyên tắc, khắc phục cách làm việc cảm tình, tùy tiện, chạy theo sự vụ.

Qua nghiên cứu xem xét thực tế cho thấy, hầu hết các cấp ủy ngay sau đại hội đã xây dựng được Quy chế làm việc theo đúng với hướng dẫn của Trung ương và của cấp trên; các cấp uỷ đảng đã bám sát quy chế, tổ chức phân công, phân nhiệm rõ ràng đối với tập thể cấp uỷ và từng uỷ viên; đã xây dựng được chương trình công tác và chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hằng năm; các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được duy trì và thực hiện tốt.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc của các cấp uỷ còn bộc lộ mặt hạn chế, thiếu sót là:

Một số cấp uỷ chưa quan tâm đúng mức tới việc xây dựng, ban hành Quy chế công tác, hoặc không thực hiện đúng Quy chế đã đề ra; thậm chí có cấp uỷ còn hoạt động theo kinh nghiệm và hầu như không cần đến quy chế, dẫn đến có sự lẫn lộn giữa trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân, thậm chí có biểu hiện lợi dụng chủ trương của tập thể, lợi dụng chức quyền để thực hiện ý đồ cá nhân dẫn đến nội bộ thiếu thống nhất, tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng". Về việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều hành công tác lãnh đạo của một số cấp uỷ, xin nêu một số ví dụ như: Một dự án lớn khi tập thể bàn bạc quyết định không đồng ý cho chủ trương đầu tư vì xem xét doanh nghiệp không có khả năng, điều kiện đầu tư, nhưng sau đó người chủ trì tự ý chỉ đạo sửa lại kết luận và cho thực hiện dự án không thông qua cũng như báo cáo lại với tập thể. Có trường hợp khi thảo luận, kết luận xây dựng nghị quyết một đường nhưng khi ban hành lại sửa chữa theo ý cá nhân, đến khi triển khai thực hiện vướng mắc, cán bộ, đảng viên phản đối buộc phải ra lại nghị quyết. Hoặc có trường hợp vi phạm dân chủ như họp ban chấp hành tất cả đều biểu quyết thống nhất về nhân sự bầu phó bí thư, nhưng khi đến bầu cử chính thức thì có trên 70% cấp ủy không đồng ý…

Việc thiếu Quy chế, hoặc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế không tốt thường dẫn đến tình trạng phân công nhiệm vụ cho thành viên cấp uỷ không căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên; việc xác định nhiệm vụ lãnh đạo không rõ nhiệm vụ nào là nhiệm vụ chính, nhiệm vụ nào là kiêm nhiệm, bị chạy theo sự vụ và khi gặp khó khăn vướng mắc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Hoặc có những việc chưa thực sự lấy Quy chế làm căn cứ, cơ sở để giải quyết công việc, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Có trường hợp người được phân công phụ trách công tác cán bộ không nghiên cứu đề xuất chủ trương để tập thể thống nhất trước khi làm quy trình, nhưng lại tự cho mình có quyền tiến hành tất cả các bước đến khi làm xong mới báo cáo trình cấp uỷ để biểu quyết thống nhất, đặt tập thể vào những sự đã rồi. Nhiều vụ việc tổ chức đảng chỉ đạo giải quyêt thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền không đúng quy định làm cho chính quyền không phát huy được tính chủ động, tạo ra sự ỷ lại tất cả mọi việc đều chờ xin ý kiến cấp ủy.

Từ thực tế của việc xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc của cấp ủy có thể rút ra một số vấn đề sau:

Một là, trong quá trình xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc mỗi cấp ủy phải nhận thức đúng, đầy đủ các nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể cấp uỷ và của từng đồng chí ủy viên. Cần phải phân định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng với quản lý điều hành của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của mặt trận, các đoàn thể, từ đó mới nâng cao được năng lực, vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất nội bộ.

Hai là, cấp ủy cấp trên cần thường xuyên tiến hành kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế của cấp ủy cấp dưới để làm rõ những ưu điểm và kịp thời uốn nắn việc làm chưa đúng, những thiếu sót, tùy tiện và việc làm vi phạm Quy chế, lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa tập thể để giải quyết công việc theo động cơ cá nhân, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng vên, mỗi cấp ủy viên phải nêu cao ý thức trách nhiệm, vai trò tiền phong, gương mẫu, chấp hành nghiêm các quy định Quy chế, nhất là bí thư, các phó bí thư, các ủy viên thường vụ trong giải quyết công việc phải đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân, luôn có sự phối hợp chặt chẽ, vận dụng xử lý linh hoạt các mối quan hệ, khắc phục tư tưởng "quyền tôi, quyền anh”.

Bốn là, trong quá trình xây dựng, nhất là thực hiện Quy chế các cơ quan tham mưu giúp việc cần thường xuyên giúp cấp ủy rà soát phát hiện những điều cần sửa đổi và bổ sung, kịp thời đưa vào Quy chế những nội dung mớị phù hợp và đặc biệt là khi thấy cấp uỷ giải quyết công việc chưa đúng với Quy chế cần phải kịp thời góp ý, đề xuất tham mưu để giúp lãnh đạo chấn chỉnh, sửa chữa không mắc sai lầm. Đối với các đồng chí được phân công lãnh đạo cấp uỷ cần phải biết lắng nghe và xử lý tốt các thông tin để có quyết định chính xác, đúng đắn.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất