Tinh giản bộ máy hành chính nhà nước

Khắc phục chồng chéo, trùng lắp.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2005-2010 đề ra là điều chỉnh, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, khắc phục những chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, nhiệm vụ này đã đạt được kết quả tích cực, một số loại công việc trước đây do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết, nay đã được chuyển cho các bộ, ngành trung ương và phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện. Bước đầu, đã phân biệt hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công. Việc xây dựng và ban hành đầy đủ các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành trung ương đã mang lại hai kết quả quan trọng là bảo đảm nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và về phân cấp tiếp một số việc cho chính quyền địa phương. Việc phân cấp giữa trung ương và địa phương đã được ghi nhận trên khá nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, thẩm quyền giao đất, cấp đất, thu hồi đất trước đây vừa thuộc Thủ tướng Chính phủ vừa thuộc chủ tịch UBND tỉnh, nay đã giao cho chủ tịch UBND tỉnh. Thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp so với 15 năm trước đây đã có sự gia tăng và mở rộng đáng kể. Đặc biệt, Chính phủ đã có các nghị định riêng về phân cấp cho hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chính quyền hai thành phố, vừa rút kinh nghiệm địa phương khác. Đồng thời, các tỉnh, thành phố cũng thực hiện việc phân cấp cho cấp huyện và cấp xã, phần lớn về phê duyệt dự án đầu tư dưới 5 tỷ đồng, về nguồn thu và nhiệm vụ chi, về cấp giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, chứng nhận quyền sử dụng đất, về tổ chức và quản lý cán bộ, công chức. Thực tiễn đã chứng tỏ tính đúng đắn của nguyên tắc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. 

Không thể "cắt gọn" cơ học

Về kết quả của chương trình CCHC 10 năm qua, nhiều ý kiến cho rằng, bộ máy HCNN đã được cải cách nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cơ chế quản lý mới và yêu cầu hội nhập quốc tế. Ở từng cơ quan HCNN cụ thể vẫn còn chồng chéo về thẩm quyền và nhiệm vụ quản lý nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương các cấp vẫn còn ôm đồm quá nhiều việc, trong khi đó chức năng chính là tập trung quản lý vĩ mô không được thực hiện tốt. Phân cấp trung ương - địa phương vẫn không đạt được mục tiêu đã xác định là "đến năm 2005, về cơ bản xác định xong và thực hiện được các quy định mới về phân cấp quản lý hành chính nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương". Số lượng các cơ quan của Chính phủ mặc dù đã giảm từ 48 xuống 30, nhưng nhìn chung vẫn là quá nhiều đầu mối. Đặc biệt, việc tiếp tục chia tách các đơn vị hành chính (giai đoạn 2001-2005 thêm 3 đơn vị cấp tỉnh, 48 đơn vị cấp huyện và 351 đơn vị cấp xã) kéo theo phần tăng tương ứng số lượng các sở và phòng chuyên môn, không kể biên chế hành chính và sự nghiệp cũng tăng theo. Hơn nữa, xu hướng nâng cấp tổ chức còn khá phổ biến (phòng lên vụ, vụ lên cục, cục lên tổng cục; cục, tổng cục lên loại I, trường trung cấp lên cao đẳng, trường cao đẳng lên đại học) cũng dẫn đến gia tăng tổ chức bên trong, tăng biên chế. Đồng thời, tổ chức bên trong các bộ, ngành đều tăng. Ngoài việc tăng số lượng các tổng cục và tương đương thuộc bộ do có sự sáp nhập, chuyển các cơ quan thuộc Chính phủ vào các bộ tương ứng, còn có xu hướng tăng thêm các tổng cục thành lập mới thuộc bộ, cơ quan ngang bộ như: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải); Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Việc gia tăng các đơn vị cấp dưới cũng chính là một nguyên nhân dẫn đến việc tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Chính phủ không đạt yêu cầu, không đạt chỉ tiêu giảm 15% như Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII xác định.

Trong 10 mục tiêu cụ thể của dự thảo Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, không ít mục tiêu khó đạt như: giảm các bộ, cơ quan ngang bộ xuống dưới 20 vào năm 2015 và còn 15 cơ quan vào năm 2020; mỗi năm giảm trung bình 10% chi phí mà cá nhân, tổ chức bỏ ra khi giải quyết thủ tục hành chính … Theo ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, đó là chỉ tiêu cảm tính, không có cơ sở; việc cắt giảm số bộ trong tình trạng "phình" bộ máy cấp dưới thì kết quả cải cách sẽ bằng không.


Nguồn: Hà Nội mới

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất