Kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các tướng lĩnh Quân đội và Bộ đội Biên phòng (20-1-2017). Ảnh: TL.

Đối diện với thách thức 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới sự kết hợp kinh tế với quốc phòng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Người cho rằng, kinh tế với quốc phòng “hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác”(1) . Hợp tác giữa kinh tế với quốc phòng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để một mặt góp phần đưa kháng chiến giành thắng lợi cuối cùng, mặt khác “làm cho dân và quân đủ ăn, đủ mặc” để bảo đảm đời sống của dân và quân (2).

Tiếp tục kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm QPAN đã được Đảng nêu ra để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ hiện nay. Đảng chỉ rõ “Gắn kết hài hòa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm QPAN” (3). Bên cạnh đó, để thực hiện tăng trưởng, phát triển kinh tế tốt nhất thì cần tạo ra môi trường hòa bình, ổn định. Đây là điều kiện cần để các chủ thể kinh tế, nhất là hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế yên tâm sản xuất - kinh doanh, người lao động có cơ hội để kiếm việc làm, tham gia vào nền kinh tế. Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ: “Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước”(4).

Thực hiện chủ trương của Đảng về kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm QPAN, thời gian qua nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh” đang từng bước được hiện thực hóa. Sau 35 năm đổi mới đất nước, mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam ngày càng cao cả về quy mô và chất lượng tăng trưởng, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài đã tạo nền tảng để Việt Nam thực hiện thắng lợi các mục tiêu khác, trong đó có mục tiêu về QPAN. Mặt khác, “chúng ta đã coi trọng củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý thành công các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững” (5). Điều này tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đóng góp vào sự tăng trưởng cao của nền kinh tế trong hơn ba thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên trong thời gian tới “dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”(6), tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh khốc liệt dẫn tới chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên thế giới, các thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các nền kinh tế đang phát triển, các tranh chấp trên không gian biển tại khu vực Biển Đông, các thách thức về an ninh phi truyền thống đặt ra với các nước trên thế giới và với Việt Nam. Tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, tác động của sự suy giảm kinh tế kinh tế thế giới và đại dịch COVID-19 đã làm cho tăng trưởng của nền kinh tế không đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2021. “Công tác lãnh đạo, quản lý, bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Các thế lực thù địch chống phá ngày càng quyết liệt. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức”(7).

Giữ vững mục tiêu

Nhận thức rõ những thuận lợi và khó khăn trên, Đảng đã chủ trương đưa ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ để lãnh đạo đất nước nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội với mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển. Đảng tiếp tục khẳng định cần thiết phải vừa thực hiện tăng trưởng kinh tế nhanh để đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045; phải vừa tăng cường củng cố QPAN, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất -  kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

Với những địa bàn chiến lược, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, khu kinh tế trọng điểm, Đảng nhấn mạnh cần tiếp tục “kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là tại địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, khu kinh tế trọng điểm”(8). Những nơi này cần được tăng cường củng cố về QPAN, vì các thế lực thù địch đã và đang có nhiều hoạt động gây rối, chống phá, xâm lấn gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam về kinh tế và làm mất ổn định về an ninh, trật tự, ảnh hưởng xấu đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Kinh tế tại các vùng địa bàn chiến lược tiếp tục được Đảng quan tâm phát triển, đặc biệt các khu kinh tế - quốc phòng tại vùng biên giới đã phát huy được vai trò trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đời sống kinh tế của người dân tại các vùng biên giới được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại được bảo đảm. Để phát huy hơn nữa vai trò của mô hình “kinh tế - quốc phòng”, Đảng chủ trương “điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển gắn với bảo đảm QPAN. Tăng cường bảo vệ, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác thủy sản hiệu quả, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo” (9). Chủ trương nâng cao hiệu quả của các khu kinh tế - quốc phòng tại vùng biển, đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay những xung đột, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang diến ra rất phức tạp, đe dọa chủ quyền biển, đảo và các lợi ích kinh tế của Việt Nam cả trên đất liền và không gian biển.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Đảng “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã chỉ rõ cần bảo đảm QPAN trong phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia “giàu từ biển, mạnh về biển”. Bên cạnh đó Nghị quyết số 36-NQ/TW nêu rõ mục tiêu đến năm 2045 đưa “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn”. Để đạt mục tiêu trên, Nghị quyết 36-NQ/TW chỉ rõ: Cần “tăng cường năng lực QPAN, thực thi luật pháp trên biển” để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Đối với công nghiệp QPAN, một mặt bảo đảm mục tiêu phục vụ công tác QPAN, mặt khác cần phát triển trong chiến lược chung của công nghiệp quốc gia, đóng góp vào tỷ trọng ngành công nghiệp chung của cả nước trong cơ cấu của nền kinh tế, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Mặt khác, bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt các quốc gia trước tình thế phải ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Vì vậy, chủ trương của Đảng là “phát triển công nghiệp QPAN theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực, tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp QPAN và công nghiệp dân sinh”(10). Hiện nay công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh của Việt Nam bên cạnh sản xuất để phục vụ thực hiện nhiệm vụ QPAN, các sản phẩm của công nghiệp quốc phòng và an ninh đã hướng tới phục vụ sản xuất và đời sống trong nền kinh tế. Một số doanh nghiệp QPAN đã đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, thương hiệu của một số doanh nghiệp QPAN đã có chỗ đứng và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới và trong nước, mục tăng trưởng kinh tế của hầu hết các quốc gia không đạt được, sự suy giảm kinh tế bao trùm toàn bộ thế giới, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng có nhiều bất ổn. Trước tình hình đó, chủ trương của Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội là: “Chủ động rà soát bổ sung phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trong đại dịch COVID-19, tạo môi trường an ninh, an toàn để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”(11). Đây là sự chủ động cần thiết để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đã đề ra.

Kết hợp kinh tế với QPAN trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được nêu ra trong nhiều nghị quyết của Đảng. Quán triệt chủ trương của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó cần nhấn mạnh kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế với củng cố QPAN nhằm đưa nước ta phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.
------

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 4, tr.114.
(2) http://vdi.org.vn/article/477/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-ket-hop-kinh-te-voi-quoc-phong.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXBCTQG, H.2016, tr.280-281.
(4) Sách đã dẫn (Sđd), tr.312.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXBCTQG, H.2021, tập 1, tr.22.
(6) Sđd, tập 1, tr.30.
(7) Sđd, tập 1, tr.32.
(8),(9) Sđd, tập 2, tr.151.
(10) Sđd, tập 1, tr.254.
(11). Văn kiện Đại hội XIII, tập 2, Nxb CTQG, tr.152.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất