Tọa đàm trực tuyến “Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật”
Toàn cảnh Tọa đàm.
Tham gia chỉ đạo và trả lời Tọa đàm trực tuyến có các đồng chí: Lê Mạnh Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XIII, Trưởng Ban Chỉ đạo Tọa đàm; Hà Đăng - Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; TS. Nguyễn Mạnh Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; TS. Nguyễn Minh Vũ - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; TS.Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; ThS Ngô Minh Tuấn – Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng.



Phát biểu đề dẫn TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Tọa đàm (ảnh trên) nhấn mạnh: Chủ đề và trọng tâm của Tọa đàm là tuyên truyền những thành công, dấu ấn của Đại hội XIII. Thành công của Đại hội XIII góp phần tô đậm thêm thành tựu, lịch sử vẻ vang của Đảng ta trong 91 năm qua. Đặc biệt là gợi mở những nội dung cốt lõi cần quan tâm trong đợt tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII sắp tới. 

Các đại biểu tập trung làm rõ hơn những nhóm nội dung, vấn đề sau:

Một là,
những kết quả, thành công, dấu ấn nổi bật của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên tất cả các mặt từ công tác tuyên truyền trước, trong, sau Đại hội; công tác chuẩn bị Văn kiện; công tác nhân sự; công tác tổ chức Đại hội.

Hai là, cùng với những thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta kỷ niệm 91 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cũng là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII là tiếp nối những mốc son lịch vĩ đại của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam.

Ba là,
về sự quan tâm, đánh giá của dư luận quốc tế đến Đại hội XIII của Đảng như thế nào? Những điểm mới, cốt lõi trong đường lối đối ngoại của Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện sẽ được cụ thể hóa ra sao?

Bốn là,
làm rõ những nội dung nổi bật trong các văn kiện: Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Chủ trương, quyết sách quan trọng mà Đại hội đã thông qua để định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, toàn diện quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, những nội dung trọng tâm trong các văn kiện cần tuyên truyền, nghiên cứu, quán triệt, xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.



Phát biểu tại Tọa đàm đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Giám đốc Trung tâm Báo chí – Người phát ngôn Đại hội XIII (ảnh trên) khẳng định: Có thể nói Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp trên nhiều phương diện, cả về công tác tuyên truyền, cả về xây dựng văn kiện Đại hội, công tác nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương, cả về mặt tổ chức thực hiện, triển khai trong quá trình điều hành Đại hội, đạt được kết quả toàn diện, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đại hội đã thành công rất tốt đẹp. Đối với đồng chí Lê Mạnh Hùng, Đại hội đã để lại nhiều dấu ấn: 

Thứ nhất, cứ mỗi một kỳ đại hội thì Đảng ta đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, về công tác xây dựng Đảng và quốc phòng -an ninh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ của đất nước trong thời gian tới, trong nhiệm kỳ tới. Đại hội XIII lần này, không chỉ có đánh giá chiến lược 10 năm, trong nhiệm kỳ 5 năm, mà nhìn nhận đánh giá lại toàn diện 35 năm đổi mới của đất nước, những kết quả đạt được nổi bật và Đại hội đã đi đến thống nhất đánh giá là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay, được đưa vào trong Nghị quyết của Đại hội. Và trong Đại hội cũng đề ra phương hướng, nhiệm vụ hướng tới 5 năm tới và hướng tới định hướng cho đất nước phát triển, hướng tới 100 năm kỷ niệm ngày thành lập Đảng, 100 năm kỷ niệm thành lập nước. Tinh thần của Đại hội, không khí, quyết tâm đó là khát vọng của đại biểu, của các tầng lớp nhân dân xây dựng đất nước của chúng ta phát triển. Đây có thể nói là thông điệp, quyết tâm rất là lớn.

Thứ hai, văn kiện của Đại hội chuẩn  bị rất công phu, rất khoa học, xuất phát từ  thực tiễn đổi mới của đất nước. Ý Đảng, lòng dân hòa quyện trong văn kiện Đại hội. Lấy đơn cử ví dụ như khi mà các nhà báo, các nhà khoa học, gửi ý kiến qua các cơ quan báo chí tập hợp, đóng góp 94 trang gửi cho Tiểu ban nội dung của Đại hội. Rồi ý kiến của nhân dân gửi qua cơ quan báo chí tập hợp 58 trang. Nhiều ý kiến sâu sắc, phong phú và kiến giải, đề xuất những nội dung rất quan trọng, toàn  diện trong việc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ ba, trong thảo luận của đại biểu dự Đại hội rất gắn liền với thực tiễn, kiến giải được nhiều vấn đề Đại hội quan tâm và đề xuất với Đại hội, đề xuất với Đảng trong quá trình phát triển trong thời gian tới rất là cụ thể cả về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, cả về hội nhập quốc tế, quốc phòng - an ninh và xác định cụ thể từng bước cho những năm tiếp theo được định hướng rất rõ. Ở đây thể hiện tinh thần, trách nhiệm rất cao của toàn Đảng, toàn dân ta. 

Thứ tư, nhân sự Ban Chấp hành Trung ương trình rất kỹ lưỡng qua 5 bước, đúng quy trình, lựa chọn được những đồng chí xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Đây là điểm rất tâm đắc và các đại biểu dự Đại hội tập trung thảo luận dân chủ, bầu một lần đảm bảo yêu cầu đề ra.

Thứ năm là công tác truyền thông phải nói rất bài bản, công phu. Có thể nói, các nhà báo dự Đại hội là đông nhất, gần 600 nhà báo, phóng viên trong nước và 100 nhà báo nước ngoài ở Việt Nam. Chúng ta tổ chức trực tuyến để thông tin Đại hội đến được với các nhà báo ở nước ngoài. 



Là người tham gia phục vụ và theo dõi công tác nhân sự tại 2 Đại hội gần đây, đồng chí Ngô Minh Tuấn (Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng) (ảnh trên) chia sẻ một số cảm nhận.

Thứ nhất, Đại hội đã thành công rất tốt đẹp như  lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. 

Văn kiện được chuẩn bị kỹ càng, có nhiều nội dung mới, tiếp thu được nhiều ý kiến của nhân dân.
Về công tác nhân sự, được chuẩn bị bài bản, chặt chẽ, chất lượng. Công tác phục vụ rất chu đáo. 

Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng và triển khai Kế hoạch về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo phương châm bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, minh bạch, hiệu quả và có nhiều nội dung đổi mới về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy trình, cách làm đối với từng nhóm chức danh. Đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu trong công tác giới thiệu, đề xuất, bảo đảm nhân sự, quy hoạch cán bộ cấp trên. Trong số này thì nhiều đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau khi quy hoạch, Ban Tổ chức Trung ương cũng tham mưu cho Bộ Chính trị tổ chức bồi dưỡng, đào tạo được 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ cấp chiến lược và đây chính là nguồn nhân sự quan trọng để chủ động chuẩn bị cho nhân sự Đại hội XIII của Đảng. 

Thứ hai, công tác xây dựng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, đồng thời tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thật thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. 

Đây là nét mới trong công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ này. Rồi việc thực hiện có hiệu quả quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa chuyên môn đào tạo và sở trường năng lực thực tiễn, giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả, bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc.

Tuy nhiên, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, không bỏ sót người có tài, có đức, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân. 

Về quy trình nhân sự, được tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Đồng thời, được cụ thể hóa cho làm quy trình cho các đồng chí  tái cử trước, sau đó mới làm cho các đồng chí ứng cử lần đầu. Và cũng theo từng nhóm đối tượng chức danh, đồng thời cũng bảo đảm cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự kế thừa ổn định, đổi mới và phát triển liên tục.
 
Thứ ba, có một nét mới nữa là về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng có nét mới so với Đại hội lần thứ XII, đó là Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành một quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội XIII để các đảng bộ trực thuộc Trung ương lựa chọn, bầu những đại biểu thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo đức chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín trong Đảng bộ để tham dự và nhất là phải bảo đảm đủ điều kiện về sức khỏe, tham dự đầy đủ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. 

Kết quả, có tổng số 1587 đại biểu tham dự Đại hội. Nhìn lại 13 kỳ Đại hội thì đây là kỳ Đại hội có số lượng đại biểu đông nhất, tăng 77 đại biểu so với nhiệm kỳ Đại hội XII. 

Có một đặc điểm mới nữa: Tại Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương có thảo luận thông qua Quy chế bầu cử và quy chế làm việc của Đại hội XIII, và 2 dự thảo quy chế này được chuẩn bị rất bài bản, công phu, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện quy chế bầu cử và quy chế làm việc của Đại hội XII và  có một số nét mới. 

Cụ thể, về quy chế bầu cử Đại hội XIII thì có hai nét mới như sau: Thứ nhất là quy định cụ thể và trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổng Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII phải bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. 

Thứ hai là việc ghi phiếu bầu cử được thực hiện tại hội trường và phòng họp của đoàn đại biểu.

Ngoài ra có thêm một nét mới đó là công tác thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 luôn được chú trọng thực hiện nghiêm túc.



Về phương châm và chủ đề Đại hội lần này, phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (ảnh trên) nhấn mạnh: So với Đại hội XII và các Đại hội trước thì lần này, phương châm Đại hội và chủ Đại hội XIII có những bổ sung rất ý nghĩa. Đại hội XII có nêu phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương và Đổi mới”. Đại hội XIII kế thừa phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương”. Đây là những phương châm mang tính kinh điển. Đại hội nào cũng rất cần có dân chủ để phát huy trí tuệ và Đại hội nào cũng cần giữ cho được kỷ cương. Thế nhưng Đại hội lần này, hai chữ “Đổi mới” và “Sáng tạo - Phát triển” không khác nhau nhưng nó có một tầm vóc mới. Sáng tạo chính là đổi mới ở tầm vóc mới, đổi mới cũng đồng nghĩa với việc tạo ra những giá trị mới, sáng tạo mới. Và sáng tạo để hướng đến sự phát triển toàn diện của đất nước, xã hội, con người. Rõ ràng, chủ đề Đại hội lần này vừa có sự kế thừa, vừa có sự phát triển.

Còn chủ đề Đại hội là tư tưởng chủ đạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chúng ta trong 5 năm, 10 năm tới và những chặng đường sắp tới. 

Chúng ta đã đi tới thống nhất chủ đề Đại hội, bao hàm đầy đủ cả 5 thành tố: Thành tố về Đảng, thành tố dân tộc, thành tố công cuộc đổi mới, thành tố về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thành tố mục tiêu phát triển. Lần này, trong chủ đề vẫn kế thừa 5 thành tố đó, nhưng từng thành tố thì được hoàn thiện và bổ sung thêm những tư tưởng rất mới.  

Về chính trị, trước đây chúng ta nói xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Lần này, chúng ta bổ sung một nội dung rất quan trọng là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch,vững mạnh. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy được mối quan hệ biện chứng, thống nhất giữa Đảng và hệ thống chính trị. 

Đảng trong sạch, vững mạnh là linh hồn, là điều kiện kiên quyết để hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nhưng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là điều kiện cần, là chỗ dựa vững chắc để Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là tư tưởng nhận thức rất mới. 

Về vấn đề dân tộc, trước đây, chúng ta nói là phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc rất là quý, nói chung là Đảng và dân tộc - hai yếu tố quyết định. Lần này, vấn đề dân tộc được bổ sung thành tố rất mới, dân tộc bắt đầu từ con người.  Nhấn mạnh khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh và hạnh phúc, khát vọng của cộng đồng, của dân tộc là sức mạnh bên trong, to lớn để thúc đẩy dân tộc tiến lên phía trước, không lùi bước trước khó khhăn. Nhấn mạnh nữa là phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết và thêm ý nữa là gắn với sức mạnh thời đại. 

Thêm một điều nữa rất quan trọng. Hiện nay là xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng cho nên sức mạnh của dân tộc phải gắn với sức mạnh của thời đại. Thành tố dân tộc được hoàn thiện, được bổ sung nhiều tư tưởng rất mới.

Còn một bổ sung nữa rất quan trọng, đó là về mục tiêu phát triển. Trước đây chúng ta thường thống nhất, Đại hội XI, XII phấn đấu để sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, rồi phấn đấu cụ thể hơn là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thế thì lần này vẫn kế thừa tư tưởng, định hướng đó, nhưng có cái mới là chúng ta bắt kịp xu hướng chung của thế giới. 

Bây giờ thế giới thường phân chia các quốc gia theo các tiêu chí là quốc gia phát triển, chậm phát triển hay đang phát triển; đánh giá các quốc gia theo mức độ thu nhập: Thu nhập thấp, thu nhập trung bình, thu nhập cao. Lần này, chúng ta vừa tiếp tục tư duy truyền thống về mục tiêu và vừa tiếp thu xu thế chung của thế giới, đưa ra mục tiêu là phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn riêng mục tiêu chung chỉ nói rõ là một nước phát triển thu nhập cao. Đấy là những bổ sung rất quan trọng, thể hiện tư duy mới, nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về con đường đổi mới của đất nước. 



Dự thảo Nghị quyết Đại hội lần này đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”, đồng chí Hà Đăng - Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (ảnh trên) đã phân tích những nội hàm này và kiến nghị những giải pháp để chúng ta thực hiện tốt những mục tiêu đó trong nhiệm kỳ sắp tới.

Đúng là trong mục tiêu tổng quát mà Đại hội XIII nêu ra có ghi: “Nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện…”.

Điều đó có nghĩa là: Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng ta luôn kiên định quan điểm, coi phát triển kinh tế -  xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Cái mới lần này được nêu rõ trong tiêu đề của Báo cáo chính trị Đại hội XIII, ở vế đầu tiên. Nếu như tiêu đề của Báo cáo Đại hội XII ghi “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh…”, còn tiêu đề của Báo cáo chính trị Đại hội XIII được bổ sung: “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…”. Có nghĩa là không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh mà còn phải xây dựng cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Chúng ta hiểu hệ thống chính trị nói ở đây là bao gồm cả Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội.

Vậy nội hàm và giải pháp để thực hiện mục tiêu này là gì? Theo đồng chí Hà Đăng, Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đảng đã nêu rõ, chỉ cần chúng ta nhận thức đúng và thực hành đúng. Sau đây là những nội dung và giải pháp chủ yếu: 

Về Đảng: Kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng với chỉnh đốn Đảng; giữa xây dựng với bảo vệ Đảng. Không ngừng nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Có 4 điều kiên định: 

Kiên định, vững vàng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Kiên định đường lối đổi mới. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Đổi mới, hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy đi đôi với củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ - nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Về Nhà nước: Nâng cao năng lực, hiệu quả  hoạt động của Nhà nước và thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đồng thời khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách, thực thi công vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao uy tín và hiệu quả của hoạt động tư pháp.

Về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị -  xã hội:  Đổi mới tổ chức, bộ máy và phương thức hoạt động theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và  nhân dân; làm cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân. Củng cố, tăng cường lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất