Trung thực
Ảnh minh họa.

Tại Kỳ họp thứ 31, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Đức Thọ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định. Vi phạm của ông Thọ đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Ngày 2-10-2023, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre. Đây là lần đầu tiên một cán bộ cao cấp bị xử lý về việc kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực, một trong những hành vi được coi là tiêu cực theo quy định của Đảng.

Ông Lê Đức Thọ không phải là cán bộ đầu tiên bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định. Nhưng là cán bộ cao cấp đầu tiên bị xử lý bằng hình thức cách tất cả các chức vụ vì vi phạm này. Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, chỉ tính trong giai đoạn từ 8-2-2022 đến ngày 30-4-2023, đã có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập. Trong đó, 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Những người này bị kỷ luật bằng các hình thức như xóa tên khỏi danh sách ứng cử, cảnh cáo, cách chức…

Trung thực là một trong những phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào thì phẩm chất trung thực cũng đặc biệt quan trọng và tối cần thiết. Trong điều kiện đảng cầm quyền, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, mà trước hết là tính trung thực có ý nghĩa to lớn đối với uy tín, sức mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng viên, cán bộ không trung thực nói ai nghe? Làm sao giữ được vai trò lãnh đạo? Bởi thiếu tính trung thực, cán bộ, đảng viên nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, thậm chí nói đúng, làm sai, khai man lý lịch, dối trên, lừa dưới khi báo cáo thành tích, kết quả thực hiện nhiệm vụ, “làm thì láo, báo cáo thì hay”, mua bán bằng cấp, chức quyền… Có rất nhiều biểu hiện tính không trung thực của cán bộ, đảng viên trong cuộc sống, sinh hoạt và trong công tác. Nguyên nhân do đâu? Phải chăng nguyên nhân chính là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, vụ lợi, làm bất cứ việc gì họ cũng nghĩ lợi ích cho mình trước. Nó cũng chính là “giặc ở trong lòng” làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng chưa hiệu quả, phê bình, tự phê bình hình thức. Người dân làm sao tin được cán bộ chỉ bằng "bán chổi đót" mà 
xây được biệt phủ? Đặc biệt, trong công tác cán bộ, cần quan tâm nhận diện đức tính trung thực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ trong diện quy hoạch các chức danh chủ chốt các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị.


Phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự giả dối, thiếu trung thực trong công tác cũng như trong sinh hoạt, phải bắt đầu từ việc cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, tự soi, tự sửa chính bản thân. Trước hết phải thành thực với chính mình, với mọi người. Đảng, Nhà nước cần có thái độ kiên quyết và cơ chế để xử lý nghiêm “bệnh chạy chọt”, tệ báo cáo không trung thực trong tổ chức đảng và các cấp chính quyền, đoàn thể. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần xây dựng lối sống trung thực, phải sống ngay thẳng, tôn trọng sự thật, lẽ phải. Dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm, không luồn cúi hay nịnh, tâng bốc người khác để cầu hưởng lợi lộc, công danh, phú quý cho bản thân, gia đình và người thân. Đồng thời đấu tranh với tệ gian dối hiện nay trong tổ chức đảng, trong bộ máy công quyền, phổ biến là “bệnh thành tích” vốn dễ lây lan, khó trị.

Có cơ chế để nhân dân phát hiện, tố giác những hành vi không trung thực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và được khen thưởng, bảo vệ, không sợ bị trù dập. Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên không trung thực. Tài sản không giải trình được phải bị tịch thu.

Biện pháp căn cơ hơn phải bắt đầu giáo dục tính trung thực từ thuở ấu thơ của trẻ trong mỗi gia đình, nhà trường, xã hội. Đó cũng là học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khi trong 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng có 1 điều: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất