Phê bình thủ trưởng

Tôi có anh bạn làm cán bộ lâu năm tại văn phòng một doanh nghiệp nhà nước. Từ khi còn học cùng nhau, anh vốn là người thông minh, “văn hay chữ tốt” chỉ mỗi “khuyết điểm” khó chữa là tính tình thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy. Trong một lần ngồi cà phê với nhau, tôi hỏi anh nửa đùa, nửa thật:

- Ông đã trải qua nhiều đời phục vụ các thủ trưởng công ty, anh sợ điều gì nhất?

Anh suy nghĩ một lát và trả lời:

- Trên đời này có nhiều cái đáng sợ lắm chứ. Nhưng theo tôi, ở cơ quan thì sợ nhất là phải phê bình thủ trưởng.

Vừa nhâm nhi cà phê, anh vừa như tâm sự, vừa như cắt nghĩa cho cái khó khăn của việc phê bình thủ trưởng:

- Mình đã trải qua đến 5 đời thủ trưởng ở công ty này rồi. Như đã thành lệ, thủ trưởng nào về cũng sinh hoạt chi bộ văn phòng. Do vậy, mỗi lần họp chi bộ đến tiết mục nhận xét, tự phê bình và phê bình là anh em rất ngại, người nọ nhìn người kia chờ đợi. Tất nhiên, có thủ trưởng có những mặt tốt nhiều, mặt xấu ít, khuyết điểm nhiều, khuyết điểm ít, tóm lại ai chả có khuyết điểm, thậm chí sai lầm nghiêm trọng là khác. Nhưng tâm lý thông thường thì hầu hết các thủ trưởng  đều muốn khen, không thích người khác phê mình, mặc dù thủ trưởng hô hào hãy phát huy dân chủ, tự do tư tưởng, mạnh dạn phê bình và tự phê bình. Tuy nhiên, việc phê bình thủ trưởng là việc “cực chẳng đã” và cực kỳ nhạy cảm, tế nhị. Thủ trưởng nào mà lại có tính thù vặt, “nhớ dai” thì rất sợ và phải liệu chừng khi nhận xét, phê bình. Nhiều hôm, trước khi vào cuộc họp mình đã “bụng bảo dạ”, lần này không có ý kiến, ý cọt gì khác, hãy để mọi người phát biểu, mình chỉ ngồi nghe và có nói chỉ là phụ họa thôi. Thế nhưng, khi đã “vào cuộc” máu nóng trong mình lại nổi lên không thể cưỡng lại được, nhất là khi thấy có ý kiến phê bình thủ trưởng theo kiểu “anh làm việc nhiều quá quên cả việc bảo vệ sức khỏe bản thân!” Khi mình đã phát biểu, phê bình tuy không “đao to búa lớn” nhưng bao giờ cũng tìm đúng “gót chân A-sin” của thủ trưởng mà “bấm”. Anh em nghe mình phát biểu thì “sướng cái lỗ tai”. Nhưng sau đó thì mình “hứng đủ” chỉ còn thiếu nước bị đuổi việc mà thôi. Nhưng may mà mình nói toàn những điều đúng, có chứng cứ rõ ràng và mình cũng thuộc loại “lão làng” ở văn phòng công ty  nên cũng đượcanh em, quần chúng ủng hộ nên còn “trụ” được ở công ty này lâu thế. Rất may là trong đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mình được công ty cho đi công tác nước ngoài (thực chất là giải quyết chế độ trước lúc về hưu), cho nên “tránh” được việc phê bình thủ trưởng.

- Thế tới đây tiến hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình vào cuối năm 2013 này ông tính sao? Định né hay vẫn “giữ vững bản chất” nói thẳng nói thật? Tôi hỏi xen vào.

Anh trầm tư trả lời:

- Còn phải tính đã. “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Thủ trưởng đương nhiệm đợt này tuy có nhiều mặt tốt, làm được nhiều việc nhưng hạn chế lớn nhất của ông ta là tính độc đoán chuyên quyền, tùy tiện theo cảm tính, thích cái gì thì làm bằng được. Từ khi nhận chức đến giờ, vì nhiều lý do, lúc thủ trưởng bận đi nước ngoài, lúc đi công tác trong nước, lúc tiếp khách, họp hành, cho nên chưa khi nào chi bộ tổ chức sinh hoạt trong đó có nội dung để thủ trưởng tự phê bình và phê bình. Mình dám chắc rằng, nếu đợt tới mình phê bình thẳng thắn thủ trưởng thì chắc chắn không lâu sau, mình sẽ được thủ trưởng ưu ái cho “về hưu trước tuổi” vài tháng. Nhưng nếu tìm được nhân vật như Nhiệm Tỏa thì khi phê bình thủ trưởng mọi người sẽ yên tâm, vững dạ, tự tin hơn. Do đó, từ này tới hôm họp tổng kết cuối năm, mình sẽ cố tìm cho được Nhiệm Tỏa.

Tôi  hỏi :

- Nhiệm Tỏa nào vậy?

Anh bạn tôi không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà kể câu chuyện sau:

“Chuyện xưa kể rằng, một hôm trong một buổi thiết triều, Ngụy Văn Hầu đột ngột hỏi:

- Các khanh thấy quả nhân là một vị vua thế nào?

Bị hỏi bất ngờ, hầu hết các quan văn võ có mặt đều đồng thanh đáp:

- Bẩm bệ hạ! Bệ hạ là một vị rất minh quân ạ! 

Bỗng dưng trong hàng có một vị quan bước lên phía trước, khoanh tay trước ngực tâu:

- Bẩm, nhà vua không phải là minh quân.

Mọi người bị bất ngờ ngoái đầu nhìn lại, hóa ra đó là Địch Hoàng.

Ngụy Văn Hầu giận tái mặt, quát:

- Khanh căn cứ vào đâu mà dám nói rằng trẫm không phải là minh quân?

Địch Hoàng thưa:

- Nhà vua đánh giá và thu phục nước Trung Sơn xong. Nhẽ ra nhà vua phải đem lãnh địa đó giao cho người xứng đáng đức, tài cai quản. Người xứng đáng đó chính là em ruột của nhà vua. Thế nhưng, nhà vua đã không đem nước đó phong cho em mình mà lại giao phong cho con của mình, mà con vua thì còn rất nhỏ, e rằng không đảm đương việc nước, không giữ nổi giang sơn. Xem như vậy thì nhà vua không sáng suốt, chỉ biết lo cho mình và con của mình, không kể đến em là người đảm đương nổi việc nước. Như vậy sao gọi là minh quân được?

Ngụy Văn Hầu đỏ mặt, nổi giận đuổi Địch Hoàng ra khỏi triều. Địch Hoàng đi ngay không hề nuối tiếc.

Sau đó, Ngụy Văn Hầu lại đem câu hỏi trên hỏi quan đại phu khác là Nhiệm Tỏa.

Nhiệm Tỏa thưa:

- Bẩm, nhà vua thật là đấng minh quân.

Nhà vua nghe vậy nở từng khúc ruột, mặt mày rạng rỡ hỏi lại:

- Tại sao vậy?

Nhiệm Tỏa đáp:

- Thưa Bệ hạ! Người xưa thường nói nói rằng, có minh quân mới có trực thần. Hạ thần thấy Địch Hoàng nói thẳng, nói thật, tỏ ra là bậc trung thần lắm. Vậy nhà vua có Địch Hoàng là trực thần thì tất nhà vua phải là minh quân rồi đó sao?

Ngụy Văn Hầu nghe nghe vậy tỏ ra hối hận về hành động của mình đối với Địch Hoàng. Và ngay lập tức cho vời Địch Hoàng trở lại triều đình giúp việc như trước”.

Kể đến đây, anh bạn tôi kết luận: câu chuyện trên xem như việc phê bình nhà vua thời xưa. Như vậy, vua cũng phải muốn nghe và biết nghe, biết sửa chữa sai lầm. Trong triều vừa phải có trực thần lại vừa phải có những người như Nhiệm Tỏa, biết phê bình một cách khéo léo, nêu được thực chất vấn đề nhưng lại không để làm mất thể diện của nhà vua. Nếu như trong chi bộ văn phòng công ty tôi có được đảng viên như Nhiệm Tỏa thì đỡ cho tôi lắm. Từ nay đến cuối năm, tôi quyết tìm cho ra Nhiệm Tỏa”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất