Nên phê bình thế nào?

Sau mấy ngày nghỉ tết mới thấy ông bạn thân đến nhà chơi, tôi ngạc nhiên:

 - Gớm, tưởng quên nhau rồi, mấy lần mời đi uống cà phê toàn từ chối.


Ông bạn phân trần:

- Thời gian vừa qua, cơ quan tôi bận quá, nhất là dịp cuối năm. Cơ quan vừa chuẩn bị tổng kết chuyên môn, vừa tổ chức  kiểm điểm phê bình, tự phê bình, rồi đánh giá cán bộ cuối năm. Toàn việc hệ trọng, nhiều văn bản, báo cáo. Riêng họp kiểm điểm đã hết một ngày.

- Thì cơ quan tôi cũng thế. Chắc ông lắm khuyết điểm, bị phê bình nhiều nên căng thẳng chứ gì? - Tôi trêu.

- Khuyết điểm thì ai chả có. Tôi là người đứng đầu cấp ủy lại càng khó tránh khuyết điểm. Nhưng nghe nhiều ý kiến mà tức anh ách…

- Họ nói đúng quá nên tức à? - Tôi tiếp tục trêu.


Bạn tôi trầm lắng:

- Nói thật với ông, tâm lý chung chẳng ai muốn nghe phê bình. Bởi thế không phải không có chỗ lấp liếm ý kiến, chèn ép người dám phê bình. Nhưng đợt phê và tự phê theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 này không có chỗ cho sự lấp liếm đó. Theo hướng dẫn của cấp trên (có kiểm tra hẳn hoi), các ý kiến khen có thể tổng hợp chung, khái quát, nhưng riêng phần chê thì phải tổng hợp riêng, ghi theo phiếu, trung thực đến từng dấu chấm, dấu phẩy. Người bị chê phải giải trình tất cả các ý kiến chê mình, không được bỏ sót. Điều đó nói lên sự cầu thị, tôn trọng và lắng nghe của người xin ý kiến.

- Vậy sao ông lại “tức anh ách”?

- Vì nhiều người phê mà chẳng hiểu họ đang phê cái gì và đang phê cho ai. Ví như có người phê tôi “chưa chịu giao du, quan tâm nhiều đến người về hưu”. Nói thật với ông, lo cho guồng máy cơ quan chạy tốt, công việc phát triển, đời sống cho gần 100 con người không sa sút trong tình hình này đã quá mệt rồi. Đối với người về hưu, ít nhất mỗi năm 2 lần: tết âm lịch và ngày truyền thống của ngành, cơ quan đều có quà mang đến tận nhà; chưa kể, câu lạc bộ của các cụ cũng được cơ quan tài trợ họp ít nhất mỗi năm 1 lần, lần nào họp cũng có lãnh đạo ngồi dự, nghe ý kiến, vậy mà vẫn bị cho là chưa quan tâm.

Tôi chưa kịp bình luận gì thì bạn tôi lại nói tiếp, vừa nói vừa mủm mỉm cười:

- Lại có ý kiến phê bình tôi là nghệ sĩ. Có lẽ vì tôi có làm dăm ba bài thơ, lúc cao hứng đọc ở cơ quan. Nhưng làm thơ có đáng bị phê bình nhỉ?

- Những phê bình như thế thì quả thật khó tiếp thu. Nhưng ở chỗ tôi còn có người phê bình lạ nữa - tôi kể.

- Lạ thế nào?

- Lại biến phê bình thành đề nghị: Đề nghị cho đi tham quan, nghỉ mát nhiều hơn; đề nghị được cho con cháu vào làm ở cơ quan. Tóm lại là lại nhắm đến lợi ích bản thân họ chứ không phải xây dựng cho người khác…

Tự phê bình và phê bình tìm ra khuyết điểm để sửa chữa là yêu cầu của Nghị quyết TƯ 4. Nếu phê bình không cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng, tìm hiểu sâu sắc về trách nhiệm, quyền hạn người được phê, chỉ phê “chiếu lệ”; hoặc chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân như những ý kiến vừa nêu trên thì mục đích của việc kiểm điểm sẽ không thể thành công như mong đợi.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất