Kinh nghiệm chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công ở Trung Quốc

Trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế ở Trung Quốc, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công diễn ra khá phổ biến, gia tăng về quy mô và tính phức tạp. Các hạng mục công trình công cộng thường được giao cho các doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài nhận thầu. Thắng thầu ở các dự án đầu tư công thường mang lại lợi nhuận lớn. Vì thế, chủ doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra những khoản chi không nhỏ để quan chức tạo điều kiện cho họ được nhận hợp đồng thi công dự án dưới hình thức “thù lao môi giới”. Những khoản thù lao môi giới chiếm tỷ lệ nhất định trong tổng dự toán của hạng mục công trình và công khai đưa vào giá thành công trình. Để được nhận tiền thù lao môi giới nhiều hơn, các quan chức phụ trách đầu tư công thường ủng hộ phương án gia tăng phạm vi hoặc quy mô công trình có vốn đầu tư càng lớn càng có lợi. Bên cạnh đó, để có thêm “quỹ” cho các khoản thù lao môi giới, các doanh nghiệp tìm mọi cách điều chỉnh thiết kế, bổ sung dự toán khiến cho tính phức tạp của hạng mục công trình tăng lên quá mức cần thiết.

Tham nhũng trong đầu tư công không những hạ thấp hiệu quả đầu tư mà còn cản trở sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Một kết quả nghiên cứu ở 87 quốc gia khác nhau trong khoảng thời gian 1986 - 1996 cho thấy, nếu giảm được chỉ số tham nhũng trong đầu tư công xuống 2% thì sẽ nâng mức tăng trưởng kinh tế lên thêm 0,5%/năm. 

Ngày 25-7-2004, Chính phủ Trung Quốc chính thức công bố và đưa vào áp dụng “Quyết định về cải cách thể chế đầu tư” được Quốc vụ viện chuẩn y đã nâng cao mức độ khoa học hoá, dân chủ hoá trong việc quyết định đầu tư. Quyết định này đòi hỏi phải kiện toàn cơ chế pháp nhân của hạng mục đầu tư, cải cách chế độ lập dự toán, hoàn thiện cơ chế thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát theo “hệ thống đánh giá chất lượng dự toán”, kiến lập chế độ trách nhiệm của cấp thẩm quyền xuất vốn. Nhờ vậy, hiệu quả đầu tư công được nâng cao và hạn chế khả năng xảy ra tham nhũng. Chính phủ cũng ban hành và cải cách chế độ quản lý dự toán, để có đủ thời gian sàng lọc lựa chọn hạng mục đầu tư, thay đổi chế độ quản lý dự toán hàng năm thành chế độ nối với năm liền kề. Ví dụ, có thể quy định năm tài chính bắt đầu từ 1-4 năm nay đến 31-3 năm sau hoặc từ 1-7 năm nay đến 30-6 năm sau. Với quy định mới này, vừa tránh được những vướng mắc thường gặp do giới hạn thời gian vừa tạo điều kiện để công tác lập dự toán tiến hành đúng trình tự và yêu cầu, lại có thể thẩm định kỹ trước khi phê duyệt.

Để kiện toàn chế độ quản lý các khoản đầu tư công, Chính phủ đã ban hành quy phạm lập luận chứng khả thi bao gồm các nội dung: Sự cần thiết phải xây dựng công trình, quy mô, công năng, khả năng đáp ứng vốn, hiệu quả mong muốn… Trên cơ sở đó, các ban, ngành tham khảo, bổ sung và tham gia vào quyết định đầu tư. Sau đó, cần tăng cường việc giám sát thi công về tiến độ, chất lượng vật liệu, trình độ và phẩm cấp thiết bị, nhân lực. Cuối cùng là khâu nghiệm thu công trình nhất thiết phải được đánh giá chính xác, khách quan chất lượng thi công, thực hiện đơn giá, dự toán, thời hạn hoàn công, quy trình bàn giao và cam kết bảo hành công trình.

Mô hình quản lý gộp 4 trong 1 (đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng) đã tỏ ra không thích hợp và nhận được nhiều ý kiến phê phán bởi chủ đầu tư vừa quản lý vừa kinh doanh, vừa gọi thầu khảo sát, thiết kế, thi công, vừa mua sắm vật tư thiết bị dễ dẫn đến độc quyền, cửa quyền là kẽ hở cho tham nhũng đầu tư công. Do vậy, mô hình “đại diện xây dựng” ra đời khuyến khích việc tách rời các khâu này, các khâu chế ước lẫn nhau, nhất là trong các công đoạn gọi thầu thi công và cung ứng vật tư thiết bị. Mô hình “đại diện xây dựng” được áp dụng có hiệu quả trong việc xây dựng 4 đường vành đai ở thủ đô Bắc Kinh, dự toán là 14 tỷ nhân dân tệ chỉ dùng hết 9 tỷ, số tiền dự toán khống lên đến 5 tỷ nhân dân tệ.

Cuối cùng, việc xác lập chế độ trách nhiệm của cấp thẩm quyền duyệt xuất vốn, của người thực hiện hạng mục công trình và thực hành rộng rãi chế độ chất vấn trách nhiệm là biện pháp quan trọng nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp. Những cá nhân, đơn vị gây thiệt hại cho đầu tư công và những người có liên quan phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính, hình sự. Xác lập và thực hiện tốt chế độ chất vấn trách nhiệm đã góp phần tăng cường hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí vốn và phòng ngừa tham nhũng trong đầu tư công ở Trung Quốc.
                                                                                        (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản VN)

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất