Công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh ở CHDCND Lào hiện nay

1. Cộng hoà Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào nằm trên bán đảo Đông Dương, có diện tích 236.800 km2, đường biên giới dài 4.825 km, giáp với 5 nước: Trung Quốc, My-an-ma, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam.

Cho tới nay cư dân ở Lào đa phần là nông dân. Tính tới 1-3-2005, dân số Lào có 5.609.997 người, trong đó nữ chiếm 50,2%, nam chiếm 49,87%, có 49 bộ tộc. Hiện tại Lào được chia thành 16 tỉnh và 1 thành phố, 139 huyện, 10.553 bản, thủ đô là Viêng Chăn.

Ngày nay, nước CHDCND Lào đang chuyển sang thời kỳ đổi mới đất nước toàn diện, nhằm xây dựng Lào thành một nước có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, có đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để tránh tụt hậu ngày càng xa, Đảng NDCM Lào và Nhà nước có chính sách tập trung phát triển kinh tế thị trường và nguồn nhân lực bền vững, tập trung đầu tư giáo dục, đào tạo cho đông đảo người lao động đạt trình độ cơ bản, có chính sách sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao để mang hết khả năng, trí tuệ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Nhiệm vụ chính trị mới rất nặng nề và khó khăn đòi hỏi Đảng NDCM Lào xây dựng được một hệ thống tổ chức và một đội ngũ cán bộ vững mạnh, thực hiện có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào.

Đảng NDCM Lào ngày càng nhận thức sâu sắc rằng: Sau khi xác định đúng đắn đường lối, chính sách, yếu tố quyết định để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách chính là công tác tổ chức, cán bộ. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ là một nội dung quan trọng của đổi mới hệ thống chính trị ở CHDCND Lào hiện nay. Nhiều vấn đề mới thách thức đội ngũ cán bộ cả về năng lực, trình độ, phẩm chất, đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh nói riêng phải có đầy đủ phẩm chất chính trị và kiến thức, phải hết sức kiên định, vững vàng, đồng thời thông minh, sáng tạo.

Sau 20 năm thực hiện các nghị quyết của Đảng NDCM Lào, công tác tổ chức, cán bộ của Đảng và Nhà nước Lào đã từng bước được đổi mới. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thể hiện ngày càng cụ thể, rõ nét hơn, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo ra tiền đề tiếp tục hoàn thiện mô hình của hệ thống chính trị ở Lào trong thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành và tiến bộ, là lực lượng nòng cốt cùng với nhân dân tạo nên thành tựu to lớn trong những năm qua.

2. Các ban tổ chức tỉnh, thành uỷ trong toàn quốc hiện có 358 đồng chí, trong đó số cán bộ nữ 30%, dân tộc thiểu số 16,48%, tuổi bình quân là 41,5, số có trình độ THCS là 12,56%, PTTH là 87,43%; số có trình độ chuyên môn sơ cấp là 13,12%, trung cấp là 34,94%, cao đẳng và đại học là 40,08%, thạc sĩ và tiến sĩ là 3,07%, số không có chuyên môn chỉ còn 2,79%; trình độ lý luận chính trị sơ cấp 6,98%, trung cấp 6,70%, cao cấp 9,77%, cử nhân 12,29%, thạc sĩ và tiến sĩ 2,79%, số không qua đào tạo lý luận chính trị 62,29%; số có chứng chỉ cao đẳng ngoại ngữ là 4,74%, số có bằng đại học ngoại ngữ 4,46%, số sử dụng được máy vi tính là 27,93%. Mô hình chung của các ban tổ chức tỉnh, thành uỷ hiện nay có: Trưởng ban phụ trách chung, phó ban thường trực và phụ trách về xây dựng đảng, cơ sở đảng, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ, phó ban phụ trách về tổ chức cán bộ, khen thưởng cán bộ; mỗi ban có 4 phòng chuyên môn: Văn phòng, phòng Xây dựng Đảng - cơ sở đảng - đảng viên - bảo vệ chính trị nội bộ, phòng Tổ chức cán bộ và phòng Thi đua - Khen thưởng.

3. Thực hiện nghị quyết của Đảng NDCM Lào về chiến lược cán bộ thời kỳ đổi mới đất nước và các nghị quyết của hội nghị công tác cán bộ toàn quốc của Ban Tổ chức Trung ương Đảng NDCM Lào, ban thường vụ các tỉnh, thành uỷ đã mở hội nghị ban chấp hành đảng bộ cấp tỉnh mở rộng để    nghiêm túc kiểm điểm, rút ra nguyên nhân của những ưu điểm, khuyết điểm trong công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới xây dựng kế hoạch thực hiện. Sau đó các cấp uỷ cũng đều mở hội nghị ban chấp hành mở rộng ở cấp huyện, thị và cơ sở.

Ban tổ chức các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho cấp uỷ tiếp tục thực hiện các nghị quyết về chiến lược cán bộ, triển khai và kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng về cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trên cơ sở đó theo dõi, đánh giá đúng cán bộ; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban tổ chức các tỉnh đã sớm xây dựng đề án về tổ chức bộ máy, biên chế, quy chế làm việc của đơn vị mình; từ đó đã tạo được sự đoàn kết thống nhất, dân chủ trong cơ quan, bộ máy của các ban hoạt động nhịp nhàng; mỗi bộ phận, mỗi cán bộ đã xác định được nhiệm vụ nên phát huy được tinh thần trách nhiệm tích cực, chủ động trong công tác, học tập, khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phương pháp công tác cũng dần dần được đổi mới, mỗi phòng, mỗi cán bộ được phân công theo từng mảng công việc theo chuyên đề, phụ trách từng địa bàn và phối kết hợp với nhau; việc đi cơ sở được tăng cường, giúp cho cán bộ nắm sâu, nắm chắc thực trạng ở cơ sở, có được cách nhìn tổng quan, khoa học, từ đó tham mưu, đề xuất với lãnh đạo được chính xác, đem lại hiệu quả cho công tác xây dựng đảng.

Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh ở CHDCND Lào đã được nâng lên. Nhiều cán bộ trẻ có trình độ học vấn cao hơn được bổ sung về các ban tổ chức tỉnh, thành uỷ. Các ban tổ chức tỉnh, thành uỷ đã chú trọng đào tạo cán bộ nguồn, động viên, khuyến khích cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ của các tỉnh, thành không ngừng được củng cố, chất lượng dần dần được nâng lên.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ của Đảng ở các tỉnh hiện có những mặt mạnh, yếu như sau:

Mặt mạnh là:

Có phẩm chất chính trị vững vàng, đoàn kết,  tin tưởng và trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, với công cuộc đổi mới; giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, gần gũi với quần chúng.

Số đông cán bộ đã được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn, được đào tạo, bồi dưỡng, trình độ các mặt đều được nâng lên; có ý thức không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ. Nhiều đồng chí có thâm niên cao về công tác đảng, công tác tổ chức và có nhiều đóng góp cho công tác tổ chức, công tác xây dựng đảng.

Đại bộ phận có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có ý thức tổ chức kỷ luật; nhiều đồng chí trưởng thành từ cơ sở, nắm chắc tình hình ở cơ sở, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng ở cơ sở. Từng bước được trẻ hoá.

Có được những ưu điểm đó là nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn về công tác cán bộ của Đảng NDCM Lào.

Các tỉnh, thành uỷ đã nhận thức được vị trí quan trọng, có ý nghĩa quyết định của công tác tổ chức, cán bộ nói chung và công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh nói riêng, thấy được vai trò của đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức, cán bộ, nên đã thường xuyên quan tâm, xây dựng được đề án quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng, có biện pháp chỉ đạo thực hiện khá chặt chẽ.

Các ban tổ chức từ các tỉnh, thành đến huyện, thị có ý thức chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ, bản thân các cán bộ tổ chức có ý thức phấn đấu vươn lên.

Mặt hạn chế, yếu kém là:

Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh được hình thành, phát triển qua nhiều thời kỳ, được đào tạo, bồi dưỡng từ nhiều nguồn; số lượng chưa đông nhưng vẫn còn trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và không đồng bộ, vẫn còn tình trạng hẫng hụt cán bộ, chưa chuẩn bị được tốt đội ngũ cán bộ kế cận.

Chất lượng công tác còn hạn chế, đặc biệt là chất lượng tham mưu đề xuất trong xây dựng bộ máy, đánh giá, sử dụng cán bộ chưa sâu, chưa hoàn toàn gắn với hiệu quả làm việc, chưa phát hiện được đầy đủ, chính xác những ưu điểm cũng như những thiếu sót, yếu kém của cán bộ; thực hiện quy trình đánh giá cán bộ chưa chặt chẽ, trong tham mưu đề xuất ý kiến còn hiện tượng nể nang, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám nói thẳng, nói thật; một số cán bộ năng lực hạn chế, không có khả năng học tập để vươn lên nhưng vẫn tồn tại trong đội ngũ cán bộ của các ban tổ chức cấp tỉnh dẫn đến hiệu quả công việc không cao.

Một số cán bộ bị tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, có biểu hiện lối sống thực dụng, thu vén cá nhân, tham nhũng, lãng phí, ý thức tổ chức, kỷ luật kém, cơ hội, tham vọng cá nhân; thực hiện chế độ tự phê bình, phê bình kém, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lười học tập và rèn luyện.

Đời sống cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh của Đảng và Nhà nước còn khó khăn, thu nhập bình quân thấp so với các ngành kinh tế, tài chính và một số ngành khác, do vậy không đảm bảo cuộc sống vật chất để cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh yên tâm công tác, khó thu hút được cán bộ giỏi, có tình trạng một số cán bộ đủ tiêu chuẩn nhưng không muốn nhận phân công của cấp trên về ban tổ chức các tỉnh công tác.

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém: Bước vào thời kỳ mới, các tỉnh, thành uỷ chưa dự báo được tình huống mới, yêu cầu mới đối với cán bộ; quan niệm đổi mới tổ chức, cán bộ còn chưa nhất quán, các tiêu chuẩn chức danh chậm được xác định, chính sách cán bộ ở tầm vĩ mô ra đời chậm, sự phối hợp giữa các ban tổ chức của Đảng với đảng đoàn trong công tác tổ chức, cán bộ chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được những đề án công tác với các bước đi, cách làm cụ thể về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ; chưa kiện toàn được các ban tổ chức của Đảng và Nhà nước.

Trong đánh giá lựa chọn và sử dụng cán bộ còn có biểu hiện cá nhân, hẹp hòi, chưa xử lý tốt mối quan hệ giữa đức và tài, giữa tiêu chuẩn và cơ cấu. Quan điểm đánh giá cán bộ chưa thống nhất, chưa bám chắc tiêu chuẩn mà Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ quy định, chưa lấy hiệu quả công tác, tinh thần đoàn kết nội bộ để xem xét đánh giá cán bộ. Việc bố trí và sử dụng cán bộ nhiều lúc còn chưa căn cứ vào yêu cầu công việc, bố trí chưa đúng người, đúng việc nên chưa khuyến khích và phát huy tài năng của cán bộ.

Còn tình trạng xây dựng quy hoạch cán bộ nhưng thực hiện không theo quy hoạch, một số cấp uỷ tỉnh chưa thật sự quan tâm hướng dẫn chỉ đạo thực hiện quy hoạch. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng có tình trạng chưa gắn liền với quy hoạch nên cán bộ đào tạo xong không phát triển được. Một số bộ phận cán bộ yếu về năng lực trình độ do lịch sử để lại, do không theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh chưa tốt; chưa dự báo, đón đầu được tình hình, chậm chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, dự bị đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới.

Các cấp uỷ chưa đặt chức năng tham mưu của ban tổ chức tỉnh, thành đúng tầm của nó. Sự cất nhắc, sắp xếp, đề bạt cán bộ có lúc không theo đúng quy trình, cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh có khi chỉ nắm một số vấn đề không cơ bản nào đó, nặng về giải quyết thủ tục hồ sơ.

Công tác quản lý cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh còn thiếu chặt chẽ, để một số cán bộ sa sút về phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, mất uy tín trong quần chúng nhân dân, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối.

4. Để thực hiện được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp tỉnh trong thời kỳ đổi mới, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc một số quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Về tổ chức bộ máy, phải tiến hành đồng thời với việc đổi mới và củng cố tổ chức đảng, bộ máy nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp theo hướng tinh gọn và hiệu quả, đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức, lề lối làm việc. Công tác tổ chức phải nắm chắc mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước. Các cấp uỷ và chính quyền tỉnh, thành phố phải tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ nói chung, đặc biệt là đối với công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh, thành trong hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có tính chất nguyên tắc đối với một đảng cầm quyền. Phải tích cực triển khai thực hiện chiến lược cán bộ, vừa bảo đảm những yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị đáp ứng yêu cầu dài hạn, khắc phục cách làm công tác tổ chức, cán bộ bị động, chắp vá lâu nay. Đào tạo cán bộ lãnh đạo và quản lý trong cơ chế thị trường vừa phải có tinh thần đổi mới, vừa phải giữ vững những vấn đề nguyên tắc như: phải quán triệt quan điểm giai cấp, tạo sự bình đẳng về cơ hội cho tài năng nảy nở và phát huy, nhất là đối với cán bộ xuất thân công nhân, con em công nhân, gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, phụ nữ. Trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão phải nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, vừa phải quan tâm việc đưa cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Khâu đột phá lúc này trong công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh, thành ở CHDCND Lào là sớm hoàn thành mô hình tổ chức, đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với đào tạo và luân chuyển cán bộ, từng bước xoá bỏ tình trạng trì trệ hiện nay trong đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ cấp tỉnh nói riêng.

Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ được đảng bộ các tỉnh quan tâm hàng đầu, mà vai trò tham mưu hết sức quan trọng là đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh. Từng bước tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hiện có theo các chức danh cho phù hợp với năng lực, sở trường; chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội các cấp. Những cán bộ nào lớn tuổi, sức khoẻ yếu, trình độ năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ thì giải quyết cho nghỉ hưu, nghỉ mất sức, hoặc chuyển sang lĩnh vực công tác khác cho phù hợp. Đồng thời tuyển chọn những cán bộ có phẩm chất vững vàng, đạo đức tốt, có lối sống trong sáng, có trình độ cả về lý luận và thực tiễn... trên các lĩnh vực để tăng cường, bổ sung cho đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh. Mặt khác quan tâm khuyến khích việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ này, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt đồng thời là nguồn cán bộ lâu dài làm công tác tổ chức, cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ nói chung, cấp tỉnh nói riêng là mục tiêu, là động lực của công cuộc đổi mới và phát triển Lào theo định hướng XHCN; Xác định công tác tổ chức, cán bộ nói chung và cấp tỉnh nói riêng là vấn đề trung tâm trong chiến lược xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào; xác định đổi mới công tác tổ chức cán bộ nói chung và cấp tỉnh nói riêng phải đi trước một bước; là một quá trình, có những bước đi và yêu cầu thích hợp; xây dựng và hoàn chỉnh chính sách cán bộ cấp tỉnh, thành làm cơ sở cho đổi mới công tác tổ chức, cán bộ ở các địa phương; xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị cấp tỉnh làm căn cứ cho công tác cán bộ; xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy chế về công tác tổ chức, cán bộ cấp tỉnh; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động của công tác tổ chức, cán bộ theo hướng khoa học và hiện đại; xây dựng trường đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ; biên soạn, phát hành tới cơ sở các tài liệu hướng dẫn, tạp chí nghiên cứu chuyên đề... phục vụ cho nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở Lào hiện nay.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất