Tập trung các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội tại Đắk Lắk
Một hộ dân ở xã Hòa Phú thoát nghèo nhờ chương trình hỗ trợ bò sinh sản để phát triển sản xuất của UBND TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Một hộ dân ở xã Hòa Phú thoát nghèo nhờ chương trình hỗ trợ bò sinh sản để phát triển sản xuất của UBND TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Chăm lo các đối tượng yếu thế

Thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh để tổ chức thực hiện.

Trước hết là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật đến cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân để các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân có trách nhiệm bảo đảm các quyền của người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi như: Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo qui định; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác… và các quyền của người khuyết tật theo Luật: Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lí, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật…

Song song với việc ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, công tác thông tin, tuyên truyền thì việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật cũng được các cấp, các ngành chú trọng, thực hiện theo qui định, như chính sách: Trợ giúp xã hội, việc làm và dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, miễn giảm giá vé, giá dịch vụ…

Hiện Đắk Lắk có 24.190 người khuyết tật, 22.494 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo qui định; hàng năm có hàng trăm nghìn người cao tuổi, người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe.

An sinh xã hội cho người nghèo

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; đồng thời đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2023, Đăk Lắk đã giải quyết cho vay đối với 117.648 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho 621 hộ nghèo; tổ chức 28 lớp đào tạo nghề cho 3.871 lao động nông thôn là người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số tham gia; cấp 2.432.401 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lí; thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí học tập, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho 72.480 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số; cung cấp dịch vụ pháp lí miễn phí cho 918 lượt người nghèo bằng các hình thức tư vấn và tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lí lưu động tại các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn, xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, xã biên giới.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, duy tu bảo dưỡng 34 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh trên địa bàn 2 huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk; giải quyết việc làm cho khoảng 57.450 người, trong đó, lao động nữ: 19.800 người; lao động dân tộc thiểu số: 13.400 người; công tác xuất khẩu lao động đã được các công ty tư vấn, tuyển dụng khoảng 2.236 người, trong đó số người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài khoảng 2.050 người, số còn lại đang đào tạo, học giáo dục định hướng tại các doanh nghiệp chờ xuất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách giảm nghèo đến với người dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Xây dựng 8 chương trình truyền hình tiếng phổ thông; 4 chương trình phát thanh tiếng dân tộc (phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ê đê và tiếng M’nông), 17 tin, 15 phóng sự, 15 ảnh; sản xuất và phát sóng 1 Chương trình phát thanh đến tận thôn, buôn, tổ dân phố; 368 băng rôn cấp cho 184 xã, phường, thị trấn.

Với thông điệp “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, tỉnh đã có nhiều hoạt động hướng về đồng bào nghèo như: thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ tiền mặt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; rà soát, xét duyệt, tổng hợp số hộ, số khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để chủ động tổ chức hỗ trợ vật chất đầy đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, người nghèo, người cận nghèo được tham gia vào một số hoạt động của chương trình giảm nghèo như: tham gia họp dân thống nhất kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm; tham gia họp lấy ý kiến về nội dung dự án và lập danh sách đối tượng tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; được hỗ trợ nước sạch, nhà vệ sinh...

Với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách trên đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo, giảm chênh lệch giàu, nghèo và tăng khả năng tiếp cận các thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua cùng với cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn quán triệt, bảo đảm việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách liên quan đến người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người cận nghèo góp phần vào việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất