Nỗ lực vượt khó khăn bảo đảm công tác nhân quyền
Công tác nhân quyền

Công tác nhân quyền của Việt Nam trong năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Những chuyển biến mạnh mẽ

Trong bối cảnh nhiều thách thức hậu đại dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ, các bộ, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo Nhân quyền các tỉnh, thành phố đã tập trung triển khai cá nhiệm vụ trong năm 2022. Việc Việt Nam lần thứ hai được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu nhân quyền trong nước cũng như vai trò, sự đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy QCN trên bình diện quốc tế.

Môi trường chính trị tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vi phạm pháp luật; phản bác các luận điệu, thông tin xuyên tạc về tình hình Việt Nam. Đây là tiền để vững chắc, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm QCN như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.  

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 ước tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Tính đến hết tháng 11-2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 123 nghìn lượt doanh nghiệp với gần 5,3 triệu lượt lao động. Các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chăm lo cho hộ nghèo. Trong năm 2022, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là hơn 14,3 nghìn tỷ đồng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy QCN trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Trong năm 2022, Quốc hội đã thông qua 12 luật, 21 Nghị quyết; cho ý kiến về 13 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến QCN, quyền công dân. Trong đó có một số văn bản quan trọng như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi),... Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, ban hành nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực thi các luật, bảo tốt hơn QCN, quyền công dân: dự thảo Nghị định qui định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP); Nghị định qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; ban hành 03 Nghị định, 05 Thông tư thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, in-tơ-nét…

Đã tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19… Các chính sách dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được quan tâm chỉ đạo sát sao. 

Các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nghĩa vụ theo các cam kết, công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, đã hoàn thành Báo cáo tự nguyện giữa kỳ thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ phát; hoàn thành Báo các thực thi Công ước chống phân biệt chủng tộc (CERD), xây dựng Báo cáo thực thi Công ước quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn (CAT); trả lời đầy đủ, kịp thời 12 kháng thư của các cơ chế nhân quyền LHQ về vấn đề nhân quyền. Thông qua Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU (5-2022), Việt Nam - Mỹ (11-2022) và các buổi làm việc với các nước, chúng ta đã cung cấp cấp thông tin chính thống, phản bác các nhận định sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Công tác thông tin, tuyên truyền về thành tựu bảo đảm QCN trong năm 2022 được quan tâm đẩy mạnh với sự tham gia mạnh mẽ và vai trò tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, tập trung vào thành tựu bảo đảm QCN của Việt Nam, nhất là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 và tình hình thế giới. Hội nghị cung cấp thông tin nhân quyền cho báo chí được duy trì định kỳ hằng tháng giúp định hướng cho các cơ quan báo chí tuyên truyền về nhân quyền. Cùng với Tạp chí Nhân quyền Việt Nam phát hành hằng tháng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai đa dạng các loại hình thông tin, tuyên truyền thông qua chuyên mục nhân quyền trên các báo điện tử Vietnamnet, Vnexpress, Tạp chí Xây dựng Đảng,… và các chương trình tuyên truyền thành tựu QCN và đấu tranh phản bác thông tin xuyên tạc trên kênh VTV1, VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam), VOV1, VOV5 (Đài Tiếng nói Việt Nam),... đã phản ánh sinh động thực tiễn bảo đảm QCN ở Việt Nam, góp phần vào sự đánh giá, ghi nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế vào việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kì 2023-2025.

Tiếp tục nỗ lực vì quyền con người

Năm 2023, tình hình thế giới và khu vực dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến bảo đảm, thúc đẩy QCN. Là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và năm đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, các thế lực phản động, cực đoan lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền sẽ gia tăng hoạt động chống Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh đó, công tác nhân quyền năm 2023 cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần tăng cường hiệu quả xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy QCN. Tập trung kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy QCN. Triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, bảo đảm đời sống nhân dân trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số và người lao động bị mất việc làm; chương trình mục tiêu quốc gia cho người dân tộc thiểu số và địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trọng tâm là Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thứ hai, tiếp tục thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế về nhân quyền, các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên, nhất là các công ước đến hạn báo cáo (ICCPR, CERD, CAT); đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III. Phát huy vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả vào các diễn đàn nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chủ động, tích cực cung cấp thông tin cho các cơ chế nhân quyền LHQ; trả lời kịp thời, đầy đủ các kháng

Thứ ba, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại với nhiều ngôn ngữ về thành tựu bảo đảm QCN của Việt Nam, phản bác các thông tin xuyên tạc. Duy trì hiệu quả các blog/fanpage, kênh Youtube, các chuyên mục về QCN trên các báo, đài, phương tiện truyền thông đại chúng để tạo dòng thông tin chủ lưu, tích cực, lan tỏa rộng rãi. Nghiên cứu kênh trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình dân chủ, nhân quyền với các tổ chức phi chính phủ, phóng viên báo chí nước ngoài; tăng cường bài viết, tiếng nói của người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sự khách quan, minh bạch và tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ ta.

Thứ tư, chủ động tổ chức các buổi làm việc với đại diện ngoại giao các nước để thông tin về tình hình nhân quyền Việt Nam, giải tỏa kịp thời những vấn đề, đối tượng họ quan tâm, đồng thời phản bác định kiến, đánh giá sai lệch. Tranh thủ kênh đối ngoại nhân dân để tăng cường thu hút nguồn lực việc từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội. Thông qua kênh đối ngoại nhân dân tăng cường vận động, đối thoại với các tổ chức, cá nhân ở Mỹ, EU để giảm thiểu sức ép về vấn đề nhân quyền.

Thứ năm, nắm chắc tình hình liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc - lĩnh vực mà các thế lực thiếu thiện chí, cực đoan thường tập trung xuyên tạc, chống phá để kịp thời xử lý những vấn đề phức tạp. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về chính sách, pháp luật, đồng thời nâng cao sức đề kháng, cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chống phá của số đối tượng phản động, cực đoan. Kịp thời xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh trong tôn giáo, dân tộc; giải quyết thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, không để tạo thành điểm nóng.

Đấu tranh, xử lý kiên quyết các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động các hoạt động chống phá, nhất là số đối tượng núp bóng cái gọi là “nhà bảo vệ nhân quyền”, “nhà hoạt động môi trường” được bên ngoài tung hô, cổ xúy. Tăng cường xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc vấn đề nhân quyền.

Thứ sáu, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức, nhận thức về công tác nhân quyền cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Mở rộng đối tượng tập huấn, nhất là các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy nguồn lực tham gia công tác bảo đảm, thúc đẩy QCN. Tập trung thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21-12-2021 về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung QCN vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vấn đề nhân quyền.

Thứ bảy, kiện toàn bộ máy, tăng cường hiệu lực hiệu quả và sự chỉ đạo, phối hợp xuyên suốt giữa Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhân quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác nhân quyền cần được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài cần có sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền và có sự đầu tư đúng mức về nguồn lực.

Có thể khẳng định, những kết quả năm 2022 sẽ là nền tảng, là động lực để công tác nhân quyền tiếp tục những thành công trong năm 2023 khi Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ có cơ hội tham gia, đóng góp nhiều hơn trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế về vấn đề nhân quyền, đồng thời tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng đến mục tiêu vì con người, cho con người.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất