Những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền của nhóm dễ bị tổn thương

Phạm Đại Đồng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, chúc Tết gia đình chính sách, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào các dân tộc tại thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà (Cao Bằng).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, chúc Tết gia đình chính sách, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào các dân tộc tại thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà (Cao Bằng).

Nâng cao đời sống của các đối tượng bảo trợ xã hội

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống cho NCT, NKT, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm thực thi quyền an sinh xã hội của khoảng 12 triệu NCT (12% dân số), 7,2 triệu NKT từ 2 tuổi trở lên (7,2% dân số) và 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn lại năm 2022, công tác bảo trợ xã hội đạt được những thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận tiêu biểu như:

Thứ nhất, bảo đảm NCT, NKT được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật trợ giúp xã hội từ Trung ương đến địa phương, NCT, NKT có thể tham gia giao thông công cộng, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; tiếp cận công trình xây dựng, công nghệ thông tin và truyền thông; được trợ giúp pháp lý; phát huy vai trò NCT...

Đến nay, 95% NCT được cấp thẻ BHYT, 32% NCT được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; 35% NCT ở nông thôn và 70% NCT ở thành thị tham gia các hoạt động thể dục, thể thao thường xuyên; 100% NCT khi tham gia giao thông công cộng được miễn giảm giá vé; cấp thẻ BHYT miễn phí cho trên 1,5 triệu NKT; 50 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; 100% bệnh viện đa khoa Trung ương, tỉnh có khoa phục hồi chức năng (PHCN), 90% bệnh viên đa khoa và 40% bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh có khoa PHCN, 95% trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng và NKT.

Thứ hai, đời sống NCT, NKT, đối tượng bảo trợ xã hội được nâng cao. Đến nay, đã có trên 3 triệu NKT được cấp giấy xác nhận; gần 1,9 triệu NCT và 1,1 triệu NKT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 20.000 NCT, NKT đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội với mức tối thiểu là 360.000 đồng/người/tháng. Các đối tượng thuộc diện được trợ giúp xã hội đều được cấp thẻ BHYT, khi qua đời được hỗ trợ chi phí mai táng. Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Giang đã nâng mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ; mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là NCT, trẻ em sống ở vùng núi, hải đảo. Ngân sách nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chủ động rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân nhất là số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói để kịp thời hỗ trợ, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán.

Thứ ba, NCT, NKT được nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện bảo đảm. Trong năm qua, các Bộ ngành, địa phương đã tập trung phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho NCT, NKT. Đến nay, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (196 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc NCT, 67 cơ sở chăm sóc NKT. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho NCT, NKT với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đều đáp ứng tiêu chuẩn về nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe; phục hồi chức năng; lao động và dạy nghề; bảo đảm các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa.

Thứ tư, NCT và NKT được tạo điều kiện học nghề, hướng nghiệp, tạo tiền đề quan trọng giúp họ có thể tự nuôi sống bản thân, không phụ thuộc, đặc biệt là về kinh tế. Việc đào tạo nghề, tổ chức vay vốn hỗ trợ NKT được các Bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, gần 20 tỉnh, thành phố đã có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt với 4.110 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật; cả nước có 1.130 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tổ chức đào tạo nghề cho NKT, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Trong số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho NKT có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho NKT là 3.359 giáo viên, đào tạo cho khoảng 19.000 NKT/năm.

Thứ năm, Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2030" được đẩy mạnh triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, bước đầu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội, người có công, giảm nghèo, BHXH, BHYT, trong đó có hợp phần cơ sở dữ liệu trợ giúp NCT, NKT là cơ sở để đề xuất chính sách trợ giúp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Tạo việc làm cho người khuyết tật

Tạo việc làm cho người khuyết tật.

Trong năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của các cấp chính quyền, công tác bảo đảm quyền của NCT, NKT và các đối tượng bảo trợ đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận; các chương trình, chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội đã có kết quả tốt. 100% NCT, NKT, người yếu thế đủ điều kiện hưởng chính sách trợ giúp xã hội, được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế và các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch, trợ giúp pháp lý… Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người yếu thế được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Nhờ đó, Việt Nam được Liên hiệp quốc công nhận là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ.

Bao phủ chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội

Với những kết quả đạt được, tuy nhiên, công tác bảo đảm quyền của NCT, NKT và các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Đời sống NCT, NKT còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Mức trợ cấp xã hội đối với NCT, NKT còn thấp, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn.

Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp NCT, NKT còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho NKT, các dịch vụ trị liệu tâm lý; số lượng NCT, NKT được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu cho NCT, NKT còn nhiều bất cập, một số dụng cụ, thiết bị trợ giúp NKT (máy trợ thính, chân, tay giả) chưa được BHYT chi trả…

Rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại cho NKT là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là ở khu vực đô thị, khó bảo đảm lộ trình tiếp cận giao thông, công trình công cộng theo quy định của Luật NKT. Nhiều địa phương khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm giá vé tham quan, di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch đối với NCT, NKT tại các cơ sở do tư nhân đầu tư, quản lý; hoạt động của Hội NCT, NKT ở nhiều nơi còn hạn chế; Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT tại cơ sở còn khó khăn trong việc huy động.Còn bộ phận NCT, NKT khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục thể thao ở cơ sở. Số lượng NCT, NKT tiếp cận sử dụng in-tơ-nét thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu tổng quát là tiếp tục từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, bảo đảm các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống; đổi mới cơ chế quản lý, huy động nguồn lực cho thực thi chính sách, cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án có liên quan trợ giúp xã hội đối với NCT, NKT; có chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, giáo dục, y tế; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ đối với NKT.

Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi theo hướng phát huy vai trò NCT, phù hợp với điều kiện và tình hình mới, nhất là vấn đề già hóa dân số trong giai đoạn tới và các khuyến nghị của Liên hiệp quốc.

Nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dự án đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật sửa đổi, bổ sung để có thể thể  chế hiệu quả và đầy đủ hơn Công ước quốc tế về quyền của NKT (CRPD) nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của NKT.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021, Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2021-2030, Quyết định số 1190/CT-TTg ngày 5-8-2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030…; phối hợp, triển khai thực hiện mục tiêu 100% NCT, NKT được cấp thẻ BHYT; xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện Công ước của LHQ về quyền của NKT; xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và giám sát thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1-11-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công tác NKT.

Ba là, xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, bệnh viện, trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo đảm đủ điều kiện trợ giúp cho NCT, NKT, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm tiếp nhận đối tượng khẩn cấp tại cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của các cơ sở trợ giúp xã hội đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định.

Bốn là, triển khai Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về trợ giúp xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách”, trong đó có dữ liệu liên quan đến NCT, NKT. Nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về cơ sở dữ liệu; đánh giá, mở rộng phạm vi thí điểm tại các tỉnh; hoàn thiện cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội theo hướng phân cấp gắn với cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất