Chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm bình đẳng giới trong độ tuổi kết hôn
Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu giới thiệu, trao đổi về pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam và Đức, học hỏi kinh nghiệm của CHLB Đức, từ đó hướng đến hoàn thiện pháp luật hôn nhân & gia đình, đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Đức trình bày các tham luận về các chủ đề như: Quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, hậu quả của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn - vấn đề đặt ra về pháp lý và thực thi; Đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn từ thực tiễn công tác hộ tịch; Tổng quan về khung pháp lý và các quy định của Đức về hôn nhân và gia đình; Vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính; quan hệ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn - quy định của Đức và ý nghĩa thực tiễn; Các khía cạnh kinh tế và đại diện hợp pháp của vợ hoặc chồng trong quan hệ kinh doanh theo quy định của pháp luật CHLB Đức; Quy định pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng liên quan đến tài sản trong quan hệ hôn nhân gia đình - vấn đề đặt ra về pháp lý và thực thi; Đánh giá quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến tài sản của vợ chồng từ thực tiễn giải quyết các vụ việc tại Tòa án; Các khía cạnh và quy định khác của Luật Hôn nhân và Gia đình: chế độ tài sản trong hôn nhân, quy định về ly thân và ly hôn trong pháp luật CHLB Đức…

Tại đây, các đại biểu trao đổi, đặt ra các câu hỏi về các vấn đề giữa quy định của pháp luật Việt Nam với các quy định của pháp luật CHLB Đức như: quy định pháp luật về điều kiện kết hôn; vấn đề giải quyết hậu quả đối với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; việc đảm bảo lợi ích của con chưa thành niên; về quyền nuôi con khi vợ, chồng ly hôn hoặc trong trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (bao gồm cả trường hợp hai người cùng giới chung sống với nhau mà không đăng ký hoặc có đăng ký quan hệ đối tác chung sống); vấn đề trợ cấp sau khi ly hôn...

Kết thúc 2 ngày diễn ra Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Thị Hoàng Thanh trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật, các đại biểu, các chuyên gia đến từ CHLB Đức và Việt Nam; đề xuất chủ đề tiếp tục hợp tác trong thời gian tới và hi vọng rằng phía Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Tư pháp để tiếp tục hoàn thiện khung chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất