Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao.

Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao.

TP. Buôn Ma Thuột, đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị, thành phố Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong giai đoạn 2010-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế khá, đạt mức bình quân 9,38%, trong đó: Tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 9,98%; dịch vụ đạt 10,55%; nông - lâm - thủy sản đạt 2,99%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010.

Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, như: Hồ thủy lợi Ea Tam (tổng mức đầu tư 1.492 tỷ đồng); Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (TMĐT 1.098 tỷ đồng); Đường Đông - Tây (TMĐT gần 1.000 tỷ đồng); nâng cấp đường từ quốc lộ 14 đoạn giao với đường Lê Duẩn vào Hồ du lịch sinh thái Ea Kao (TMĐT 115 tỷ đồng); đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh (TMĐT 316,2 tỷ đồng); nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; hạ tầng cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2; Đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột;… trong đó một số dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án đường Đông - Tây thành phố Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị góp phần hình thành khu đô thị phía Đông - Nam thành phố; hồ thuỷ lợi Ea Tam - lá phổi xanh của Thành phố đang được thi công, rộng 35 héc-ta, sẽ là điểm nhấn tuyệt vời của thành phố Cao Nguyên đầy nắng gió, đem lại sức sống mãnh liệt cho hàng chục cụm đô thị mới.

Các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển vượt bậc, tạo nên TP. Buôn Ma Thuột khang trang, hiện đại, bước đầu thể hiện được vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tạo sự lan tỏa, kết nối, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh, thành trong khu vực...

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, trong tổ chức thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém, như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Chưa thật sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên; chưa thể hiện rõ nét là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng, là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Căm-pu-chia. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh chậm được nâng cấp; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả; TP. Buôn Ma Thuột chưa được ưu tiên nguồn lực đầu tư; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù…

TP. Buôn Ma Thuột đang dần được phủ một màu xanh dịu mát của cây xanh.

TP. Buôn Ma Thuột đang dần được phủ một màu xanh dịu mát của cây xanh.

Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ðể Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, ngày 16-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW “về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Kết luận định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý; tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9-7-2020 “về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 67 của Bộ Chính trị” cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với việc xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Để thực hiện Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19-4-2021; HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã thông qua Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 21-12-2021 “về xây dựng và phát triển  TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với nhiều giải pháp lớn như: Quy hoạch mở rộng địa bàn Thành phố; phân cấp nguồn lực và thẩm quyền cho Thành phố; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Thành phố, nhất là hạ tầng giao thông; đề nghị Trung ương bố trí thêm nguồn lực cho phát triển giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai...

Để cụ thể hóa Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành 02 nghị quyết chuyên đề quan trọng, đó là: Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 1-3-2021 về “Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 4-3-2021 về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 22-7-2021“về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19-4-2021, về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với các nhiệm vụ, giải pháp như: Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai; tăng cường thu hút nguồn lực, triển khai các công trình trọng điểm; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phối hợp hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng Thành phố trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, du lịch, văn hóa, thể thao của vùng...

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 25-11-2021 (về thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 22-7-2021 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 1-3-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy); tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng việc xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự thống nhất, đồng tình ủng hộ, tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc thu hút và huy động nguồn lực đầu tư, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thí điểm lựa chọn một số công trình giao thông để xây dựng phương án vận động nhân dân hiến đất, tài sản, giảm áp lực nguồn vốn đầu tư của nhà nước, như việc huy động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng vỉa hè đá tự nhiên cho các tuyến đường trung tâm Thành phố; vận động nguồn lực trong dân tại 8 xã để xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đến năm 2025 có 8/8 xã đạt nông thôn mới nâng cao; kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ trên địa bàn các phường, xã,...

Khởi công xây dựng hồ thuỷ lợi EaTam, TP. Buôn Ma Thuột.

Khởi công xây dựng hồ thuỷ lợi EaTam, TP. Buôn Ma Thuột.

Cùng với việc triển khai thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt mục tiêu: "Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc; là điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế”. Để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ, chanh leo, chôm chôm, mít,...), cây công nghiệp (cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè),… Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại thành phố Buôn Ma Thuột; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số với trọng tâm là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, gắn với phát triển nông nghiệp, hệ thống logistics thông minh và kinh tế cửa khẩu; tập trung phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hoá gắn với các tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên theo hành lang quốc lộ 26, 29 và cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hoá Tây Nguyên, trong đó TP. Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng; phấn đấu hoàn thành cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột;...

Hy vọng, với những nỗ lực, tinh thần quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột cùng với một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua (ngày 15-11-2022), sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, TP. Buôn Ma Thuột sẽ sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất