Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quốc bảo của dân tộc. Ảnh: TL
Trong 6 nội dung cốt lõi của Di chúc, ngay từ nội dung đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần nhắn nhủ, tâm huyết dặn dò đội ngũ cán bộ, đảng viên: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” (1). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng là: "Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng... Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì Dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” (2).
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc và không ngừng nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng. Người luôn khẳng định đội ngũ cán bộ, đảng viên có tu dưỡng, rèn luyện tốt đạo đức cách mạng thì mới góp phần xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, và Đảng mới có thể lãnh đạo cách mạng đi tới thành công.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, đặc biệt mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội; lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo đồng tiền đã dẫn đến sự xuống cấp đạo đức xã hội tới mức nghiêm trọng, thì việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng quan trọng và cấp thiết. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả rèn luyện đạo đức cách mạng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu, tiến hành nhiều nội dung, biện pháp, trong đó trước hết, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, không ngừng nỗ lực nghiên cứu, nắm vững nội dung và thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thông qua nhiều bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định các chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng đó là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng. Các chuẩn mực đạo đức trên có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau trong suốt quá trình rèn luyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Yêu cầu khách quan đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện toàn diện các chuẩn mực đạo đức cách mạng, không được coi nhẹ chuẩn mực nào. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, nội dung rèn luyện từng chuẩn mực đạo đức có những yêu cầu cụ thể khác nhau. Để nâng cao hiệu quả việc rèn luyện chuẩn mực đạo đức quan trọng này, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác rèn luyện thường xuyên; phải nghiêm khắc với chính mình; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chống mọi hành vi xu nịnh, tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt, phải dũng cảm chiến đấu, kiên quyết đấu tranh đánh bại, loại bỏ những thói hư, tật xấu, những cái ''bất liêm", ''bất chính" luôn ẩn náu trong mỗi con người cán bộ, đảng viên.
Hai là, ra sức phấn đấu, thực hiện tốt các phương châm rèn luyện đạo đức cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những phương châm cơ bản về rèn luyện đạo đức cách mạng đó là: Tu dưỡng đạo đức suốt đời; Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức; Xây đi đôi với chống. Các phương châm rèn luyện đạo đức nói trên chính là hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về định hướng, chỉ đạo quá trình rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, nhằm không ngừng bồi dưỡng, vun đắp, nâng cao những phẩm chất đạo đức cách mạng tốt đẹp, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện các phương châm rèn luyện mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định.
Trong các phương châm rèn luyện đạo đức, phương châm "Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức" có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta đều biết rằng, không ở lĩnh vực nào mà vấn đề nêu gương lại được đặt ra như trong lĩnh vực đạo đức. Cả V.I.Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đã từng nêu một nguyên tắc rất cơ bản về xây dựng đạo đức đó là: Một trăm bài diễn thuyết hay, không bằng một tấm gương sống. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh: "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước" (3).
Để phát huy mạnh mẽ vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Ngày 19-12-2016, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Quy định 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngày 25-10-2018, BCH Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Để ban hành các Quy định trên, Đảng ta đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm rèn luyện đạo đức cách mạng.
Ba là, nỗ lực phấn đấu, thực hiện sáng tạo các phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên có nhiều phương pháp để rèn luyện đạo đức, trong đó những phương pháp cơ bản và phổ quát nhất đó là: Ham học, cầu tiến bộ; Lắng nghe ý kiến và tôn trọng kỷ luật; Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Các phương pháp rèn luyện đạo đức nêu trên đều rất quan trọng, rất cần thiết, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động nghiên cứu, tích cực thực hiện một cách sáng tạo, không được coi nhẹ phương pháp nào. Tuy nhiên, trong các phương pháp rèn luyện đạo đức, phương pháp "tự phê bình và phê bình" có vai trò to lớn và có tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì, phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén để chiến đấu và chiến thắng với những sai lầm, khuyết điểm, là một trong những động lực mạnh mẽ cho sự tiến bộ, trưởng thành của từng cá nhân và từng tổ chức.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn phê bình đạt kết quả tốt, thì cán bộ, đảng viên phải có động cơ phê bình trong sáng, thái độ phê bình chân tình, phương pháp phê bình đúng đắn. Khi tiến hành phê bình, phải kiên quyết phản đối thái độ phê bình thiếu xây dựng, phương pháp phê bình gay gắt theo kiểu "đao to búa lớn", "quy chụp vu cáo", lợi dụng phê bình để moi móc, công kích. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ dẫn rằng, phê bình phải sao cho ''thấu tình, đạt lý", phải tiến hành thường xuyên, tiến hành triệt để, chỉ rõ nguyên nhân, chỉ rõ biện pháp cụ thể để sửa chữa. Nếu chúng ta thực hiện phê bình được như vậy, thì nhất định đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ không ngừng tiến bộ, trưởng thành.
----
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 15, tr. 611-612.
(2) Sách đã dẫn, tập 11, tr. 603.
(3) Sách đã dẫn, tập 6, tr.16.
PGS. TS. Hà Huy Thông