Nguyễn Văn Cừ - tầm cao người cộng sản về lý luận và thực tiễn trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (Ảnh: Tư liệu).

Một cuộc đời sống động từ tuổi trẻ


Tại Sài Gòn - Gia Định, trong nhiều năm liền Trung ương Đảng đã đứng chân hoạt động trong những tình huống nguy hiểm, gian khổ nhất và chỉ đạo nhiều vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, rồi Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Hà Huy Tập và nhiều lãnh tụ cấp cao của Trung ương Đảng ta. Nay ta đến đây, tại các xã Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thường (huyện Hóc Môn), hầu như những nơi từng in dấu ấn của Trung ương Đảng, cũng như hương hồn các Tổng Bí thư của Đảng, thì chúng ta mới hiểu thêm tại sao trong những tình huống khó khăn nhất, ác nghiệt nhất, kẻ thù cũng đàn áp khốc liệt nhất, tấm lòng người dân huyện Hóc Môn vẫn sống, chết tới cùng vì sự an toàn của cơ quần đầu não của Đảng ta.

Qua một quá trình hoạt động, đầu năm 1928, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội. Năm 1930, đồng chí được cử làm Bí thư đầu tiên đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Sau đó, ông bị địch bắt, kết án khổ sai 7 năm đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, cùng các đồng chí bạn tù vẫn tranh thủ học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, viết báo và trở thành một cán bộ lý luận xuất sắc trong lao tù Côn Đảo. Năm 1936, sau phong trào Bình dân ở Pháp phát triển sâu rộng, có hiệu quả sang cả Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được trả tự do.

Năm 1938 khi mới 26 tuổi, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 7-1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích” để đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã chỉ đạo sớm đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã lăn lộn trong nhiều phong trào mà lúc này Đảng ta phải hoạt động trong tình thế luôn bị kẻ thù bao vây. Lúc này, là Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử của Đảng ta, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu (khoá I) để chấn chỉnh, đề ra những vấn đề quan trọng của Đảng ta. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, dựa trên cơ sở liên minh công - nông là “Hai lực lượng chính của cách mạng”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đánh dấu bước phát triển quan trọng về lý luận và đường lối phương pháp cách mạng của Đảng, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của Đảng. Nghị quyết góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong tình hình mới.

Những cống hiến quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ

Là nhà lãnh đạo trẻ tuổi và đứng đầu Đảng ta trong một giai đoạn cực kỳ gian khó, kẻ địch thường xuyên theo dõi, bắt bớ các đảng viên cộng sản, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp quyết định trong việc vạch ra chiến thuật và chiến lược của cách mạng Việt Nam vào những năm 1938-1940, trong lúc chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ rộng rãi toàn xứ. Những lý luận và quyết sách của Đảng ta mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ thay mặt Trung ương Đảng chỉ đạo đã để đưa phong trào đấu tranh của dân tộc lên một tầm cao mới vào những năm sau đó, sau thời kỳ thực dân Pháp bước vào giai đoạn khủng bố toàn diện. Những cống hiến quan trọng về lý luận và thực tiễn của đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho cách mạng Việt Nam đã thể hiện trên nhiều mặt, sau đây:

Một là, với khả năng nhạy bén, đồng chí nắm bắt tình hình trong nước và ngoài nước đúng, nhanh chóng, cùng với trình độ lý luận chính trị xuất sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo toàn quốc phải thay đổi chiến lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng - giai đoạn cách mạng những năm 1938-1942, giai đoạn khi có cuộc chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ và những ứng biến của Đảng ta đầy gian nan trong với cuộc chiến tranh toàn thế giới lần thứ II.

Hai là, khi nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạnh Việt Nam và Đông Dương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề về chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng; chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” kịp thời gửi tới đảng bộ các cấp; trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ đã có những tác dụng cụ thể, quan trọng trong chỉ đạo chiến lược cách mạng của Đảng ta. Đồng thời, từ tháng 9-1939, khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã chỉ đạo sớm đưa Đảng ta rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho chuyển hướng chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Ba là, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người có khả năng và tầm nhìn lý luận, ứng dụng vào thực tiễn sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các vấn đề lý luận đi liền với thực tiễn được giải quyết một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với quy luật vận động khách quan, nhất là trong tình hình Đảng ta hoạt động đầy khó khăn khi chuẩn bị thế giới bước vào Đại chiến thế giới lần thứ II, mà thực dân Pháp là một mắt xích quan trọng của cuộc chiến tranh ra toàn thế giới.

Bốn là, với sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương đã cho thấy đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người nắm vững Chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Từ sự phân tích khoa học, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta quyết định không áp dụng mô hình Mặt trận bình dân (kiểu Pháp), cũng không rập khuôn mô hình Mặt trận dân tộc phản đế (của Trung Quốc) mà thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất. Chỉ có thế Đảng ta vừa đoàn kết được giai cấp công nhân, nông dân; vừa thu hút được trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác, trong điều kiện hoạt động của Đảng đầy gian nan.

Năm là, sau hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ sáu. Hội nghị họp vào tháng 11-1939 tại Hóc Môn đã quyết định chuyển toàn bộ hoạt động công khai và bán công khai của Đảng vào bí mật, quyết định khẩu hiệu đấu tranh, hình thức đấu tranh, mục tiêu và lực lượng cách mạng, vấn đề mặt trận và vấn đề Chính phủ sau này, cũng như thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng. Có thể nói Hội nghị Trung ương sáu đã ghi nhận bước đầu Đảng ta đã trở lại với các quan điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nêu ra thời kỳ thành lập Đảng, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược khi bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế thay đổi nhanh chóng. Điều này thể hiện tư duy chính trị hết sức nhạy bén và năng lực sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.

Sáu là, Tổng Bí thư Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng đã sớm hiểu rõ tầm quan trọng của công tác tự phê bình và phê bình trong xây dựng đội ngũ cách mạng của Đảng ta. Với bút danh Trí Cường, tháng 7 năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cho ra mắt cuốn “Tự chỉ trích” để làm sáng tỏ hơn những vấn đề cần bàn bạc xung quanh công tác này của Đảng.

Bảy là, với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và nhân dân ta để đi tới những thắng lợi vĩ đại về sau. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Dù tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng, dân tộc ta tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về lòng tin mãnh liệt ở lý tưởng cao đẹp cách mạng, về tình thương yêu, quý mến giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nếp sống giản dị, chan hòa cùng với quần chúng nhân dân, vì nhân dân trong mọi hoạt động cuộc đời cao đẹp của người đứng đầu Đảng ta.

Với phẩm chất cao quý, tôn vinh ấy, đồng chí đã thể hiện tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng vào bất cứ thời điểm nào, kể cả trong lao tù. Từ lúc bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến khi bị thực dân Pháp đưa xử bắn cùng nhiều lãnh tụ của Đảng ta sau Nam kỳ khởi nghĩa 1940, đồng chí dù chưa được học ở trường lớp lý luận nào nhưng bằng niềm tin và nghị lực đã trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị và trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng ta, chỉ đạo nhiều vấn đề về mặt chiến lược, chiến thuật của Đảng, có tác động to lớn trong toàn quốc để vươn lên những tầm cao mới cách mạng Việt Nam đi tới Cách mạng Tháng Tám, lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á.      

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất