Bài học về sức dân ở Nam Bộ trong Cách mạng Tháng Tám 1945
Lễ đài độc lập ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu)

Lễ đài độc lập ngày 2-9-1945 tại Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu).

Sài Gòn và Nam Bộ chuẩn bị mọi mặt cho ngày tổng khởi nghĩa

Sau tháng 3-1945 sau khi phát-xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp, Xứ ủy Nam kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy nhận định thời cơ tiến hành khởi nghĩa để gây dựng phong trào quần chúng cần chuẩn bị gấp gáp. Thế là chỉ trong 3 - 4 tháng, hàng triệu người dân cả thành thị cũng như nông thôn, các tổ chức đảng ra sức tuyên truyền và sẵn sàng đứng lên. Ngày 15-8-1945 Xứ ủy Nam kỳ họp trong khi chưa có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động chúng ta” và Chỉ thị Tổng khởi nghĩa, do Ban khởi nghĩa mà Tổng Bí thư Trường Chinh làm Trưởng ban. Tuy nhiên, Thường vụ Xứ ủy đã căn cứ vào tình hình xác định thời cơ khởi nghĩa đã đến. Cuối cùng, sáng ngày 21-8-1945, Hội nghị Xứ ủy quyết định khởi nghĩa thí điểm ở Tân An (nay là Long An) đêm 22 rạng ngày 23-8-1945.

Tại Sài Gòn, Xứ ủy Nam kỳ quyết định lấy ngày 25-8 và Sài Gòn khởi nghĩa và là trọng điểm cho Nam Bộ. Tối ngày 24-8 đến 0 giờ 25-8 các đội xung phong công nhân và Thanh niên tiền phong đã hoàn tất chuẩn bị để chiếm các cơ quan nội ô, hầu như không gặp trở ngại gì, từ Nhà đèn, Chợ Quán, Sở Mật thám đến Đài Phát thanh, Dinh Thống đốc... đều đã bị chiếm giữ. Khâm sai Nam kỳ Nguyễn Văn Sâm và Đổng lý Văn phòng Phủ Khâm sai Hồ Văn Ngà bị bắt giữ tại phòng ngũ Dinh Khâm sai. Nông dân các điểm đi vào thành phố đã tung lực lượng chốt chặn các nơi có đông lính Nhật đóng giữ ở phía ngoại thành.

Riêng tại tỉnh Gia Định, hầu hết nông dân tại khắp các xã thuộc quận Gò Vấp, Nhà Bè, một số xã đông nông dân tại Hóc Môn đã lập ra tổ chức Nông dân Phản đế, Phụ nữ phản đế, Thanh niên phản đế… để bàn kế hoạch về hành động. Trên khắp các làng thuộc nông thôn tỉnh Gia Định, khắp các tụ điểm đông người, các ngã đường chính đều treo các khẩu hiệu, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm… ủng hộ cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến rất gần. Lúc này, tại tỉnh Chợ Lớn, 4 quận là Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc và Thành phố Chợ Lớn, nông dân đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia trực tiếp vào tổng khởi nghĩa, tập trung hàng ngàn người đi lên trung tâm Sài Gòn sáng 25-8.

Cũng tại trung tâm Sài Gòn và Gia Định, nhiều nơi ở công sở trung tâm, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Cuộc chiếm “Soái Phủ Nam kỳ” không vấp phải sự kháng cự nào vì hầu hết các viên chức cao cấp đều tham gia thanh niên tiền phong. Riêng tại Sở Mật thám (lúc này gọi là Sở Lính kín Catinat), lực lượng của Soái Phủ Nam kỳ còn có một số ít lính chống cự yếu ớt nhưng liền bị lực lượng khởi nghĩa nhân dân Sài Gòn đè bẹp ngay. Và thế là cả một lực lượng binh sĩ rất đông, trong đó 16.200 binh lính phát xít Nhật đầy đủ vũ khí nhưng sức mạnh không còn. Đây chính là thời cơ tạo nên sức mạnh lớn từ sự lãnh đạo của Xứ ủy (phần lớn là trí thức yêu nước của những người cộng sản) huy động đông đảo nhân dân từ nhiều tỉnh tại Nam Bộ, lực lượng cách mạng, công nhân, sinh viên, học sinh các tỉnh gần Sài Gòn - tỉnh Gia Định cùng đứng lên để tham gia giành chính quyền.

Ngay trong đêm 24-8-1945 kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chỉ đạo gấp rút xây dựng một kỳ đài bằng gỗ tại ngã tư hai đại lộ Charner - Bonard (nay là giao lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi - Quận 1). Và giữa đêm 24 rạng sáng 25-8, hàng chục ngàn công nhân, nông dân, viên chức, thanh niên nội và ngoại thành tập hợp theo đoàn, giới, trương cờ, băng khẩu hiệu, biểu ngữ… hành quân có trật tự vào trung tâm thành phố. Cuộc Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền đã về tay nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ. Sáng ngày 25-8 hàng ngàn người từ đại lộ Norodom (nay là đại lộ Lê Duẩn) đến Sở thú Sài Gòn (Thảo Cầm viên), đi đầu là hàng chục ngàn nhân dân Sài Gòn cùng các tỉnh lân cận. Kế đó cuộc mít-tinh và biểu tình bắt đầu, đi đầu là lá cờ Mặt trận và cờ Đảng cộng sản, đoàn biểu tình đi theo đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) về trước Dinh Đốc lý. Tại đây, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lĩnh Thanh niên tiền phong đã tuyên đọc danh sách Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Cuộc biểu tình chấm dứt trong tiếng nhạc bài “Lên đàng”, “Thanh niên hành khúc”. Như vậy, ngay sáng 25-8 chính quyền hoàn toàn thuộc về nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ.

Sau đó, cuộc mít-tinh lớn đã nổ ra trong sáng ngày 2-9-1945, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh lân cận đã kéo lá cờ đỏ sao vàng, ban nhạc công đánh bài Quốc tế ca, Quốc ca vang dội cả vùng rộng lớn. Những khẩu hiệu cuộc mít-tinh vang rộng ra vùng trung tâm, tạo nên một khí thế truyền đi cả nhân dân Nam Bộ. Tại cuộc mít-tinh này, lời thề của Sài Gòn và Nam Bộ trong ngày lễ Độc lập được đồng chí Nguyễn Lưu, thay mặt Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ đọc lên rõ nội dung, quyết chí của nhân dân cả Sài Gòn và Nam Bộ.

Bài học về sức dân và ý nghĩa mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám 1945

Một là, việc tập hợp lực lượng lớn từ sức mạnh của nhân dân, trong đó đông đảo nhất là lực lượng nông dân, công nhân, trí thức để lực lượng cách mạng khắp các tỉnh Nam Bộ, trong Cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Nam kỳ đã lấy trọn chính quyền tránh đổ máu, từ tay người Nhật trong tình hình hơn 16.200 lính Nhật có vũ trang tại Sài Gòn. Đó là sức mạnh to lớn từ truyền thống, ý chí bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam, nhân dân Nam Bộ để làm nên sức mạnh vĩ đại mà không kẻ thù nào, không thế lực đế quốc nào ngăn cản nổi.

Hai là, Cách mạng Tháng Tám đã tập trung cao độ ý chí đại đoàn kết, quyết tâm để đập tan ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đồng thời chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật trên toàn đất nước ta và đưa chế độ quân chủ đầu tiên đã hoàn toàn bị lật đổ, lần đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á được lập ra.

Ba là, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo mọi sự nghiệp vẻ vang của đất nước, người đại biểu cho lợi ích chính đáng dân tộc để đi tiếp những chặng đường vẻ vang tiếp theo mà tập trung nhất là sức mạnh đại đoàn kết đã kết tinh thành sức mạnh to lớn như hôm nay. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng to lớn nhất, từ tình đoàn kết, tin theo Đảng, đi theo tư tưởng đại đoàn kết làm nên những sức mạnh vô biên. Cách mạng Tháng Tám đã đưa người dân Việt Nam từ người nô lệ, áp bức trở thành người làm chủ đất nước từ 77 năm qua, đưa lại cuộc sống dân cày có ruộng, có độc lập, tự do trên chính quê hương, Tổ quốc của mình.

Bốn là, Cách mạng Tháng Tám là cuộc tổng khởi nghĩa kết hợp tài tình đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, một cuộc nổi dậy đồng loạt cả thành thị và nông thôn mà đòn quyết định là các cuộc khởi nghĩa ở thành phố Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám còn là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam đã góp phần cao cả của mình vào cuộc đấu tranh đánh thắng hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.

Năm là, từ thắng lợi này, dân tộc Việt Nam đã vươn lên quyết đánh thắng hai đế quốc lớn là thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975 cả nước đi vào hòa bình, độc lập, tiếp đó đi vào công cuộc đổi mới, phát huy khí thế của Tháng Tám mùa Thu, để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, đi tới giàu mạnh cho đến hôm nay. Đồng thời với Cách mạng Tháng Tám, các giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam đã quyết vươn lên, không ngừng là lực lượng to lớn nhất, hùng hậu nhất của cách mạng Việt Nam, luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, quyết phấn đấu đưa đất nước phát triển 77 năm qua, đưa lại sự nghiệp ngày càng thay đổi to lớn, thật sự có ý nghĩa như ngày nay.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất