Xã Huổi Một (Sông Mã, Sơn La) học Bác làm dân vận khéo
Lớp học khang trang ở Túp Phạ A có được từ khi cấp ủy đảng và bà con các dân tộc ở Huổi Một học và làm theo Bác
Khi chưa có Cuộc vận động...  

Cách đây 4 năm, trong một chuyến công tác lên với Túp Phạ A, tôi đã phải chứng kiến hình ảnh các cháu học sinh ở bản ngồi ê a học chữ trong một lớp học xiêu vẹo, tạm bợ. Gọi là lớp học vì trong đó có học sinh và giáo viên chứ thẳng thắn mà nói, lớp học khi đó còn không “kiên cố” bằng một chiếc nhà nương. Bởi nó đã quá cũ, các cột chính đã bị mối mọt, chỉ chực đổ, phần mái lợp hễ mưa xuống là biết ngay chứ chưa nói đến nắng. Đặc biệt, xung quanh lớp chỉ là những thanh tre được đan vào quây xung quanh không khác gì bờ rào. Đã vậy, bàn học, ghế ngồi của học sinh chỉ là những tấm ván cong, vênh được đặt lên những chiếc cọc tre, cọc gỗ, khi viết phải một tay giữ vì cập kênh... 

Túp Phạ A nằm cách xa trung tâm xã 25 km, đường đi lại quá khó khăn, nhất là vào mùa mưa, muốn lên tới bản chỉ có thể đi “xe của bộ”. Ngày đó, bản có hơn 40 nóc nhà, trẻ em trong độ tuổi đi học khoảng 20 cháu. Cũng bởi lớp học quá tạm bợ, cộng với cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc học tập của con em họ không được quan tâm. Thậm chí, tình trạng học sinh bỏ học hay các bé gái không được đi học vẫn xảy ra. Nhiều học sinh của bản sau khi học xong lớp 1, lớp 2, thay vì xuống trung tâm học tiếp thì lại bỏ học ở nhà hay lên nương cùng bố mẹ.  

Mang những hình ảnh và câu chuyện về sự học của các cháu học sinh trong bản tìm tới Trưởng bản  Vàng A Dê, chúng tôi vẫn còn nhớ vẻ mặt và giọng nói buồn buồn của anh khi nhắc tới tương lai học tập của trẻ em trong bản. Xã và bản đã tốn không biết bao công sức để vận động người dân trong bản quan tâm tới việc học tập của con em mình hay tham gia cùng bản dựng lại lớp học. Kêu gọi là vậy nhưng sự ủng hộ chỉ được vài người, còn đa phần câu trả lời của người dân khi đó vẫn chỉ là “Học không làm ra được ngô, sắn” hay “Dựng lớp học không phải trách nhiệm của chúng tôi”...

Những suy nghĩ chưa đầy đủ về giáo dục cùng với sự học ở Túp Phạ A trong một lớp học xiêu vẹo, tạm bợ chỉ được “phá bỏ” khi Huổi Một chọn Túp Phạ A là điểm triển khai nội dung học Bác làm dân vận khéo - một trong 7 nội dung về công tác dân vận được xã Huổi Một triển khai.

Khi có Cuộc vận động…    

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân vận dở thì việc gì cũng thất bại, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”… Đồng chí Ngô Đình Huyển, Bí thư Đảng ủy xã nói: Những lời dạy đó của Bác đã giúp xã rất nhiều trong quá trình tuyên truyền, vận động đồng bào Túp Phạ A. Do vậy, ngoài việc tổ chức một đoàn công tác tuyên truyền, khi họp dân, Đảng ủy xã còn chỉ đạo các khối, đoàn thể phối hợp với bản xây dựng nội dung tuyên truyền riêng để vận động hội viên của mình.

Việc đầu tiên Đảng ủy xã cần làm là giúp người dân hiểu rõ được lợi ích khi chăm lo tới việc học của con trẻ trong bản; giải thích rõ cho người dân thấy không đi học, không biết chữ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, lạc hậu. Đặc biệt, các đoàn công tác của xã còn đưa ví dụ cụ thể trong đời sống hằng ngày của mỗi người dân khi không biết chữ, không được học. Ví dụ như được học, biết chữ sẽ thuận tiện hơn trong buôn bán, giao tiếp, được tiếp cận nhiều thông tin phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt hằng ngày; khi biết chữ sẽ không sợ người xấu dụ dỗ làm những điều trái pháp luật, gây mất đoàn kết...    

Thế rồi, không kể ngày hay đêm, các đoàn công tác của xã, bản và các khối, đoàn thể của Huổi Một tới từng gia đình tuyên truyền, giải thích. Ban ngày, nhiều hộ phải lên nương, đi rẫy, xã đã cắt cử cán bộ nằm vùng cùng với cán bộ bản tranh thủ buổi tối tới tận nhà tuyên truyền, vận động bà con. Anh Vàng A Dê, trưởng bản nói: Trong buổi họp lấy ý kiến người dân, các cán bộ đã vấp ngay phải sự phản đối của nhiều người, thậm chí có nhiều ý kiến bàn lui bởi để làm được một lớp học kiên cố với đầy đủ trang thiết bị, bàn ghế là điều không thể ở Túp Phạ A. Thế nhưng, sau bàn đi tính lại, buổi họp dân hôm đó kết thúc với sự đồng thuận, nhất trí cao cũng là lúc mặt trời xuống núi trước đó gần 2 tiếng. Tuy vậy, vẫn còn một số người hoài nghi về việc sẽ có một lớp học mới...    

Sự hoài nghi của một số người dân trong bản dần tan biến khi Huổi Một tiếp tục thành lập Ban vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ quan, ban, ngành cùng nhân dân tại địa bàn huyện để dựng lớp học mới. Và người đầu tiên ủng hộ “đề án” làm lớp học mới là già làng Vàng Chứ Sạ ủng hộ 1.500m2 đất của gia đình để dựng lớp học. Tiếp đến là sự tham gia ủng hộ của nhân dân trong bản khi góp 400 ngày công san nền nhà, khai thác, tận dụng, vận chuyển gỗ, dựng nhà… Trong đó, gỗ tận dụng tại rừng phát triển kinh tế của bản được 21m3; giáo viên Trường Tiểu học Huổi Một và Ban liên lạc phụ huynh xã ủng hộ 250 tấm lợp; điểm trường Khua Họ ủng hộ 16 bộ bàn ghế; các cơ quan, ban, ngành của huyện ủng hộ 40 bộ đồ dùng học tập; các cơ sở công đoàn, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn xã ủng hộ 18 triệu đồng...  

Sau đó vài ngày, kể từ buổi họp dân đầy căng thẳng, phía đầu bản Túp Phạ A sôi động hẳn lên khi có sự góp mặt của người dân trong bản cùng nhau dựng lớp học bằng gỗ rộng 4 gian. Người thì tham gia chuyển vật liệu, tấm lợp, san mặt bằng, người thì tham gia dựng cột, còn đám trẻ sau khi tan học ùa tới xem người lớn dựng lớp học mới... Nếu niềm vui trong ngày khởi công dựng lớp học không tả xiết, thì trong ngày khánh thành, niềm vui đó được nhân đôi. Thế rồi, ngay khu đầu bản, giữa một khoảng đất rộng mọc lên một lớp học kiêm Nhà văn hóa bản bằng gỗ rộng 4 gian khang trang với đủ bàn ghế, thiết bị dạy và học.  

Lớp học kiêm Nhà văn hóa bản Túp Phạ A sau khi hoàn thành đã giúp bản không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tăng thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng ủy, cán bộ xã. Đặc biệt, đã giúp Huổi Một sau đó giải quyết được nhiều việc khó từng bị “tồn đọng”. Giúp Túp Phạ A xóa được lớp học tạm, trẻ em trong bản có điều kiện tốt hơn trong việc học, Huổi Một lại ra tiếp Nghị quyết chuyên đề với nội dung: Tiếp tục thực hiện nội dung học Bác làm dân vận khéo để vận động nhân dân trong bản và các doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ. Và thế là cán bộ xã cùng với cán bộ bản và các khối, đoàn thể liên quan lại cùng vào cuộc.  

Thành công ở xã Huổi Một đã thể hiện được sự khéo léo trong công tác dân vận theo lời Bác dạy. Tôi chợt nghĩ, đây chính là cách học Bác thiết thực và hiệu quả đáng để các địa phương khác tham khảo và vận dụng làm theo...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất