Địa chỉ tin cậy của người bệnh
PGS, TS. Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện
Là cái nôi của ngành ngoại khoa Việt Nam, một Trung tâm phẫu thuật lớn nhất của cả nước, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức nổi tiếng với phương pháp mổ gan Tôn Thất Tùng được phổ biến rộng rãi trên thế giới trong gần 4 thập kỷ qua.

Bệnh viện đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (1986), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005), Anh hùng Lao động (2006), Huân chương Hồ Chí Minh (2011), 3 năm liền được tặng Cờ luân lưu của Thủ tướng Chính phủ. Có được những kết quả đó là nhờ vào sự đoàn kết nhất trí, phương châm hoạt động tập trung, dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch của tập thể Bệnh viện. Bệnh viện vinh dự được Bác Hồ 2 lần về thăm. Đảng bộ Bệnh viện có 12 chi bộ, 225 đảng viên, 20 năm liên tục là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Mỗi năm đều kết nạp 10-20 đảng viên mới. Đảng bộ tự hào khi có những người 50 tuổi, là điều dưỡng viên vẫn xin vào Đảng vì thấy vai trò, vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tin tưởng vào đội ngũ đảng viên của Bệnh viện.

Trong những thành công ấy có đóng góp không nhỏ của người đứng mũi, chịu sào  “thuyền trưởng” PGS, TS. Nguyễn Tiến Quyết. Đã có 30 năm cầm dao mổ và số ca mổ không thể nào nhớ hết nhưng đồng chí vẫn phấn đấu không ngừng cho mục tiêu trở thành một bác sĩ phẫu thuật giỏi. Chính từ suy nghĩ này, ông đã dành hết thời gian, công sức cho việc nghiên cứu, trực tiếp thăm khám, chẩn đoán và điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân, chủ trì các hội thảo khoa học... Đồng chí chia sẻ: Niềm vui và hạnh phúc trong công việc chính là được lao động, cống hiến để khẳng định và vươn lên chinh phục những đỉnh cao khoa học mới. Mới đây, Giám đốc Bệnh viện PGS, TS. Nguyễn Tiến Quyết được trao tặng Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2014.

Nơi của ấm áp tình người

Nếu như cách đây 10 năm, Bệnh viện chỉ có 430 giường bệnh với 600 cán bộ, nhân viên, thì hiện nay số giường bệnh đã là 1.400 và số cán bộ, nhân viên lên tới 2.000. Bệnh viện có 50 phòng mổ, được trang bị hiện đại theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, trung bình mổ 200 ca/ngày thuộc các chuyên ngành sâu về phẫu thuật: Thần kinh Sọ não, Tim mạch, Gan mật, Tiêu hoá, Chấn thương Chỉnh hình, Tiết niệu, Nhi khoa, Cấp cứu và phẫu thuật các bệnh nhân nhiễm khuẩn... Đặc biệt, Bệnh viện Việt - Đức tập trung vào kỹ thuật chuyên sâu, đẩy mạnh nghiên cứu và thực hiện ghép tạng trên người, tiến hành ghép tạng thường quy. Là nơi đi đầu trong cả nước thực hiện thành công ghép gan, ghép tim trên người trưởng thành, Bệnh viện Việt - Đức đang nghiên cứu tiến tới ghép tụy, ghép phổi. Đã có rất nhiều ca nan y được cứu sống ở đây như suy gan, suy thận giai đoạn cuối, kể cả ung thư gan. Có ca tai nạn giao thông nơi khác đã cho về chờ chết nhưng đến đây Việt - Đức vẫn cứu được.

PGS, TS. Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tiến Quyết và các cộng sự đã nhận được Giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực y - dược với đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép thận, gan, tim lấy từ người cho chết não”. Giải thưởng là sự ghi nhận thành quả lao động không mệt mỏi của các thành viên trong nhóm ghép tạng của Việt - Đức. Các y, bác sĩ ở đây thực sự tự hào bởi thế hệ trẻ ngày nay đã tiếp nối, thực hiện được ước nguyện của GS. Tôn Thất Tùng và các thế hệ đi trước về ghép tạng cho những người suy tạng mãn, giúp họ thoát khỏi cuộc sống lay lắt, héo tàn từng ngày nếu không được ghép. Thành công đã đến sau nỗi trăn trở, quyết tâm làm việc hết mình của PGS, TS. Nguyễn Tiến Quyết và nhóm nghiên cứu: thế giới đã ghép tạng từ người chết não đã hơn nửa thế kỷ, tại sao một bệnh viện đầu ngành ngoại khoa như Việt - Đức lại không thực hiện để cứu người. Nhưng, tìm được nguồn hiến tạng là vô cùng khó. Các bác sĩ quyết định đi gặp từng người thân của các bệnh nhân chết não để vận động. Đích thân Giám đốc Bệnh viện và các đồng nghiệp đã trải qua hàng nghìn cuộc giải thích, thuyết phục thân nhân người chết não. Dù hiểu rõ tính nhân văn của nó nhưng mọi lời giải thích đều “nặng trĩu” với cả thầy thuốc lẫn người thân bệnh nhân, có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ. Và đã có nhiều “một cuộc đời ra đi, một sự sống khác lại hồi sinh”. Chi phí cho các ca ghép tạng ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài.

Nhớ lại những ngày hè năm 2014 nóng chang chang. Nhưng trong phòng mổ bệnh viện còn nóng hơn thế khi Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực đã thực hiện ca ghép tim đặc biệt - tim nằm bên phải và tĩnh mạch phổi lạc hoàn toàn thể trên tim. Đây là một ca hy hữu. Ca ghép tim thứ 9 của Bệnh viện và là một ca ghép đặc biệt. Vô vàn khó khăn trong ca ghép đã được kíp phẫu thuật khắc phục và tìm được phương án hữu hiệu, mang lại cho bệnh nhân không chỉ sự “tồn tại” mà cả một cuộc sống đúng nghĩa. Sau 3 tháng ghép, bệnh nhân đã được rút các phương tiện hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, chức năng thận tốt và có thể xuất viện.

Các bác sĩ nơi đây thường tâm niệm cố gắng, phấn đấu hết mình để: “Nếu bệnh nhân nặng, không cứu được chết ở Việt - Đức cũng không ân hận”. Để người Việt tin bác sĩ Việt - Đức, không nhất thiết phải đi nước ngoài điều trị. Việt - Đức đã chuẩn bị lực lượng kế tiếp xứng đáng, tạo được môi trường đủ rộng, cải thiện một bước quan trọng về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân.

Cùng với đội ngũ các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia phẫu thuật và kỹ thuật viên được đào tạo cơ bản ở trong và ngoài nước, Bệnh viện đang phát huy truyền thống của cơ sở chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực triển khai và phổ biến các kỹ thuật ngoại khoa, đào tạo bác sỹ phẫu thuật, bác sỹ gây mê, hồi sức... Đã triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước và cấp bộ, mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều nước và nhiều tổ chức phi chính phủ trên lĩnh vực ngoại khoa; hằng năm tiếp nhận nhiều sinh viên đến thực tập, học tập, kể cả sinh viên nước ngoài.

Nơi của công khai, minh bạch

Trước hết là công khai trong công tác cán bộ. Khi được Bộ Y tế hướng dẫn bỏ phiếu tín nhiệm các đồng chí trong Ban Giám đốc, Bệnh viện đã tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm toàn bộ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo trong Đảng ủy, Ban Giám đốc, trưởng phó phòng, điều dưỡng trưởng. Kết quả cho thấy Giám đốc được 92,5% tín nhiệm cao, các đồng chí khác đều từ 80% trở lên.

Trong bổ nhiệm cán bộ, Bệnh viện thực hiện đúng quy trình của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, đảm bảo sự minh bạch. Đảng ủy, Ban Giám đốc xem xét từng ứng viên và chỉ đạo: Lấy phiếu tín nhiệm trưởng khoa thì toàn bộ cán bộ, nhân viên trong khoa tham gia. Nếu bầu trưởng, phó khoa thì Hội đồng khoa học bỏ phiếu. Nếu bầu lãnh đạo phòng chức năng thì cán bộ chủ chốt bỏ phiếu. Để chuẩn bị nhân sự trong đại hội Đảng bộ khóa tới, Đảng ủy không áp đặt mà chỉ đạo mỗi chi bộ giới thiệu 2 đồng chí, sau đó tập hợp danh sách lên hội nghị Đảng bộ.

Để tạo môi trường thi tuyển công bằng, Bệnh viện thành lập hội đồng thi, thuê địa điểm là Trường Đại học Y khoa, cung cấp tài liệu cho thí sinh về tự học. Trước giờ thi, Hội đồng khoa học tập trung, Ban Giám đốc ra đề, mỗi người ra 4 đề, tổng cộng 6 người ra 24 đề, thí sinh bốc thăm. Tiêu chuẩn nhận người cũng được công bố rõ ràng, thông qua Hội đồng khoa học. Các điều dưỡng viên cũng được tuyển dụng qua thi tuyển.

Ban lãnh đạo bệnh viện luôn động viên và tạo điều kiện tối đa để các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trẻ nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại. Cán bộ Bệnh viện chủ động đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học với Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế. Bệnh viện đã triển khai hơn 10 đề tài cấp nhà nước, 15 đề tài cấp bộ, nhiều đề tài cấp cơ sở. Xác định học tập là công việc suốt đời nên lãnh đạo Bệnh viện luôn tạo điều kiện cho cán bộ được thường xuyên học tập nâng cao trình độ. Theo Giám đốc Bệnh viện: 11 năm nay, ông chưa từ chối một trường hợp nào xin đi học. Cán bộ đi học được hưởng chế độ theo Quy chế chi tiêu nội bộ.

Bệnh viện còn chú trọng đào tạo nhân lực cho các bệnh viện vệ tinh. Trước khi thực hiện thí điểm Đề án bệnh viện vệ tinh vào năm 2002, Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải với 70% là mổ cấp cứu. Nhằm giải quyết tình trạng này, Bệnh viện đã tiến hành xây dựng thí điểm bệnh viện vệ tinh và thực hiện thành công tại 6 bệnh viện là Sơn Tây (Hà Nội), Thanh Hóa, Bắc Ninh, Việt - Tiệp, Nam Định và Phú Thọ. Đến nay, Đề án bệnh viện vệ tinh đã được mở rộng và có 45 bệnh viện trong cả nước tham gia. Bệnh viện cũng đang thực hiện Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh” kết hợp chỉ đạo tuyến rất hiệu quả.

Việc khai thác, sử dụng kỹ thuật mới, xây dựng, sửa chữa lớn, nâng cấp cơ sở vật chất cũng được bàn bạc công khai trong ban lãnh đạo, trong Hội đồng khoa học, có nghị quyết của Đảng ủy, chỉ đạo chính quyền thực hiện. Mua sắm trang thiết bị do chính người sử dụng đề đạt cấu hình kỹ thuật, bộ phận quản lý làm hồ sơ, người sử dụng chấm thầu. Các công trình xây dựng của Bệnh viện đều đấu thầu, chấm điểm kỹ thuật. Ban Thanh tra nhân dân giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng.

Cải cách thủ tục hành chính sao cho nhanh gọn, đạt hiệu quả cao nhất, giảm phiền hà cho người bệnh và người nhà bệnh nhân cũng được quan tâm chỉ đạo, bằng sử dụng hệ thống mạng nội bộ... Bệnh viện đã làm tốt việc chống quá tải, 7 - 8 năm nay không có người nằm ghép giường. Đã hoàn thiện Khoa Điều trị theo yêu cầu (1C), bao gồm hai phòng mổ, một phòng khám trang bị hệ thống xét nghiệm hiện đại với 64 giường, bố trí trong các phòng riêng biệt, tiện nghi, khép kín. Bệnh viện đã xây dựng khu nhà nghỉ đáp ứng phần nào nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân ngoại trú.

Cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, coi người bệnh như người nhà, coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính mình để phục vụ thật tốt. Bản thân đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện luôn tâm niệm: “Làm thầy thuốc thì không bao giờ được suy nghĩ, đắn đo hơn thiệt, mà quan trọng là phải xem mình có thể làm được gì cho người bệnh”. Chính vì lẽ đó, ngoài những danh hiệu cao quý đã được Đảng và Nhà nước trao tặng, nơi đây luôn giành được tình cảm tin yêu của người bệnh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất