Những người con của bản
 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tân, Chính trị viên phó ĐBP Tri Lễ trao đổi với Đoàn công tác Tạp chí Xây dựng Đảng.  Ảnh: Hồng Phúc

Chúng tôi đến Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) vào một ngày cuối đông, mưa phùn, sương phủ trên cung đường với những khúc cua tay áo giữa trùng điệp núi rừng khiến mỗi người thấm hơn cái lạnh sắc của mảnh đất vùng biên. Nhưng thấy ấm lòng hơn khi chứng kiến dải biên cương của Tổ quốc đang khởi sắc từng ngày. Sự thay da, đổi thịt ấy là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tri Lễ và không thể thiếu sự đóng góp của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng (ĐBP) Tri Lễ. “Những cán bộ mang quân hàm xanh” luôn “ba bám” giữa mưa rừng, gió núi, “bốn cùng” giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu, “giữ lửa” cho vùng đất biên giới. Các anh - những người con của bản luôn được bà con dân bản dành những tình cảm yêu mến đặc biệt.

Tư tưởng thông, công việc tốt

Tri Lễ là một trong hai xã xa nhất của huyện miền núi Quế Phong, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. ĐBP Tri Lễ quản lý, bảo vệ 17,5km đường biên giới, hơn ai hết, CBCS của ĐBP Tri Lễ luôn hiểu việc bảo vệ dải biên cương là nhiệm vụ nặng nề, gian khó nhưng cũng đầy vinh dự, tự hào. Theo “nghiệp biên phòng”, các anh xác định tư tưởng sẵn sàng đến những vùng biên giới xa xôi để bảo vệ phần máu thịt của Tổ quốc. Bởi vậy, 41 CBCS của đồn từ những vùng quê khác nhau, khi đến “ngôi nhà Tri Lễ” luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nhân dân, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khó có thể kể hết những vất vả, gian khổ của những chiến sĩ biên phòng khi đến với mảnh đất vùng biên thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xã có 33 xóm, bản; đông đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống; kinh tế - xã hội chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo cao, dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu; an ninh trật tự còn nhiều bất ổn… Làm gì để giúp dân xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới? Đó là sự trăn trở thường trực của CBCS ĐBP Tri Lễ. Tôi hỏi: Các anh khắc phục khó khăn thế nào? Đáp lại là nụ cười lạc quan: chiến sĩ biên phòng là gắn bó với dân bản; không khổ, không vất vả không phải là lính biên phòng. Gắn bó với dân, luôn được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tư tưởng, 100% CBCS của ĐBP Tri Lễ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn đã triển khai gắn với tổ chức phong trào thi đua quyết thắng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Việc học và làm theo Bác ở Đảng bộ ĐBP Tri Lễ đã trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, thiết thực. Trên cơ sở nội dung chung: lòng trung thành, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm… mỗi CBCS đăng ký việc làm theo gắn với nhiệm vụ cụ thể: cán bộ làm công tác vận động học và làm theo Bác tác phong gần gũi, dân vận khéo; cán bộ phòng chống ma túy học tập Bác ở lòng dũng cảm, hy sinh thân mình, không run sợ trước kẻ thù…

Tuy địa bàn quản lý rộng, điều kiện sinh hoạt, làm việc khó khăn nhưng Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn chỉ đạo CBCS phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, kiên trì bám bản tuyên truyền, giải thích cho bà con, quyết tâm “làm là chắc thắng”, bởi vậy khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành như lời Bác dạy.

Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chống “cái chết trắng”

Nhớ lời Bác dạy “xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn coi trọng xây dựng thế trận “biên phòng toàn dân”, bố trí lực lượng thường xuyên bám địa bàn, nhất là 8 bản người Mông dọc biên giới. Đồng thời, chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện “mưa dầm thấm lâu”, “miệng nói tay làm” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Đảng ủy chỉ đạo các đội chủ động trinh sát, nắm chắc tình hình nội, ngoại biên. Không kể ngày đêm, mưa nắng, dù cái lạnh vùng núi cắt da thịt hay gió Lào bỏng rát, CBCS vẫn tổ chức tuần tra đều đặn, bảo đảm nguyên vẹn đường biên và cột mốc. Ban Chỉ huy đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn (bản) ở khu vực biên giới. Năm 2014, ĐBP Tri Lễ đã củng cố 6 tổ với 72 hộ tham gia tự quản 17,5km đường biên giới và 8 cột mốc; 44 tổ với 1.400 hộ đăng ký tự quản an ninh trật tự bản. Định kỳ ngày 21 hằng tháng, Ban Chỉ huy đồn và cấp ủy địa phương giao ban để kịp thời có giải pháp xử lý các vụ việc, ổn định tình hình an ninh biên giới.

Khu vực biên giới Tri Lễ địa hình phức tạp, hiểm trở với nhiều khu rừng, hang, khe, hốc đá. Đây là nơi được nhiều đối tượng chọn làm điểm buôn bán ma túy. Khi “cái chết trắng” đang gieo rắc đau thương, đói nghèo cho nhiều gia đình thì CBCS của ĐBP Tri Lễ chưa thể ngủ ngon giấc. Cùng với vận động nhân dân tố giác tội phạm, không trồng cây thuốc phiện, đưa người đi cai nghiện, các chiến sỹ ĐBP Tri Lễ còn kiên trì, dũng cảm, mưu trí đấu tranh với các phần tử buôn “cái chết trắng”, góp phần đảm bảo an ninh chính trị địa bàn. Năm 2014, ĐBP Tri Lễ đã xây dựng 15 kế hoạch nghiệp vụ, sử dụng có hiệu quả mạng lưới bí mật thu thập 56 nguồn tin; đã phát hiện, bắt giữ 10 vụ với 11 đối tượng phạm tội về ma túy, thu 2 bánh và 76 gam hê-rô-in…

Góp phần củng cố tổ chức đảng, chính quyền

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về “chuyển cán bộ Bộ đội Biên phòng về sinh hoạt tạm thời ở các địa bàn xung yếu tuyến biên giới phía Tây”, Đảng ủy đồn đã điều động 1 đồng chí cán bộ tăng cường cho xã, giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy. Đồng thời, chuyển 4 đồng chí về tham gia sinh hoạt đảng tại 4 chi bộ thôn, bản yếu kém là Mường Lống, Piêng Luông, Kèm ải, bản Bò.

Đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường đã tham mưu cho các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã xây dựng và ban hành quy chế làm việc; chấn chỉnh lề lối, tác phong công tác; duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; bồi dưỡng, kết nạp 326 đảng viên, góp phần “xóa” được 2 bản “trắng” đảng viên, thành lập mới 14 chi bộ thôn (bản), nâng cao chất lượng hoạt động cho 21 chi bộ.

Là người gắn bó lâu năm với Tri Lễ, trực tiếp “cắm bản” thực hiện nhiệm vụ “xóa” bản “trắng”, củng cố chi bộ yếu kém, thiếu tá Đàm Thiên Thương, Phó Bí thư Đảng ủy xã không thể quên kỷ niệm khi thực hiện nhiệm vụ ở bản Nậm Tột. Anh kể: Đường lên bản cực kỳ vất vả, dốc cao phải bò, chân của người đi trước chạm mặt người đi sau. Khó khăn, gian nan là thế, nhưng chưa bao giờ anh nản chí. Xúc động nhất là khi thành lập Chi bộ bản Nậm Tột, nghe dân bản nói: “Từ nay Nậm Tột đã có bố rồi”, anh hiểu, các chiến sỹ biên phòng đã được bà con tin yêu, kính trọng. Hơn thế, anh được coi như con, được mang họ của người Khơ-mú. Tri Lễ đã thực sự trở nên gắn bó, thân thuộc: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Sâu đậm nghĩa tình quân dân

Nhớ lời Bác dạy: “Làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc”, CBCS ĐBP Tri Lễ mà trực tiếp là Đội vận động quần chúng và 3 tổ công tác thường xuyên cắm bản, thực hiện “ba bám” (bám dân, bám địa bàn, bám cơ sở), “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thiếu úy Nguyễn Công Thảo, Đội trưởng Đội vận động quần chúng chia sẻ: là người miền núi, nhưng lần đầu tiên xuống bản vẫn thấy lo lắng, anh em “cắm bản” 1 tháng chỉ về đơn vị một vài ngày. Khi được hỏi: Các anh “bốn cùng” với dân như thế nào? Anh cười: “Dân làm gì chúng tôi làm nấy, dân ăn gì chúng tôi ăn nấy”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tân, Chính trị viên phó chia sẻ thêm: Muốn giúp được dân phải hiểu dân. Muốn hiểu dân, trước hết phải hiểu được tiếng nói của dân. Ngoài học tiếng dân tộc 1 tuần 2 buổi do đồn tổ chức, CBCS đều nỗ lực tự học và tìm hiểu thêm kiến thức nông nghiệp để giúp bà con dân bản phát triển sản xuất. Đến nay, cả 41 CBCS đều có thể giao tiếp với dân bằng tiếng dân tộc, có nhiều đồng chí đọc thông, viết thạo hai tiếng dân tộc. Nỗ lực đó giúp CBCS và dân gần nhau, hiểu nhau hơn.

Dấu ấn nghĩa tình giữa ĐBP Tri Lễ và nhân dân đọng lại ở những việc làm thiết thực. ĐBP Tri Lễ đã xây dựng 5 nhà “Đại đoàn kết” cho nhân dân; hằng năm khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm lượt người; cùng dân tu sửa, làm mới hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông liên bản; thăm hỏi, tặng quà gia đình có hoàn cảnh khó khăn, già làng, trưởng bản... Bà con dân bản xã Tri Lễ luôn nhớ hình ảnh các CBCS xuống tận ruộng, hướng dẫn bà con kỹ thuật cấy lúa nước, trồng cây, đến từng chuồng trại trao đổi cách chăm sóc trâu bò mùa lạnh... Có bộ đội biên phòng, cuộc sống của người dân Tri Lễ từng ngày đổi thay.

Tạm biệt núi rừng biên cương, tạm biệt những CBCS bộ đội biên phòng dung dị, chân thành và luôn xung kích trên mọi mặt trận, trong tôi gợi nhớ đến những vần thơ: Mây giăng đỉnh núi cao cao/ Thương cán bộ xã đeo sao Biên phòng/ Trèo đèo, lội suối, vượt sông/ Vận động dân bản chẳng hề gian nan/ Việc đồn, việc xã cùng bàn.../ Bản trên, xóm dưới thi đua xóa nghèo/ Tin anh, dân bản làm theo/ Gia đình, làng bản vượt nghèo vươn lên...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất