Như dòng sông thao thiết chảy

Với 42 công trình nghiên cứu khoa học và ứng dụng cao, Anh hùng Lao động, TS. Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu (Busadco) trở thành người đương kim sở hữu 3 kỷ lục: “Người có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo khoa học - công nghệ (KHCN) nhất”, “Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KHCN trên thế giới”; “Người lãnh đạo doanh nghiệp KHCN đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KHCN trong nước và trên thế giới”. Nhân dịp đầu xuân Bính Thân, phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng có cuộc trò chuyện với Anh hùng Lao động, TS. Hoàng Đức Thảo về cuộc đời, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của một doanh nhân.

           
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (thứ hai từ phải sang) nhận Giấy chứng nhận sự kiện KHCN nổi bật năm 2015 (tháng 12-2015).

Xin chào TS. Hoàng Đức Thảo! Nhân duyên nào đưa anh đến với con đường nghiên cứu khoa học?

Tôi sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Không có điều kiện học lên đại học, tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật (Bắc Thái), 19 tuổi tôi trở thành công nhân của Nhà máy Xi măng Hà Tiên (Kiên Giang). Kinh qua nhiều vị trí công việc, năm 2003 tôi nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tiền thân của Busadco ngày nay). Cảm nhận nỗi khổ của người công nhân dầm mình trong dòng nước cống đen kịt, hôi thối, độc hại thôi thúc tôi nghiên cứu đề tài: “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước”. Lần thử nghiệm đầu tiên, nhìn những công nhân đứng trên miệng cống điều khiển nhẹ nhàng, dây tời lướt tới đâu, rác rưởi và bùn đọng bong sạch tới đó, tôi hét thật to như vỡ tung cả lồng ngực vì sung sướng! Từ đây, thay vì chui vào cống, trực tiếp đối mặt với các chất thải độc hại, bùn rác và nguy cơ nhiễm bệnh cao, người công nhân đã được giải phóng, hiệu suất làm việc tăng gấp 20 lần. Công trình này đã giúp tôi đoạt Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2004. Đây là công trình khoa học đầu tay của tôi. Những bức xúc về các vấn nạn môi trường chưa được giải quyết, sự vất vả của người lao động trong doanh nghiệp đã thôi thúc, tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh cho đam mê nghiên cứu khoa học của tôi.

Công trình khoa học thứ hai của tôi vừa được bình chọn là sự kiện KHCN nổi bật năm 2015 - công trình cấu kiện kè lắp ghép bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển, một sản phẩm dành cho việc chống sạt lở, xói mòn, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường - một trong những công trình tôi cảm thấy hài lòng nhất. Trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, giải pháp này có ý nghĩa đặc biệt và ưu việt ở những vùng biển cần sử dụng quai đê lấn biển để mở rộng diện tích đất canh tác, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng bảo vệ môi trường sinh thái, tạo bờ bãi cho tàu bè neo đậu. Trước đó, một cụm công trình KHCN của tôi cũng đã được bình chọn là sự kiện KHCN nổi bật của năm 2012.

Từng trải trên con đường nghiên cứu khoa học, hẳn anh gặp nhiều gian khó?

Kể ra có rất nhiều khó khăn đấy (cười) nhưng đều đã qua rồi. Tuy nhiên, vấn đề phân bổ thời gian và quản lý con người tôi thấy khó khăn nhất. Làm sao để vẫn hoàn thành tốt công việc của một người quản lý mà vẫn có thời gian để nghiên cứu khoa học. Nhiều đêm gần như tôi thức trắng vì không dứt ra được những suy nghĩ về các sản phẩm. Với tôi, cuộc sống chính là trường học lớn nhất mà mỗi người cần phải trải qua và ở đấy con người mới lớn lên. Quá trình tự học, tự nghiên cứu, tôi quan sát thực tế, học từ thực tế và tự mày mò sáng tạo… Từ những kiến thức tôi đã tích lũy trong quá trình lao động cộng với ý tưởng trong đầu, tôi bắt tay vào nghiên cứu, chế tác từng sản phẩm cụ thể. Tôi nghiên cứu khoa học không bằng tiền của Nhà nước nên phải tự chủ và tự lực. Vì vậy, khi nghiên cứu phải xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn và giải quyết được những bức xúc của thực tiễn, tức là phải có ứng dụng thì mới có tiền trang trải chi phí và tiếp tục nghiên cứu.

Tôi có một điểm tựa là gia đình, một người vợ hiền luôn cảm thông, chia sẻ và những đứa con ngoan. Đã có lúc tôi phải dùng tiền của vợ để đầu tư nghiên cứu khoa học. Khi nghiên cứu, tôi không nghĩ đến mục đích để được giải thưởng, nên khi được vinh danh tôi luôn là người bị bất ngờ.

Xin anh cho biết dấu ấn nào trên con đường nghiên cứu khoa học và xây dựng thương hiệu Busadco?

Dấu ấn của tôi chính là những sản phẩm nghiên cứu khoa học. Sau thành công ứng dụng cụm máy tời nạo vét cống ngầm hệ thống thoát nước đô thị là hào kỹ thuật, chế tạo bê-tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn, cụm hố ga ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới, bể phốt kiểu mới, hệ thống xúc rửa hồ và kênh rạch “chết”, hố ga đúc sẵn liên kết mối nối cống, bể phốt nông thôn dành cho người nghèo... Tất cả những công trình đó đều bắt nguồn từ yêu cầu cuộc sống. Chính từ đối mặt giải quyết những bất cập trong hạ tầng kỹ thuật đô thị và bảo vệ môi trường, trưởng thành từ công nhân, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người lao động mà trong tôi luôn nung nấu phải cải tiến kỹ thuật và sáng tạo các thiết bị thay thế sức lao động, nên mỗi công trình nghiên cứu của tôi hoàn thành đều đi vào cuộc sống.

Tôi đã có 42 công trình sáng chế, 23 bằng độc quyền và giải pháp hữu ích, 13 tiêu chuẩn Việt Nam, 5 bằng chứng nhận công nghệ phù hợp, 7 giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam, 11 giải thưởng quốc tế... Năm 2011 tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 năm sau Busadco được nhận danh hiệu cao quý này. Tháng 8-2015, Busadco được trao bằng Xác lập kỷ lục Việt Nam, là doanh nghiệp KHCN đầu tiên của ngành xây dựng và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX vừa diễn ra trong tháng 12-2015, tôi và 1 cộng sự ở Busadco vinh dự là đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc của cả nước.

Theo anh, đâu là sự khác biệt của Busadco khi trở thành doanh nghiệp KHCN hàng đầu của cả nước?

Sự khác biệt nhất của Busadco là hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn. Trong khi Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao về việc ứng dụng nghiên cứu vào cuộc sống thì các công trình nghiên cứu của chúng tôi đều được cụ thể hóa bằng các sản phẩm hữu ích trong đời sống. Đó là sự đoàn kết, gắn bó của tập thể người lao động Busadco. Tôi đã có được những cộng sự thật sự tâm huyết và nỗ lực, đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho công ty. Đó là những khát khao được cống hiến, vượt qua những khó khăn trong quá trình lao động sản xuất. Không buông xuôi, phải tìm cách khắc phục những khó khăn ấy luôn thôi thúc tôi lao động và sáng tạo.

Sau 12 năm thành lập, từ chỗ chỉ có hơn 30 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông với số vốn ít ỏi, đến nay Busadco đã có hơn 800 cán bộ, kỹ sư và người lao động giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Busadco đã đầu tư mở rộng, xây dựng được nhiều nhà máy công nghệ ở Hòa Lạc (Hà Nội), Kiến Xương (Thái Bình), Yên Lạc (Vĩnh Phúc), TP. Vinh (Nghệ An), TP. Nha Trang (Khánh Hòa), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu... Hằng năm, doanh thu từ KHCN của Busadco chiếm 80-85% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Busadco đã có hơn 30 sản phẩm KHCN. Trong đó, 23 sản phẩm đã và đang được ứng dụng rộng rãi, 21 sản phẩm được cấp bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 18 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ xác lập tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Bộ Xây dựng đã cấp 9 tiêu chuẩn công nghệ quốc gia. Các sản phẩm của Busadco phục vụ đồng bộ hoá kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, giao thông, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Từ những nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, Busadco đã “phủ sóng” 48 tỉnh, thành trong cả nước, được 14 tỉnh, thành áp dụng sản phẩm công nghệ Busadco trên địa bàn.

Với trách nhiệm “thuyền trưởng”, anh đã phát huy vai trò của tổ chức đảng ở Busadco như thế nào?

Tôi nhận thức TCCSĐ phải là hạt nhân chính trị ở Busadco. Vì vậy, tôi luôn tạo ra một môi trường dân chủ để phát huy vai trò của tổ chức đảng và đảng viên. Khơi gợi tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên. Phân công cấp ủy, đảng viên những nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là lãnh đạo các đoàn thể, phát động các phong trào thi đua trong lao động sản xuất và giám sát các hoạt động của công ty. Do đó đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Hiện nay, 75 đảng viên của Đảng bộ Busadco đang là những nhân tố tích cực lãnh đạo, giáo dục quần chúng thực hiện tốt chương trình, kế hoạch sản xuất của công ty.

Theo anh, khó khăn và thách thức đối với cá nhân và Busadco là gì?

Thách thức lớn nhất là đưa các sản phẩm KHCN Busadco vào đời sống, trở thành sản phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia khác khi Việt Nam hội nhập. Bên cạnh đó, yếu tố con người luôn là một bài toán khó đối với tôi, làm sao để giữ chân được người tài, thu hút được nhiều người có tâm huyết với Busadco, với nghiên cứu khoa học nước nhà. Tôi luôn khát khao mình có thêm trí lực để có nhiều công trình nghiên cứu khoa học hữu ích hơn.

Anh có gì nhắn nhủ với các nhà khoa học trẻ hiện nay?

Tôi vẫn thường chia sẻ với các cộng sự trong công ty, làm gì, nghiên cứu gì cũng phải nghĩ đến người dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ những sản phẩm của mình. Chỉ khi đặt con người vào vị trí trung tâm thì chúng ta mới có thể sáng tạo ra những sản phẩm thật sự hữu ích. Đó là điều tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các nhà khoa học trẻ. Tôi mong muốn những công trình nghiên cứu khoa học của họ được cuộc sống đón nhận, được ứng dụng trong thực tiễn. Các nhà khoa học trẻ hãy mạnh dạn, tự tin vào chính mình và phải biết thổi bùng niềm đam mê. Bởi chỉ khi ấy mới thành công trên con đường nghiên cứu khoa học vốn rất gian nan.

Xin cảm ơn TS. Hoàng Đức Thảo, xuân mới, chúc anh mãi như mạch nguồn, như dòng sông thao thiết chảy, tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu khoa học hữu ích trong đời sống.                                                                                 

 Xuân Vinh (thực hiện)



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất