Người Anh hùng của những cánh đồng
Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo.
Ngày 4-12-2020, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho cựu chiến binh, thương binh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo.

Một thương binh điển hình vượt khó
       
Là học sinh giỏi, học sinh Trần Mạnh Báo được tuyển thẳng vào trường cấp III. Có điều, ghế bàn chưa ấm chỗ, ông lại bước vào quân ngũ, thành lính Sư đoàn 320 chiến đấu giải phóng Quảng Trị, đó là năm 1968 đầy ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Rồi ông lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn chiến đấu giải phóng 6 tỉnh Căm-pu-chia và 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
     
Đây là lá thư ông viết về nhà trước khi vào chiến trường lần 2: “Thưa bố mẹ, đêm nay con sẽ vượt vĩ tuyến 17 và con sẽ không viết thư nữa, lá thư này là lá thư cuối cùng trước khi rời miền Bắc. Nếu quỹ đạo đi của con khép kín thì con sẽ trở về. Còn quỹ đạo của con không... thì coi như con đã hiến dâng cho đất nước...”. Ông đã trở về với một thân thể nhiều thương tích, hỏng một bên mắt trái cùng 2 Huân chương Chiến công.
     
Thương binh loại 2 Trần Mạnh Báo được xét vào học một trường do Bộ Thương binh và Xã hội tổ chức. Nhưng ông đã từ chối, lý do từ bé chứng kiến bố mẹ quá vất vả để nuôi 10 người con mà ông là con đầu. 6 tuổi ông đã biết vơ cỏ lúa, 10 tuổi biết đi cày, 13 tuổi biết làm tất cả các việc nhà nông để đỡ đần bố mẹ. Ngay từ những ngày cơ cực ấy, Trần Mạnh Báo đã nuôi tâm nguyện sau này phải làm được điều gì đó cho gia đình và cho bà con nông dân nên ông xin vào Ngành Nông nghiệp tỉnh, lúc đầu làm công nhân trạm truyền giống lợn, rồi làm tạp vụ, làm thợ cày, cán bộ xây dựng... Việc nào cũng hoàn thành tốt.
       
Ông xin trở lại trường cấp III để hoàn thành việc học hành dang dở. Có bằng cấp III, ông tiếp tục xin thi vào đại học, nhưng đơn vị không cho đi. Ông bí mật làm hồ sơ thi và đã trúng tuyển. Trước khát khao học hành, đam mê với nghề nông, đơn vị đã nhất trí cho ông theo học Trường Đại học Nông nghiệp. Ông tận dụng thời gian, mượn tài liệu học thêm các ngành bảo vệ thực vật, cơ khí nông nghiệp... với tâm niệm “mình học để về làm nghề nông, nên học càng nhiều kiến thức xoay quanh cái nghề làm ra hạt lúa, củ khoai này càng tốt”.
     
Rồi ông tiếp tục học văn bằng 2 Quản trị kinh doanh. Và ngay trong những ngày chuẩn bị sang năm mới 2022, cũng là kỷ niệm 50 năm ThaiBinh Seed, ông bật mí: “Tôi còn 3 môn thi nữa là tốt nghiệp cao học Quản trị kinh doanh”. 
   
Doanh nghiệp hàng đầu ngành giống cây trồng 
 
Năm 1987, ông Báo xuống làm Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ (Tiền Hải) trong tình trạng trại tan hoang sau một cơn bão lớn. Nhưng sự tan hoang đó cũng chưa thấm gì cái thực tế quản lý quan liêu bao cấp, kiểu “làm chủ tập thể”, mà thực chất là “cha chung không ai khóc” xích chặt nền nông nghiệp quốc doanh cùng người công nhân đến tận cùng bế tắc, đói nghèo.
       
Ông lặng lẽ cho một đội sản xuất, một gia đình công nhân làm thử “khoán” thì lạ lùng là ruộng lúa của cả hai đều đạt năng suất cao hơn nhiều. Từ thực tiễn nghiệt ngã cùng những tín hiệu thành công, ông tập trung xây dựng và xin thực hiện Đề án “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh” tại Trại giống Đông Cơ. Ông Báo không bao giờ quên giây phút tại Hội nghị cán bộ chủ chốt Công ty mà ông báo cáo đề án khoán trên. Nhiều người phản đối, thậm chí gay gắt cho rằng, Đề án “đi ngược đường lối, phá kinh tế nhà nước”.
     
Trước toàn Hội nghị ông đã khẳng định sự đúng đắn và quyết tâm thực hiện đến cùng: “Không khoán sản phẩm thì không còn con đường nào khác... Nếu không làm, sẽ có tội với lịch sử, với người lao động”. Cuối cùng, Hội nghị đã quyết định “cho anh Báo khoán thử” và ông cùng Trại Giống Đông Cơ đã thành công rực rỡ, lật trang mới cho Công ty cũng như nền nông nghiệp quốc doanh.
     
Ngay khi có Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3, khóa IX về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, với trọng trách Giám đốc Công ty, ông Báo đã đề nghị tỉnh cho doanh nghiệp cổ phần hóa. Song câu chuyện không hề đơn giản, bởi lẽ “đây là doanh nghiệp công ích, để Nhà nước quản vì còn lo giống cho nông dân”. Và tới lần thứ ba, bằng cam kết mạnh mẽ “Đồng hành với người nông dân” của người đứng đầu, Công ty Giống Thái Bình đã được cổ phần hóa.
     
Thời gian đầu sau cổ phần hóa, Công ty gặp muôn vàn khó khăn, nhưng thuyền trưởng Trần Mạnh Báo cùng tập thể Công ty đã biến khó khăn thành cơ hội bứt phá vươn ra biển lớn bằng 3 trụ cột nền tảng: Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ. Đây như một “cẩm nang” tạo nên những thành công.
     
Bắt đầu từ chính sự say mê, kiên trì, không ngừng học tập, nâng cao trình độ của người đứng đầu, ông đã cùng ThaiBinh Seed đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học-  kỹ thuật, quản lý đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một doanh nghiệp khoa học - công nghệ trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
   
Mấy chục năm qua, đội ngũ cán bộ nòng cốt trí tuệ, bản lĩnh này đã cùng ông ngày đêm miệt mài nghiên cứu thành công 15 giống cây trồng được công nhận giống quốc gia, đặc biệt là 9 giống lúa thuần TBR-1, BC15, TBR36, TBR45, TBR225, Đông A1, TBR279, TBR89, Nếp A Sào cùng 4 giống lúa lai mới của ThaiBinh Seed - một tài sản vô giá của Tập đoàn cũng như của nền nông nghiệp nước nhà.
     
Nguồn giống quý này đã cùng ThaiBinh Seed có mặt từ Bắc vào Nam trên 70 điểm liên kết sản xuất với diện tích khoảng 8.000ha, mỗi năm tiêu thụ cho nông dân từ 25.000 đến 30.000 tấn sản phẩm, mang lại nguồn thu cho các đơn vị liên kết nhiều tỷ đồng, góp phần vào công cuộc phát triển nền nông nghiệp, chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người nông dân.
     
Doanh nhân Anh hùng Trần Mạnh Báo chia sẻ: Từ một người lính, một thương binh trở thành một nhân viên, một cán bộ cho đến khi trở thành Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty, tôi luôn có hai nguyên tắc:
       
Một là, tuyệt đối trung thành với Đảng, chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy, tôi đã cùng toàn thể đảng viên xây dựng Đảng bộ Công ty thành đảng bộ trong sạch, vững mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp ngày càng được phát huy. Đảng bộ Công ty luôn đoàn kết, đổi mới quản lý, thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ.
     
Hai là, luôn đặt quyền lợi của bà con nông dân, của cán bộ công nhân viên, của Công ty lên trên quyền lợi cá nhân của mình. Tôi tâm đắc một điều: TSC (nay là ThaiBinh Seed) tồn tại vì lý do gì, nếu không phải để ngày càng nâng cao đời sống của bà con nông dân trên cả nước? 
       
Và đó cũng chính là động lực, là cội nguồn giúp ông sức mạnh cùng tập thể đơn vị đưa ThaiBinh Seed vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, từ một doanh nghiệp nhỏ vươn mình toàn diện trở thành một trong những doanh nghiệp lớn mạnh - hiện đại hàng đầu ngành giống cây trồng Việt Nam, lập kỳ tích không chỉ của quê lúa Thái Bình, mà còn của Ngành Nông nghiệp Việt Nam, góp phần làm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp nước nhà cũng như sự phát triển của nền nông nghiệp khu vực và quốc tế.

Tiếp tục “Đồng hành cùng người nông dân mới”
       
Về phương hướng phát triển của chặng đường phía trước, Anh hùng Lao động, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Báo nhấn mạnh: ThaiBinh Seed tiếp tục cố gắng, sáng tạo nhiều hơn nữa, tiếp tục cam kết “Đồng hành cùng người nông dân mới” thúc đẩy và tôn vinh những người nông dân hiện đại, dám nghĩ, dám làm, cống hiến vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước.
     
Phát triển ThaiBinh Seed theo hướng ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, chọn tạo nhiều giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
     
Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, chăm lo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động chủ động, sáng tạo, phát huy hết khả năng, phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp và cho bản thân. Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác với các cơ quan chuyên ngành trong nước để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
     
Tiếp tục xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Lúa giống Thái Bình”, phát triển thành công thương hiệu “Gạo Thái Bình”; phát triển thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài. Mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa, tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xây dựng Thái Bình thành một trung tâm giống cây trồng của cả nước.
     
Tiếp tục làm theo lời Bác dạy 55 năm trước “chọn giống tốt cho nông dân”, lời động viên của Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc khi về thăm ThaiBinh Seed, góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà cũng như của nền nông nghiệp khu vực và quốc tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất