Người Hà Nhì sắt son theo Ðảng

Ðã hơn 6 thập kỷ trôi qua, từ khi chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ở miền biên viễn Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ Việt Nam, lớp lớp đảng viên người Hà Nhì nguyện dành trọn niềm tin sắt son theo Ðảng, trở thành những “cột mốc sống” cùng với nhân dân bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ðặc biệt dù ở cương vị nào, họ - những đảng viên kiên trung vẫn luôn giữ vững phẩm chất, khẳng định tính tiền phong và là “ngọn đuốc” soi sáng khắp các bản người Hà Nhì nơi biên cương cực Tây Tổ quốc.

Bài 1: Những người lĩnh “ấn” tiên phong

Dành trọn cả cuộc đời theo Ðảng và Bác Hồ kính yêu, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, những đảng viên người Hà Nhì nơi biên cương Sín Thầu với quá trình hoạt động cách mạng nhiệt huyết, đầy những dấu ấn tự hào, luôn lĩnh “ấn” tiên phong, truyền lửa cho thế hệ sau viết tiếp trang sử vẻ vang của người Hà Nhì nơi phên giậu Tổ quốc.

Ðảng viên Pờ Dần Xinh (thứ 2 từ phải sang), bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) răn dạy con cháu đoàn kết, phát triển kinh tế. Ảnh: Sầm Phúc

Tiên phong diệt “giặc” dốt và xâm lăng

Ngược dòng lịch sử gần 50 năm trước, Sín Thầu khi ấy là xã Xính Phình thuộc huyện Mường Tè được mệnh danh là nơi “sơn cùng thủy tận”, nằm cách tỉnh lỵ Lai Châu cũ hơn 300km và muốn ra tỉnh phải cuốc bộ ngược núi, vượt sông tới cả tháng... Ấy vậy mà, năm 1972 cậu bé Pờ Dần Xinh (khi ấy 13 tuổi) là con thứ 6 của cụ Pờ Pố Chừ (một trong những đảng viên đầu tiên ở vùng đất ngã ba biên giới) đã quyết tâm từ biệt xóm làng, xa vòng tay yêu thương của cha mẹ để vượt núi, dốc Tà Tổng, Nậm Sả dựng đứng, băng qua sông Ðà hung dữ để lên trung tâm huyện Mường Tè theo học lớp vỡ lòng. Năm 1976 sau khi học hết lớp 4, Pờ Dần Xinh chuyển về Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu cũ (tại huyện Tuần Giáo) tiếp tục học đến năm 1983 thì xong lớp 10 và trở thành người có trình độ học vấn cao nhất lúc bấy giờ ở vùng đất ngã ba biên giới.

Trở về quê hương sau những “kỳ tích” về học tập, Pờ Dần Xinh tiếp tục tham gia dân quân du kích, Bí thư Chi đoàn bản Tả Kố Khừ rồi làm Trưởng ban Văn hóa xã kiêm Phó Bí thư Ðoàn xã. Tháng 1/1987 ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng sau một sự kiện đặc biệt hy hữu. Giữa tháng 8/1986, trời mưa như trút nước, lũ cuồn cuộn từ bên kia biên giới đổ về suối Mo Phí. Ðang trên đường từ bản A Pa Chải trở về, Pờ Dần Xinh nghe tiếng la hét của người dân bản Tả Kố Khừ, anh vội vã chạy tới thì thấy hàng chục người đang đuổi theo một trẻ nhỏ bị cuốn trôi giữa dòng nước lũ. Pờ Dần Xinh vội lao mình bơi ra giữa dòng suối dữ, tóm được tay của cậu bé rồi đưa vào bờ an toàn. Sự kiện anh Phó Bí thư Ðoàn xã dũng cảm cứu người đã làm lay động lòng người, khiến dân bản càng tin yêu, mến phục. Ngay sau đó Pờ Dần Xinh được Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Tè quyết định kết nạp vào Ðảng. Ðặc biệt, phát huy vai trò, phẩm chất mẫu mực của người đảng viên, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với nhân dân nên Pờ Dần Xinh tiếp tục được nhân dân tín nhiệm và bầu giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Chủ tịch rồi Bí thư Ðảng ủy xã; Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã... Ông là Bí thư Ðảng ủy xã đầu tiên trên vùng đất ngã ba biên giới (năm 2007, Chi bộ xã Sín Thầu mới có đủ đảng viên để thành lập Ðảng bộ).

Rời Tả Kố Khừ, chúng tôi về bản A Pa Chải tìm gặp ông Lỳ Xuyến Phù, nguyên Chủ tịch, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu, người đã “vào sinh ra tử” cùng với bộ đội bảo vệ mảnh đất biên cương. Ông Lỳ Xuyến Phù vinh dự được đứng trong hàng ngũ Ðảng khi vừa tròn 19 tuổi. Trong ngôi nhà trình tường, ông Lỳ Xuyến Phù bồi hồi nhớ lại: “Vào những năm đầu của thập niên 70, để xóa giặc dốt, ông đã ngược non, vượt suối gần 300km về Trường Thiếu niên Dân tộc tỉnh để theo học con chữ. Ðang học dở lớp 4 thì ông nhận được tin anh trai hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tạm gác lại chuyện học hành, ông trở về quê hương, gánh vác công việc đồng áng, nương rẫy thay các anh chăm lo bố mẹ. Năm 1979, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, bấy giờ chàng trai Lỳ Xuyến Phù là Xã đội trưởng đã cùng với nhân dân Sín Thầu tham gia vận chuyển súng, đạn, gạo phục vụ chiến đấu và trực tiếp chỉ huy gần 60 dân quân Sín Thầu cầm súng ra chiến trường, phối hợp cùng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) chiến đấu quyết liệt tại điểm cao 1296 (bản A Pa Chải) và các chốt biên phòng, ngăn chặn không để quân địch lấn sâu vào biên giới của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc bản mường, đường biên, cột mốc.

Truyền lửa cho thế hệ sau

Từ năm 2004, sau khi chia tách tỉnh Lai Châu (cũ) thành 2 tỉnh: Ðiện Biên - Lai Châu; xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) thuộc địa giới hành chính của tỉnh Ðiện Biên. Bấy giờ, ở nơi “thâm sơn cùng cốc” Sín Thầu xuất hiện nhiều điểm “nóng” phức tạp về an ninh trật tự, di dịch cư cự tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật. Ðặc biệt, đây là xã xa xôi nhất của huyện lỵ Mường Nhé, không chỉ đói nghèo mà tỷ lệ mù chữ khá cao... Vì thế, cuộc sống của người dân cứ mải miết trong vòng luẩn quẩn của đói -  nghèo, lạc hậu.

Phát huy vai trò của tổ chức đảng, nhất là những đảng viên kiên trung như ông Pờ Dần Xinh, Lỳ Xuyến Phù, Pờ Á Sinh... đã luôn gần dân, sát dân, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho quần chúng nhân dân. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu bằng ý chí và khát khao dựng xây, những đảng viên người Hà Nhì đã cùng với nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, đánh đuổi giặc “đói”, giặc “dốt” làm cho nhiều bản mường người Hà Nhì dần “thay da đổi thịt”, cuộc sống sung túc, ngày càng no ấm, đủ đầy hơn. Hiện tỷ lệ hộ nghèo xã Sín Thầu giảm còn 38,9%; thu nhập bình quân toàn xã đạt 700 - 800 nghìn đồng/người/tháng, đặc biệt toàn xã không còn đối tượng nghiện ma túy.

Viết tiếp trang sử hào hùng mà cha ông để lại, lớp lớp những người con quê hương Sín Thầu nguyện một lòng theo lý tưởng của Ðảng, ra sức học tập, thi đua ái quốc. Nhiều đảng viên trẻ, nhiệt huyết của Sín Thầu đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, chăm lo phát triển kinh tế, không những là trụ cột của xã nhà mà còn được cấp ủy, chính quyền các cấp tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng: Pờ Diệu Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé; Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu; Pờ Hùng Sang, Bí thư Huyện đoàn... Ðặc biệt, nhiều thanh niên ưu tú xã Sín Thầu đã và đang nỗ lực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, tích cực học tập, lao động sản xuất để sớm được đứng vào hàng ngũ của Ðảng như: Lỳ Lòng Xè, Pờ Pò Xá...

Ông Giàng A Dế, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Nhé chia sẻ: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, phẩm chất kiên trung, những đảng viên nơi ngã ba biên giới Sín Thầu thực sự là tấm gương sáng và là trung tâm tập hợp, gắn kết các dân tộc khác nơi biên viễn, nguyện một lòng sắt son theo lý tưởng của Ðảng. Ðặc biệt, họ không những là “cột mốc sống” bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nơi cực Tây Tổ quốc mà còn là điểm tựa vững chắc để nhân dân noi gương trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm và phát triển vững bền”.

Bài 2: Củng cố, xây dựng tổ chức đảng nơi biên giới

 Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ðể làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang… Ðảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng”. Vâng lời Bác dạy, Ðảng bộ xã biên giới Sín Thầu (huyện Mường Nhé) đã và đang làm tốt công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, nhất là “xóa” bản chưa có chi bộ và bản chưa có đảng viên. Từ đó, từng bước tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm tính kế thừa, phát triển liên tục của Ðảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.

ÐVTN xã Sín Thầu tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tham gia bảo vệ biên giới... Qua tham gia các hoạt động, nhiều ÐVTN ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Ðảng. Trong ảnh: ÐVTN xã Sín Thầu cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra, bảo vệ cột mốc. Ảnh: sầm phúc

Ðãi cát tìm vàng

Từ trung tâm huyện lỵ Mường Nhé, ngược quốc lộ 4H hơn 1 giờ, chúng tôi có mặt ở bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) - “thủ phủ” của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc. Biết chúng tôi tới, ông Pờ Dần Xinh - Bí thư Ðảng ủy xã đầu tiên của mảnh đất ngã ba biên giới đã chuẩn bị sẵn ấm trà người Hà Nhì nóng hổi để thiết đãi khách. Ở cái tuổi ngoài 60, hơn 30 năm tuổi Ðảng, nhưng ông Pờ Dần Xinh vẫn đau đáu trong lòng sự nghiệp xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nhất là công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ, đảng viên người dân tộc thiểu số trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc.  

Ngược dòng lịch sử, vào những năm 2000, nơi tận cùng, cuối đất Sín Thầu luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề nhức nhối, phức tạp về an ninh trật tự, di dịch cư tự do, vượt biên trái phép... Ðặc biệt, một phần nguyên nhân khiến đồng bào người Hà Nhì cứ mải miết trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo là do trong nhiều năm, các tổ chức đảng, chính quyền từ xã đến thôn, bản vẫn còn thiếu và yếu về mọi mặt. Hơn nữa, đa phần cán bộ chủ chốt của xã chưa học xong phổ thông, nhận thức hạn chế nên dù nhiệt huyết đến mấy cũng khó triển khai tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, không khơi thông được ý chí thoát nghèo trong tư tưởng quần chúng nhân dân.

Nhấp ngụm trà, ông Pờ Dần Xinh nhớ lại: Ở Sín Thầu hồi đó, đời sống người Hà Nhì còn nghèo nàn, lạc hậu, chỉ biết “chọc lỗ, tra hạt” trên nương chứ họ không mấy mặn mà với việc tham gia vào sinh hoạt ở các đoàn thể chính trị - xã hội. Tỷ lệ mù chữ cao (trên 70%), sinh nhiều con nên việc tìm kiếm lớp đảng viên có năng lực, trình độ học vấn để kế cận gặp rất nhiều gian khó, như “đãi cát tìm vàng” vậy! Ðặc biệt, khi ấy đội ngũ đảng viên từ xã đến thôn, bản trực thuộc Chi bộ Sín Thầu nhìn chung mới chỉ biết đọc, biết viết, tuổi lại cao, sức khỏe yếu... Thậm chí một số đồng chí do đồng lương ít ỏi, hạn chế về năng lực, không còn giữ được nhiệt huyết, sụt giảm ý chí phấn đấu, muốn nghỉ công tác.

Vì thế, ngay khi thành lập Ðảng bộ xã Sín Thầu (năm 2007) trên cương vị là Bí thư Ðảng ủy xã, ông Pờ Dần Xinh đã bắt tay ngay vào cuộc “cách mạng” nhằm cải tổ, củng cố lại các tổ chức đảng, nhất là giác ngộ ý chí phấn đấu của đội ngũ đảng viên. Kiến nghị với Huyện ủy giải quyết chế độ cho những cán bộ tuổi cao, sức khỏe yếu, năng lực hạn chế; bố trí, sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Ðồng thời, những đảng viên có năng lực, trình độ được Ðảng ủy phân công tỏa về các bản, trực tiếp xuống từng hộ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ người Hà Nhì. Quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng những quần chúng ưu tú là người dân tộc Hà Nhì có đủ phẩm chất chính trị, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ biên giới để xem xét kết nạp nhằm tạo nguồn cán bộ tại chỗ. Trước năm 2004, từ Chi bộ Sín Thầu có 13 đảng viên, đến cuối năm 2007, sau khi thành lập Ðảng bộ xã Sín Thầu có 3 chi bộ trực thuộc (Tả Kố Khừ, A Pa Chải, Sen Thượng), đặc biệt đội ngũ đảng viên đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với 32 đảng viên, sinh hoạt đều ở các chi bộ thôn, bản. Trên cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, ông Pờ Dần Xinh vẫn tiếp tục “truyền lửa”, tích cực chăm lo tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ, nữ giới, người DTTS... với nhiều cách làm hay sáng tạo, gần gũi để bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Ông chính là người góp công đầu trong công cuộc “xóa” thành công bản chưa có đảng viên nơi biên cương Sín Thầu.

“Ðơm hoa - kết trái” nơi địa đầu Tổ quốc

Từ một xã khó khăn “bậc nhất” của huyện Mường Nhé, với những cách làm sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sín Thầu đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng mừng trong công cuộc đổi mới và phát triển. Từ chỗ khó khăn, nghèo nàn lạc hậu, xã Sín Thầu đang vươn mình trỗi dậy và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nơi biên cương Mường Nhé.

Thêm một thông tin đặc biệt và để lại ấn tượng sâu đậm với chúng tôi là cả huyện Mường Nhé có 11 đảng bộ xã, thì chỉ riêng Sín Thầu có Bí thư Ðảng ủy xã là nữ giới, người dân tộc thiểu số - bà là Pờ Mỳ Lế, “bông hoa đẹp” giữa núi rừng Khoang La San hùng vĩ. Chưa đầy 40 tuổi, nhưng bà Pờ Mỳ Lế đã có hơn 5 năm giữ cương vị Huyện ủy viên, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu. Có lẽ, do sức trẻ, lòng nhiệt huyết nên chẳng có gì khó hiểu, khi Sín Thầu luôn là xã thuộc top đầu của huyện biên giới Mường Nhé. Bà Pờ Mỳ Lế phấn khởi chia sẻ: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xác định Ðảng là “kim chỉ nam”, ánh sáng soi đường để đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Vì thế, công tác “xóa” bản chưa có chi bộ, bản chưa có đảng viên, phát triển Ðảng trong đồng bào DTTS được Ðảng bộ xã Sín Thầu xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hành trình phát triển. 

Trước nhất, Ðảng bộ xã xác định tăng cường việc phát triển đảng viên ở những thôn, bản còn khó khăn và ít đảng viên hoặc chưa có đảng viên là vô cùng cấp thiết. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, bà Pờ Mỳ Lế đã cùng với Ðảng bộ, các tổ chức đảng đẩy mạnh việc hướng dẫn chi bộ trực thuộc, khảo sát, tìm “hạt nhân” để tuyên truyền phát triển Ðảng trong đội ngũ đoàn viên thanh niên, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, quần chúng ưu tú... Ðồng thời, phân công nhiệm vụ cho đảng viên theo dõi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng có đủ tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để giới thiệu cho Ðảng xem xét kết nạp.

Ðơn cử như Chi bộ Tả Kố Ki, dù khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển Ðảng, nhưng với cách làm bài bản, sáng tạo, đến năm 2014 không còn bản chưa có đảng viên.  Bí thư Chi bộ Giàng Sinh Chừ chia sẻ: “Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ðảng bộ xã, Chi bộ bản đã xây dựng kế hoạch, tổ chức họp dân kết hợp tuyên truyền lồng ghép công tác xây dựng Ðảng, đoàn thể đến người dân. Ðặc biệt, cùng với các tổ chức, đoàn thể giác ngộ lý tưởng cách mạng của Ðảng cho quần chúng nhân dân, thế hệ trẻ. Từ đó, phát hiện bồi dưỡng cá nhân ưu tú, đặc biệt là ÐVTN, trí thức trẻ có lập trường tư tưởng vững vàng đề nghị xem xét kết nạp Ðảng. Hiện nay, Tả Kố Ki đã thành lập được chi bộ độc lập, với 5 đảng viên, 100% là người Hà Nhì.

Ðối với những thôn, bản khó khăn, biên giới, thiếu hụt nguồn nhân lực, nhân tố để phát triển Ðảng, Ðảng bộ xã Sín Thầu đã đề ra nhiều giải pháp chiến lược, lâu dài là điều động đảng viên là cán bộ, công chức xã có kinh nghiệm “biệt phái” về các thôn “trắng đảng viên”, “ghép chi bộ” trực tiếp lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng dẫn tạo nguồn phát triển đảng viên. Khi chi bộ ghép đủ điều kiện về số lượng đảng viên và hoạt động vững mạnh thì thực hiện tách, thành lập chi bộ độc lập. Với cách làm bài bản, sáng tạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên, nơi ngã ba biên đã và đang không ngừng “đơm hoa - kết trái”, từng bước tăng cường sức chiến đấu và bảo đảm tính kế thừa, phát triển liên tục của Ðảng với 12 chi bộ trực thuộc, 95 đảng viên. Từ năm 2014, Ðảng bộ xã đã “xóa” thành công bản chưa có đảng viên, năm 2016 “xóa” thành công bản chưa có chi bộ.

Tin tưởng rằng, với cuộc cách mạng trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên nơi ngã ba biên sẽ tạo ra “cú hích” mạnh mẽ để Sín Thầu vươn mình phát triển toàn diện, bền vững. Thực hiện thành công mục tiêu “kép” là vừa bảo vệ biên giới quốc gia, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đem ấm no đến với những bản làng heo hút gió ngàn nơi biên viễn Sín Thầu.

Bài cuối: Sức sống mới nơi cực Tây Tổ quốc

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) xã Xính Phình (nay là xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) dù bị tàn phá nặng nề nhưng người Hà Nhì nơi đây luôn sát cánh cùng lực lượng công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng) bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn 4 thập kỷ qua, từ vùng chiến sự ác liệt, người Hà Nhì vẫn kiên cường bám bản, giữ đất, đánh đuổi giặc “dốt”, giặc “đói”, trở thành ngọn cờ  đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, dựng xây cuộc sống mới trên dải biên cương Mường Nhé.

Người dân xã Sín Thầu đào hố trồng rừng. Ảnh: Sầm Phúc

Những triệu phú nơi biên ải

Như một cơ duyên, trong Ðại hội Thi đua yêu nước tỉnh Ðiện Biên lần thứ V, tôi có dịp tái ngộ lão nông “triệu phú” người Hà Nhì Sùng Phì Sinh nơi biên ải Sín Thầu, điển hình trong phát triển kinh tế huyện Mường Nhé. Vẫn dáng người cao dỏng, nụ cười đôn hậu của 5 năm trước, khi tôi may mắn được cùng ông Sùng Phì Sinh vượt suối Mo Phí, dốc dựng đứng, vén từng bụi cây để lên trang trại nuôi trâu, bò, ong, gà, vịt... rộng mấy quả đồi nằm nép mình dưới chân núi Khoang La San hùng vĩ. Hồi đó, ở Sín Thầu người dân vẫn còn chìm trong đói nghèo thì ông Sùng Phì Sinh đã cất được ngôi nhà xây hai tầng rộng lớn, đẹp bậc nhất Sín Thầu. Ðặc biệt, ông còn mua sắm đầy đủ các loại máy móc phục vụ sinh hoạt và sản xuất (máy xay xát, máy cày, máy tuốt lúa...).

Dành cho tôi ít thời gian trò chuyện, trước khi lên xe trở về Sín Thầu, ông Sùng Phì Sinh phấn khởi chia sẻ: “Vừa rồi, để mở rộng trang trại, tôi đã đầu tư sửa chữa, gia cố lại hàng rào thép gai, trồng thêm cỏ voi và mở rộng con đường mòn để lên trang trại thuận lợi hơn”. Không biết chữ phổ thông, kinh nghiệm chăn nuôi của ông Sinh đều đúc kết từ thực tiễn, học hỏi các bậc tiền bối đi trước. Tận dụng đất đai rộng lớn, ngoài nuôi trâu, bò, ông Sinh mở rộng trang trại, nuôi thêm ong lấy mật, chăn nuôi gia cầm các loại. Tiếng lành đồn xa, đường sá thuận tiện, nhiều thương lái khắp nơi đã về Sín Thầu mua gia súc, gia cầm nhà ông Sinh. Với giá thành từ 25 - 40 triệu đồng/con trâu, bò, ông Sinh nhẩm tính, đàn vật nuôi của gia đình ông hiện có giá trị gần 4 tỷ đồng.

Xuôi quốc lộ 4H, chúng tôi về bản Tá Miếu, bản giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào tìm gặp “vua bò” Chang Váng Sinh. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Sinh vẫn luôn chân, luôn tay cắt cỏ, dọn chuồng trại... Vừa cho bò ăn, ông Sinh bảo: “Muốn đàn bò khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt thì chuồng trại phải sạch sẽ, nguồn thức ăn đảm bảo, tiêm thuốc thú y định kỳ. Chuẩn bị bước vào mùa đông, thời tiết vùng biên giới diễn biến phức tạp, có lúc lạnh 3 - 40C nên tôi phải làm lại chuồng, che chắn cẩn thận. Chứ để bò nhiễm lạnh là có thể mất cả cơ nghiệp”.

Thuật lại câu chuyện gây dựng cơ đồ, ông Sinh nhớ lại: “Những năm 1995 của thế kỷ trước, gia đình tôi nghèo lắm! Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, các con nheo nhóc bữa no, bữa đói. Cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Thế rồi, năm 1998 khi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 135) được triển khai, gia đình tôi được nhận 10 con bò sinh sản, nuôi trong 3 năm. Với sự nỗ lực, chịu thương, chịu khó chăm sóc đến năm 2001, tôi đã hoàn trả 10 con bò “F1” để dự án giao cho hộ khác, bấy giờ tôi vẫn còn 15 con bò giống “F2”, gần 10 con trâu của gia đình nuôi từ trước. Từ nền tảng này, tôi tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đặc biệt tận dụng vùng đất đồi hoang hóa, tôi đã cải tạo trồng cỏ voi, gây dựng trang trại rộng lớn nhất nhì Mường Nhé... Ðến nay, đàn bò nhà tôi sinh trưởng và phát triển vượt trội, thời điểm cao nhất tổng đàn lên đến gần 200 con, mang lại nguồn thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Từ tiền bán bò, ông Chang Váng Sinh đã xây được ngôi nhà 2 tầng kiên cố, mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền (ti vi, xe máy, tủ lạnh...); vui hưởng tuổi già bên gia đình và con cháu.

Ngọn cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Từ trên đỉnh Khoang La San, “nóc nhà” cực Tây Tổ quốc, nơi có cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, phóng tầm mắt theo những cánh rừng xanh ngút ngàn, các bản người Hà Nhì từ Tá Miếu, A Pa Chải, Tả Kố Khừ... hiện ra với những thửa ruộng bậc thang, nương ngô, nương lúa xanh mát mắt. Những nếp nhà trình tường cổ kính, mái xanh, mái đỏ nằm san sát tạo nên khung cảnh trù phú, yên vui nơi địa đầu Tổ quốc. Bức tranh nông thôn biên giới no ấm, thanh bình ấy được tạo nên nhờ sự nỗ lực, chung tay phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Sín Thầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Là xã biên giới, xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào triển khai xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng của Sín Thầu gần như là con số 0. Các tiêu chí “cứng” trong xây dựng NTM: Ðường giao thông, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, y tế... trở thành những rào cản và thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền xã. Ðặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao (năm 2015 là trên 60%), một bộ phận bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Xác định rõ những khó khăn, Ðảng bộ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn, ưu tiên thực hiện các phần việc có tính khả thi cao, tạo sức lan tỏa trong nhân dân. Ðặc biệt, tập trung thực hiện các tiêu chí gắn liền với đời sống người dân: Xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; kết cấu hạ tầng, môi trường... Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đem lại niềm tin trong nhân dân về những chủ trương “đúng” và “trúng”.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên cơ sở các chính sách ưu đãi (30a, 134/CP, 135/CP, Ðề án 79...) xã Sín Thầu đã xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi: Ðiện - đường - trường - trạm; triển khai đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các gói hỗ trợ đến nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Ðồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia hiến kế, hiến công, hiến đất chung sức hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM; chỉnh trang nhà ở, vệ sinh bản mường, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Từ thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ đói nghèo cao tới nay thu nhập bình quân đầu người xã Sín Thầu ước đạt 700 - 800 nghìn đồng/người/tháng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 38,9%, xã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng NTM, phấn đấu cán đích xã NTM vào cuối năm 2020.

Ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé đánh giá: “Dù là xã biên giới, xuất phát điểm thấp, nhưng với sự đồng lòng, bền tâm, vững chí của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nhì, xã Sín Thầu là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Mường Nhé. Hiệu ứng từ Sín Thầu đã tiếp thêm động lực để các xã trong huyện nỗ lực phấn đấu, sớm hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM”.

Bảo vệ vững chắc phên giậu Tổ quốc

Biên giới mùa này mưa như trút nước, lại thêm đợt cao điểm về phòng chống “giặc” Covid-19. Thấu hiểu sự gian nan, bà con Hà Nhì dù còn nghèo, chỉ có củ khoai, rau quả, cân gạo hay sức người... đã quyên góp ủng hộ các chốt biên phòng nơi rừng sâu, núi thẳm. Dù gian khó, hiểm nguy nhưng người Hà Nhì nguyện luôn là hậu phương vững chắc, đồng hành và tiếp thêm niềm tin để những chiến sĩ quân hàm xanh chắc tay súng bảo vệ phên giậu cực Tây Tổ quốc - bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu khẳng định.

Trên đường lên chốt, Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về bà con Hà Nhì nơi ngã ba biên giới này. Anh Tuấn bảo: “Hiếm có nơi nào như Sín Thầu, bà con Hà Nhì chiếm gần 100%, dù đời sống khó khăn nhưng họ vẫn kiên cường bám bản, chung tay cùng với bộ đội giữ bình yên biên giới; đặc biệt không di cư, không theo tà đạo, tôn giáo lạ, không đốt rừng làm nương..”. Ðơn vị được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài 40,5km và 16 cột mốc. Những năm qua, người Hà Nhì luôn là tai, là mắt của bộ đội biên phòng; không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, dụ dỗ lôi kéo vượt biên trái phép; tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy… Ðặc biệt, khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật, luận điệu tuyên truyền sai đường lối, bà con Hà Nhì đều báo cáo lực lượng chức năng cũng như chính quyền xã để xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Không chỉ là tai mắt mà người dân Hà Nhì còn tích cực cùng bộ đội tuần tra đường biên, bảo vệ cột mốc. Anh Chu Khai Phà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sín Thầu chia sẻ: “Ngoài kiểm tra an ninh biên giới, chúng tôi còn dọn dẹp đường mòn tới mốc, phát cỏ, lau dọn mốc, lùa gia súc của người dân chăn thả xung quanh mốc về khu vực nội biên, ngăn chặn tình trạng phá rừng giáp biên... Ðặc biệt, khi phát hiện trường hợp người dân ngoài khu vực xâm canh, xâm cư trái phép, chúng tôi sẽ khuyên họ trở về”.

Chia tay Sín Thầu, khi bình minh hửng sáng, trên con đường êm thuận trở về phố thị, chúng tôi vẫn còn nhớ lời hẹn và giọng nói ấm áp, kiên định của Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế: “Khi nào Sín Thầu được công nhận đạt chuẩn NTM các đồng chí phải vào chung vui với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nhì nhé”. Tin chắc rằng, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Sín Thầu sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trở thành “pháo đài” vững chãi bảo vệ vùng phên giậu cực Tây Tổ quốc. 


Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất