Thanh Hóa: Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận
Ban Dân Vận Tỉnh ủy Thanh Hóa bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ Dân vận trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả và hạn chế
 
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, những năm qua công tác dân vận các cấp trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Vì vậy việc đổi mới để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận các cấp là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay.

Giai đoạn 2011-2016, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 80 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, trong đó nổi bật là Quyết định số 1890-QĐ/TU của BTV Tỉnh ủy về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Chỉ thị số 15-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá... Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tham mưu ban hành 9 nghị quyết, 55 chỉ thị, 765 quy chế, quy định, kế hoạch về công tác dân vận. Bên cạnh đó, khối dân vận xã, phường, thị trấn; tổ dân vận thôn, bản, khu phố đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên về các nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nắm chắc tình hình cơ sở, tham mưu, giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, phát sinh ngay tại cơ sở như: Khiếu kiện đông người, vượt cấp của ngư dân thị xã Sầm Sơn; các hộ dân thôn 8, xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương) khiếu kiện về việc công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; nhân dân thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh (TP. Thanh Hóa) khiếu kiện về việc nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông gây ô nhiễm môi trường; các vấn đề nổi cộm ở khu công nghiệp Hoàng Long, chợ Bỉm Sơn phối hợp giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng tham mưu ban hành các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận ở cơ sở còn yếu; việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhiều nơi còn hình thức, sao chép, chưa sát với thực tiễn địa phương, đơn vị. Việc nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, tình hình cơ sở, dân tộc, tôn giáo, nhất là cơ sở còn yếu, chưa kịp thời. Vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của người phụ trách công tác dận vận và cán bộ tham mưu công tác dân vận chính quyền ở các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền cơ sở chưa có nhiều đổi mới. Công tác phối hợp với chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội xử lý các vấn đề phát sinh, nổi cộm ở cơ sở còn nhiều lúng túng, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Hoạt động của khối dân vận xã, phường, thị trấn còn hình thức, kém hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động của tổ dân vận thôn, bản, khu phố còn chồng chéo với hoạt động của ban công tác mặt trận...

Giải pháp

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới hiện nay. Trong đó trọng tâm là củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân vận; đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận theo hướng gần dân, sát cơ sở; phối hợp tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua “dân vận khéo” nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hai là, tập trung củng cố, xây dựng đảng bộ các cấp trong tỉnh vững mạnh; giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và các cấp chính quyền trong tỉnh.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy đối với công tác dân vận của chính quyền các cấp. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp, gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là nội dung quan trọng cần đổi mới. Tăng cường phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức đồng bộ, có hiệu quả các phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo đúng chủ trương cấp ủy đang lãnh đạo, nhiệm vụ chính quyền đang tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Bốn là, lãnh đạo mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân. Đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận, tham mưu giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc, phát sinh ở cơ sở theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả; sát với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đối tượng, vùng miền.

Năm là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh.

Sáu là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và khu vực.

Bảy là, tăng cường kiểm tra, giám sát và thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình “dân vận khéo”. Đây là giải pháp quan trọng để công tác dân vận mới thể hiện được vai trò, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất